THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT-NHNN ngày 18/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 09 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;
Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT-NHNN ngày 18/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi tắt là Thông tư 28/2015/TT-NHNN).
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 28/2015/TT-NHNN
1.Sửa đổi, bổ sung Điều 1 Thông tư 28/2015/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 10/2020/TT-NHNN ngày 02/11/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 28/2015/TT-NHNN (Thông tư 10/2020/TT-NHNN)) như sau:
“Thông tư này quy định việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước).”
2.Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2 Thông tư 28/2015/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 10/2020/TT-NHNN) như sau:
“1. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; các tổ chức tín dụng; chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Kho bạc Nhà nước Việt Nam; Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.”
3.Sửa đổi, bổ sung khoản 5, khoản 11, khoản 12, khoản 13, khoản 14, khoản 15 Điều 3 Thông tư 28/2015/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 10/2020/TT-NHNN) như sau:
“5. “Tổ chức quản lý thuê bao” là các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoặc các tổ chức khác đề nghị cấp chứng thư số cho thuê bao thuộc đơn vị, tổ chức của mình.”
“11. “Mã kích hoạt” là thông tin cấp cho thuê bao bao gồm số tham chiếu và mã xác thực được dùng để chứng thực trong quá trình kích hoạt chứng thư số.
12. “Kích hoạt chứng thư số” là quá trình khởi tạo cặp khóa chứng thư số bao gồm khóa bí mật, khóa công khai và lưu trữ vào thiết bị lưu khóa bí mật của thuê bao.
13. “Người có thẩm quyền” là Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước hoặc là người đại diện theo pháp luật của các cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 2 Thông tư này.
14. “Hệ thống dịch vụ công” là cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Ngân hàng Nhà nước.
15. “Nghiệp vụ chứng thư số” là nghiệp vụ trên các hệ thống thông tin mà thuê bao có thể sử dụng chứng thư số để ký duyệt hoặc xác thực. Một chứng thư số có thể sử dụng để ký duyệt, xác thực tại một hoặc nhiều nghiệp vụ trên một hoặc nhiều hệ thống thông tin. Các hệ thống thông tin sử dụng chứng thư số của Ngân hàng Nhà nước bao gồm:
a) Hệ thống dịch vụ công;
b) Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng;
c) Hệ thống báo cáo Ngân hàng Nhà nước;
d) Hệ thống đấu thầu và nghiệp vụ thị trường mở bao gồm các phân hệ nghiệp vụ:
- Đầu thầu và nghiệp vụ thị trường mở;
- Phát hành, thanh toán, gia hạn và hủy trái phiếu đặc biệt;
- Phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước;
- Tái cấp vốn.
đ) Hệ thống báo cáo của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;
e) Hệ thống khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.”
4.Sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư 28/2015/TT-NHNN như sau:
“Điều 4. Nội dung chứng thư số
1. Tên tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số.
2. Tên của thuê bao.
3. Số hiệu (Serial Number) của chứng thư số.
4. Thời hạn có hiệu lực của chứng thư số.
5. Khóa công khai của thuê bao.
6. Chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số.
7. Các hạn chế về mục đích, phạm vi sử dụng của chứng thư số.
8. Các hạn chế về trách nhiệm pháp lý của tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số.
9. Thuật toán mật mã.
10. Các nội dung cần thiết khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.”
5.Sửa đổi, bổ sung Điều 4a Thông tư 28/2015/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 10/2020/TT-NHNN) như sau:
“Điều 4a. Cách thức gửi, nhận hồ sơ, văn bản, báo cáo liên quan đến dịch vụ chứng thực chữ ký số và kết quả xử lý
1. Tổ chức quản lý thuê bao gửi hồ sơ, văn bản, báo cáo liên quan đến chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đến Ngân hàng Nhà nước (Cục Công nghệ thông tin) thông qua một trong các phương thức sau:
a) Phương thức điện tử qua Hệ thống dịch vụ công;
b) Văn bản giấy nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính;
c) Văn bản điện tử gửi qua hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của Ngân hàng Nhà nước (áp dụng đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước).
