Sign In

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch bệnh.

Trong những năm gần đây, công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm (sau đây gọi tắt là giết mổ) đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện, đến nay toàn tỉnh có 06 lò giết mổ tập trung và hơn 360 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Các lò, điểm giết mổ cơ bản đã được quản lý, có cán bộ thú y thực hiện kiểm soát giết mổ (KSGM) góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan, cung cấp thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, một số địa phương chưa quyết liệt và chưa có giải pháp đồng bộ nên công tác quản lý giết mổ và vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế như còn để nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ, phân tán nằm trong khu dân cư, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y (VSTY), vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm; một số địa phương còn buông lỏng công tác quản lý giết mổ, chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát tạo nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh, không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành chăn nuôi, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên và tăng cường công tác quản lý giết mổ, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và hạn chế phát sinh dịch bệnh cho người và động vật, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ thị:

1. Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

a) Tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh giết mổ đảm bảo các điều kiện VSTY theo quy định của Pháp lệnh Thú y; Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y; Thông tư số 60/2010/TT-BNNPTNT và Thông tư số 61/2010/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ lợn, cơ sở giết mổ gia cầm và các quy định khác có liên quan.

b) Tuyên truyền, vận động nhân dân chỉ kinh doanh, sử dụng các sản phẩm động vật có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đã được KSGM, kiểm tra VSTY.

c) Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương, UBND cấp xã quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ; tăng cường công tác kiểm dịch, KSGM, kiểm tra VSTY tại các cơ sở giết mổ, hoạt động kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tươi sống tại các chợ trên địa bàn; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực giết mổ và kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định.

d) Lập Đoàn kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở giết mổ theo quy định tại Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trên cơ sở kết quả phân loại, hướng dẫn các cơ sở giết mổ đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu, kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở giết mổ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo VSTY và an toàn thực phẩm. Thông báo công khai danh sách các cơ sở giết mổ đủ điều kiện và không đủ điều kiện cho nhân dân biết.

đ) Chỉ cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các các cơ sở giết mổ khi đã có kết quả thẩm định đủ điều kiện vệ sinh thú y của Cơ quan Thú y.

e) Tiến hành rà soát quy hoạch xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn theo hướng phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và điều kiện thực tế, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho người và động vật. Ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các cơ sở giết mổ tập trung quy mô vừa và nhỏ; sắp xếp khu vực kinh doanh sản phẩm động vật tươi sống riêng biệt, cải tạo nâng cấp các khu mua bán gia súc, gia cầm và sản phẩm thịt tại các chợ. Tập trung giảm số lượng các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tăng quy mô công suất, tiến tới xóa bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ có công suất dưới 05 con heo/ngày, 100 con gia cầm/ngày và các cơ sở giết mổ không đúng quy hoạch.

g) Có chính sách ưu đãi, khuyến khích và hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật tập trung trên địa bàn.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi của tỉnh và cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh. Chủ trì và phối hợp với các sở: Y tế; Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường, Công thương và các sở, ngành liên quan hướng dẫn, phối hợp với UBND các huyện và thành phố thực hiện quy hoạch.

b) Phối hợp với UBND cấp huyện kiểm tra, đánh giá thường xuyên và đột xuất các cơ sở giết mổ theo quy định tại Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Chỉ đạo Chi cục Thú y, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về kiểm dịch động vật, KSGM, kiểm tra VSTY, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh cho cán bộ thú y cấp huyện và cấp xã. Chỉ đạo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các cơ quan liên quan thường xuyên thanh, kiểm tra tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật, kiểm tra hoạt động của cán bộ thú y làm công tác KSGM, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo quy định.

d) Theo dõi, đôn đốc và định kỳ 06 tháng, 01 năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính tham mưu, hướng dẫn thực hiện các chính sách của Trung ương, của tỉnh đối với việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở giết mổ tập trung. Kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư vào lĩnh vực giết mổ tập trung, chế biến thực phẩm.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các cơ sở giết mổ thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường và đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

5. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường, giao thông, cơ động, Công an huyện và thành phố hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan trong việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.

6. Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ  ngày đăng trên công báo.

UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các sở, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các đơn vị và cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

UBND tỉnh Lâm Đồng

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Tiến