Sign In

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC LƯU THÔNG HÀNG HÓA GIÁ CẢ VÀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG HIỆN NAY

_________

 

Sau khi Hội đồng Bộ trưởng ban hành quyết định 80/HĐBT ngày 11-3-1987 xóa bỏ các trạm kiểm soát hàng hóa và thuế vụ trên các trục giao thông thủy bộ, tình hình thị trường ở thành phố có biến đổi: hàng hóa từ các tỉnh về thành phố nhiều hơn, giá cả trong một thời gian ngắn có hạ đôi chút trên một số mặt hàng nhưng gần đây nhiều mặt hàng đã tăng, thị trường tự do phát triển nhanh và mạnh, hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa đã bộc lộ nhiều nhược điểm.

Tình hình mới đời hỏi hoạt động của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa phải có những chuyển biến mới phù hợp vừa để nắm được hàng phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân vừa quản lý được các hoạt động lưu thông hàng hóa nhằm thực hiện có kết quả nghị quyết trung ương lần thứ 2 (khóa 6) và nghị quyết của Thành ủy.

I.- VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA THƯƠNG NGHIỆP XHCN:

1) Quản lý đăng ký kinh doanh:

Sở Thương nghiệp thành phố chỉ đạo hoàn thành việc xét cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho các tổ chức kinh tế xã hội chủ nghĩa theo quyết định 138/QĐ-UB và quyết định 208/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân thành phố. Tiến hành kiểm tra việc thực hiện để 2 quyết định trên có hiệu lực. Các ngành kịp thời phát hiện những điểm quy định đăng ký kinh doanh chưa hợp lý để đề nghị bổ sung, sửa đổi cho phù hợp chủ trương mới của trung ương và không gây trở ngại đến quyền chủ động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị. Kiên quyết cắt ngay các hoạt động mua bán của các đơn vị không có chức năng hoặc sai chức năng. Các đơn vị sản xuất được mở cửa hàng bán sản phẩm của mình sản xuất nhưng không được kinh doanh hàng hóa khác để thu chênh lệch (quyết định 62/QĐ). Hợp tác xã mua bán ở phường xã được kinh doanh các mặt hàng mà tư nhân còn được phép kinh doanh (kể cả hàng kim khí điện máy và vật liệu xây dựng) và được nhận ký gởi và làm đại lý cho thương nghiệp quốc doanh.

2) Quy định về phương thức mua, bán, thanh toán, đầu tư, hợp đồng kinh tế.

a) Phương thức mua: Phải tạo mọi điều kiện (nguồn vốn, tiền mặt v.v…) để nắm được hàng tại gốc. Đối với nguồn hàng nông sản thực phẩm trôi nổi tại thành phố vẫn tích cực thu mua theo như sự phân công trước đây. Đối với hàng công nghệ phẩm trôi nổi giao cho các công ty chuyên doanh và các cửa hàng tổng hợp cấp 2, 3 tổ chức thu mua tại chỗ bằng những phương thức phù hợp để nắm được hàng.

b) Phương thức bán:

Các đơn vị có chức năng bán buôn và bán lẻ, ngoài việc bán qua hợp đồng kinh tế, bán cho hợp tác xã qua sổ mua hàng, bán cho cơ sở sản xuất theo kế hoạch đã dự trù và bán cho các yêu cầu sản xuất, ưu tiên dành cho các đơn vị kinh doanh xã hội chủ nghĩa, thì được phép bán với số lượng lớn hợp lý các mặt hàng tiêu dùng thông thường (chủ yếu là hàng tiểu thủ công nghiệp mà thương nghiệp quốc doanh có quỹ hàng hóa dồi dào – có khả năng làm chủ thị trường) cho thương nhân mua bán nhỏ có giấy phép đăng ký kinh doanh bán lẻ trong phạm vi thành phố và các tỉnh. Số hàng này ghi vào sổ mua hàng hoặc phiếu kho kiêm hóa đơn bán hàng.

