Sign In

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ (MẪU) VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA PHÒNG TƯ PHÁP THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN, QUẬN BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 10/2016/QĐ-UBND NGÀY 05 THÁNG 4 NĂM 2016 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngày 20 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 19/2015/TT-BTP ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về kiểm tra tính pháp lý của Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện đối với hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 3072/TTr-STP ngày 29 tháng 6 năm 2020, của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 2940/TTr-SNV ngày 21 tháng 7 năm 2020; báo cáo của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố về kết quả lấy ý kiến các Thành viên Ủy ban nhân dân Thành phố tại Công văn số 6458/VP-NCPC ngày 04 tháng 8 năm 2020 và Tổ biên tập để chỉnh lý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế (mẫu) về tổ chức và hoạt động của Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận ban hành kèm theo Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh:

1. Khoản 8 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“8. Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật

Phòng Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân huyện, quận thực hiện quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, xử lý văn bản:

a) Là đầu mối, giúp Ủy ban nhân dân huyện, quận tự kiểm tra văn bản do Ủy ban nhân dân huyện, quận ban hành. Khi phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, lập hồ sơ kiểm tra văn bản và báo cáo ngay kết quả kiểm tra văn bản với cơ quan, người đã ban hành văn bản đó để xem xét, xử lý theo quy định.

b) Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ban hành; văn bản có chứa quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ban hành nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật; văn bản do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc chức danh khác ở xã, phường, thị trấn ban hành, có chứa quy phạm pháp luật. Khi phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, lập kết luận kiểm tra, gửi cơ quan, người đã ban hành văn bản xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Kết luận kiểm tra văn bản phải được gửi đến Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có văn bản được kiểm tra, phát hiện dấu hiệu trái pháp luật để chỉ đạo, tổ chức việc xử lý văn bản, đồng thời được gửi cho công chức Tư pháp - Hộ tịch nơi có văn bản được kiểm tra.

Trường hợp cơ quan, người đã ban hành văn bản không xử lý văn bản trái pháp luật hoặc cơ quan kiểm tra văn bản không nhất trí với kết quả kiểm tra, xử lý văn bản, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận xử lý theo quy định tại Điều 120 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

c) Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra văn bản theo địa bàn tại cơ quan ban hành văn bản khi phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, nếu thấy cần thiết.

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác về kiểm tra, xử lý văn bản theo quy định pháp luật”.

2. Khoản 9 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“9. Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

a) Chủ trì, phối hợp với Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân huyện, quận và các cơ quan liên quan lập, tổ chức thực hiện kế hoạch rà soát văn bản của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân huyện, quận có nội dung điều chỉnh những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Phòng Tư pháp.

b) Đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản chung của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, quận. Trả lời bằng văn bản về kết quả rà soát văn bản theo đề nghị của cơ quan, đơn vị rà soát cấp huyện; trong đó nêu rõ nội dung nhất trí, nội dung không nhất trí và lý do hoặc ý kiến khác.

c) Lập Sổ theo dõi văn bản được rà soát theo mẫu quy định.

d) Chủ trì giúp Ủy ban nhân dân huyện, quận xây dựng và làm đầu mối tổ chức thực hiện kế hoạch hệ thống hóa; kiểm tra lại kết quả hệ thống hóa văn bản của các cơ quan, đơn vị thực hiện hệ thống hóa văn bản cấp huyện để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận xem xét, công bố.

đ) Tổng hợp báo cáo hằng năm về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, quận. Xây dựng báo cáo hằng năm về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận ban hành.

e) Phối hợp, cung cấp danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, quận ban hành về Sở Tư pháp để thực hiện việc cập nhật Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, đồng thời phục vụ cho công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền.

g) Thực hiện các nhiệm vụ khác về rà soát, hệ thống hóa theo quy định pháp luật”.

3. Khoản 12 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

12. Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố theo quy định”.

4. Khoản 16 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“16. Công tác chứng thực

a) Giúp Ủy ban nhân dân huyện, quận hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ; kiểm tra, thanh tra hoạt động chứng thực; lưu trữ sổ chứng thực, văn bản chứng thực; có biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu bản sao có chứng thực theo quy định. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chứng thực.

b) Thực hiện cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký theo quy định của pháp luật.

c) Cấp bản sao có chứng thực từ bản chính hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực; chứng thực việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, sửa lỗi sai sót trong khi ghi chép, đánh máy, in hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực trước đây theo quy định”.

5. Khoản 17 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“17. Thực hiện, tham mưu thực hiện công tác bồi thường Nhà nước theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và văn bản hướng dẫn, triển khai thi hành”.

6. Khoản 19 Điều 2 được bổ sung như sau:

“19. Quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

đ) Kiểm tra tính pháp lý đối với hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định.”

Điều 2. Bãi bỏ một số nội dung của Quy chế (mẫu) về tổ chức và hoạt động của Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận ban hành kèm theo Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh:

1. Bãi bỏ cụm từ “kiểm soát thủ tục hành chính” tại khoản 2 Điều 1.

2. Bãi bỏ khoản 10 Điều 2.

Điều 3. Trách nhiệm tổ chức, thực hiện

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, Trưởng phòng Tư pháp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2020./.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Thành Phong