• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/12/2016
  • Ngày hết hiệu lực: 12/12/2020
BỘ QUỐC PHÒNG
Số: 181/2016/TT-BQP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 4 tháng 11 năm 2016

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về hồ sơ, quy trình và trách nhiệm giải quyết hưởng

các chế độ bảo hiểm xã hội trong Bộ Quốc phòng

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động;

Căn cứ Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;

Căn cứ Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

Căn cứ Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện;

Căn cứ Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc;

Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Theo đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị,

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư hướng dẫn về hồ sơ, quy trình và trách nhiệm giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trong Bộ Quốc phòng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về hồ sơ, quy trình, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc giải quyết hưởng các chế độ ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất trong Bộ Quốc phòng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Quân nhân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; công nhân, viên chức quốc phòng; lao động hợp đồng trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng (sau đây gọi chung là người lao động).

2. Thân nhân người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; người hưởng lương hưu theo Nghị định số 159/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về việc thực hiện chế độ hưu trí đối với quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước có 20 năm trở lên phục vụ Quân đội đã phục viên, xuất ngũ (sau đây được viết tắt là Nghị định số 159/2006/NĐ-CP); Nghị định số 11/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 159/2006/NĐ-CP; Nghị định số 23/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 có từ đủ 20 năm trở lên phục vụ trong Quân đội, Công an đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

3. Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng (sau đây gọi chung là người sử dụng lao động) và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập hồ sơ giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội hướng dẫn tại Thông tư này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống, là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú.

2. Bản chính, bản sao, bản sao được chứng thực từ bản chính, bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao lại.

a) “Bản chính”, “Bản sao”, “Bản sao được chứng thực từ bản chính”, “Bản sao được cấp từ sổ gốc” nêu trong văn bản này được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch;

b) “Bản sao lại” quy định tại văn bản này là bản chụp lại từ “Bản chính”, “Bản sao”, “Bản sao được chứng thực từ bản chính”, “Bản sao được cấp từ sổ gốc” hoặc bản “Trích lục” và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận sao từ bản chính hoặc từ các bản sao nêu trên để đủ bộ hồ sơ đưa vào lưu trữ hoặc giới thiệu hồ sơ tử tuất đến địa phương nơi thân nhân cư trú;

c) Thành phần hồ sơ nêu tại văn bản này nếu không quy định là bản chính thì có thể nộp bản chính, bản sao (kèm bản chính để đối chiếu), bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc; các thành phần hồ sơ khác quy định tại văn bản này mà do cơ quan có thẩm quyền lập là bản chính.

3. Bệnh cần chữa trị dài ngày được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội là các bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày ban hành kèm theo Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 12 tháng 5 năm 2016 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội thuộc lĩnh vực y tế (sau đây được viết tắt là Thông tư số 14/2016/TT-BYT).

4. Cơ quan nhân sự là cơ quan Cán bộ, Quân lực, Tổ chức lao động tiền lương thuộc các đơn vị từ cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng trở xuống.

5. Các từ viết rút gọn:

- Bảo hiểm xã hội: BHXH;

- Bảo hiểm y tế: BHYT;

- Bảo hiểm thất nghiệp: BHTN;

- Tai nạn lao động: TNLĐ;

- Bệnh nghề nghiệp: BNN.

Điều 4. Hồ sơ, số hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và sổ bảo hiểm xã hội; thẩm quyền giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với hạ sĩ quan, binh sĩ; chế độ ốm đau, thai sản và trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe đối với người lao động thuộc các doanh nghiệp cấp 3, đơn vị sự nghiệp công lập

1. Hồ sơ, số hồ sơ hưởng chế độ BHXH và sổ BHXH

a) Người lao động, thân nhân người lao động, người sử dụng lao động, cá nhân, tổ chức có liên quan khi cung cấp, kê khai, xác nhận, lập hồ sơ phải ghi đầy đủ, chính xác, trung thực, đúng thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung đã kê khai và xác nhận đó;

b) Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ BHXH phải được lập đủ về số lượng, mẫu biểu phải thống nhất và được quản lý, lưu trữ theo quy định danh mục các quyết định của Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh;

c) Số hồ sơ hưởng chế độ hưu trí, BHXH một lần, chế độ TNLĐ, BNN, chế độ tử tuất là số sổ BHXH. Trường hợp không thuộc diện cấp sổ BHXH thì số sổ hưu trí là số hồ sơ hoặc số sổ trợ cấp BHXH hằng tháng;

d) Sổ BHXH (bao gồm tờ bìa và các trang tờ rời) của người lao động sau khi đã giải quyết hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, BHXH một lần, được lưu trữ tại BHXH Bộ Quốc phòng.

2. Thẩm quyền giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với hạ sĩ quan, binh sĩ và giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản và trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe đối với người lao động thuộc các doanh nghiệp cấp 3, đơn vị sự nghiệp công lập

a) Thẩm quyền giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với hạ sĩ quan, binh sĩ:

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng lập hồ sơ giải quyết và chi trả chế độ xuất ngũ từ nguồn quỹ BHXH đối với hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quyền; gửi quyết định, danh sách (kèm theo đĩa CD) về BHXH Bộ Quốc phòng để làm cơ sở quyết toán;

b) Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe đối với người lao động thuộc các doanh nghiệp cấp 3, đơn vị sự nghiệp công lập (thu nộp BHXH trực tiếp với BHXH Bộ Quốc phòng):

Hằng tháng, lập hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản chuyển về BHXH Bộ Quốc phòng để thẩm định trực tiếp; nhận lại hồ sơ và tiến hành chi trả chế độ cho người lao động sau khi được BHXH Bộ Quốc phòng phê duyệt.

Điều 5. Mẫu, biểu hồ sơ giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội

1. Người lao động; thân nhân người lao động; người sử dụng lao động, các tổ chức và cá nhân có liên quan căn cứ các mẫu, biểu hướng dẫn kèm theo Thông tư này để thực hiện.

2. Mẫu đơn, mẫu tờ khai, mẫu văn bản hướng dẫn tại Thông tư này được BHXH Bộ Quốc phòng hoặc người sử dụng lao động nơi trực tiếp giải quyết hưởng các chế độ BHXH đối với người lao động cấp miễn phí hoặc do người lao động in, chụp, đánh máy, tự viết tay theo nội dung mẫu quy định.

3. Mẫu số C70a-HD, C70b-HD được áp dụng tạm thời cho đến khi Bộ Tài chính có quy định mới.

4. Mẫu giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và giấy chứng nhận nghỉ việc để dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, trích sao hồ sơ bệnh án (tóm tắt hồ sơ bệnh án) do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp, thực hiện theo Thông tư số 14/2016/TT-BYT.

Chương II

HỒ SƠ; QUY TRÌNH, TRÁCH NHIỆM VÀ THỜI GIAN GIẢI QUYẾT HƯỞNG CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Mục 1. CHẾ ĐỘ ỐM ĐAU

Điều 6. Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ ốm đau

1. Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (bản chính), trường hợp cả cha và mẹ đều nghỉ việc chăm sóc con ốm thì giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH của một trong hai người là bản sao.

2. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều này được thay bằng bản dịch tiếng Việt được chứng thực của giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.

3. Ngoài hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 1, 2 Điều này, cơ quan nhân sự lập thêm danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (Mẫu số C70a-HD; sau đây viết tắt là danh sách).

Điều 7. Quy trình, thời gian giải quyết hưởng chế độ ốm đau

1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 1 hoặc Khoản 2 Điều 6 Thông tư này cho cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương.

2. Trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, người sử dụng lao động hoàn thành việc giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động.

3. Trường hợp người lao động nộp hồ sơ chưa hợp lệ thì cơ quan nhân sự phải thông báo cho người lao động biết bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 8. Trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ ốm đau

1. Đối với người lao động

Nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 1 hoặc Khoản 2 Điều 6 Thông tư này cho cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương.

