Sign In

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG 112-HĐBT NGÀY 25 THÁNG 8 NĂM 1984

VỀ VIỆC THU THUỶ LỢI PHÍ

_____________________

Để bảo đảm duy trì và khai thác tốt các công trình thuỷ nông bằng sự đóng góp công bằng, hợp lý của những diện tích được hưởng lợi về nước;

Để tạo điều kiện cho các xí nghiệp quản lý và khai thác thuỷ nông (dưới đây gọi tắt là xí nghiệp thủy nông) thực hiện hạch toán kinh tế, nâng cao hiệu quả phục vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu tưới tiêu của sản xuất nông nghiệp.

Để đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhân dân trong việc bảo vệ, quản lý, sử dụng tốt các công trình thuỷ nông;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi, Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1. Mọi tổ chức và cá nhân được hưởng lợi về tưới nước, tiêu nước hoặc các dịch vụ khác từ các công trình thuỷ nông do Nhà nước quản lý đều phải trả thuỷ lợi phí cho các xí nghiệp thuỷ nông.

Điều 2. Thuỷ lợi phí gồm các khoản:

a) Khấu hao cơ bản, khấu hao sửa chữa lớn và chi phí sửa chữa thường xuyên các máy móc, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng, phương tiện vận tải và các phương tiện khác dùng vào việc duy trì, khai thác và quản lý các công trình thuỷ nông, không kể khấu hao cơ bản các máy bơm lớn;

b) Chi phí sửa chữa lớn, tu bổ, sửa chữa thường xuyên các công trình xây dựng đúc và bằng đất, ngoài số nhân công do nhân dân đóng góp;

c) Chi phí về điện và xăng dầu;

d) Chi lương cho cán bộ, nhân viên và chi phí quản lý của các xí nghiệp thuỷ nông.

Để giảm nhẹ thuỷ lợi phí, tạm thời chưa tính khấu hao cơ bản các công trình xây đúc và bằng đất và khấu hao cơ bản các máy bơm lớn, xem đây như một khoản trợ cấp của Nhà nước đối với nông nghiệp. Khi cần trang bị thêm hoặc thay thế các máy bơm lớn, ngân sách Trung ương cấp trực tiếp cho Bộ Thuỷ lợi qua kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm.

Điều 3. Việc phân bổ thuỷ lợi phí cho mỗi đơn vị diện tích được hưởng lợi về nước căn cứ theo các nguyên tắc sau đây:

a) Phải tính đến mức độ phục vụ tưới nước, tiêu nước của từng công trình (tưới tiêu chủ động hoặc mới chủ động một phần, hoặc mới tạo nguồn nước tưới, mở đường nước tiêu).

b) Phải tính đến điều kiện và chi phí tưới nước, tiêu nước của từng công trình, trong từng vụ sản xuất.

Nguyên tắc này cần được vận dụng linh hoạt đối với những công trình có điều kiện tự nhiên thuận lợi, chi phí tương đối thấp, có thể thu thuỷ lợi phí cao hơn một chút so với chi phí thực tế để bù cho những công trình mà điều kiện tự nhiên không thuận lợi, chi phí cao, năm thời tiết thuận, chi phí thấp, vẫn thu thuỷ lợi phí theo mức bình thường để bù cho những năm thời tiết không thuận, chi phí cao.

c) Phải tính đến hiệu quả của dịch vụ tưới nước, tiêu nước, thể hiện ở năng suất của ruộng đất.

Điều 4. Thuỷ lợi phí tính bằng thóc.

Đối với những diện tích trồng cây lương thực thì thu bằng thóc (hoặc lương thực khác).

Đối với những trường hợp sau đây thì thu bằng tiền: những diện tích trồng các loại cây không phải là cây lương thực; các dịch vụ thuỷ lợi không có liên quan đến trồng trọt; những hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, hộ nông dân cá thể tuy sản xuất lương thực nhưng cân đối lương thực chưa vượt quá mức tối thiểu cần thiết do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu (dưới đây gọi tắt là tỉnh) quy định. Thuỷ lợi phí thu bằng tiền là số thóc phải trả tính theo giá mua thỏa thuận do Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định cho vụ sản xuất đó. Riêng đối với các tổ chức kinh tế quốc doanh và các cơ quan Nhà nước thì tính theo giá chỉ đạo thu mua của Nhà nước.