Ngân hàng Nhà nước (Cục Công nghệ thông tin) chỉ tiếp nhận, xử lý văn bản giấy và văn bản điện tử gửi qua hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong các trường hợp sau đây:
- Hệ thống dịch vụ công gặp sự cố không thể hoạt động được;
- Tổ chức quản lý thuê bao chưa được cấp chứng thư số có nghiệp vụ dịch vụ công hoặc chứng thư số hết hiệu lực hoặc thiết bị lưu khóa bí mật của thuê bao bị hỏng.
2. Gửi hồ sơ, văn bản, báo cáo liên quan đến chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số Ngân hàng Nhà nước
a) Trường hợp gửi hồ sơ, văn bản, báo cáo bản giấy:
Tổ chức quản lý thuê bao có quyền lựa chọn gửi bản gốc hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu.
b) Trường hợp gửi hồ sơ, văn bản, báo cáo điện tử:
Các hồ sơ, văn bản, báo cáo (trừ các văn bản, báo cáo là các Phụ lục của Thông tư này đã được chuyển đổi thành các biểu mẫu điện tử trên Hệ thống dịch vụ công) gửi qua Hệ thống dịch vụ công, tổ chức quản lý thuê bao gửi bản điện tử được số hóa từ bản gốc (tập tin định dạng PDF) và được người có thẩm quyền của tổ chức quản lý thuê bao ký số sử dụng chứng thư số của CA-NHNN.
3. Cục Công nghệ thông tin gửi thông báo kết quả xử lý, lý do từ chối trong trường hợp hồ sơ không được chấp thuận đến tổ chức quản lý thuê bao bằng phương thức điện tử qua Hệ thống dịch vụ công. Trường hợp Hệ thống dịch vụ công gặp sự cố, thông báo kết quả được gửi đến tổ chức quản lý thuê bao qua dịch vụ bưu chính hoặc địa chỉ thư điện tử của thuê bao và cá nhân hoặc bộ phận đầu mối phụ trách quản lý chứng thư số của tổ chức quản lý thuê bao.”
6.Sửa đổi, bổ sung Điều 4b Thông tư 28/2015/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 10/2020/TT-NHNN) như sau:
“Điều 4b. Thiết bị lưu khóa bí mật của thuê bao
1. Cục Công nghệ thông tin có trách nhiệm hướng dẫn về chủng loại, thông số kỹ thuật thiết bị lưu khóa bí mật của thuê bao phù hợp với hệ thống chứng thực chữ ký số Ngân hàng Nhà nước và tình hình phát triển công nghệ.
2. Cục Công nghệ thông tin cung cấp thiết bị lưu khóa bí mật cho các đơn vị hành chính thuộc Ngân hàng Nhà nước. Các đơn vị sự nghiệp thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức quản lý thuê bao khác tự trang bị thiết bị lưu khóa bí mật theo đúng hướng dẫn của Cục Công nghệ thông tin.
3. Việc gửi, nhận thiết bị lưu khóa bí mật giữa Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị hành chính thuộc Ngân hàng Nhà nước được thực hiện bằng phương thức trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính.”
7.Sửa đổi, bổ sung Điều 5 Thông tư 28/2015/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 10/2020/TT-NHNN) như sau:
“Điều 5. Cấp, bổ sung nghiệp vụ chứng thư số
1. Khi có nhu cầu cấp chứng thư số hoặc bổ sung nghiệp vụ, tổ chức quản lý thuê bao gửi 01 (một) bộ hồ sơ bao gồm:
a) Cấp, bổ sung nghiệp vụ chứng thư số cho cá nhân là người có thẩm quyền:
- Giấy đề nghị cấp, bổ sung nghiệp vụ chứng thư số cho cá nhân theo Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này;
- Quyết định bổ nhiệm của người có thẩm quyền khi đề nghị cấp mới chứng thư số (đối với cơ quan nhà nước).