Trong từng thời kỳ nhứt định, căn cứ vào nhu cầu và lực lượng hàng hóa của ngành thương nghiệp phục vụ các yêu cầu chung, Ủy ban nhân dân thành phố ủy nhiệm cho Giám đốc Sở Thương nghiệp ra thông báo giữ lại các mặt hàng để cân đối cho nhu cầu tiêu dùng của toàn thành phố và các mặt hàng được phép lưu thông bình thường với các tỉnh. Giám đốc các đơn vị sản xuất kinh doanh căn cứ thông báo đó để thực hiện.

Các hợp đồng mua bán không phải xét duyệt bất cứ cơ quan nào không phải đăng ký cho trọng tài kinh tế. Giám đốc hoặc thủ trưởng các đơn vị thương nghiệp thuộc phạm vi thành phố phải chịu trách nhiệm về sự đúng đắn về đường lối chủ trương và tính hợp pháp của việc ký kế hợp đồng kinh tế và mọi hậu quả phát sinh. Cơ quan chủ quản cấp trên, Giám đốc Sở Thương nghiệp và Chủ tịch trọng tài kinh tế thành phố chỉ tiến hành kiểm tra, thanh tra thường xuyên và đột xuất. Thủ trưởng các đơn vị kinh doanh sản xuất có thể xin thủ trưởng cấp trên xét duyệt hợp đồng kinh tế, người xét duyệt hợp đồng kinh tế sẽ chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trong tình hình hiện này, quỹ hàng hóa của Trung ương điều động cho thành phố tuy không lớn nhưng là hàng thiết yếu đến đời sống của cán bộ công nhân viên, lực lượng võ trang và nhân dân lao động, vì vậy không được bán các mặt hàng này ra khỏi thành phố khi chưa được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận (nhứt là hàng nông sản thực phẩm). Trường hợp cần chuyển đổi hàng thì Giám đốc Sở Thương nghiệp quyết định nhưng phải bảo đảm các nhu cầu tiêu dùng của thành phố từ khối lượng hàng hóa của trung ương cân đối cho thành phố theo kế hoạch.

c) Phương thức thanh toán: Các công ty, cửa hàng được áp dụng nhiều hình thức thanh toán khác nhau (thanh toán bằng tiền mặt, bán trả chậm v.v…) nhằm tạo điều kiện cho thương nghiệp các cấp gắn bó hỗ trợ cho nhau, gắn bó giữa thương nghiệp với sản xuất. Trong mối quan hệ lưu thông hàng hóa giữa các tổ chức xã hội chủ nghĩa cần áp dụng các hình thức thanh toán hợp tình hợp lý để hàng hóa được trôi chảy và thuận lợi, tạo được sức mạnh của hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa.

đ) Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa được phép nhận bán ký gởi các sản phẩm ngoài kế hoạch của các xí nghiệp công nghiệp, các sản phẩm hàng hóa của sản xuất kinh tế gia đình, sản phẩm của người sản xuất trong và ngoài thành phố sau khi đã làm xong nghĩa vụ, hàng hóa của thương nhân các nơi đưa về thành phố.

Thương nghiệp xã hội chủ nghĩa được tính doanh số mua bán và các định mức phí, tiền lương, tiền thưởng theo kế hoạch quy định cho các đơn vị.

e) Các đơn vị thương nghiệp xã hội chủ nghĩa được quyền đầu tư dài và ngắn hạn vào việc tổ chức sản xuất hàng hóa nhưng cần phân định các khoản mục vốn như vốn lưu động kinh doanh, vốn đầu tư sản xuất…

Ngoài phần vốn lưu động được Nhà nước cấp như trước đây, đơn vị được huy động vốn đầu tư từ các nguồn khác, có kế hoạch trả nợ sòng phẳng để mở rộng cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ từng thời kỳ để nắm hàng nhất là vào thời vụ.

f) Tất cả các hoạt động kinh doanh mua bán (mua buôn bán buôn) đều phải ký kết hợp đồng kinh tế theo quy định của trung ương đã ban hành.