Điều 5. Căn cứ nguyên tắc ghi ở Điều 2, Điều 3 và Điều 4, mức thu thuỷ lợi phí (tính theo tỷ lệ phần trăm trên sản lượng trung bình của ruộng đất) đối với một đơn vị diện tích trồng lúa tưới tiêu chủ động quy định như sau:

 

Vụ đông xuân

Vụ hè thu

Vụ mùa

A. Tưới và tiêu bằng trọng lực

4-6.5%

4.5-7%

3-5.5%

B. Tưới bằng bơm điện,

tiêu bằng trọng lực


4.5-7%


5-7.5%


3.5-6%

C. Tưới và tiêu bằng bơm điện

5-7.5%

5.5-8%

4-6.5%

Trong trường hợp tưới tiêu mới chủ động một phần thì thu bằng 70-80% mức trên.

Trong trường hợp mới tạo nguồn nước tưới hoặc mở đường nước tiêu thì thu bằng 50-70% mức trên.

Đối với vụ hè thu, ở những nơi mưa đều, tưới ít thì thu bằng 90% mức trên (mức quy định cho vụ hè thu).

Trong trường hợp lợi dụng thuỷ triều để tưới tiêu thì thu bằng 70% mức thu ở điểm A, Điều 5 trên.

Trong trường hợp phải tưới bằng bơm dầu suốt vụ thì thu bằng 120% mức thu ở điểm C, Điều 5 trên.

Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ mức tối thiểu và tối đa trên đây, quy định mức thu cụ thể ở địa phương.

Điều 6. Đối những diện tích trồng rau, màu, cây công nghiệp ngắn ngày (kể cả cây vụ đông), cây lâu năm, nếu có yêu cầu tưới tiêu thì thu bằng 40% mức thu đối với diện tích trồng lúa.

Trong trường hợp tưới bằng nguồn nước ngầm hoặc tưới phun thì Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào tình hình cụ thể mà quy định mức thu thích hợp.

Điều 7. Phục vụ vận tải trên hệ thống thủy nông cứ mỗi chuyến thuyền qua cầu, cống, tuỳ theo loại thuyền, bè, sà lan lớn nhỏ, thu bằng tiền tương đương từ 5 đến 30 kilôgam thóc.

Điều 8. Kinh doanh nuôi thuỷ sản trên hệ thống thuỷ nông, cứ mỗi hécta mặt nước, thu bằng tiền tương đương từ 5 đến 10 kilôgam thóc/năm.

Điều 9. Nếu việc phục vụ tưới tiêu không đạt những tiêu chuẩn, định mức ghi trong hợp đồng làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của bên sử dụng nước thì xí nghiệp thuỷ nông bị phạt, thuỷ lợi phí giảm đi tương ứng.

Nếu việc phục vụ tưới tiêu đạt chất lượng cao, làm tăng hiệu quả sản xuất của bên sử dụng nước thì xí nghiệp thuỷ nông được thưởng thuỷ lợi phí tăng lên tương ứng.

Các điều kiện thưởng và phạt được xác định cụ thể trong hợp đồng. Phải thông qua hợp đồng mà nâng cao dần trình độ phục vụ của các xí nghiệp thuỷ nông, từng bước hoàn thiện quy trình tưới tiêu theo phương pháp khoa học.

Điều 10. Trong trường hợp thiên tai gây thiệt hại nặng cho mùa màng, Nhà nước miễn giảm thuỷ lợi phí theo các mức như sau:

- Thiệt hại từ 30% đến dưới 50% thì giảm 30%.

- Thiệt hại từ 50% đến dưới 70% thì giảm 50%

- Thiệt hại từ 70% trở lên thì miễn.

Việc miễn giảm do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

Điều 11. Các xí nghiệp thủy nông phải cùng các hộ sử dụng nước ký kết hợp đồng kinh tế hàng năm và từng vụ, trong đó ghi rõ diện tích tưới tiêu, các tiêu chuẩn, định mức về chất lượng tưới tiêu, các quy định về thưởng, phạt và thanh toán. Cuối mỗi vụ sản xuất, phải cùng bên sử dụng nước đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng, xác định số thuỷ lợi phí phù hợp với kết quả thực hiện hợp đồng: trên cơ sở đó, lập sổ thu báo cáo y ban nhân dân huyện (hoặc cấp tương đương) duyệt. Sau khi được Uỷ ban nhân dân huyện duyệt thì tiến hành thu.

Điều 12. Sở Thuỷ lợi căn cứ vào kế hoạch thu thuỷ lợi phí của các xí nghiệp thủy nông để lập kế hoạch thu thuỷ lợi phí của tỉnh, báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Uỷ ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch thu thuỷ lợi phí hàng năm và từng vụ cho Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, cho ngành lương thực (nhập kho số thóc thuỷ lợi phí), cho ngành tài chính và các cơ quan khác có liên quan.

