NGHỊ QUYẾT
Phân cấp thẩm quyền quyết định xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do
Nhà nước đầu tư thuộc phạm vi quản lý của ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức và các quận - huyện
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ MƯỜI BỐN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi;
Xét Tờ trình số 243/TTr-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố dự thảo Nghị quyết phân cấp thẩm quyền quyết định xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do Nhà nước đầu tư thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện; Báo cáo thẩm tra số 93/BC-HĐND ngày 23 tháng 02 năm 2024 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định về việc phân cấp thẩm quyền quyết định bán tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi không gắn liền với đất, mặt nước; quyết định thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; quyết định xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trong trường hợp bị mất, hủy hoại đối với các tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do Nhà nước đầu tư thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định số 39/2021/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các sở, ban, ngành, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do Nhà nước đầu tư thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện.
Điều 3. Nguyên tắc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi
1. Việc xử lý các tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi phải thực hiện đúng hình thức, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
2. Việc xử lý các tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục, điều kiện theo quy định của pháp luật.
3. Tất cả tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đều phải báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước về thủy lợi, cơ quan quản lý tài sản công và được kê khai, cập nhật vào cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công để quản lý thống nhất.
Điều 4. Phân cấp thẩm quyền quyết định xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trên địa bàn thành phố Thủ Đức và các quận - huyện
Phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và Ủy ban nhân dân các quận - huyện quyết định xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi thuộc phạm vi quản lý của địa phương, gồm:
1. Quyết định bán tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đối với tài sản không gắn liền với đất, mặt nước theo phân cấp quản lý.
2. Quyết định thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo phân cấp quản lý.
3. Quyết định xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trong trường hợp bị mất, hủy hoại theo phân cấp quản lý.
Điều 5. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh:
a) Bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác cho các tổ chức, cá nhân được phân cấp xử lý các tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đê thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân cấp và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện trong phạm vi được phân cấp.
b) Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trên địa bàn Thành phố theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ và các quy định có liên quan.
c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện đầy đủ, đúng quy định việc quản lý các công trình thủy lợi theo phân cấp tại Quyết định số 39/2021/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố.
2. Giao Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và Ủy ban nhân dân các quận - huyện:
a) Tổ chức rà soát, phân loại, lập hồ sơ xử lý các tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý và tổ chức quản lý khai thác các tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trên địa bàn đảm bảo theo đúng quy định, hiệu quả, chất lượng; được sử dụng con dấu của đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp;
b) Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Điều 31 Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ;
c) Báo cáo tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Điều 32 Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ; tích hợp cơ sở dữ liệu tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công;
d) Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này đảm bảo đúng quy định pháp luật. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và Ủy ban nhân dân các quận - huyện kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố để báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét, giải quyết tại kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố gần nhất.
3. Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, các Ban, Tổ Đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Khóa X, Kỳ họp thứ mười bốn thông qua ngày 14 tháng 3 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 24 tháng 3 năm 2024./.