b) Cấp, bổ sung nghiệp vụ chứng thư số cho cá nhân là người được người có thẩm quyền ủy quyền:
- Giấy đề nghị cấp, bổ sung nghiệp vụ chứng thư số cho cá nhân theo Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này;
- Quyết định bổ nhiệm của người có thẩm quyền khi đề nghị cấp mới chứng thư số (đối với cơ quan nhà nước);
- Văn bản ủy quyền của người có thẩm quyền cho cá nhân được cấp chứng thư số hoặc bổ sung nghiệp vụ chứng thư số, nêu rõ người được ủy quyền được phép đại diện cho tổ chức ký duyệt hồ sơ, văn bản, tài liệu, báo cáo, giao dịch trên hệ thống thông tin tương ứng với nghiệp vụ của chứng thư số đề nghị cấp. Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác thực hiện.
c) Cấp, bổ sung nghiệp vụ chứng thư số cho tổ chức:
Giấy đề nghị cấp, bổ sung nghiệp vụ chứng thư số cho tổ chức theo Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Trường hợp chứng thư số đã được cấp và còn hiệu lực, được tổ chức quản lý thuê bao đề nghị bổ sung nghiệp vụ chứng thư số, Cục Công nghệ thông tin thực hiện bổ sung nghiệp vụ cho chứng thư số hiện có của thuê bao.
3. Trường hợp cấp chứng thư số sau khi chứng thư số cũ hết hiệu lực hoặc chứng thư số đã bị thu hồi, thuê bao có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì thực hiện thủ tục cấp mới chứng thư số theo quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Thời hạn giải quyết và kết quả thực hiện
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp chứng thư số hợp lệ, Cục Công nghệ thông tin thực hiện cấp chứng thư số hoặc bổ sung nghiệp vụ chứng thư số cho thuê bao, gửi thông báo cấp chứng thư số và mã kích hoạt chứng thư số đến địa chỉ thư điện tử và tin nhắn đến số điện thoại di động của thuê bao. Đối với chứng thư số cho tổ chức, Cục Công nghệ thông tin gửi thông báo cấp chứng thư số và mã kích hoạt chứng thư số đến địa chỉ thư điện tử và tin nhắn đến số điện thoại di động của cán bộ đầu mối phụ trách về chứng thư số của tổ chức quản lý thuê bao.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cục Công nghệ thông tin từ chối xử lý hồ sơ và nêu rõ lý do trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Thông tin phản hồi và kết quả xử lý hồ sơ được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 4a Thông tư này.
5. Mã kích hoạt chứng thư số có thời gian hiệu lực tối đa 30 ngày kể từ ngày chứng thư số được cấp. Đối với chứng thư số được cấp mới, thuê bao phải kích hoạt chứng thư số trước thời điểm hết hiệu lực của mã kích hoạt. Tài liệu hướng dẫn kích hoạt, gia hạn chứng thư số của Ngân hàng Nhà nước được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước. Đối với chứng thư số được bổ sung nghiệp vụ, thuê bao không phải kích hoạt chứng thư số.
6. Thời hạn hiệu lực chứng thư số của thuê bao do tổ chức quản lý thuê bao đề nghị nhưng không quá 05 năm kể từ ngày chứng thư số được kích hoạt.”
8.Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 28/2015/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Thông tư 10/2020/TT-NHNN) như sau:
“Điều 6. Gia hạn, thay đổi nội dung thông tin chứng thư số
1. Chứng thư số đề nghị gia hạn hoặc thay đổi nội dung thông tin phải đảm bảo còn hiệu lực.
2. Thời hạn có hiệu lực của chứng thư số:
a) Chứng thư số sau khi gia hạn sẽ có thời hạn hiệu lực tính từ thời điểm thực hiện gia hạn thành công nhưng tối đa không quá 05 năm;
b) Việc thay đổi nội dung thông tin chứng thư số không làm thay đổi thời hạn có hiệu lực của chứng thư số.