g) Đối với hợp tác xã mua bán cần khuyến khích mở rộng kinh doanh, một mặt thành phố kiến nghị với trung ương thay đổi chế độ thuế bằng thu lợi nhuận. Không hạn chế phạm vi tạo nguồn hàng đối với hợp tác dã mua bán ở phường, xã nhằm nắm được nhiều hàng, nhất là các mặt hàng không thuộc phạm vi phân công cho các công ty chuyên doanh (lương thực, thịt…)

3) Tổ chức lại hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa (không kể hệ thống tổ chức cung ứng xuất khẩu, vật tư và dịch vụ các cấp):

a) Củng cố và kiện toàn ngay phòng Thương nghiệp của các quận, huyện để đủ sức quản lý hành chánh thương nghiệp. Phòng Thương nghiệp quận, huyện có 2 chức năng: vừa làm tham mưu, vừa làm công cụ quản lý kinh tế - thương nghiệp của Ủy ban nhân dân quận, huyện, Phòng Thương nghiệp quận, Huyện vừa là cơ quan cấp dưới của Sở Thương nghiệp theo hệ thống tổ chức nội thương của Hội đồng Bộ trưởng.

b) Đối với các công ty cấp II cần rà soát lại chức năng, nhiệm vụ để sắp xếp lại tổ chức cho hợp lý, gọn nhẹ, phát huy được vai trò của công ty ngành hàng, tổ chức nguồn hàng bán buôn và lưu chuyển hàng hóa hợp lý, giảm trung gian để giám phí lưu thông bất hợp lý (Sở Thương nghiệp cần nghiên cứu hướng dẫn của Bộ Nội thương để vận dụng tại thành phố).

c) Mỗi quận, huyện cần có 2 công ty kinh doanh thương nghiệp bao gồm công ty tổng hợp quốc doanh và công ty thương nghiệp hợp tác xã. Ở các chợ có quy mô lớn thì tổ chức thêm công ty chợ, cụ thể là công ty chợ Bình Tây, công ty chợ Bến Thành, công ty chợ Tân Bình.

d) Thực hiện quyết định của Hội đồng Bộ trưởng mở rộng quyền chủ động kinh doanh sản xuất, phát huy tính năng động sáng tạo của cơ sở đồng thời phải tăng cường tính tập trung thống nhứt trong toàn ngành thương nghiệp xã hội chủ nghĩa. Giám đốc Sở Thương nghiệp phải có kế hoạch hợp đồng chặt chẽ với Ủy ban nhân dân quận, huyện để điều động quỹ hàng hóa chung của ngành nhằm cân đối, điều hòa nơi thừa đến nơi thiếu, phục vụ trao đổi liên kết kinh tế với các tỉnh.

Giám đốc Sở Thương nghiệp thành phố cần tổng kết việc phân công thương nghiệp cho quận, huyện trên cơ sở đó mà giải quyết toàn diện việc phân cấp thương nghiệp cho quận, huyện được thỏa đáng mà vẫn bảo đảm sử quản lý thống nhứt của ngành thương nghiệp thành phố (đây cũng là cơ sở để thực hiện phân cấp ngân sách).

4) Chế độ quản lý kinh tế - tài chính trong ngành thương nghiệp:

a) Các chế độ về quản lý kinh tế - tài chính phải được thống nhứt thực hiện trong hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa trên toàn thành phố (lãi định mức, các khoản chênh lệch giá, phí lưu thông…) Giao cho Sở Tài chánh, Sở Thương nghiệp, Ủy ban Vật giá, Ủy ban Kế hoạch thành phố hướng dẫn thực hiện.

b) Áp dụng chế độ tiền lương, tiền thưởng thống nhứt để tránh chênh lệch bất hợp lý trong thu nhập các đơn vị, nhứt là giữa đơn vị cấp 2, cấp 3 và hợp tác xã, giữa thương nghiệp với sản xuất (áp dụng chế độ tiền lương theo doanh số được xác định hằng năm dựa vào mức giá giao kế hoạch đầu năm). Cấm tùy tiện nâng giá để hưởng chênh lệch giá ngoài chiết khấu thương nghiệp đã quy định.

c) Ngành thương nghiệp tổ chức thông tin kinh tế trong thương nghiệp và quy định thành pháp quy – áp dụng các phương tiện kỹ thuật mới trong quản lý nhằm tăng cường hiệu quả trong quản lý kinh tế thương nghiệp.