2. Đối với người sử dụng lao động thuộc các đơn vị dự toán

a) Cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương

- Hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ theo quy định từ người lao động; lập 02 bản danh sách (Mẫu số C70a-HD), chuyển cơ quan tài chính cùng cấp kèm theo hồ sơ giải quyết hưởng chế độ ốm đau của từng người lao động (không bao gồm sổ BHXH) cùng toàn bộ dữ liệu dưới dạng File điện tử (tệp dữ liệu) của số người lao động đề nghị giải quyết chế độ bằng đĩa CD;

- Khi xét duyệt hồ sơ hưởng chế độ ốm đau, nếu người lao động nộp bản sao giấy ra viện thì cơ quan nhân sự xác nhận “ĐÃ XÉT DUYỆT” vào bản chính do người lao động xuất trình và trả lại cho người lao động.

b) Cơ quan tài chính cấp trung đoàn và tương đương

- Tiếp nhận hồ sơ và danh sách (Mẫu số C70a-HD) cùng toàn bộ dữ liệu dưới dạng File điện tử (tệp dữ liệu) của số người lao động đề nghị giải quyết chế độ bằng đĩa CD do cơ quan nhân sự chuyển đến; thẩm định và tổng hợp (Mẫu số 04/BHXH ban hành kèm theo Thông tư số 42/2009/TT-BQP ngày 30 tháng 7 năm 2009 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn quản lý thu, chi bảo hiểm xã hội bắt buộc trong Quân đội nhân dân Việt Nam; sau đây được viết tắt là Thông tư số 42/2009/TT-BQP);

- Thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời chế độ ốm đau cho người lao động; từ chối chi trả đối với các trường hợp tính toán sai chế độ. Khi cấp phát chế độ ốm đau phải thu hồi tiền lương đã hưởng của những ngày người lao động nghỉ ốm;

- Hằng tháng, quý, năm, tổng hợp, lập báo cáo quyết toán (cùng với chi các chế độ BHXH) gửi cơ quan tài chính cấp trên theo quy định;

- Lưu trữ hồ sơ, chứng từ theo quy định.

c) Cơ quan tài chính cấp trên trung đoàn và tương đương

- Hằng quý, tiếp nhận báo cáo quyết toán kèm theo danh sách (Mẫu số C70a-HD) do cơ quan tài chính đơn vị cấp dưới chuyển đến; thẩm định, xác nhận báo cáo quyết toán đối với từng đơn vị; tổng hợp, lập báo cáo quyết toán (cùng với chi các chế độ BHXH) gửi cơ quan tài chính cấp trên;

- Lưu trữ hồ sơ, chứng từ theo quy định.

d) Cơ quan tài chính đơn vị trực thuộc Bộ

Hằng quý, năm thẩm định, xác nhận báo cáo quyết toán của các đơn vị trực thuộc; tổng hợp, lập báo cáo quyết toán (cùng với chi các chế độ BHXH) gửi BHXH Bộ Quốc phòng theo quy định.

3. Đối với người sử dụng lao động thuộc các doanh nghiệp trực thuộc Bộ

a) Cơ quan nhân sự có trách nhiệm thực hiện như cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương đã hướng dẫn tại Điểm a Khoản 2 Điều này.

b) Cơ quan tài chính

- Hằng quý, tiếp nhận báo cáo quyết toán, hồ sơ và danh sách (Mẫu số C70a-HD) cùng toàn bộ dữ liệu dưới dạng File điện tử (tệp dữ liệu) của số người lao động đề nghị giải quyết chế độ bằng đĩa CD của các doanh nghiệp cấp dưới chuyển đến; thẩm định, lập 02 bản danh sách giải quyết hưởng chế độ ốm đau (Mẫu số C70b-HD) và xác nhận báo cáo quyết toán trả lại doanh nghiệp;

- Hằng quý, năm tổng hợp lập báo cáo quyết toán (cùng với chi các chế độ BHXH) gửi BHXH Bộ Quốc phòng theo quy định.

4. Đối với người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp thuộc đầu mối đơn vị trực thuộc Bộ, đơn vị sự nghiệp công lập, thu nộp BHXH, BHYT trực tiếp với BHXH Bộ Quốc phòng (sau đây gọi chung là doanh nghiệp cấp 3)

a) Cơ quan nhân sự

Hằng tháng, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ theo quy định từ người lao động; lập 02 bản danh sách (Mẫu số C70a-HD), chuyển về BHXH Bộ Quốc phòng kèm theo hồ sơ giải quyết hưởng chế độ ốm đau của từng người lao động (không bao gồm sổ BHXH) cùng toàn bộ dữ liệu dưới dạng File điện tử (tệp dữ liệu) của số người lao động đề nghị giải quyết chế độ bằng đĩa CD.

b) Cơ quan tài chính

- Tiếp nhận danh sách (Mẫu số C70b-HD) đã được BHXH Bộ Quốc phòng xét duyệt cùng với hồ sơ và danh sách (Mẫu số C70a-HD) do cơ quan nhân sự chuyển đến, tổng hợp (Mẫu số 04/BHXH ban hành kèm theo Thông tư số 42/2009/TT-BQP);

- Thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời chế độ ốm đau đối với người lao động sau khi nhận được danh sách (Mẫu số C70a-HD và Mẫu số C70b-HD) do cơ quan nhân sự chuyển đến;

- Hằng quý, năm tổng hợp, lập báo cáo quyết toán (cùng với chi các chế độ BHXH) gửi BHXH Bộ Quốc phòng theo quy định;

- Lưu trữ hồ sơ, chứng từ theo quy định.

Mục 2. CHẾ ĐỘ THAI SẢN

Điều 9. Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ thai sản

1. Đối với lao động nữ (bao gồm cả lao động nữ mang thai hộ) đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và người lao động thực hiện các biện pháp tránh thai là giấy ra viện (bản chính hoặc bản sao) đối với trường hợp điều trị nội trú hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (bản chính) đối với trường hợp điều trị ngoại trú.

2. Đối với lao động nữ đang đóng BHXH sinh con hoặc đối với chồng, người nuôi dưỡng trong trường hợp người mẹ chết hoặc con chết sau khi sinh hoặc người mẹ gặp rủi ro sau khi sinh không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con, hồ sơ gồm:

a) Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con, trừ trường hợp con chết mà chưa được cấp giấy chứng sinh;

b) Trường hợp con chết, ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Điểm a Khoản này, có thêm: Bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của con hoặc trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;

c) Trường hợp mẹ chết ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Điểm a Khoản này, có thêm: Bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của mẹ;

d) Trường hợp lao động nữ khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai, ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Điểm a Khoản này, có thêm: Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai;

đ) Trường hợp người mẹ sau khi sinh con không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con, ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Điểm a Khoản này, có thêm: Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con.

3. Đối với người lao động đang làm việc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, hồ sơ là giấy chứng nhận nuôi con nuôi của cấp có thẩm quyền.

4. Đối với trường hợp lao động nam có vợ sinh con hoặc chồng của lao động nữ mang thai hộ theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 Luật BHXH, hồ sơ gồm:

a) Hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều này;

b) Giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con dưới 32 tuần tuổi hoặc sinh con phải phẫu thuật.

5. Đối với lao động nữ mang thai hộ khi sinh con, hồ sơ gồm:

a) Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con trừ trường hợp con chết mà chưa được cấp giấy chứng sinh;

b) Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ;

c) Trường hợp con chết, ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Điểm a và Điểm b Khoản này, có thêm: Bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của con hoặc trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của lao động nữ mang thai hộ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;

d) Trường hợp lao động nữ mang thai hộ sau khi sinh bị chết, ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Điểm a và Điểm b Khoản này, có thêm: Bản sao giấy chứng tử hoặc bản sao giấy báo tử hoặc trích lục khai tử;

đ) Trường hợp lao động nữ mang thai hộ phải nghỉ việc để dưỡng thai, ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Điểm a và Điểm b Khoản này, có thêm: Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc phải nghỉ việc để dưỡng thai.

