• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/07/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 15/09/2018
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 80/2013/TTLT-BTC-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thanh Hóa, ngày 14 tháng 6 năm 2013

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp

thực hiện bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020

___________________

 

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 01/2008/ NĐ-CP ngày 3 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 3 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ;

Thực hiện Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 9/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020;

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020.

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế thực hiện khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên đối với rừng phòng hộ, rừng giống, vườn giống thuộc sở hữu nhà nước; thống kê rừng, kiểm kê rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; kinh phí hoạt động của các Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011–2020 quy định tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 9/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020.

2. Kinh phí khoán bảo vệ rừng rừng đặc dụng thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 – 2020 và các văn bản hướng dẫn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên

1. Diện tích khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên

a) Diện tích khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên bao gồm: rừng phòng hộ (gồm: rừng tự nhiên và rừng trồng đã hết thời kỳ xây dựng cơ bản nhưng vẫn cần bảo vệ); rừng giống, vườn giống thuộc sở hữu nhà nước đã được phê duyệt.

b) Xác định diện tích khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên: căn cứ nhiệm vụ khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên quy định tại Quyết định số 57/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ; Thông tư số 51/2012/TT-BNNPTNT ngày 19/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng quy định tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định diện tích, chi tiết theo từng loại rừng gắn với địa bàn cụ thể; để giao chỉ tiêu khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên cho các đối tượng thực hiện.

Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định diện tích khoán bảo vệ rừng, diện tích khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên theo hướng dẫn hàng năm về lập kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, gửi Bộ Tài chính để phối hợp thực hiện.

Riêng đối với diện tích khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên do ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định và thông báo diện tích đối với từng loại rừng theo quy định tại Thông tư số 51/2012/TT-BNN ngày 19/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chi tiết theo từng địa phương, gửi Bộ Tài chính.

2. Thực hiện khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên

a) Khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên thực hiện thông qua hợp đồng khoán. Thời hạn hợp đồng là hàng năm, hoặc theo kế hoạch trung hạn 3 năm, hoặc 5 năm.

Đối với hợp đồng khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên đã ký theo quy định tại Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 còn hiệu lực nếu không trái với quy định của Thông tư này thì tiếp tục thực hiện khoán theo hợp đồng đã ký.

b) Bên giao khoán là các chủ rừng nhà nước, bao gồm: Ban quản lý rừng phòng hộ, các đơn vị sự nghiệp quản lý rừng, đơn vị lực lượng vũ trang và doanh nghiệp Nhà nước.

c) Bên nhận khoán là các hộ gia đình, cá nhân, hoặc cộng đồng dân cư thôn hay nhóm hộ dân cư trú hợp pháp trên địa bàn, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn ở khu vực biên giới không có dân cư sinh sống.

Trong đó ưu tiên khoán bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc tại chỗ theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo sinh sống chủ yếu bằng nghề rừng tại các địa phương.

Trường hợp đối với những khu rừng không có đối tượng nhận khoán, chủ rừng phải tổ chức bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên.

d) Hàng năm bên giao khoán có trách nhiệm tiến hành nghiệm thu đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng đối với từng đối tượng nhận khoán có xác nhận của cán bộ kiểm lâm địa bàn.

Trường hợp vi phạm hợp đồng (như để xảy ra mất rừng hoặc suy giảm chất lượng rừng thì phải lập biên bản xác định diện tích rừng đã mất hoặc bị suy giảm chất lượng rừng), phải xác định rõ nguyên nhân và xử lý theo trách nhiệm ghi trong hợp đồng.

đ) Công tác nghiệm thu thực hiện theo quy định hiện hành (hiện nay là Quyết định số 06/2005/QĐ-BNN ngày 24/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định nghiệm thu trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, chăm sóc rừng trồng, bảo vệ rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên; Quyết định số 59/2007/QĐ-BNN ngày 19/06/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 06/2005/QĐ-BNN ngày 24/01/2005).

Kết quả nghiệm thu hàng năm được hai bên giao khoán và bên nhận khoán xác nhận, là căn cứ để bên giao khoán quyết toán kinh phí.

3. Mức khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên

a) Mức khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên thực hiện theo quy định tại Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn NSNN giai đoạn 2011 – 2015, trong đó mức khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên bình quân là 200.000 đồng/ha/năm.

Mức khoán cụ thể do Bộ, ngành (đối với diện tích rừng thuộc các Bộ, ngành quản lý) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với diện tích rừng thuộc địa phương quản lý) quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế và phải được công bố công khai hàng năm về mức khoán, diện tích khoán để bên nhận khoán biết.

b) Ngoài mức khoán chung theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này, tùy theo điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hỗ trợ thêm kinh phí cho khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên.

4. Nguồn kinh phí

a) Kinh phí khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên

- Ngân sách trung ương đảm bảo:

+ Kinh phí khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên đối với diện tích rừng thuộc Bộ, ngành quản lý được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao quản lý.