5) Khẩn trương sắp xếp lại hệ thống kinh doanh vật tư theo hướng hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa:

(Các ngành xây dựng đề án thông qua cuối tháng 5-1987).

II- QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG:

1) Đối với những mặt hàng cấm tư nhân kinh doanh (theo quy định của Trung ương); Nay áp dụng cụ thể như sau:

+ Vật tư, nguyên liệu, máy do thân nhân ở nước ngoài gởi về thì:

- Khuyến khích để tự tổ chức sản xuất.

- Nếu muốn bán thì ưu tiên bán cho Nhà nước theo giá thỏa thuận, cấm tư nhân mua đi bán lại để lấy chênh lệch giá.

+ Hàng tiêu dùng gởi về nước theo con đường quà biếu nếu muốn bán thì bán cho Nhà nước theo giá thỏa thuận. Người mua, nếu để kinh doanh phải có giấy phép kinh doanh và phải chấp hành các quy định của Nhà nước về kinh doanh thương nghiệp. Ngành thương nghiệp – y tế cần tổ chức mạng lưới thu mua nhanh để nắm hết hàng mà người có hàng cần bán.

2) Mọi người kinh doanh mua bán đều phải đăng ký. Khi có giấy phép kinh doanh đúng mặt hàng đã đăng ký thì mới được chấp thuận là hợp pháp.

Ngành thương nghiệp nên nghiên cứu sửa đổi thủ tục đăng ký kinh doanh cho hợp lý, bỏ những quy định rườm rà ít tác dụng, chỉ nắm chắc 3 điểm: người kinh doanh, địa điểm kinh doanh, mặt hàng kinh doanh, không được kinh doanh sai nội dung đã đăng ký theo giấy phép. Doanh số kinh doanh ngành thuế chịu trách nhiệm quảm lý.

Việc xét để tiếp tục cấp phép đăng ký kinh doanh cho các đối tượng kinh doanh ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa bắt đầu trong tháng 5-1987. Công tác đăng ký kinh doanh sẽ do Sở Thương nghiệp tổ chức hướng dẫn cụ thể.

Những đối tượng sau đây không được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh:

- Những hộ tư sản đã cải tạo.

- Cán bộ công nhân viên đương chức.

- Người không hộ khẩu thường trú tại thành phố.

3) Tư nhân kinh doanh mua bán phải niêm yết giá từng mặt hàng và phải bán đúng theo giá đã niêm yết. Giá này do người kinh doanh tự định, Không bị khống chế ép buộc trừ một số mặt hàng phải bán thống nhất giá với thương nghiệp xã hội chủ nghĩa theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố. Ngành thuế căn cứ giá niêm yết để tính thuế. Tư nhân làm đại lý cho thương nghiệp xã hội chủ nghĩa thì phải bán thống nhất giá với thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, không được sửa đổi.

4) Việc thu thuế và kiểm tra thuế chỉ thực hiện ở gốc (nơi sản xuất ra hàng hóa, bến xe tàu, nơi tập kết hàng hoặc nơi bán ra) không được thu thuế, kiểm tra thuế trên đường giao thông. Mức thuế để thu, mức phạt thuế phải công khai, niêm yết rõ ràng nơi tổ chức thu thuế. Các khoản thu đều phải có biên lai theo quy định.