6. Đối với người mẹ nhờ mang thai hộ, hồ sơ gồm:

a) Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con, trừ trường hợp con chết mà chưa được cấp giấy chứng sinh;

b) Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ;

c) Trường hợp con chưa đủ 06 tháng tuổi bị chết, ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Điểm a và Điểm b Khoản này, có thêm: Bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử;

d) Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ chết ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Điểm a và Điểm b Khoản này, có thêm: Bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của mẹ;

đ) Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ không đủ sức khỏe để chăm sóc con, ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Điểm a và Điểm b Khoản này, có thêm: Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ nhờ mang thai hộ không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con.

7. Đối với lao động nam khi vợ sinh con (trong trường hợp chỉ có người cha tham gia BHXH), hồ sơ thực hiện như hướng dẫn tại Điểm a, b, c, đ Khoản 2 Điều này.

8. Ngoài hồ sơ hướng dẫn tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều này, cơ quan nhân sự lập thêm danh sách (Mẫu số C70a-HD).

9. Đối với người lao động đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi, hồ sơ gồm: Sổ BHXH và hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 hoặc Khoản 5 hoặc Khoản 6 Điều này.

Điều 10. Quy trình, thời gian giải quyết hưởng chế độ thai sản

1. Trong thời gian 45 ngày, kể từ ngày trở lại làm việc, lao động nữ hoặc người lao động (gọi chung là người lao động) có trách nhiệm nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 9 Thông tư này cho cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương.

Trường hợp người lao động đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 9 Điều 9 Thông tư này cho cơ quan BHXH nơi cư trú để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

2. Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, người sử dụng lao động hoàn thành việc giải quyết chế độ thai sản đối với người lao động.

3. Trường hợp người lao động nộp hồ sơ chưa hợp lệ thì cơ quan nhân sự, hoặc cơ quan BHXH phải thông báo cho người lao động biết bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 11. Trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động

a) Trường hợp thông thường: Người lao động nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 1; Điểm a, Điểm d Khoản 2; hoặc Khoản 3, Khoản 4 Điều 9 Thông tư này;

b) Trường hợp con chết sau khi sinh: Nộp thêm hồ sơ theo hướng dẫn tại Điểm b Khoản 2; Điểm c Khoản 5; Điểm c Khoản 6 Điều 9 Thông tư này;

c) Trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng trợ cấp sau khi sinh con, nhận nuôi con nuôi, người mẹ chết hoặc người mẹ gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con thì người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng con nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Điểm a, c, d, đ Khoản 2; hoặc theo Điểm a, b, d, đ Khoản 6 Điều 9 Thông tư này cho cơ quan nhân sự nơi người mẹ đóng BHXH;

d) Trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia BHXH và đều đủ điều kiện hưởng trợ cấp nhưng sau khi sinh con, nhận con nuôi, người mẹ chết hoặc người mẹ gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con, thì người cha:

- Nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Điểm c Khoản này cho cơ quan nhân sự nơi người mẹ đóng BHXH đối với trường hợp người mẹ tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng trợ cấp (để giải quyết trợ cấp một lần khi sinh con và trợ cấp cho thời gian người mẹ hưởng khi còn sống hoặc giải quyết trợ cấp đối với người cha trong trường hợp người cha tham gia BHXH nhưng không nghỉ việc);

- Nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Điểm c Khoản này cho cơ quan nhân sự nơi người cha đóng BHXH để hưởng trợ cấp cho thời gian hưởng của người cha sau khi người mẹ chết hoặc người mẹ gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con.

đ) Trường hợp chỉ có người cha tham gia BHXH, nếu sau khi sinh con, nhận nuôi con nuôi, người mẹ chết hoặc người mẹ gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con thì người cha nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Điểm c Khoản này (trừ Điểm d Khoản 2 Điều 9 Thông tư này) cho cơ quan nhân sự nơi người cha đóng BHXH;

e) Lao động nữ mang thai hộ nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Điểm a, b, đ Khoản 5 Điều 9 Thông tư này cho cơ quan nhân sự nơi đang đóng BHXH;

g) Lao động nam có vợ sinh con hoặc chồng của lao động nữ mang thai hộ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 4 Điều 9 Thông tư này cho cơ quan nhân sự nơi đóng BHXH;

h) Lao động nữ nhờ mang thai hộ hoặc thân nhân lao động nữ nhờ mang thai hộ nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Điểm a, b và d Khoản 6 Điều 9 Thông tư này cho cơ quan nhân sự nơi đang đóng BHXH.

2. Người sử dụng lao động

Thực hiện trách nhiệm như hướng dẫn tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 hoặc Khoản 4 Điều 8 Thông tư này. Khi chi trả chế độ thai sản, người sử dụng lao động phải thu hồi tiền lương đã hưởng của những ngày người lao động nghỉ khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu và thực hiện các biện pháp tránh thai hoặc của những tháng người lao động nghỉ sinh con, nhận nuôi con nuôi.

Mục 3. CHẾ ĐỘ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 12. Hồ sơ đề nghị giám định tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Đơn đề nghị giám định TNLĐ, BNN (lần đầu hoặc tái phát hoặc giám định tổng hợp) của người lao động (Mẫu số 14-HBQP).

2. Văn bản đề nghị của Thủ trưởng đơn vị cấp đầu mối trực thuộc Bộ.

3. Giấy giới thiệu của cơ quan có thẩm quyền hoặc của cơ quan BHXH (Mẫu số 15A-HBQP).

4. Ngoài hồ sơ hướng dẫn tại Khoản 1, 2, 3 Điều này, có thêm:

a) Trường hợp đề nghị giám định thương tật lần đầu do TNLĐ: Hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 4, 6 Điều 13 Thông tư này và bản sao sổ BHXH;

c) Trường hợp đề nghị giám định lần đầu do BNN: Hồ sơ thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 14 Thông tư này và bản sao sổ BHXH;

c) Trường hợp đề nghị giám định TNLĐ tái phát:

- Các giấy tờ điều trị vết thương tái phát:

+ Đối với người lao động điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện theo mẫu quy định tại Phụ lục số 5 hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định tại Phụ lục số 6 ban hành kèm theo Thông tư số 14/2016/TT-BYT;

+ Đối với người lao động điều trị ngoại trú: Bản sao giấy tờ về khám, điều trị bệnh, thương tật do TNLĐ, bao gồm: Sổ y bạ, sổ khám bệnh, đơn thuốc hoặc giấy hẹn khám lại hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án điều trị ngoại trú.

- Biên bản giám định y khoa lần liền kề trước đó;

- Bản sao hồ sơ đã hưởng trợ cấp TNLĐ.

d) Trường hợp đề nghị giám định BNN tái phát:

- Hồ sơ khám BNN hoặc hồ sơ BNN hoặc sổ khám sức khỏe phát hiện BNN (sau đây được viết tắt là hồ sơ khám BNN);

- Các giấy tờ điều trị BNN tái phát:

+ Đối với người lao động điều trị nội trú do BNN tái phát hoặc tiến triển: Bản sao giấy ra viện theo mẫu quy định tại Phụ lục số 5 hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định tại Phụ lục số 6 ban hành kèm theo Thông tư số 14/2016/TT-BYT;

+ Đối với người lao động điều trị ngoại trú do BNN tái phát hoặc tiến triển: Bản sao giấy tờ về khám, điều trị bệnh, thương tật, bệnh tật do BNN tái phát, bao gồm: Sổ y bạ, sổ khám bệnh, đơn thuốc hoặc giấy hẹn khám lại hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án điều trị ngoại trú.

- Bản sao biên bản giám định y khoa lần liền kề trước đó.

đ) Trường hợp đề nghị giám định tổng hợp:

- Bản sao biên bản giám định y khoa lần liền kề trước đó (đối với các trường hợp đã khám giám định);

- Các giấy tờ khác theo hướng dẫn tại Điểm a, b, c, d Khoản này phù hợp với đối tượng và loại hình giám định.

