Sign In

CHỈ THỊ

Về những biện pháp đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn lao động và cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân.

_____________

 

Sau hơn một năm thành phố Hồ Chí Minh chúng ta được giải phóng, công nhân và nhân dân lao động rất phấn khởi, tích cực bắt tay vào công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dự ng chủ nghĩa xã hội.

Một số ngành và một số cơ sở khắc phục khó khăn trong sản xuất do địch để lại, đã thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động như : giải quyết một số chế độ trang thiết bị phòng hộ, cải tiến hoặc sửa chữa bổ sung các thiết bị an toàn, bồi dưỡng ngành nghề nặng nhọc độc hại, tổ chức khám sức khoẻ cho công nhân viên chức phát hiện bệnh nghề nghiệp và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho cán bộ phục trách làm công tác bảo hộ lao động. Do đó cũng hạn chế được một phần các vụ tai nạn lao động.

Tuy nhiên, chúng ta còn một số khuyết đỉêm tồn tại là chưa giải quyết được tốt điều kiện làm việc của công nhân, sức khoẻ của công nhân bị giảm sút, tai nạn lao động nặng và chết người còn liên tiếp xảy ra. Nguyên nhân là các cấp lãnh đạo chưa quan tâm và chú ý đúng mức công tác bảo hộ lao động, chưa phân công bố trí cán bộ phụ trách am hiểu kỹ thuật an toàn. Ngoài ra, một số cơ quan Nhà nuớc chưa chuẩn bị những điều kiện cần thiết để phục vụ công tác an toàn lao động.

Để nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị số 224-CT/TW ngày 13-8-1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 249/TTg ngày 10-7-1975 và Chỉ thị 444-TTg ngày 12-11-1976 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp bảo đảm an toàn lao động và cải thiện điều kiện làm việc của công nhân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định một số biện pháp như sau :

1.- Các ngành, các cơ sở tổ chức học tập và kiểm điểm sâu sắc việc thi hành các chỉ thị nói trên của Ban Bí thư và của Thủ tướng Chính phủ về công tác an toàn lao động.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về bảo hộ lao động làm cho công nhân viên chức ở các cơ quan và xí nghiệp quán triệt đầy đủ phương châm của Đảng và Chính phủ là : ”Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”.

2.- Tổ chức ngay một đợt kiểm tra và an toàn và vệ sinh công nghiệp từ nay đến hết quý 1/1977 ở các cơ sở sản xuất và sự nghiệp, nhứt là những nơi quan trọng như ở bộ phận điện, hóa chất, kho tàng có chất dễ cháy dễ nổ và các cơ sở vận chuyển, xây dựng, v.v… Qua việc kiểm tra trên, phát hiện và có biện pháp cụ thể khắc phục những thiếu sót để ngăn chặn tai nạn và cải thiện thêm một bước điều kiện làm việc của công nhân.

Trong đợt kiểm tra này, các ngành, các cấp cần chú ý kiểm tra trình độ hiểu biết của cán bộ quản lý và công nhân ở cơ sở, đưa dần công tác tự kiểm tra về an toàn và vệ sinh lao động đi vào nề nếp thường xuyên.

3.- Các ngành quản lý sản xuất xây dựng khi lập kế hoạch sản xuất năm 1977 thì đồng thời cũng phải lập và được duyệt kế hoạch bảo hộ lao động của ngành theo điều lệ bảo hộ lao động đã quy định ở điều 2 và điều 6.

Kế hoạch bảo hộ lao động phải được xây dựng từ xí nghiệp, có ý kiến tham gia của Công đoàn cơ sở và khi kiểm điểm kế hoạch sản xuất, xây dựng, các cấp cũng phải đồng thời kiểm điểm và báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động.

4.- Để đảm bảo việc thực hiện công tác kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp được tốt, các ngành, các xí nghiệp cần bố trí tăng cường cán bộ kỹ thuật có năng lực làm công tác an toàn lao động và tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện ngắn ngày cho công nhân viên chức.

Nhận được chỉ thị này, các ngành phối hợp chặt chẽ với Công đoàn các cấp, nghiên cứu chấp hành thật tốt.

Ủy ban Kế hoạch Thành phố, các Sở Lao động, Y tế, Thương nghiệp, Tài chánh cần có kế hoạch hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra và đôn đốc các cơ sở thực hiện.

Sở Lao động có trách nhiệm tổng hợp tình hình và báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân Thành phố./.

 

UBND thành phố Hồ Chí Minh

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Võ Thành Công