3. Trường hợp gia hạn, thay đổi nội dung thông tin chứng thư số:
a) Tổ chức quản lý thuê bao đề nghị gia hạn chứng thư số của thuê bao trước thời điểm hết hiệu lực của chứng thư số ít nhất 10 ngày;
b) Tổ chức quản lý thuê bao đề nghị thay đổi nội dung thông tin chứng thư số của thuê bao trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi có các thay đổi sau:
- Thuê bao thay đổi chức danh, chức vụ hoặc bộ phận (phòng/ban) công tác nhưng không thay đổi đơn vị/chi nhánh. Trường hợp thuê bao thay đổi đơn vị/chi nhánh công tác khác, tổ chức quản lý thuê bao thực hiện thủ tục thu hồi chứng thư số tại đơn vị/chi nhánh công tác cũ và thực hiện cấp chứng thư số tại đơn vị/chi nhánh công tác mới cho thuê bao (nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng);
- Thuê bao thay đổi thông tin số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu;
- Thuê bao thay đổi thông tin địa chỉ, email, số điện thoại.
4. Tổ chức quản lý thuê bao gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị gia hạn, thay đổi nội dung thông tin chứng thư số gồm Giấy đề nghị gia hạn, thay đổi nội dung thông tin chứng thư số theo Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Thời hạn giải quyết và kết quả thực hiện
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị gia hạn, thay đổi nội dung chứng thư số hợp lệ, Cục Công nghệ thông tin thực hiện gia hạn hoặc thay đổi nội dung chứng thư số cho thuê bao. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cục Công nghệ thông tin từ chối xử lý hồ sơ và nêu rõ lý do trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Thông tin phản hồi và kết quả xử lý hồ sơ được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 4a Thông tư này.
Nhận được thông báo chấp thuận gia hạn chứng thư số, thuê bao thực hiện gia hạn chứng thư số theo tài liệu hướng dẫn kích hoạt, gia hạn chứng thư số được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước.”
9.Sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư 28/2015/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 8 Điều 1 Thông tư 10/2020/TT-NHNN) như sau:
“Điều 7. Tạm dừng chứng thư số
1. Chứng thư số của thuê bao bị tạm dừng khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:
a) Theo đề nghị tạm dừng chứng thư số của tổ chức quản lý thuê bao;
b) Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan công an hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông;
c) Cục Công nghệ thông tin phát hiện ra bất cứ sai sót, sự cố nào có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của thuê bao hoặc an ninh, an toàn của Hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số.
2. Thời gian tạm dừng chứng thư số theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này theo đề nghị của tổ chức quản lý thuê bao. Thời gian tạm dừng chứng thư số theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan công an hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông. Thời gian tạm dừng chứng thư số theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này đến khi những sai sót, sự cố đó đã được khắc phục.
3. Tổ chức quản lý thuê bao gửi 01 (một) bộ hồ sơ tạm dừng chứng thư số gồm Giấy đề nghị tạm dừng chứng thư số theo Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Thời hạn giải quyết và kết quả thực hiện
a) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tạm dừng chứng thư số hợp lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, Cục Công nghệ thông tin tiến hành tạm dừng chứng thư số của thuê bao và thông báo kết quả xử lý cho tổ chức quản lý thuê bao. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cục Công nghệ thông tin từ chối xử lý hồ sơ và nêu rõ lý do trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Thông tin phản hồi và kết quả xử lý hồ sơ được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 4a Thông tư này;
b) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều này, Cục Công nghệ thông tin tiến hành tạm dừng chứng thư số và thông báo bằng văn bản thời gian, lý do tạm dừng chứng thư số cho tổ chức quản lý thuê bao.”
10.Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 8 Thông tư 28/2015/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Thông tư 10/2020/TT-NHNN) như sau:
“d) Chứng thư số bị tạm dừng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Thông tư này và những sai sót, sự cố đó đã được khắc phục.”