Điều 13. Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động

1. Sổ BHXH.

2. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ của Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ (Mẫu số 05-HBQP).

3. Biên bản điều tra TNLĐ (Mẫu số 10A-HBQP hoặc Mẫu số 10B-HBQP).

4. Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị TNLĐ đối với trường hợp điều trị nội trú hoặc bản sao giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế (nơi đã cấp cứu, điều trị cho người lao động) cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư số 14/2016/TT-BYT.

5. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa các cấp trong Bộ Quốc phòng.

Trường hợp, trong khi làm nhiệm vụ mà bị thương được xác định là TNLĐ; đồng thời, được cấp có thẩm quyền xác nhận là thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh, thì lập thêm 03 bản biên bản giám định thương tật (Mẫu TB2 kèm theo Thông tư số 202/2013/TT-BQP ngày 07 tháng 11 năm 2013 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn về trình tự, thủ tục xác nhận, tổ chức thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng), để giải quyết chế độ thương binh.

6. Trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ, thì có thêm một trong các giấy tờ sau:

a) Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông;

b) Biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng.

7. Quyết định về việc hưởng trợ cấp TNLĐ hằng tháng hoặc một lần (Mẫu số 03A-HBQP hoặc Mẫu số 03B-HBQP).

8. Bản quá trình đóng BHXH (Mẫu số 04A-HBQP).

9. Phiếu truy trả (Mẫu số 16A-HBQP), phiếu điều chỉnh (Mẫu số 16B-HBQP) trợ cấp TNLĐ hằng tháng.

10. Phiếu thanh toán trợ cấp BHXH (Mẫu số 16E-HBQP) trong trường hợp hưởng trợ cấp TNLĐ một lần.

11. Giấy giới thiệu trả trợ cấp TNLĐ hằng tháng với trường hợp đồng thời chuyển về địa phương (Mẫu số 15B-HBQP).

Điều 14. Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

1. Sổ BHXH.

2. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ BNN của Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ (Mẫu số 05A-HBQP).

3. Giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án sau khi điều trị BNN; trường hợp không điều trị nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh thì phải có hồ sơ khám BNN.

4. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa BNN Bộ Quốc phòng; Hội đồng Giám định y khoa BNN Bệnh viện 175, Bệnh viện 103. Đối với người lao động bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng giấy chứng nhận bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp theo mẫu quy định tại Quyết định số 120/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (sau đây được viết tắt là Quyết định số 120/2008/QĐ-TTg).

5. Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại hoặc kết quả đo, kiểm tra môi trường lao động trong thời hạn quy định do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp biên bản hoặc kết quả đo, kiểm tra được xác định cho nhiều người thì hồ sơ của mỗi người lao động có bản trích sao biên bản hoặc trích sao kết quả đo, kiểm tra. Đối với người lao động bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp thì thay bằng biên bản tai nạn rủi ro nghề nghiệp (bản sao) theo mẫu quy định tại Quyết định số 120/2008/QĐ-TTg.

6. Quyết định về việc hưởng trợ cấp BNN hằng tháng hoặc một lần (Mẫu số 03A-HBQP hoặc Mẫu số 03B-HBQP).

7. Bản quá trình đóng BHXH (Mẫu số 04A-HBQP).

8. Phiếu truy trả (Mẫu số 16A-HBQP), phiếu điều chỉnh (Mẫu số 16B-HBQP) trợ cấp BNN hằng tháng.

9. Phiếu thanh toán trợ cấp BHXH (Mẫu số 16E-HBQP) trong trường hợp hưởng trợ cấp BNN một lần.

10. Giấy giới thiệu trả trợ cấp BNN hằng tháng với trường hợp đồng thời chuyển về địa phương (Mẫu số 15B-HBQP).

Điều 15. Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tái phát

1. Hồ sơ đã hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN do cơ quan nhân sự hoặc người lao động quản lý.

2. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ, BNN của Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ (Mẫu số 05-HBQP).

3. Giấy ra viện sau khi điều trị ổn định thương tật, bệnh tật cũ tái phát đối với trường hợp điều trị nội trú. Đối với trường hợp không điều trị nội trú là giấy tờ khám, điều trị thương tật, bệnh tật tái phát, bao gồm: Sổ y bạ, sổ khám bệnh, đơn thuốc hoặc giấy hẹn khám lại hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án điều trị ngoại trú.

4. Sổ theo dõi sức khỏe của cơ quan quân y đơn vị nơi quản lý người lao động.

5. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật cũ tái phát của Hội đồng Giám định y khoa các cấp trong Bộ Quốc phòng (bản chính).

6. Quyết định về việc điều chỉnh mức hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng hoặc một lần do thương tật, bệnh tật cũ tái phát (Mẫu số 03C-HBQP hoặc Mẫu số 03D-HBQP).

7. Bản quá trình đóng BHXH (Mẫu số 04A-HBQP).

8. Phiếu điều chỉnh trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng do vết thương, bệnh tật cũ tái phát (Mẫu số 16H-HBQP).

Điều 16. Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động

1. Hồ sơ đã hưởng trợ cấp TNLĐ hoặc BNN do cơ quan nhân sự hoặc người lao động quản lý hoặc hồ sơ TNLĐ, BNN của các lần bị TNLĐ, BNN nhưng chưa được giám định.

2. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ, BNN của Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ (Mẫu số 05-HBQP).

3. Sổ theo dõi sức khỏe của cơ quan quân y đơn vị quản lý người lao động.

4. Biên bản giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa các cấp trong Bộ Quốc phòng (bản chính).

5. Quyết định về việc điều chỉnh mức hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng hoặc một lần do giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động (Mẫu số 03Đ-HBQP hoặc Mẫu số 03E-HBQP).

6. Phiếu điều chỉnh trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng do giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động (Mẫu số 16Đ-HBQP).

Điều 17. Hồ sơ giải quyết cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt và dụng cụ chỉnh hình đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Hồ sơ hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN do cơ quan nhân sự hoặc người lao động quản lý.

2. Chỉ định của cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc của bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu, quân đoàn trở lên phù hợp với tình trạng thương tật, bệnh tật do TNLĐ, BNN. Đối với trường hợp có chỉ định lắp mắt giả thì có thêm chứng từ lắp mắt giả (bản chính).

3. Quyết định về việc cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (Mẫu số 03G-HBQP).

4. Vé tàu, xe đi và về (vé gốc) trong trường hợp thanh toán tiền tàu, xe.

Điều 18. Quy trình, trách nhiệm giới thiệu giám định tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Đối với người lao động: Nộp hồ sơ giám định theo hướng dẫn tại Khoản 1 và Điểm a hoặc Điểm b Khoản 4 hoặc các giấy tờ điều trị vết thương tái phát; biên bản giám định y khoa lần liền kề trước đó hướng dẫn tại Điểm c hoặc hồ sơ khám BNN, các giấy tờ điều trị BNN tái phát hướng dẫn tại Điểm d hoặc Điểm đ Khoản 4 Điều 12 Thông tư này cho cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương.

2. Cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương: Tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định và hoàn thiện hồ sơ giám định y khoa theo quy định và chuyển hồ sơ lên cơ quan nhân sự cấp trên đến cơ quan nhân sự đầu mối trực thuộc Bộ để trực tiếp giới thiệu người lao động đi giám định theo quy định hoặc chuyển BHXH Bộ Quốc phòng giới thiệu giám định.