+ Hỗ trợ ngân sách địa phương để khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên đối với diện tích rừng thuộc địa phương quản lý được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo diện tích rừng cần bảo vệ.

- Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên đối với diện tích cần khoán còn lại của địa phương.

b) Kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu được tính bằng 7% trên tổng kinh phí khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên hàng năm của chủ rừng thuộc sở hữu Nhà nước và không trùng lặp với diện tích giao khoán của các chương trình, dự án khác.

- Ngân sách trung ương bảo đảm đối với diện tích khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên thuộc các Bộ, ngành quản lý.

- Ngân sách địa phương bảo đảm đối với diện tích khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên thuộc địa phương quản lý.

c) Kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên rừng chỉ thực hiện năm đầu tiên đối với diện tích khoán mới. Mức kinh phí lập hồ sơ khoán lần đầu là 50.000 đồng/ha.

- Ngân sách trung ương bảo đảm đối với diện tích khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên thuộc các Bộ, ngành quản lý.

- Ngân sách địa phương bảo đảm đối với diện tích khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên thuộc địa phương quản lý.

Điều 4. Thống kê rừng, kiểm kê rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng

1. Thống kê rừng, kiểm kê rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng: thực hiện theo quy định tại Điều 39, Điều 40, Điều 41 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

2. Mức chi: thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Nguồn kinh phí

Ngân sách Trung ương chi cho các nhiệm vụ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện.

Ngân sách địa phương chi cho các nhiệm vụ do địa phương thực hiện.

Điều 5. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020

1. Nội dung chi

a) Chi hoạt động của Ban Chỉ đạo theo kế hoạch hàng năm được phê duyệt, gồm:

- Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ của Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020 tại các địa phương;

- Kiểm tra đột xuất các trọng điểm chặt phá rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, buôn bán lâm sản trái pháp luật;

- Các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.

b) Chi hoạt động của Văn phòng Ban Chỉ đạo theo kế hoạch được phê duyệt, gồm:

- Chi tiền lương, chi tiền công, phụ cấp và các khoản đóng cho lao động hợp đồng theo quy định;

- Chi hoạt động thường xuyên: chi làm ngoài giờ; thanh toán dịch vụ công cộng; mua vật tư văn phòng; thông tin, liên lạc; chi phí hội nghị; thi đua khen thưởng; chi thanh toán công tác phí; chi sửa chữa tài sản; chi phí mua sắm tài sản dùng cho quản lý điều hành; chi cho các đoàn công tác liên ngành tham gia thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và chi phí khác (nếu có);

- Các khoản chi khác theo yêu cầu của Ban chỉ đạo.

2. Quản lý nguồn kinh phí

a) Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban Chỉ đạo do Ngân sách Trung ương bảo đảm và giao về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Văn phòng Ban Chỉ đạo quản lý.

b) Văn phòng Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm quản lý tài chính nguồn kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban Chỉ đạo theo quy định hiện hành.

c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt dự toán kinh phí hoạt động hàng năm. Văn phòng Ban Chỉ đạo phê duyệt dự toán chi tiết các hoạt động.

d) Đối với các hoạt động do các thành viên Ban Chỉ đạo hay các Bộ, ngành thực hiện hoặc phối hợp thực hiện: trường hợp Ban chỉ đạo quyết định thành lập Đoàn thực hiện nhiệm vụ có liên quan tới nhiều cơ quan đơn vị, Văn phòng Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và thanh toán.

Đối với các Đoàn công tác Ban Chỉ đạo giao các Bộ, ngành thực hiện kinh phí chi từ dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ, ngành.

đ) Văn phòng Ban Chỉ đạo xây dựng quy chế quản lý, sử dụng nguồn phí hoạt động của Ban Chỉ đạo nhà nước và Văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

3. Mức chi: theo quy định hiện hành đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Điều 6. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 cấp tỉnh

Căn cứ quy định tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ và quy định tại Điều 5 Thông tư này, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 cấp tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Điều 7. Lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước

1. Việc lập dự toán, thanh toán và quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 thực hiện theo quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 26/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước và quy định tại Thông tư này; Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 2/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước; Thông tư số 01/2007/TT-BTC ngày 2/1/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn xét duyệt, thẩm định quyết toán năm đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp.

2. Đối với kinh phí bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương cho các địa phương để thực hiện khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên:

a) Hàng năm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập dự toán phần kinh phí đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ theo hướng dẫn tại thông tư này gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kinh phí hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương cùng thời điểm lập dự toán ngân sách hàng năm gửi Bộ Tài chính.

c) Căn cứ khả năng của ngân sách Trung ương, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét mức bổ sung hỗ trợ có mục tiêu ngân sách địa phương; tổng hợp và lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn hồ sơ, mẫu hợp đồng khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 7 năm 2013 và áp dụng từ năm dự toán ngân sách 2013.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Thị Minh

Hà Công Tuấn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.