THÔNG TƯ
Hướng dẫn tổ chức công tác thu thuế qua
hệ thống kho bạc Nhà Nước
_____________________________________
Để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ thu Ngân sách Nhà nước hàng năm theo kế hoạch đã được Quốc hội phê chuẩn, thực hiện Chỉ thị số 132/TTg ngày 27/03/1993 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thu chi Ngân sách Nhà nước nhằm tập trung nhanh mọi nguồn thu vào Ngân sách Nhà nước, mở rộng việc thực hiện phương thức người nộp thuế trực tiếp nộp tiền thuế vào Kho bạc Nhà nước trước hết là ở những thành phố, thị xã và những nơi có nguồn thu lớn của Ngân sách Nhà nước; Bộ Tài chính quy định trách nhiệm tổ chức công tác thu nộp thuế qua hệ thống Kho bạc Nhà nước như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ TRỰC TIẾP TẠI KHO BẠC NHÀ NƯỚC.
1/ Các đơn vị tổ chức kinh tế và hộ tư nhân (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) có địa điểm sản xuất kinh doanh cố định, có mức thuế và các khoản phải nộp Ngân sách Nhà nước hàng tháng bằng tiền mặt lớn đến thời hạn nộp theo thông báo của cơ quan thuế phải đến nộp trực tiếp tại các điểm thu của Kho bạc Nhà nước trên địa bàn.
2/ Đối với các doanh nghiệp có số thuế phải nộp ít hoặc ở địa bàn xa xôi hẻo lánh và các hộ kinh doanh lưu động không nhất thiết phải nộp trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước; cơ quan thuế bố trí cán bộ thu và nộp vào Kho bạc Nhà nước cuối ngày hoặc 3 ngày 1 lần.
3/ Đối với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu do cơ quan Hải quan thu đều phải nộp đầy đủ, kịp thời về Ngân sách Nhà nước.
4/ Đối với thuế nông nghiệp, những địa phương đã thống nhất giữa Kho bạc Nhà nước và thuế hiện nay do cơ quan thuế trực tiếp thu nộp vào Kho bạc Nhà nước vẫn được duy trì.
5/ Các khoản thu về phí, lệ phí trước mắt vẫn do các cơ quan Bộ Tài chính uỷ quyền thu và thực hiện nộp đầy đủ vào Kho bạc Nhà nước theo quy định. Riêng thuế trước bạ, Kho bạc Nhà nước bố trí bàn thu tiền tại phòng thuế trước bạ của Cục thuế.
6/ Các doanh nghhiệp mở tài khoản tại các Ngân hàng nếu nộp thuế bằng chuyển khoản vẫn thực hiện ghi vào tài khoản tiền gửi của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng.
+ Các doanh nghiệp, được mở tài khoản chuyên thu tại Kho bạc Nhà nước để nộp thuế và các khoản phải nộp Ngân sách Nhà nước.
+ Các doanh nghiệp có ngân phiếu thanh toán do Ngân hàng Nhà nước phát hành còn trong thời hạn thanh toán được sử dụng để nộp thuế và các khoản phải nộp Ngân sách Nhà nước.
7/ Các doanh nghiệp hạch toán tập trung toàn ngành, nộp thuế và các khoản phải nộp Ngân sách Nhà nước tại Kho bạc Nhà nước Trung ương (trừ thuế doanh thu được nộp tại địa phương nơi đơn vị đóng trụ sở).
8/ Các đơn vị thi công xây lắp là đơn vị hạch toán kinh tế... khi thi công trên địa bàn thuộc địa phương khác cách xa trụ sở công ty, xí nghiệp, liên hiệp.. thuế doanh thu được nộp tại Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị đang thi công. Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, xác định số thuế doanh thu phải nộp, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra đơn vị nộp thuế theo chế độ quy định hiện hành.
II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN THU.
1/ Cơ quan thuế:
1.1- Hàng tháng, quý, năm, cơ quan Thuế gửi Kho bạc Nhà nước đồng cấp kế hoạch thu Ngân sách có chia ra khu vực kinh tế và địa bàn thu để Kho bạc Nhà nước chủ động bố trí việc thu Thuế cho phù hợp.
Kế hoạch thu hàng tháng gửi vào ngày 25 của tháng trước, kế hoạch quý gửi vào ngày 20 của tháng cuối quý trước; kế hoạch năm gửi vào ngày 15 của tháng 12 năm trước.
1.2- Xác định số thuế và các khoản phải nộp Ngân sách của các đối tượng nộp. Viết thông báo ghi rõ thời hạn nộp và gửi thông báo trực tiếp đến đối tượng nộp trước 03 ngày của thời hạn nộp.