5) Tư nhân mua bán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hàng hóa của mình kinh doanh (phẩm chất, tính năng, tác dụng v.v…). Không được mua bán hàng giả, hàng mất phẩm chất…

6) Công tác quản lý thị trường giao cho ngành thương nghiệp các cấp. Chủ yếu là dựa vào dân để quản lý thị trường, tăng cường công tác quản lý thị trường ở cơ sở, phối hợp kiểm tra việc đăng ký kinh doanh. Trong khi chờ đợi sắp xếp về mặt tổ chức lực lượng quản lý thị trường các cấp, cần phối hợp với các ngành ở cơ sở để thực hiện mục II. Giao cho Sở Thương nghiệp cùng Ban quản lý thị trường thành phố lập đề án tổ chức và hoạt động quản lý thị trường trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

- Ngành cảnh sát kinh tế phải vươn lên chống đầu cơ buôn lậu, chống sản xuất hàng giả, bọn tội phạm kinh tế (theo luật hình sự), cần tập trung điều tra nghiên cứu để chống buôn lậu có trọng điểm, không làm tràn lan đối với các vụ, việc vi phạm quy định hành chánh – kinh tế. Trước mắt tập trung khám phá các băng, nhóm mua bán nâng giá vàng, buôn lậu ngoại tệ, lưu hành tiền giả tung tin đồn nhảm để nâng giá phá hoại kinh tế.

III- VẬN DỤNG CHÍNH SÁCH THUẾ:

1) Đối với khu vực sản xuất:

a) Thực hiện đúng quyết định số 192/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân thành phố:

- Ngành tài chánh thành phố cần cụ thể hóa các trường hợp về thời gian miễn giảm thuế theo hướng khuyến khích tối đa (công bố vào đầu tháng 6-1987).

Miễn giảm tối đa mức thuế đối với hàng xuất khẩu, đối với hàng gia công sản xuất giảm thuế trong trường hợp thực hiện vượt kế hoạch sản xuất để khuyến khích sản xuất thêm hàng hóa tiêu dùng.

b) Điều chỉnh suất miễn thu:

- Nâng từ 400đ/suất/tháng lên 6.000đ/suất/tháng. Sau này trong từng thời gian thành phố sẽ có điều chỉnh thích hợp theo sự biến động giá cả. Ổn định tỷ lệ thu thuế lợi tức theo hướng giảm xuống, thu dứt điểm hàng tháng, chấm dứt tạm thu, truy thu (Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành quyết định 92/QĐ-UB về suất miễn thu).

c) Để tháo gỡ khó khăn cho cơ sở sản xuất trong thu mua nguồn nguyên liệu, phế liệu trôi nổi, thành phố không thu thuế buôn chuyến nếu cơ sở mua để tự sản xuất, không đòi chứng từ phế liệu v.v…

d) Không thu thuế hàng hóa nếu bán hàng cho Nhà nước (thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, ngành vật tư) theo giá thỏa thuận.

e) Tiếp tục miễn giảm thuế cho các hộ sản xuất gia đình, cá thể mới hoạt động theo quyết định 34/QĐ-UB.

Thực hiện dân chủ bàn bạc, công khai hóa mức thuế, ổn định mức thuế hàng quí, không tăng thuế hàng tháng.

f) Liên hiệp xã thành phố kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết việc trích nộp kinh phí lên cấp trên của ngành theo hướng giảm thỏa đáng cho cơ sở. Việc này Liên hiệp xã thành phố cần trình trong tháng 5-1987.

2) Phục vụ yêu cầu mở rộng giao lưu hàng hóa:

- Chấn chỉnh các trạm thuế thu tại gốc và tại ngọn, xóa các điểm thu lưu động.

- Không thu thuế đối với các loại nông sản thực phẩm và phế liệu phế thải đem vào bán tại thành phố.

3) Thuế nông nghiệp

Thực hiện việc giảm thuế một các hợp lý và ổn định mức thuế đến năm 1990. ngoài nghĩa vụ. Người nông dân không phải nộp một khoản hiện vật nào khác. Số lúa thuế nông nghiệp để lại cho xã theo quy định, được thanh toán theo giá mua thỏa thuận cho ngân sách xã (Sở Tài chánh hướng dẫn cho huyện).

4) Giao cho quận, huyện quản lý bộ máy thu thuế và tổ chức thu trên địa bàn quận, huyện, giao cho phường, xã quản lý bộ máy thu thuế và tổ chức thu trên địa bàn phường, xã. Sở Tài chánh thành phố tổ chức 1 bộ phận kiểm tra, giúp đỡ chỉ đạo nghiệp vụ, lập sổ bộ thuế.