3. Thẩm quyền giới thiệu giám định

a) Cơ quan nhân sự đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng giới thiệu đến Hội đồng Giám định y khoa cấp dưới Hội đồng Giám định y khoa Bộ Quốc phòng đối với người lao động có quân hàm Đại úy hoặc mức lương tương đương cấp Đại úy trở xuống khi bị TNLĐ lần đầu;

b) BHXH Bộ Quốc phòng thẩm định hồ sơ trước khi giới thiệu ra Hội đồng Giám định y khoa Bộ Quốc phòng đối với người lao động bị TNLĐ lần đầu có quân hàm Thiếu tá hoặc mức lương tương đương cấp Thiếu tá trở lên; giới thiệu giám định đối với người lao động mắc BNN và các trường hợp giám định lại, giám định TNLĐ, BNN do vết thương tái phát, giám định tổng hợp TNLĐ, BNN.

Điều 19. Quy trình, trách nhiệm giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Đối với người lao động

a) Người lao động bị TNLĐ, BNN lần đầu hoặc giám định tổng hợp

Nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 1, 4 và 6 Điều 13 đối với hưởng chế độ TNLĐ hoặc hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 1 và 3 Điều 14 Thông tư này đối với hưởng chế độ BNN cho cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương;

Trường hợp người lao động bị TNLĐ hoặc mắc BNN lần đầu hoặc giám định tổng hợp mà Hội đồng Giám định y khoa trả kết quả giám định cho người lao động thì có thêm biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động; nếu thuộc đối tượng được cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt và dụng cụ chỉnh hình thì có thêm hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 2, 4 Điều 17 Thông tư này.

b) Người lao động bị thương tật, bệnh tật do TNLĐ, BNN tái phát

Nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại các Khoản 3 và 4 Điều 15 cho cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương nơi quản lý; trường hợp thuộc đối tượng được cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt và dụng cụ chỉnh hình thì có thêm hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 2, 4 Điều 17 Thông tư này.

2. Đối với người sử dụng lao động

a) Cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương

- Hướng dẫn người lao động nộp hồ sơ; tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu các yếu tố về nhân thân giữa hồ sơ tham gia BHXH và giấy khai sinh, chứng minh thư (căn cước công dân), sổ hộ khẩu... của người lao động, bảo đảm tính thống nhất trước khi lập hồ sơ gửi cơ quan nhân sự cấp trên;

- Bổ sung đầy đủ quá trình đóng BHXH của người lao động vào sổ BHXH đến tháng liền kề trước khi bị TNLĐ, BNN hoặc đến tháng liền kề trước khi có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa (đối với trường hợp không nghỉ việc điều trị bệnh hoặc không xác định được thời gian ra viện);

- Chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ theo quy định gửi cơ quan nhân sự cấp trên, kèm theo toàn bộ dữ liệu dưới dạng File điện tử (tệp dữ liệu) bằng đĩa CD;

- Nhận lại hồ sơ đã được giải quyết từ cơ quan nhân sự cấp trên, giao cho người lao động.

b) Cơ quan nhân sự cấp trên trung đoàn và tương đương

Tiếp nhận hồ sơ giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, BNN do cơ quan nhân sự cấp dưới chuyển đến, kiểm tra, đối chiếu, hoàn thiện hồ sơ thuộc trách nhiệm theo hướng dẫn tại Điều 13, 14, 15, 16, 17 Thông tư này, gửi cơ quan nhân sự trực thuộc Bộ, tổng hợp gửi BHXH Bộ Quốc phòng hồ sơ của từng người lao động kèm theo toàn bộ dữ liệu dưới dạng File điện tử (tệp dữ liệu) bằng đĩa CD; nhận lại hồ sơ đã được BHXH Bộ Quốc phòng giải quyết, bàn giao cho đơn vị thuộc quyền để giao cho người lao động.

c) Cơ quan tài chính cấp trung đoàn và tương đương

- Tiếp nhận hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ, BNN đã được BHXH Bộ Quốc phòng giải quyết do cơ quan nhân sự hoặc người lao động chuyển đến; kiểm tra, lập danh sách chi trả đầy đủ, kịp thời;

- Hằng quý, năm tổng hợp, lập báo cáo quyết toán (cùng với chi các chế độ BHXH) gửi cơ quan tài chính cấp trên đến cơ quan tài chính trực thuộc Bộ Quốc phòng;

- Lưu trữ hồ sơ, chứng từ theo quy định.

Điều 20. Thời gian giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Trong thời gian không quá 90 ngày, kể từ ngày người lao động điều trị ổn định xong ra viện, cơ quan nhân sự hoàn thiện hồ sơ, giới thiệu người lao động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động (bao gồm cả thời gian di chuyển hồ sơ).

2. Khi có kết quả giám định suy giảm khả năng lao động, trong thời gian 15 ngày đối với cấp trung đoàn và tương đương, 10 ngày đối với cấp sư đoàn và tương đương, 05 ngày đối với cấp đơn vị trực thuộc Bộ hoàn thành việc xét duyệt, thẩm định hồ sơ, gửi BHXH Bộ Quốc phòng.

3. Trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, BHXH Bộ Quốc phòng hoàn thành việc thẩm định, ra quyết định hưởng chế độ đối với người lao động.

4. Trường hợp người lao động hoặc người sử dụng lao động nộp hồ sơ chưa hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo cho người lao động hoặc người sử dụng lao động biết bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 21. Hồ sơ và thời gian giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Hồ sơ giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, TNLĐ, BNN là danh sách (Mẫu số C70a-HD), do cơ quan nhân sự lập.

2. Thời gian giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, TNLĐ, BNN thực hiện như sau:

a) Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, cơ quan nhân sự chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan (Quân y; Tài chính; Công đoàn, nếu có) hoàn thành việc lập danh sách theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều này và tổ chức chi trả trợ cấp cho người lao động;

b) Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Mục 4. CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ

Điều 22. Hồ sơ giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng

1. Sổ BHXH.

2. Quyết định nghỉ việc để hưởng chế độ BHXH của Thủ trưởng đơn vị cấp có thẩm quyền (Mẫu do Bộ Quốc phòng ban hành). Riêng đối với người tham gia BHXH tự nguyện thay quyết định nghỉ việc bằng đơn đề nghị hưởng chế độ hưu trí (Mẫu số 14-HBQP).

3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa các cấp trong Bộ Quốc phòng (bản chính) đối với người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động; giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp của cơ quan có thẩm quyền cấp đối với người nghỉ hưu bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; giấy xác nhận khuyết tật mức độ nặng (tương đương với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%) hoặc giấy xác nhận khuyết tật mức độ đặc biệt nặng (tương đương mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện (sau đây được viết tắt là Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT).

4. Bản quá trình đóng BHXH (Mẫu số 04A-HBQP).

5. Quyết định về việc hưởng chế độ hưu trí hằng tháng (Mẫu số 07A-HBQP đến Mẫu số 07C-HBQP).

6. Giấy giới thiệu trả lương hưu hằng tháng (Mẫu số 15C-HBQP).

7. Giấy đăng ký nhận lương hưu và nơi khám, chữa bệnh BHYT ban đầu (Mẫu số 13A-HBQP) có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

8. Văn bản giải trình của Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ đối với trường hợp nộp hồ sơ chậm sau thời điểm người lao động hưởng lương hưu. Nội dung văn bản giải trình phải nêu rõ lý do nộp chậm và hiện nay người lao động làm gì, cư trú ở đâu trong thời gian từ thời điểm hưởng lương hưu đến khi nộp hồ sơ và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung giải trình.