“3. Tổ chức quản lý thuê bao gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị khôi phục chứng thư số theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này gồm Giấy đề nghị khôi phục chứng thư số theo Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Thời hạn giải quyết và kết quả thực hiện
a) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này hoặc hồ sơ đề nghị khôi phục chứng thư số hợp lệ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, Cục Công nghệ thông tin thực hiện khôi phục chứng thư số cho thuê bao. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cục Công nghệ thông tin từ chối xử lý hồ sơ và nêu rõ lý do trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Thông tin phản hồi và kết quả xử lý được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 4a Thông tư này;
b) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin theo quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều này, Cục Công nghệ thông tin tự động khôi phục chứng thư số cho thuê bao.”
11.Sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Thông tư 10/2020/TT-NHNN) như sau:
“Điều 9. Thu hồi, hủy bỏ nghiệp vụ chứng thư số
1. Tổ chức quản lý thuê bao có thể đề nghị thu hồi hoặc hủy bỏ một hoặc một số nghiệp vụ chứng thư số của thuê bao. Trường hợp thu hồi chứng thư số, toàn bộ nghiệp vụ chứng thư số của thuê bao bị hủy bỏ.
2. Chứng thư số của thuê bao bị thu hồi trong các trường hợp sau:
a) Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan công an hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông;
b) Theo đề nghị thu hồi chứng thư số của tổ chức quản lý thuê bao;
c) Tổ chức quản lý thuê bao có quyết định thu hồi giấy phép hoạt động, chia, tách, sáp nhập, giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật;
d) Có đủ căn cứ xác định thuê bao vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng khoá bí mật và thiết bị lưu giữ khoá bí mật;
đ) Chứng thư số hết hiệu lực sử dụng.
3. Tổ chức quản lý thuê bao gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị thu hồi hoặc hủy bỏ nghiệp vụ chứng thư số gồm Giấy đề nghị thu hồi, hủy bỏ nghiệp vụ chứng thư số theo Phụ lục 06 ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Thời hạn giải quyết và kết quả thực hiện
a) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này hoặc hồ sơ đề nghị thu hồi, hủy bỏ nghiệp vụ chứng thư số hợp lệ, Cục Công nghệ thông tin thực hiện thu hồi hoặc hủy bỏ nghiệp vụ chứng thư số cho thuê bao. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cục Công nghệ thông tin từ chối xử lý hồ sơ và nêu rõ lý do trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Thông tin phản hồi và kết quả xử lý được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 4a Thông tư này;
b) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin theo quy định tại điểm c, đ khoản 2 Điều này, Cục Công nghệ thông tin tự động thu hồi chứng thư số của thuê bao;
c) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều này, Cục Công nghệ thông tin thực hiện thu hồi chứng thư số của thuê bao và gửi thông báo tới thuê bao theo quy định tại khoản 3 Điều 4a Thông tư này.”
12.Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 10 Thông tư 28/2015/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 11 Điều 1 Thông tư 10/2020/TT-NHNN) như sau:
“2. Thuê bao phải tạo cặp khóa trước ngày hết hạn của mã kích hoạt nêu tại thông báo cấp chứng thư số. Trường hợp bị lộ, nghi bị lộ mã kích hoạt hoặc quá ngày hết hạn kích hoạt tại thông báo cấp chứng thư số, thuê bao chưa tạo được cặp khóa và có nhu cầu tiếp tục sử dụng chứng thư số, thực hiện thủ tục thay đổi mã kích hoạt chứng thư số theo Điều 10a Thông tư này.”