Lịch nộp thuế quy định cho các đối tượng được phân theo địa bàn và rải đều các ngày làm việc trong tháng, không để dồn vào cuối tháng, tránh tình trạng có ngày số người đến nộp quá đông hoặc có những ngày số người đến nộp ít hoặc không có người đến nộp thuế.
1.3- Hướng dẫn cán bộ kế toán thuế và đối tượng nộp lập chứng từ nộp Ngân sách, ghi rõ ràng, chính xác, đầy đủ nội dung, yếu tố trên chứng từ theo quy định.
1.4- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các đối tượng nộp đảm bảo thực hiện nộp đúng thời hạn, đủ tiền thuế và các khoản phải nộp Ngân sách, không bỏ sót nguồn thu và đối tượng nộp.
2/ Cơ quan Hải quan.
2.1- Cơ quan Hải quan có trách nhiệm xác định số thuế xuất, nhập khẩu bao gồm thuế xuất, nhập khẩu tiểu ngạch phải nộp Ngân sách của các đơn vị, viết thông báo và hướng dẫn đối tượng nộp lập chứng từ theo đúng chương, loại, khoản, hạng, mục của mục lục Ngân sách Nhà nước hiện hành. Đối tượng nộp đến trực tiếp Kho bạc Nhà nước để nộp (nộp bằng tiền mặt) hoặc chuyển vào tài khoản chuyên thu của Hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước (nộp bằng chuyển khoản) theo chi tiết tài khoản chuyên thu về thuế xuất nhập khẩu riêng, thuế xuất nhập khẩu tiểu ngạch riêng.
2.2- Hàng ngày vào giờ làm việc buổi chiều, lập chứng từ trích chuyển toàn bộ số tiền còn trên tài khoản chuyên thu để nộp Ngân sách Nhà nước. Trường hợp cơ quan Hải quan không đến làm thủ tục nộp Ngân sách thì Kho bạc Nhà nước được phép lập chứng từ trích toàn bộ số dư có trên tài khoản chuyên thu nộp vào Ngân sách.
2.3- Các khoản thu khác do Hải quan trực tiếp thu theo quy định (phí, lệ phí, tiền phạt...) nộp Ngân sách Nhà nước ngay trong ngày hoặc theo định kỳ (sau khi thống nhất với Kho bạc Nhà nước).
2.4- Đối với các khoản thu Ngân sách bằng ngoại tệ, cơ quan Hải quan hướng dẫn đối tượng nộp vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước tại Ngân hàng ngoại thương (hoặc phòng ngoại hối của Ngân hàng thương mại quốc doanh) trên địa bàn.
3/ Kho bạc Nhà nước:
3.1- Trên cơ sở kế hoạch thu nhận được của cơ quan thuế, Kho bạc Nhà nước chủ động bố trí cán bộ, phương tiện để đảm bảo thu hết số tiền thuế của các đối tượng nộp theo lịch. Những ngày tập trung thu cao điểm, Kho bạc Nhà nước phối hợp với cơ quan thuế, bố trí cán bộ ở những điểm thu cần thiết để thu, kể cả làm thêm giờ, ngày lễ, ngày chủ nhật và phải đảm bảo an toàn cho điểm thu
3.2- Mọi khoản thu Ngân sách Nhà nước, nộp vào Kho bạc Nhà nước phải tổ chức hạch toán đầy đủ, kịp thời vào Ngân sách Nhà nước. Số tiền thu được trong ngày, phải đảm bảo an toàn tuỵệt đối, phải vận chuyển về nhập vào kho ngay trong ngày theo chế độ quy định. Đối với tài khoản chuyên thu của Hải quan được thực hiện theo quy định nêu tại điểm 2.2 mục II trên đây.
3.3- Kho bạc nhà nước quy định mức tồn quỹ hàng ngày, hoặc định kỳ cho cơ quan thuế, Hải quan (các khoản tiền do các cơ quan này thu được trực tiếp), kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thu nộp đầy đủ, đúng thời hạn vào Kho bạc nhà nước.
III. CHỨNG TỪ THU NỘP VÀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO:
a) Chứng từ thu nộp:
1/ mẫu các chứng từ thu nộp Ngân sách Nhà nước (biên lai thu thuế, thu tiền phạt, thu phí, lệ phí, giấy nộp tiền vào Ngân sách bằng tiền mặt, bằng chuyển khoản...) do Bộ Tài chính phát hành và được sử dụng thống nhất trong toàn quốc. Doanh nghiệp khi nộp Ngân sách Nhà nước đều phải sử dụng đúng loại chứng từ đang còn hiệu lực thi hành cho từng loại thu, nộp do Bộ Tài chính phát hành.