9. Ngoài hồ sơ nêu trên, đối với các trường hợp sau đây, bổ sung thêm:

a) Trường hợp sau khi ra tù được đơn vị tiếp nhận: Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù (bản sao) hoặc giấy đặc xá tha tù trước thời hạn hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền về việc miễn hoặc tạm hoãn chấp hành hình phạt tù đối với người bắt đầu phải chấp hành hình phạt tù giam trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015; quyết định tiếp nhận và xếp lương của cấp có thẩm quyền; đơn đề nghị hưởng chế độ hưu trí (Mẫu số 14-HBQP);

b) Trường hợp người lao động bị phạt tù từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi, trong thời gian đang chấp hành án tù mà đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định: Giấy ủy quyền làm thủ tục hưởng, nhận lương hưu (Mẫu số 13B-HBQP), đơn đề nghị hưởng chế độ hưu trí (Mẫu số 14-HBQP);

c) Trường hợp còn thiếu thời gian đóng BHXH tối đa không quá 06 tháng: Đơn đề nghị đóng BHXH một lần để hưởng chế độ hưu trí (Mẫu số 14-HBQP), có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và phiếu thu tiền đóng BHXH một lần;

d) Trường hợp người lao động phải điều chỉnh mức hưởng trợ cấp BHXH: Quyết định về việc điều chỉnh chế độ BHXH. (Mẫu số 06A-HBQP);

đ) Trường hợp người lao động trước tháng 01 năm 2007 công tác ở các địa bàn có hưởng phụ cấp khu vực: Bản khai cá nhân về thời gian, địa bàn phục vụ Quân đội có hưởng phụ cấp khu vực (Mẫu số 04B-HBKV);

e) Trường hợp xuất cảnh trái phép: Văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc trở về nước định cư hợp pháp;

g) Trường hợp người mất tích trở về: Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người mất tích trở về.

10. Phiếu thanh toán trợ cấp BHXH (Mẫu số 16E-HBQP) trong trường hợp người lao động được hưởng phụ cấp khu vực một lần hoặc trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.

Điều 23. Hồ sơ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với quân nhân

1. Sổ BHXH.

2. Quyết định phục viên, xuất ngũ, thôi việc của Thủ trưởng đơn vị cấp có thẩm quyền (Mẫu do Bộ Quốc phòng ban hành).

3. Đơn đề nghị hưởng BHXH một lần (Mẫu số 14-HBQP).

4. Tóm tắt hồ sơ, bệnh án của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền hoặc trích sao hồ sơ, bệnh án đối với các trường hợp đủ điều kiện nghỉ hưu nhưng đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng (như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và các bệnh mà có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không có khả năng hồi phục) mà có nguyện vọng nhận trợ cấp BHXH một lần.

5. Bản quá trình đóng BHXH (Mẫu số 04A-HBQP).

6. Quyết định về việc hưởng trợ cấp BHXH một lần (Mẫu số 07D-HBQP).

7. Trường hợp người lao động trước tháng 01 năm 2007 ở các địa bàn có hưởng phụ cấp khu vực, kèm theo bản khai cá nhân về thời gian, địa bàn phục vụ Quân đội có hưởng phụ cấp khu vực (Mẫu số 04B-HBKV).

8. Trường hợp người lao động ra nước ngoài định cư có thêm một trong các giấy tờ sau:

a) Bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam;

b) Bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng của một trong các giấy tờ sau đây:

- Hộ chiếu do nước ngoài cấp;

- Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài;

- Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.

9. Phiếu thanh toán trợ cấp BHXH (Mẫu số 16E-HBQP).

Điều 24. Hồ sơ giải quyết hưởng trợ cấp một lần từ quỹ bảo hiểm xã hội đối với hạ sĩ quan, binh sĩ

1. Quyết định về việc giải quyết xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ của Thủ trưởng đơn vị cấp có thẩm quyền (Mẫu do Bộ Quốc phòng ban hành).

2. Danh sách đề nghị hưởng trợ cấp xuất ngũ một lần từ quỹ BHXH (Mẫu số 11A-HBQP).

3. Quyết định về việc hưởng BHXH một lần của Thủ trưởng đơn vị cấp trực thuộc Bộ (Mẫu số 07Đ-HBQP).

4. Danh sách hưởng trợ cấp xuất ngũ một lần từ quỹ BHXH (Mẫu số 11B-HBQP).

Điều 25. Hồ sơ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với công nhân và viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng

1. Hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 Điều 23 Thông tư này.

2. Quyết định thôi việc của Thủ trưởng đơn vị cấp có thẩm quyền (Mẫu do Bộ Quốc phòng ban hành). Riêng đối với người tham gia BHXH tự nguyện thay bằng đơn đề nghị hưởng trợ cấp BHXH một lần (Mẫu số 14-HBQP).

3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa các cấp trong Bộ Quốc phòng đối với các trường hợp bị suy giảm khả năng lao động.

Điều 26. Hồ sơ giải quyết bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội

1. Đối với người lao động đang tham gia đóng BHXH

a) Sổ BHXH;

b) Quyết định phục viên, xuất ngũ, hoặc quyết định thôi việc của Thủ trưởng đơn vị cấp có thẩm quyền hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng lao động hết thời hạn. Riêng đối với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là đơn đề nghị bảo lưu thời gian đóng BHXH (Mẫu số 14-HBQP).

Trường hợp hạ sĩ quan binh sĩ xuất ngũ, nếu không có nguyện vọng hưởng trợ cấp BHXH một lần thì làm đơn đề nghị bảo lưu thời gian đóng BHXH (Mẫu số 14-HBQP).

2. Đối với trường hợp phục viên, xuất ngũ về địa phương không quá 12 tháng và đã nhận trợ cấp một lần từ quỹ BHXH, nếu có nguyện vọng bảo lưu thời gian đóng BHXH

a) Sổ BHXH đã giải quyết trợ cấp BHXH;

b) Đơn đề nghị bảo lưu thời gian đóng BHXH (Mẫu số 14-HBQP);

c) Công văn đề nghị của Thủ trưởng đơn vị (trước khi phục viên, xuất ngũ) cấp có thẩm quyền;

d) Hồ sơ hưởng trợ cấp BHXH đã được BHXH Bộ Quốc phòng giải quyết;

đ) Phiếu thu trợ cấp phục viên, xuất ngũ do đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên lập và đã nộp về tài khoản chuyên thu BHXH của BHXH Bộ Quốc phòng.

3. Đối với người bị phạt tù giam, khi ra tù chuyển về địa phương

a) Sổ BHXH;

b) Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù (bản sao);

c) Công văn đề nghị của Thủ trưởng đơn vị quản lý người lao động trước khi bị phạt tù;

d) Hồ sơ cá nhân (bản gốc) và các giấy tờ liên quan đến thời gian và tiền lương đóng BHXH (trường hợp chưa được cấp sổ BHXH).

Điều 27. Hồ sơ giải quyết hủy quyết định hưởng bảo hiểm xã hội

1. Đơn đề nghị hủy quyết định hưởng BHXH (trong trường hợp người lao động có yêu cầu; Mẫu số 14-HBQP).

2. Công văn đề nghị của Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ.

3. Quyết định về việc hủy quyết định nghỉ việc hưởng BHXH (hưởng lương hưu, phục viên, xuất ngũ, thôi việc) của Thủ trưởng đơn vị cấp có thẩm quyền.

4. Hồ sơ hưởng BHXH đã được BHXH Bộ Quốc phòng giải quyết theo quy định, bàn giao cho đơn vị nhưng chưa nhập hồ sơ về BHXH địa phương.

5. Quyết định về việc hủy quyết định hưởng chế độ BHXH của Giám đốc BHXH Bộ Quốc phòng (Mẫu số 06B-HBQP).

6. Phiếu thu trợ cấp phục viên, xuất ngũ, thôi việc (nếu có) do đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên lập và đã nộp về tài khoản chuyên thu BHXH của BHXH Bộ Quốc phòng.

Điều 28. Quy trình, trách nhiệm giải quyết chế độ

1. Người lao động

a) Người lao động đang đóng BHXH bắt buộc

- Nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 7 hoặc Điểm b, c, đ, e, g Khoản 9 Điều 22 hoặc Khoản 3, 4, 7, 8 Điều 23 hoặc Điểm a, b, d Khoản 2 hoặc Điểm b, d Khoản 3 Điều 26 hoặc Khoản 1, 4 Điều 27 Thông tư này cho cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương.

