Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn thành phố hồ chí minh

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ MƯỜI (NGÀY 08 THÁNG 10 NĂM 2018)

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020;

Xét Tờ trình số 4490/TTr-UBND ngày 05 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Báo cáo thẩm tra số 573/BC-HĐND ngày 06 tháng 10 năm 2018 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thực hiện cơ chế hỗ trợ Đề án Chương trình Sữa học đường đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

1. Đối tượng thụ hưởng:

Trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tại các trường công lập, ngoài công lập và trẻ em học tại lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn thành phố.

Trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang học tại các trường học tham gia Đề án Chương trình Sữa học đường.

2. Định mức:

Mỗi trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 được uống 1 hộp sữa dung tích 180ml/lần/ngày với 5 lần/tuần trong 9 tháng của năm học (trừ 3 tháng hè).

3. Phương án đấu thầu:

Tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp sữa theo quy định của pháp luật.

4. Mức hỗ trợ:

a) Đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 tại các trường công lập, ngoài công lập và trẻ em học tại lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn thành phố tham gia Đề án Chương trình Sữa học đường: Ngân sách thành phố hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20% và phụ huynh học sinh đóng góp 50%.

b) Đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang học tại các trường tham gia Đề án Chương trình Sữa học đường: Ngân sách thành phố hỗ trợ 50%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.

5. Kinh phí thực hiện: Từ ngân sách thành phố, doanh nghiệp cung cấp sữa, phụ huynh học sinh và đóng góp của xã hội.

6. Thời gian triển khai thực hiện:

Học kỳ 2 năm học 2018 -2019: Triển khai thực hiện đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học lớp 1 trên địa bàn 10 quận, huyện: 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.

Ủy ban nhân dân thành phố sơ kết đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường năm học 2018-2019 báo cáo kỳ họp thường lệ giữa năm 2019 Hội đồng nhân dân thành phố và đề xuất điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố và Hội đồng nhân dân các quận, huyện giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, kỳ họp thứ mười thông qua ngày 08 tháng 10 năm 2018./.

HĐND thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Quyết Tâm