13.Bổ sung Điều 10a như sau:
“Điều 10a. Thay đổi mã kích hoạt chứng thư số
1. Tổ chức quản lý thuê bao gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị thay đổi mã kích hoạt gồm Giấy đề nghị thay đổi mã kích hoạt chứng thư số theo Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Thời hạn giải quyết và kết quả thực hiện
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thay đổi mã kích hoạt chứng thư số hợp lệ, Cục Công nghệ thông tin thực hiện thay đổi mã kích hoạt chứng thư số cho thuê bao, gửi thông báo cấp mã kích hoạt chứng thư số đến địa chỉ thư điện tử và tin nhắn đến số điện thoại di động của thuê bao. Đối với chứng thư số cho tổ chức, Cục Công nghệ thông tin gửi thông báo cấp mã kích hoạt chứng thư số đến địa chỉ thư điện tử và tin nhắn đến số điện thoại di động của cán bộ đầu mối phụ trách về chứng thư số của tổ chức quản lý thuê bao.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cục Công nghệ thông tin từ chối xử lý hồ sơ và nêu rõ lý do trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Thông tin phản hồi và kết quả xử lý hồ sơ được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 4a Thông tư này.
3. Mã kích hoạt chứng thư số có thời gian hiệu lực tối đa 30 ngày kể từ ngày thực hiện thay đổi. Thuê bao phải kích hoạt chứng thư số trước thời điểm hết hiệu lực của mã kích hoạt. Tài liệu hướng dẫn kích hoạt, gia hạn chứng thư số của Ngân hàng Nhà nước được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước.”
14.Sửa đổi, bổ sung Điều 11 Thông tư 28/2015/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 12 Điều 1 Thông tư 10/2020/TT-NHNN) như sau:
“Điều 11. Thay đổi cặp khóa chứng thư số
1. Trường hợp cần thay đổi cặp khóa chứng thư số của thuê bao:
Chứng thư số của thuê bao còn hiệu lực sử dụng, nhưng cặp khóa chứng thư số lưu trong thiết bị lưu khóa bí mật của thuê bao không thể tiếp tục sử dụng do thiết bị lưu khóa bị hỏng hoặc do cặp khóa đã bị xóa khỏi thiết bị hoặc nguyên nhân khác dẫn tới bị lỗi cặp khóa.
2. Tổ chức quản lý thuê bao gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị thay đổi cặp khóa chứng thư số gồm Giấy đề nghị thay đổi cặp khóa chứng thư số theo Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư này trước thời điểm hết hiệu lực của chứng thư số ít nhất 10 ngày làm việc.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thay đổi cặp khóa chứng thư số hợp lệ, Cục Công nghệ thông tin thực hiện thay đổi cặp khóa, gửi thông báo thay đổi cặp khóa và mã kích hoạt chứng thư số đến địa chỉ thư điện tử và tin nhắn đến số điện thoại di động của thuê bao. Đối với chứng thư số cho tổ chức, Cục Công nghệ thông tin gửi thông báo thay đổi cặp khóa và mã kích hoạt chứng thư số đến địa chỉ thư điện tử và tin nhắn đến số điện thoại di động của cán bộ đầu mối phụ trách về chứng thư số của tổ chức quản lý thuê bao.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cục Công nghệ thông tin từ chối xử lý hồ sơ và nêu rõ lý do trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Thông tin phản hồi và kết quả xử lý hồ sơ được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 4a Thông tư này.
Khi nhận được mã kích hoạt chứng thư số, thuê bao thực hiện kích hoạt chứng thư số để tạo cặp khóa mới trước thời điểm hết hiệu lực của mã kích hoạt theo tài liệu hướng dẫn kích hoạt, gia hạn chứng thư số được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước.”
15.Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4, khoản 7, khoản 10 Điều 13 Thông tư 28/2015/TT-NHNN như sau:
“3. Có phương án dự phòng hiệu quả đảm bảo duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số của Ngân hàng Nhà nước an toàn, liên tục.
4. Đảm bảo an toàn, bảo mật suốt quá trình cấp phát, chuyển giao thông tin kích hoạt chứng thư số cho thuê bao. Cập nhật và lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin của thuê bao phục vụ cho việc quản lý chứng thư số. Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong công tác thu thập, xử lý và lưu trữ thông tin của thuê bao, tổ chức quản lý thuê bao.”
“7. Đảm bảo kênh thông tin điện tử tiếp nhận các yêu cầu cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số hoạt động 24 giờ trong ngày và 07 ngày trong tuần.”