- Cung cấp cho người sử dụng lao động các thông tin về địa chỉ nơi nhận lương hưu: Số nhà, ngõ (ngách, hẻm), đường phố, tổ (thôn, xóm, ấp), xã (phường, thị trấn), huyện (thị xã, thành phố, quận), tỉnh, thành phố; nơi khám chữa bệnh BHYT ban đầu; thông tin về tài khoản cá nhân khi yêu cầu nhận lương hưu qua tài khoản thẻ: Tên chủ tài khoản, số tài khoản, tên ngân hàng mở tài khoản, tên chi nhánh ngân hàng; hoặc ủy quyền làm thủ tục hưởng, nhận thay chế độ BHXH (Mẫu số 13A-HBQP hoặc Mẫu số 13B-HBQP);

- Trường hợp người lao động hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động hoặc bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi do nghề nghiệp: Nộp cho người sử dụng lao động hồ sơ quy định tại Khoản 3 Điều 22 Thông tư này.

b) Người tham gia BHXH tự nguyện, trực tiếp hoặc qua đường bưu chính nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 22 cho BHXH Bộ Quốc phòng để được giải quyết hưởng lương hưu;

c) Người bắt đầu chấp hành hình phạt tù giam từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng thì người được ủy quyền nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Điểm b Khoản 9 Điều 22 Thông tư này cho cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương nơi quản lý trước khi bị phạt tù giam.

2. Người sử dụng lao động thuộc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp

a) Cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương

- Hướng dẫn người lao động hoặc thân nhân người lao động nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Thông tư này; kiểm tra, đối chiếu các yếu tố về nhân thân của người lao động để đảm bảo tính thống nhất của hồ sơ trước khi nộp cho cơ quan nhân sự cấp trên;

- Bổ sung đầy đủ quá trình đóng BHXH của người lao động vào sổ BHXH theo quy định; chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan nhân sự cấp trên, kèm theo toàn bộ dữ liệu dưới dạng File điện tử (tệp dữ liệu) bằng đĩa CD;

- Nhận lại hồ sơ đã được giải quyết từ cơ quan nhân sự cấp trên, giao cho người lao động hoặc thân nhân người lao động;

- Đối với các trường hợp đề nghị hủy quyết định hưởng chế độ BHXH, thu toàn bộ hồ sơ hướng dẫn tại Khoản 1, 3, 4, 6 Điều 27 Thông tư này, nộp cho cơ quan nhân sự cấp trên.

b) Cơ quan nhân sự cấp trên trung đoàn và tương đương

Tiếp nhận hồ sơ giải quyết hưởng các chế độ BHXH do cơ quan nhân sự cấp dưới chuyển đến, kiểm tra, đối chiếu, hoàn thiện hồ sơ thuộc trách nhiệm theo hướng dẫn gửi cơ quan nhân sự trực thuộc Bộ, tổng hợp gửi BHXH Bộ Quốc phòng hồ sơ của từng người lao động kèm theo toàn bộ dữ liệu dưới dạng File điện tử (tệp dữ liệu) bằng đĩa CD; nhận lại hồ sơ đã được BHXH Bộ Quốc phòng giải quyết, bàn giao cho đơn vị thuộc quyền để giao cho người lao động hoặc thân nhân người lao động.

c) Cơ quan tài chính cấp trung đoàn và tương đương

- Tiếp nhận hồ sơ hưởng các chế độ BHXH (hưu trí, phục viên, xuất ngũ, thôi việc) đã được BHXH Bộ Quốc phòng giải quyết do cơ quan nhân sự hoặc người lao động chuyển đến; kiểm tra, lập danh sách chi trả đầy đủ, kịp thời;

- Hằng quý, năm tổng hợp, lập báo cáo quyết toán (cùng với chi các chế độ BHXH) gửi cơ quan tài chính cấp trên đến cơ quan tài chính trực thuộc Bộ Quốc phòng;

- Lưu trữ hồ sơ, chứng từ theo quy định.

Điều 29. Thời gian giải quyết chế độ

1. Trong thời gian 10 ngày đối với cấp trung đoàn và tương đương, 10 ngày đối với cấp sư đoàn và tương đương, 10 ngày đối với cấp đơn vị trực thuộc Bộ, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ hưởng chế độ hưu trí hằng tháng, cơ quan nhân sự hoàn chỉnh hồ sơ gửi BHXH Bộ Quốc phòng.

2. Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, BHXH Bộ Quốc phòng hoàn thành việc ra quyết định hưởng chế độ hưu trí hằng tháng đối với người lao động.

3. Thời gian trao hồ sơ nghỉ hưu đến người lao động trước thời điểm nhận lương hưu tối thiểu là 15 ngày (đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ, gửi BHXH Bộ Quốc phòng trước thời điểm người lao động nhận lương hưu tối thiểu là 60 ngày).

4. Trong thời gian 05 ngày đối với cấp trung đoàn và tương đương, 05 ngày đối với cấp sư đoàn và tương đương, 05 ngày đối với đơn vị trực thuộc Bộ, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ hưởng chế độ BHXH một lần, cơ quan nhân sự hoàn chỉnh hồ sơ gửi BHXH Bộ Quốc phòng.

5. Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, BHXH Bộ Quốc phòng hoàn thành việc ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với người lao động.

6. Thời gian trao quyết định hưởng trợ cấp BHXH một lần đến người lao động trước ngày người lao động phục viên, xuất ngũ, thôi việc tối thiểu là 05 ngày (đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ, gửi BHXH Bộ Quốc phòng trước ngày người lao động phục viên, xuất ngũ, thôi việc tối thiểu là 30 ngày).

7. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ: Sau 15 ngày kể từ ngày Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng ký quyết định xuất ngũ, cơ quan nhân sự các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng tổng hợp hồ sơ theo quy định gửi về BHXH Bộ Quốc phòng để có cơ sở chuẩn quyết toán và cấp kinh phí chi BHXH cho đơn vị.

8. Trường hợp người lao động hoặc người sử dụng lao động nộp hồ sơ chưa hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo cho người lao động hoặc người sử dụng lao động biết bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Mục 5. CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT

Điều 30. Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ tử tuất hằng tháng

1. Sổ BHXH.

2. Bản sao giấy báo tử (đối với quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng), hoặc giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử (đối với lao động hợp đồng), hoặc bản sao quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp mất tích).

3. Tờ khai của thân nhân (Mẫu số 09A-HBQP), có chứng thực chữ ký hoặc điểm chỉ của người khai.

4. Giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi người nuôi dưỡng hợp pháp cư trú (trường hợp thân nhân không phải là vợ hoặc chồng, con, bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ hoặc bố mẹ chồng mà người chết khi còn sống phải chịu trách nhiệm nuôi dưỡng).

5. Bản quá trình đóng BHXH (Mẫu số 04A-HBQP).

6. Quyết định về việc hưởng trợ cấp mai táng (Mẫu số 08A-HBQP).

7. Quyết định về việc hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (Mẫu số 08B-HBQP).

8. Giấy giới thiệu trả trợ cấp tuất hằng tháng (Mẫu số 15D-HBQP).

9. Ngoài hồ sơ nêu trên, đối với các trường hợp sau đây, bổ sung thêm:

a) Trường hợp chết do TNLĐ, BNN: Biên bản điều tra TNLĐ (trường hợp tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ thì có thêm biên bản khám nghiệm hiện trường; sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông; biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng) hoặc bản sao bệnh án điều trị BNN;

b) Trường hợp thân nhân bị suy giảm khả năng lao động: Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa xác nhận suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên (bản chính) hoặc giấy xác nhận khuyết tật mức độ đặc biệt nặng (tương đương mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT;

c) Trường hợp người lao động còn thiếu thời gian đóng BHXH tối đa không quá 06 tháng mà thân nhân có nguyện vọng được đóng tiếp BHXH cho số tháng còn thiếu: Đơn đề nghị đóng BHXH một lần cho những tháng còn thiếu để hưởng chế độ trợ cấp tuất hằng tháng (Mẫu số 14-HBQP), có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và phiếu thu tiền đóng BHXH một lần.

