Sign In

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT ĐIỀU TRA RỪNG

___________________

Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm lâm;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra rừng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra rừng, gồm:

1. Điều tra diện tích rừng;

2. Điều tra trữ lượng rừng;

3. Điều tra cấu trúc rừng;

4. Điều tra tăng trưởng rừng;

5. Điều tra tái sinh rừng;

6. Điều tra lâm sản ngoài gỗ;

7. Điều tra lập địa;

8. Điều tra cây cá lẻ;

9. Điều tra đa dạng hệ sinh thái rừng;

10. Điều tra đa dạng thực vật rừng;

11. Điều tra đa dạng động vật rừng có xương sống;

12. Điều tra côn trùng rừng và sâu bệnh hại rừng;

13. Điều tra sinh khối và trữ lượng các-bon rừng;

14. Điều tra, đánh giá rừng theo chu kỳ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến điều tra rừng sử dụng ngân sách nhà nước.

2. Khuyến khích áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật tại Thông tư này đối với hoạt động điều tra rừng sử dụng nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra rừng là mức tiêu hao về lao động, vật tư, máy móc thiết bị cho các công việc trong điều tra rừng.

2. Hệ số điều chỉnh (K) là hệ số được sử dụng để tính toán, điều chỉnh mức hao phí lao động khi các yếu tố hình thành định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra rừng thay đổi.

3. Cự ly di chuyển là khoảng cách di chuyển không sử dụng được phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa có động cơ để đến nơi thực hiện điều tra rừng.

Điều 4. Quy định chung về định mức kinh tế - kỹ thuật

1. Căn cứ vào điều kiện cụ thể từng nơi và biện pháp kỹ thuật, áp dụng hệ số điều chỉnh (K) để tính toán mức hao phí lao động cần thiết cho từng hạng mục công việc khi lập đề cương, dự toán.

2. Việc áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật tuân thủ yêu cầu được quy định trong tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

3. Chi phí và hệ số được áp dụng trong điều tra rừng:

a) Hệ số lương cấp bậc theo quy định; phụ cấp lưu động; phụ cấp nghề độc hại, nguy hiểm; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp; đoàn phí công đoàn;

b) Hệ số khó khăn là hệ số dùng để điều chỉnh mức lao động thực địa khi người lao động thực hiện công việc tại hiện trường có mức độ khó khăn khác nhau;

c) Mức lao động kỹ thuật ngừng nghỉ việc do thời tiết của lao động kỹ thuật thực địa.

4. Chi phí máy móc, thiết bị điều tra rừng không quá 5% chi phí công lao động.

5. Chi phí vật tư dụng cụ, điện nước, thông tin liên lạc không quá 5% chi phí công lao động.

6. Định mức kinh tế - kỹ thuật của các loại điều tra rừng tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Cục Kiểm lâm tổ chức hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền, triển khai thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra rừng quy định tại Thông tư này.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức phổ biến, tuyên truyền, triển khai thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật quy định tại Thông tư này tại địa phương.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 22 tháng 6 năm 2024.

2. Quyết định số 487/QĐ-BNN-TCCB ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về định mức lao động trong công tác điều tra quy hoạch rừng hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Chương trình, dự án áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra rừng đã phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện đến khi kết thúc chương trình, dự án đó. Trường hợp chương trình, dự án đã phê duyệt phải điều chỉnh sau ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra rừng quy định tại Thông tư này.

4. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

5. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, giải quyết./.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Quốc Trị