5) Sở Nông nghiệp chịu trách nhiệm lập đề án về việc huy động sử dụng lúa thuế nông nghiệp để làm thức ăn gia súc trình Thường trực Ủy ban.

IV- VẬN DỤNG CHÁNH SÁCH VÀ PHÂN CẤP ĐỊNH GIÁ:

Thực hiện chánh sách giá cả thỏa đáng dựa vào chánh sách khuyến khích của từng loại hàng hóa, khả năng cung cầu trong xã hội, chi phí thực tế hợp lý cần thiết để sản xuất ra sản phẩm, chánh sách tích lũy và tính đến chánh sách xã hội để định ra giá mua và giá bán thích hợp, theo hướng tính đúng, tính đủ, không gò ép, tạo điều kiện cho ngành thương nghiệp xã hội chủ nghĩa nắm được hàng. Nhà nước chỉ đạo giá các mặt hàng thiết yếu theo nguyên tắc Nhà nước cung ứng vật tư cho sản xuất bao nhiêu thì mua lại sản phẩm cũng tương ứng theo giá chỉ đạo, số còn lại mua theo giá thỏa thuận với nguyên tắc mua được, bán được, đơn vị kinh doanh không bị lỗ, người tiêu dùng chấp nhận, giá lẻ không vượt giá thị trường tự do đối với loại hàng đó ở cùng thời điểm và cùng địa bàn.

Cụ thể như sau:

1) Đối với vật tư:

Thực hiện mua bán vật tư theo giá kinh doanh. Chuyển toàn bộ hệ thống cung ứng vật tư ở thành phố sang hạch toán kinh tế và có lãi nộp ngân sách, không gây đảo lộn giá ở đầu ra. Vật tư ở thành phố bán cho cơ sở sản xuất thông qua hợp đồng kinh tế (xí nghiệp quốc doanh và tiểu thủ công nghiệp). Vật tư qu‎ý, hiếm và vật tư phục vụ nhu cầu đặc biệt sẽ có quy định riêng.

2) Sản phẩm công nghiệp:

a) Kiên quyết tính đúng tính đủ, chú trọng giải quyết quan hệ giữa đầu ra thỏa đáng:

- Trong điều kiện sản xuất bình thường và trình độ sản xuất trung bình bảo đảm đầu vào không gây trở ngại đầu ra, không gây đảo lộn giá cả thị trường.

- Tính đúng tính đủ gắn với việc tăng cường quản lý các định mức kinh tế kỹ thuật.

b) Giá bán hàng của các xí nghiệp quốc doanh cho thương nghiệp xã hội chủ nghĩa:

- Hàng do Nhà nước cân đối vật tư (trung ương, thành phố, quận, huyện) là chủ yếu thì giao theo giá bán lẻ thương nghiệp chỉ đạo trừ lùi chiết khấu thương nghiệp.

- Hàng do đơn vị sản xuất tự cân đối vật tư nguyên liệu thì áp dụng giá thỏa thuận giữa người sản xuất và kinh doanh theo nguyên tắc mua được bán được nhưng không được cao hơn giá bán lẻ thị trường ở địa phương vào thời điểm đó (giá mua + chiết khấu bán lẻ).

3) Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp:

Nhà nước bán vật tư theo giá kinh doanh ngang với giá bán cho khu vực quốc doanh và mua sản phẩm theo giá (có thể áp dụng phương thức đấu thầu). Trên cơ sở giá bán lẻ kinh doanh thương nghiệp được định đúng theo quy định phân cấp quản lý giá ở thành phố, thương nghiệp xã hội chủ nghĩa cân nhắc để thỏa thuận với cơ sở sản xuất về giá mua.

Hàng còn áp dụng hình thức thì gia công thì khi định giá gia công phải thỏa thuận với người sản xuất (có thể áp dụng đấu thầu) bảo đảm người sản xuất bù đắp được chi phí hợp lý, có thu nhập và lãi thỏa đáng, không gò ép, - trường hợp này phải có định mức kinh tế kỹ thuật đúng.