2/ Mọi chứng từ thu, nộp Ngân sách phải được ghi đầy đủ nội dung, đúng mã số chương, loại, khoản, hạng, mục theo mục lục Ngân sách Nhà nước hiện hành. Kho bạc Nhà nước được quyền không nhận những chứng từ không hợp pháp, hợp lệ và không ghi đầy đủ các yếu tố quy định.
3/ Việc luân chuyển chứng từ giữa cơ quan Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước - Thuế được thực hiện theo Thông tư Liên bộ số 68 - TTLB ngày 9/8/1993 của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Luân chuyển chứng từ giữa cơ quan Thuế - Kho bạc Nhà nước - Hải quan thực hiện theo quy định hiện hành.
b) Chế độ thông tin, báo cáo:
1/ Sau khi hạch toán vào tài khoản thu Ngân sách Nhà nước Kho bạc Nhà nước và gửi giấy hồi báo cho cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan chậm nhất là sau 01 ngày làm việc. Trường hợp các tổ thu lưu động ở xa trụ sở làm việc thì gửi giấy hồi báo cho cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan chậm nhất là sau 02 ngày làm việc.
2/ Việc khoá sổ kế toán hàng tháng của hai cơ quan Thuế và Kho bạc Nhà nước ở từng cấp, trước mắt quy định như sau:
- Tại Quận, Huyện thị xã nơi trực tiếp giao dịch thu nộp tiền thuế khoá sổ kế toán trước 02 ngày cuối tháng.
Tại Tỉnh, Thành phhố: tổng hợp số liệu và khoá sổ vào trước 01 ngày cuối tháng.
Riêng tháng 12 hàng năm, thống nhất khoá sổ vào ngày 31, tuyệt đối không được chuyển sang ngày 01/01 năm sau.
3/ Vào các ngày 05, 12 và 25 hàng tháng, cơ quan Thuế và Kho bạc Nhà nước đối chiếu số liệu, yêu cầu phải khớp đúng chương, loại, khoản, hạng, mục và số tiền, nếu phát hiện sai sót thuộc cơ quan nào thì cơ quan đó phải tiến hành điều chỉnh và phải thông báo cho đơn vị liên quan để số liệu được thống nhất.
4/ Định kỳ hàng tháng, cơ quan Hải quan đối chiếu số liệu và lấy xác nhận của Kho bạc Nhà nước cùng cấp gửi Bộ Tài chính để làm căn cứ xác định thực thu Ngân sách Nhà nước của cơ quna Hải quan.
5/ Hệ thống Thuế, Kho bạc Nhà nước thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định của từng ngành.
IV. BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN
a) Tổ chức thu:
1- Các cơ quan Thuế căn cứ vào khả năng của Kho bạc Nhà nước có thể tổ chức thu trực tiếp để phối hợp với Kho bạc Nhà nước cùng cấp phân loại địa bàn xác định thống nhất, cụ thể (bằng văn bản) về số lượng đối tượng nộp và quy định mức thuế cụ thể đến nộp tiền trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước và tạo điều kiện tổ chức, bố trí các điểm thu cho Kho bạc Nhà nước, thông báo cho các đối tượng nộp thuế, tổ chức đôn đốc thu nộp thuế đầy đủ, kịp thời mọi khoản thu vào Ngân sách.
Xác định các đối tượng nộp thuế thuộc các hộ nhỏ, có số thuế phải nộp ít (theo quy định tại điểm 1,2 mục I nêu trên ) để cơ quan Thuế trực tiếp thu. Cơ quan thuế bố trí các bàn thu tiền tại UBND xã, phường, ban quản lý chợ, bến tàu, xe... để người nộp thuế đến nộp trực tiếp, cán bộ thuế hạn chế đến từng đối tượng nộp thuế để thu; phối hợp với Kho bạc Nhà nước quy định rõ số tiền được tồn quỹ cho từng cán bộ, không để tình trạng giữ tiền thuế quá mức và quá thời gian quy định.
2/ Trong những ngày thu tập trung cao điểm vào cuối tháng, quý, năm, cơ quan thuế bố trí cán bộ phối hợp với Kho bạc Nhà nước ở những điểm thu cần thiết để đảm bảo được tiến độ thu và kế hoạch thu đã quy định. Ở những điểm thu lưu động, bố trí cán bộ phối hợp với Kho bạc Nhà nước trong quá trình bảo vệ điểm thu và vận chuyển tiền.
3/ Các đơn vị Kho bạc Nhà nước bố trí bàn thu tại trụ sở Kho bạc Nhà nước và những điểm thu tại nơi có nguồn thu lớn, thường xuyên, đảm bảo thuận tiện và an toàn cho người nộp thuế.
