• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 04/05/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 16/02/2007
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 43/2000/QĐ-BNNPTNT/TCCB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thanh Hóa, ngày 19 tháng 4 năm 2000

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thành lập Văn phòng CITES Việt Nam

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 01/11/1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổ chức Traffic South East Asia ( theo dõi buôn bán động thực vật hoang dã Đông Nam á), ký ngày 9 tháng 3 năm 2000;

Xét đề nghị của Cục Kiểm lâm tại công văn số 170/KL-BTTN ngày 28/3/2000;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay thành lập cơ quan thảm quyền quản lý CITES Việt Nam, gọi tắt là Văn phòng CITES Việt Nam trực thuộc Cục Kiểm lâm.

Tên giao dịch quốc tế: VIETNAM CITES MANAGEMENT AUTHORITY

Điều 2.-Văn phòng CITES là bộ phận thường trực của cơ quan thẩm quyền Việt Nam trong việc thực thi Công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp). Văn phòng có chức năng tham mưu cho Cục trưởng Cục Kiểm lâm tổ chức và thực hiện các điều khoản của Công ước và các nội dung liên quan đến Công ước được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn uỷ quyền.

Văn phòng có các nhiệm vụ sau:

1/ Thường xuyên liên hệ với Ban thư ký CITES và cơ quan thẩm quyền quản lý CITES của các nước thành viên liên quan: Gửi báo cáo định kỳ, tiếp nhận văn bản, trao đổi thông tin, phối hợp tham gia chuẩn bị các cuộc hội nghị, hội thảo của vùng và hội nghị các nước thành viên, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Công ước.

2/ Hướng dẫn và giám sát các trại nuôi động vật hoang dã và các vườn ươm thực vật rừng (có tham gia xuất nhập khẩu) để thực hiện đúng các quy định của Luật trong nước và quốc tế.

3/ Tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán động, thực vật hoang dã cũng như việc thực thi pháp luật; đề xuất các biện pháp nhằm ngăn chặn việc khai thác, sử dụng, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã trong xuất nhập khẩu; góp phần bảo vệ có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia, trước hết là các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

4/ Tổ chức tuyên truyền về Công ước CITES cũng như luật pháp quốc gia liên quan đến việc xuất nhập khẩu các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp; tổ chức đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ hàng năm cho các đối tượng trong và ngoài ngành tham gia thực thi Công ước CITES.

5/ Thực hiện việc cấp giấy phép CITES hoặc chứng chỉ xuất nhập khẩu động, thực vật hoang dã theo đúng luật pháp quốc gia và phù hợp với Công ước CITES đảm bảo không gây hại cho sự tồn tại của chúng trong tự nhiên.

Điều 3.- Văn phòng CITES có biên chế 05 người, lấy trong biên chế của lực lượng kiểm lâm và giao cho Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên phụ trách. Trong năm đầu được sử dụng 02 biên chế hiện có của Cục Kiểm lâm và tuyển 03 hợp đồng do tổ chức Traffic South East Asia tài trợ về tiền lương.

Điều 4.- Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 5.- Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Kiểm lâm và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này ./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Đẳng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.