Người sản xuất được tự do tiêu thụ sản phẩm ngoài hợp đồng nhưng phải đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá đã niêm yết.

4) Giá mua nông sản thực phẩm:

Căn cứ tỷ giá và khung giá do trung ương quy định thành phố hướng dẫn các đơn vị kinh tế xã hội chủ nghĩa thỏa thuận giá thu mua với nông dân, bảo đảm cho người nông dân trong điều kiện sản xuất bình thường bù đắp được chi phí và có lãi từ 30 – 40%, riêng lúa lãi 40%.

Trường hợp vì độ phì của đất đai kém nhưng bị ràng buộc về ranh giới nên không thể mua theo giá cao hơn quy định của trung ương thì thành phố sẽ đầu tư khoa học kỹ thuật hoặc miễn giảm thuế trong một thời gian để hỗ trợ nông dân tăng gia sản xuất và có thu nhập thỏa đáng.

Thành phố hướng dẫn các đơn vị thương nghiệp xã hội chủ nghĩa trao đổi với các tỉnh về giá mua nông sản thực phẩm đưa về thành phố theo nguyên tắc đảm bảo người sản xuất có lãi và hợp lý giữa giá gốc với giá ngọn.

5) Về giá bán lẻ hàng tiêu dùng:

Từ tháng 5-1987, chuyển giá bán tất cả các mặt hàng theo giá bán lẻ kinh doanh thương nghiệp. Chấm dứt hình thức bán theo phân phối nội bộ, theo giấy giới thiệu (trừ mặt hàng cung ứng bằng hiện vật cho lực lượng võ trang theo giá quy định của trên). Hàng thông thường cũng như hàng cao cấp định mức bán theo quy luật giá trị, quy luật cung cầu, trong đó hàng tiêu dùng thông thường tích lũy vừa phải, còn hàng cao cấp tích lũy nhiều hơn, thậm chí rất cao để điều tiết và phân phối lại thu nhập quốc dân thông qua giá.

Giá giao hàng của công nghiệp quốc doanh bằng giá bán lẻ kinh doanh thương nghiệp trừ chiết khấu lưu thông thực tế hợp lý được Ủy ban nhân dân thành phố duyệt. Thành phố định giá giao hàng trên cơ sở giá bán lẻ trừ chiết khấu lưu thông những mặt hàng thiết yết, và quan trọng còn lại các mặt hàng khác không duyệt giá mua cụ thể để 2 bên mua bán thỏa thuận. Nhưng không nhứt thiết hàng nào cũng lấy giá bán lẻ trừ lùi chiết khấu thương nghiệp để thành giá mua mà cho phép đơn vị mua tính toán từng nhu cầu nắm hàng để tính giá mua hàng theo từng thời điểm. Trường hợp cần thiết để tạo nguồn hàng phục vụ tiêu dùng, có thể cho phép mua bằng hoặc cao hơn giá bán lẻ thương nghiệp cùng thời điểm đó, với giá mua đó khi bán lẻ không được cao hơn giá thị trường tự do ở cùng thời điểm, bảo đảm kinh doanh thương nghiệp không bị lỗ và có lãi, nhưng phải trao đổi thống nhứt với Ủy ban Vật giá thành phố trước khi thực hiện nếu là mặt hàng do trung ương và thành phố chỉ đạo giá bán lẻ kinh doanh thương nghiệp.

Ủy ban Vật giá thành phố thống nhứt với Sở Thương nghiệp hướng dẫn giá bán lẻ cụ thể những mặt hàng thiết yếu và quan trọng sau khi được Ủy ban nhân dân thành phố duyệt. Còn lại tất cả mặt hàng khác cho khác thủ trưởng đơn vị kinh doanh quy định giá bán lẻ trong khu vực và cả nước. Các đơn vị kinh doanh phải thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá bán đúng giá niêm yết.