“10. Cung cấp và cập nhật các thông tin về phần mềm, tài liệu hướng dẫn về quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.”
16.Sửa đổi, bổ sung Điều 14 Thông tư 28/2015/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 13 Điều 1 Thông tư 10/2020/TT-NHNN) như sau:
“Điều 14. Trách nhiệm của tổ chức quản lý thuê bao
1. Chỉ định cá nhân hoặc bộ phận trực thuộc đầu mối phụ trách đăng ký, quản lý danh sách thuê bao của tổ chức, quản lý hồ sơ, văn bản, báo cáo liên quan đến chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Thông báo bằng văn bản cho Cục Công nghệ thông tin cá nhân/ bộ phận đầu mối lần đầu và khi có thay đổi.
2. Đăng ký và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin tại văn bản, hồ sơ, báo cáo liên quan đến chứng thư số của thuê bao thuộc tổ chức quản lý gửi Cục Công nghệ thông tin.
3. Quản lý, thống kê, cập nhật danh sách thuê bao trong tổ chức. Tối thiểu 01 năm 01 lần, thực hiện rà soát, đối chiếu danh sách chứng thư số đã được Ngân hàng Nhà nước cấp so với nhu cầu sử dụng và thông tin thực tế tại tổ chức quản lý thuê bao. Các chứng thư số không khớp đúng thông tin, tổ chức quản lý thuê bao phải thực hiện ngay các thủ tục thay đổi thông tin, tạm dừng, thu hồi hoặc hủy bỏ nghiệp vụ chứng thư số.
4. Báo cáo định kỳ theo quy định tại Thông tư này.
5. Hướng dẫn, kiểm tra và tạo điều kiện cho các thuê bao thuộc tổ chức quản lý sử dụng chứng thư số và khoá bí mật theo đúng các quy định tại Thông tư này.
6. Thông báo kịp thời cho Cục Công nghệ thông tin tạm dừng hoặc thu hồi chứng thư số của thuê bao trong các trường hợp:
a) Khóa bí mật của thuê bao nghi bị lộ, bị lộ, bị đánh cắp hoặc sử dụng trái phép;
b) Thiết bị lưu khóa bí mật của thuê bao bị thất lạc;
c) Thuê bao thay đổi vị trí công tác không cần sử dụng chứng thư số để phục vụ công việc;
d) Thuê bao tạm nghỉ việc, nghỉ việc, nghỉ hưu, từ trần;
đ) Thuê bao thuộc chi nhánh/đơn vị của tổ chức quản lý thuê bao đã bị hủy mã ngân hàng;
e) Các trường hợp khác xuất phát từ nhu cầu của tổ chức quản lý thuê bao.
7. Chứng thư số cấp cho tổ chức phải được giao cho cá nhân quản lý và sử dụng. Việc bàn giao phải được lập thành văn bản quy định rõ vai trò, trách nhiệm của cá nhân được giao quản lý. Cá nhân được giao quản lý phải thực hiện vai trò, trách nhiệm của thuê bao quy định tại Thông tư này.
8. Tổ chức quản lý thuê bao là đơn vị hành chính thuộc Ngân hàng Nhà nước thu hồi kịp thời thiết bị lưu khóa bí mật của các thuê bao không còn sử dụng để sử dụng lại cho thuê bao khác.”
17.Sửa đổi, bổ sung Điều 15 Thông tư 28/2015/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 14 Điều 1 Thông tư 10/2020/TT-NHNN) như sau:
“Điều 15. Trách nhiệm của thuê bao
1. Sử dụng chứng thư số đúng mục đích đã được cấp.
2. Quản lý, sử dụng khóa bí mật, thiết bị lưu khóa bí mật:
a) Sử dụng đúng chủng loại thiết bị lưu khóa bí mật theo hướng dẫn của Cục Công nghệ thông tin;
b) Bảo quản và sử dụng mã khoá truy cập thiết bị, khóa bí mật và các dữ liệu trong thiết bị lưu khoá bí mật một cách an toàn, bí mật trong suốt thời gian chứng thư số của mình có hiệu lực và bị tạm dừng;
c) Không chia sẻ, cho mượn mã khóa truy cập thiết bị, thiết bị lưu khóa bí mật. Khi nghỉ việc, chuyển công tác hoặc thay đổi vị trí công tác, yêu cầu công việc không cần sử dụng chứng thư số phải hủy dữ liệu trong thiết bị lưu khóa bí mật và bàn giao thiết bị lưu khóa bí mật cho tổ chức quản lý thuê bao;
d) Không được sử dụng các công cụ, chương trình, phần mềm hay bất cứ hình thức nào khác để can thiệp, chỉnh sửa, thay đổi thông tin khóa bí mật, các dữ liệu trong thiết bị lưu khóa bí mật hoặc cố ý làm hư hỏng thiết bị lưu khóa bí mật;
đ) Thông báo kịp thời cho tổ chức quản lý thuê bao của mình trong trường hợp phát hiện hoặc nghi ngờ chứng thư số, khóa bí mật không còn an toàn; thiết bị lưu khóa bí mật bị thất lạc, bị lỗi, hỏng không thể sử dụng.
3. Tuân thủ các quy định khác về cấp, quản lý và sử dụng chứng thư số.”
18.Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 15 Điều 1 Thông tư 10/2020/TT-NHNN) như sau:
“3. Người ký chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính xác thực thông tin do mình ký số và chỉ thực hiện ký số trên các hệ thống thông tin khi hệ thống thông báo trạng thái chứng thư số của mình có hiệu lực.”
19.Sửa đổi, bổ sung Điều 17 Thông tư 28/2015/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 16 Điều 1 Thông tư 10/2020/TT-NHNN) như sau:
“Điều 17. Chế độ báo cáo
Tổ chức quản lý thuê bao có trách nhiệm gửi báo cáo định kỳ về Ngân hàng Nhà nước như sau:
1. Tên báo cáo: Báo cáo đối soát danh sách chứng thư số Ngân hàng Nhà nước.
2. Nội dung báo cáo:
a) Thống kê chứng thư số và tình trạng sử dụng;
b) Đối chiếu danh sách chứng thư số đã được Cục Công nghệ thông tin cấp so với nhu cầu sử dụng và thông tin thực tế tại tổ chức quản lý thuê bao và báo cáo danh sách chứng thư số chưa khớp đúng.
3. Đối tượng thực hiện: Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và các cơ quan, tổ chức khác sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số Ngân hàng Nhà nước.
4. Cơ quan, đơn vị nhận báo cáo: Cục Công nghệ thông tin – Ngân hàng Nhà nước.
5. Phương thức gửi, nhận báo cáo: Việc gửi, nhận báo cáo thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4a Thông tư này.
6. Tần suất, thời hạn gửi báo cáo: Định kỳ hàng năm, chậm nhất vào ngày 20 tháng 12 năm báo cáo.
7. Thời gian chốt số liệu báo cáo: Thời gian chốt số liệu tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.
8. Mẫu đề cương báo cáo: Tổ chức quản lý thuê bao gửi báo cáo đối soát danh sách chứng thư số Ngân hàng Nhà nước theo đề cương báo cáo tại Phụ lục 09 ban hành kèm theo Thông tư này.”
Điều 2. Thay thế cụm từ, mẫu biểu của Thông tư 28/2015/TT-NHNN
1. Thay thế cụm từ “Cục Công nghệ tin học” thành cụm từ “Cục Công nghệ thông tin”.
2. Thay thế Mẫu biểu 01, 02, 03, 04, 05, 06, 07, 08, 09 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-NHNN (đã được thay thế bởi Thông tư 10/2020/TT-NHNN) bằng các Phụ lục 01, 02, 03, 04, 05, 06, 07, 08, 09 tương ứng ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Điều 4. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2024.
2. Thông tư này bãi bỏ Thông tư số 10/2020/TT-NHNN ngày 02 tháng 11 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 28/2015/TT-NHNN./.