4/ Kho bạc Nhà nước sau khi thống nhất với cơ quan thuế xác định và bố trí các điểm thu, báo cáo chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho người nộp thuế, người thu tiền.
5/ Việc bố trí các điểm thu của Kho bạc Nhà nước cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
- Thuận tiện cho người nộp.
- Đảm bảo an toàn cho người thu, người nộp tiền.
- Điểm thu cố định là nơi có khối lượng thu lớn, thường xuyên.
- Điểm thu lưu động là điểm thu không thường xuyên, tiếp nhận các khoản thu phát sinh từng thời điểm (như thuế nông nghiệp).
Việc xác định các điểm thu căn cứ vào:
- Số lượng đối tượng nộp.
- Biên chế và kinh phí hiện có có thể huy động đến mức tối đa tại thời điểm thu cao điểm nhưng vẫn phải đảm bảo được nhiệm vụ thường xuyên của Kho bạc Nhà nước.
- Mức độ thuận tiện, khả năng bố trí các bàn thu cho người thu, người nộp, khả năng an toàn.
Các điểm thu cố định không nằm trong trụ sở Kho bạc Nhà nước còn thực hiện một số nhiệm vụ khác của Kho bạc Nhà nước.
6/ Uỷ ban Nhân dân và cơ quan Tài chính các cấp có trách nhiệm và biến pháp tạo điều kiện cho Kho bạc Nhà nước và cơ quan Thuế làm tốt nhiệm vụ thu Ngân sách Nhà nước.
b)Biên chế cán bộ :
Biên chế cán bộ cho công tác thu thuế của hệ thống Kho bạc Nhà nước trước hết được bố trí sắp xếp trong biên chế hiện có đang thực hiện các nhiệm vụ của Kho bạc Nhà nước, nếu thiếu thì được tuyển dụng thêm cán bộ theo hướng sắp xếp lại số cán bộ thu ngân ở Cục thuế và các Chi Cục thuế chuyển qua theo sự thoả thuận giữa Tổng Cục thuế và Cục KBNN. Căn cứ vào khối lượng và tính chất công việc, nhu cầu biên chế, Cục Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm tổng hợp trình Bộ và Chính phủ bổ sung theo khối lượng công tác tăng thêm.
c) Kinh phí và chế độ thưởng,phạt:
1/ Chi phí cho việc tổ chức công tác thu Thuế của Kho bạc Nhà nước về tiền thuê địa điểm, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, phương tiện vận chuyển tiền, chi phí bảo vệ, chi phí kiểm đếm, vận chuyển tiền, chi phí bồi dưỡng ngoài giờ. được Ngân sách Trung ương cấp theo kế hoạch dự toán tại mục riêng trong tổng số kinh phí thường xuyên của Kho bạc Nhà nước.
Hàng năm, quý khi cấp kinh phí cho các đơn vị Vụ Tài chính quản trị và Vụ Hành chính văn xã thống nhất với Cục Kho bạc Nhà nước trích một phần quỹ phối hợp thu thuế để chi thưởng cho những đơn vị và cá nhân trong hệ thống Kho bạc Nhà nước có thành tích trong qúa trình thu thuế... bằng 0,1% của tổng doanh số thu thuế bằng tiền mặt và Ngân phiếu qua Kho bạc Nhà nước. Việc trích quỹ thưởng được thực hiện tập trung qua Cục Kho bạc Nhà nước để phân phối cho các đơn vị Kho bạc Nhà nước trực thuộc.
2/ Đối với cán bộ thực hiện nhiệm vụ thu thuế ngoài giờ, ngày lễ, ngày chủ nhật được hưởng bồi dưỡng làm ngoài giờ theo chế độ quy định, các tổ trưởng bàn thu thuế được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo quy định tại điểm 3 mục II Thông tư số 17/LĐTBXH-TT ngày 2/6/1993 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội.
3/ Các đơn vị, cá nhân thuộc các ngành Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các cấp, các ngành liên quan có thành tích trong công tác thu thuế đều được khen thưởng theo chế độ hiện hành. Những cá nhân và đơn vị vi phạm kỷ luật trong công tác thu thuế đều bị xử phạt theo mức độ vi phạm và chế độ xử lý kỷ luật hiện hành.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư này được thực hiện kể từ ngày ký, các văn bản trước đây trái với văn bản này đều không còn hiệu lực thi hành.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, Tổng cục Thuế, Cục Kho bạc Nhà nước, Vụ Tổ chức và cán bộ, Vụ Ngân sách Nhà nước, Vụ Hành chính văn xã và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm phối hợp chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể để thực hiện./.