Thực hiện giá bán lẻ thương nghiệp hàng tiêu dùng:

- Hàng thiết yếu bán theo định lượng chủ yếu là lương thực, thuốc chữa bệnh với giá bảo đảm kinh doanh (không tích lũy, không bù lỗ) chuyển dần sang bán theo giá bảo đảm kinh doanh đối với hàng thuộc diện chính sách xã hội đi đối với áp dụng chế độ trợ cấp trực tiếp cho các đối tượng được hưởng, thay cho việc trợ cấp qua giá. Việc này phải được tính toán chặt chẽ và cân nhắc kỹ phù hợp khả năng cân đối tiền hàng và ngân sách bảo đảm bù kịp thời, không để tác động xấu đến đời sống công nhân viên, lực lượng vũ trang.

- Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố quy định một số danh mục thiết yếu do trung ương cấp và do thành phố sản xuất cần bán thống nhứt 1 giá bán lẻ không được tùy tiện sửa đổi.

Phân cấp định giá:

- Thành phố chỉ định giá (ngoài mặt hàng do trung ương định giá) một số mặt hàng thiết yếu có liên quan đến nhiều giá khác trong khu vực và cả thành phố. Số còn lại giao cho Công ty, Xí nghiệp tự định giá (nhứt là sản phẩm do cơ sở tự lo nguyên liệu sản xuất), cụ thể là:

1) Thành phố (Ủy ban nhân dân, Ủy ban Vật giá) chỉ định giá các mặt hàng sau:

- Giá bán vật tư tự nhập.

- Giá bán hàng theo chánh sách xã hội, hàng tiêu dùng thiết yếu và quan trọng tác động mạnh đến giá thu mua nông sản thực phẩm và đời sống nhân dân lao động để làm cơ sở cho các đơn vị sản xuất – thương nghiệp xã hội chủ nghĩa trao đổi về giá giao hàng của xí nghiệp quốc doanh, giá thu mua hàng tiểu thủ công nghiệp.

- Giá gia công một số mặt hàng chuẩn đối với nhóm hàng có khối lượng gia công lớn ở thành phố như: dệt, may, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu…

2) Xí nghiệp quốc doanh thỏa thuận giá giao hàng với đơn vị tiêu thụ đối với mặt hàng ngoài danh mục mặt hàng Nhà nước định giá (trung ương – thành phố) chủ yếu là sản phẩm sản xuất từ vật tư nguyên liệu xí nghiệp tự cân đối nhưng phải đăng ký giá với cơ quan Vật giá cùng cấp.

3) Công ty Thương nghiệp được định giá bán các mặt hàng ngoài phần Nhà nước định giá (trung ương – thành phố) nhưng phải đăng ký giá, niêm yết giá và bán đúng theo giá niêm yết.

4) Thương nghiệp tư nhân:

Trong phạm vi hàng hóa được Nhà nước cho phép kinh doanh tiểu thương chỉ đăng ký giá với Ban Quản lý chợ hoặc Ủy ban nhân dân phường, xã niêm yết giá và bán đúng theo giá niêm yết. Hàng công nghệ tiêu dùng do Nhà nước sản xuất và thuộc danh mục Nhà nước định giá thì tiểu thương phải bán thống nhứt, giá với thương nghiệp xã hội chủ nghĩa. Thu thuế theo giá niêm yết.

5) Mở rộng quyền tự chủ về giá cho đơn vị kinh tế cơ sở nhằm đẩy mạnh sản xuất để tăng khối lượng hàng hóa và mở rộng lưu thông hàng hóa là tiền để kìm hãm tốc độ tăng giá và từng bước ổn định giá. Nhưng để đạt mục đích trên, cần phải giữ kỷ luật giá, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm giá, tùy tiện nâng giá, tranh mua tranh bán. Đẩy mạnh thanh tra kiểm tra giá và nghiêm tục chấp hành chánh sách giá cả.

* *

*

Yêu cầu giám đốc các sở có liên quan, Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá thành phố tùy theo chức trách nhiệm vụ của từng ngành khẩn trương hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị thực hiện chỉ thị này trong vòng tháng 5-1987, và từng bước có sơ kết bổ sung rút kinh nghiệm.

 

UBND thành phố Hồ Chí Minh

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Khắc Bình