Chỉ tiêu kế hoạch về thuỷ lợi phí phải được Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã giao đến tận xã, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và phải được thực hiện cùng một lú với việc thu thuế nông nghiệp và thu mua lương thực.

Điều 13. Số thuỷ lợi phí thu bằng thóc (hoặc lương thực khác) phải giao toàn bộ cho ngành lương thực do ngành lương thực trực tiếp nhận của các nông trường, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và hộ nông dân cá thể. Căn cứ vào số thu do các xí nghiệp thuỷ nông cung cấp. Ngành lương thực thanh toán cho các xí nghiệp thuỷ nông theo giá chỉ đạo thu mua của Nhà nước.

Số thủy lợi phí bằng tiền thì do các xí nghiệp thủy nông trực tiếp thu của các tổ chức và cá nhân được hưởng dịch vụ về thuỷ lợi.

Điều 14. Các xí nghiệp thuỷ nông phải thực hiện hạch toán kinh tế dựa trên số thuỷ lợi phí thu được (bao gồm số thuỷ lợi phí bằng thóc quy ra tiền và số thuỷ lợi phí trực tiếp bằng tiền). Xí nghiệp phải sử dụng nhiều nguồn thu một cách tiết kiệm, đồng thời dành một phần để dự phòng cho những năm thiên tai, chi phí tăng. Riêng khoản thu thuộc về khấu hao cơ bản và khấu hao sửa chữa lớn thì tập trung vào quỹ thuỷ nông của tỉnh để Uỷ ban nhân dân tỉnh phân phối theo nhu cầu thực tế mỗi năm về đổi mới máy móc thiết bị và sửa chữa lớn.

Những xí nghiệp quản lý từng nhánh của một hệ thống thuỷ nông liên tỉnh, liên huyện phải trích nộp một phần nguồn thu của mình cho xí nghiệp quản lý công trình đầu mối của cả hệ thống.

Uỷ ban nhân dân tỉnh, nếu xét cần thiết và trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc hạch toán kinh tế của các xí nghiệp thuỷ nông, có thể điều hòa nguồn thu giữa các xí nghiệp thuỷ nông do tỉnh quản lý nhằm hỗ trợ cho những xí nghiệp do khó khăn về điều kiện khách quan mà nguồn thu không đủ bảo đảm các nhu cầu chi.

Nếu do miễn giảm thuỷ lợi phí hoặc do thiên tai, chi phí tăng mà nguồn thu và nguồn dự trữ của xí nghiệp không đủ bảo đảm các nhu cầu chi tối thiểu cần thiết thì ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh hoặc ngân sách huyện) trợ cấp đặc biệt.

Nếu do khuyết điểm của xí nghiệp mà nguồn thu bị giảm, chi phí tăng thì xí nghiệp phải gánh chịu mọi hậu quả.

Điều 15. Thành lập quỹ thuỷ nông của tỉnh từ các nguồn sau: khoản thu thuộc về khấu hao cơ bản và khấu hao sửa chữa lớn do các xí nghiệp thuỷ nông nộp vào, khoản thu điều tiết từ các xí nghiệp có những điều kiện khách quan thuận lợi. Quỹ này do Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý (hoặc ủy quyền cho Sở thuỷ lợi quản lý), sử dụng chủ yếu vào các việc sửa chữa lớn và đổi mới máy móc, thiết bị; sửa chữa lớn các công trình xây đúc và bằng đất; hỗ trợ cho những xí nghiệp do khó khăn về điều kiện khách quan mà nguồn thu không đủ bảo đảm các nhu cầu chi; dự phòng cho những năm thiên tai, chi phí tăng nhưng nguồn thu thì giảm.

Gặp trường hợp cần tiến hành đổi mới máy móc, thiết bị hoặc sửa chữa lớn các công trình trong khi quỹ thuỷ nông của tỉnh chưa tập hợp được đủ số vốn cần thiết thì ngân sách địa phương tạm ứng hoặc trợ cấp. Trong trường hợp quỹ thuỷ nông sau khi đã sử dụng vào các mục đích quy định và dành phần dự phòng cần thiết mà vẫn còn dư thì Uỷ ban nhân dân tỉnh được quyền huy động để đầu tư vào việc hoàn thiện, nâng cao các công trình thuỷ nông trong tỉnh.

Điều 16. Nghị định này thi hành từ vụ mùa năm 1984.

Tất cả những quy định trước đây về thuỷ lợi phí của Trung ương cũng như của địa phương đều bãi bỏ.

Bộ trưởng các Bộ Thuỷ lợi, Tài chính, Lương thực, Điện lực hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 17. Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Hội đồng Bộ trưởng

Chủ tịch hội đồng bộ trưởng

(Đã ký)

 

Tố Hữu