Điều 31. Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ tử tuất một lần

1. Hồ sơ theo hướng dẫn tại các Khoản 1, 2, 3 và Điểm a Khoản 9 Điều 30 Thông tư này.

2. Bản quá trình đóng BHXH (Mẫu số 04A-HBQP).

3. Quyết định về việc hưởng trợ cấp tuất một lần (Mẫu số 08C-HBQP).

4. Biên bản họp của các thân nhân đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng nhưng chọn hưởng trợ cấp tuất một lần (Mẫu số 09C-HBQP, bản chính); trường hợp chỉ có một thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng hoặc nhiều thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng nhưng chỉ có một người đại diện hợp pháp mà lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần thì thân nhân lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc người đại diện hợp pháp của thân nhân chịu trách nhiệm về việc lựa chọn và không cần biên bản này.

5. Phiếu thanh toán trợ cấp BHXH (Mẫu số 16G-HBQP).

Điều 32. Quy trình, trách nhiệm giải quyết chế độ tử tuất

1. Thân nhân người lao động

a) Nộp hồ sơ theo hướng dẫn tại Khoản 3, 4 và Điểm b, c Khoản 9 Điều 30, bệnh án điều trị BNN lần đầu hướng dẫn tại Điểm a Khoản 9 Điều 30 Thông tư này (đối với trường hợp chết do BNN); trường hợp thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng nhưng lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần thì nộp thêm hồ sơ hướng dẫn tại Khoản 4 Điều 31 Thông tư này cho cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương nơi người lao động làm việc trước khi chết;

b) Người lao động, thân nhân người lao động hoặc người giám hộ của người lao động, thân nhân người lao động có thể trực tiếp hoặc nhờ người khác thay mình nộp hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng BHXH, nhưng phải trực tiếp nhận kết quả giải quyết và tiền hưởng BHXH; trường hợp không có điều kiện nhận trực tiếp thì phải có giấy ủy quyền (Mẫu số 13B-HBQP, bản chính) hoặc hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật cho người đại diện hợp pháp của mình nhận kết quả giải quyết BHXH.

2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện như hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 28 Thông tư này.

Điều 33. Thời gian giải quyết chế độ tử tuất

1. Trường hợp thân nhân người lao động cư trú trong cùng một tỉnh: Trong thời gian không quá 45 ngày, kể từ ngày người lao động chết (30 ngày đối với cấp trung đoàn và tương đương, 10 ngày đối với cấp sư đoàn và tương đương, 05 ngày đối với cấp đơn vị trực thuộc Bộ), cơ quan nhân sự hoàn chỉnh hồ sơ hưởng trợ cấp tuất hằng tháng gửi BHXH Bộ Quốc phòng (trường hợp thân nhân người lao động cư trú ở nhiều tỉnh, hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì thời gian chung là không quá 90 ngày, trong đó, đối với cấp trung đoàn và tương đương là 75 ngày).

2. Trường hợp khi người chồng chết mà người vợ đang mang thai thì hồ sơ được lập ngay sau khi người vợ sinh con; thời gian hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của người con mới sinh được tính từ tháng sinh.

3. Trong thời gian không quá 45 ngày, kể từ ngày người lao động chết (30 ngày đối với cấp trung đoàn và tương đương, 10 ngày đối với cấp sư đoàn và tương đương, 05 ngày đối với đơn vị trực thuộc Bộ), cơ quan nhân sự hoàn chỉnh hồ sơ hưởng trợ cấp tử tuất một lần gửi BHXH Bộ Quốc phòng.

4. Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, BHXH Bộ Quốc phòng hoàn thành việc ra quyết định hưởng chế độ tử tuất đối với thân nhân người lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Trường hợp thân nhân người lao động hoặc người sử dụng lao động nộp hồ sơ chưa hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo cho thân nhân người lao động hoặc người sử dụng lao động biết bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 34. Quản lý, lưu trữ hồ sơ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất

1. Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe được lập 01 bộ và lưu tại nơi trực tiếp thanh toán chế độ cho người lao động.

2. Hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ, BNN

a) Hồ sơ hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng được lập thành 05 bộ (BHXH Việt Nam: 01 bộ; BHXH Bộ Quốc phòng: 01 bộ; cơ quan nhân sự đơn vị trực thuộc Bộ: 01 bộ; tài chính đơn vị: 01 bộ; người lao động: 01 bộ). Riêng phiếu điều chỉnh, phiếu truy trả trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng (lập 01 bản); phiếu truy trả lưu tại cơ quan Tài chính cấp trung đoàn và tương đương nơi thanh toán trực tiếp cho người lao động; phiếu điều chỉnh được gửi kèm theo giấy giới thiệu chi trả chế độ trợ cấp hằng tháng gửi về địa phương;

b) Hồ sơ hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN một lần được lập thành 03 bộ (BHXH Bộ Quốc phòng: 01 bộ; cơ quan nhân sự đơn vị trực thuộc Bộ: 01 bộ; người lao động: 01 bộ); phiếu thanh toán trợ cấp BHXH (01 bản) lưu tại cơ quan Tài chính nơi trực tiếp chi trả trợ cấp cho người lao động.

3. Hồ sơ hưởng chế độ hưu trí

a) Hồ sơ hưởng chế độ hưu trí hằng tháng được lập thành 05 bộ (BHXH Việt Nam: 01 bộ; BHXH tỉnh, thành phố nơi người lao động nhận lương hưu: 01 bộ; BHXH Bộ Quốc phòng: 01 bộ; cơ quan nhân sự đơn vị trực thuộc Bộ: 01 bộ; người lao động: 01 bộ). Riêng giấy giới thiệu chi trả lương hưu lập 01 bản; Phiếu thanh toán trợ cấp BHXH (01 bản), lưu tại cơ quan Tài chính nơi trực tiếp chi trả trợ cấp cho người lao động;

b) Hồ sơ hưởng trợ cấp BHXH một lần được lập thành 03 bộ (BHXH Bộ Quốc phòng: 01 bộ; cơ quan nhân sự đơn vị trực thuộc Bộ: 01 bộ; người lao động: 01 bộ); Phiếu thanh toán trợ cấp BHXH lưu tại cơ quan Tài chính trực tiếp chi trả cho người lao động.

4. Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất

a) Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất hằng tháng được lập thành 05 bộ (BHXH Việt Nam: 01 bộ; BHXH tỉnh, thành phố nơi thân nhân người lao động nhận trợ cấp: 01 bộ; BHXH Bộ Quốc phòng: 01 bộ; cơ quan nhân sự đơn vị trực thuộc Bộ: 01 bộ; thân nhân người lao động: 01 bộ). Trường hợp các thân nhân ở nhiều nơi thì mỗi nơi thêm một bộ; 01 quyết định hưởng trợ cấp mai táng lưu tại cơ quan Tài chính trực tiếp chi trả cho thân nhân người lao động;

b) Hồ sơ hưởng trợ cấp tử tuất một lần được lập thành 03 bộ (BHXH Bộ Quốc phòng: 01 bộ; cơ quan nhân sự đơn vị trực thuộc Bộ: 01 bộ; thân nhân người lao động: 01 bộ). Phiếu thanh toán trợ cấp BHXH (01 bản) lưu tại cơ quan Tài chính nơi trực tiếp chi trả trợ cấp cho thân nhân của người lao động.

Điều 35. Di chuyển hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, trợ cấp tử tuất hằng tháng

1. Hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp tử tuất hằng tháng

a) Khi nhận hồ sơ đã được BHXH Bộ Quốc phòng giải quyết, cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương (nơi trực tiếp quản lý người lao động) có trách nhiệm niêm phong 01 bộ hồ sơ kèm theo giấy giới thiệu bàn giao cho người lao động hoặc thân nhân người lao động trực tiếp chuyển đến BHXH tỉnh, thành phố nơi cư trú để làm thủ tục nhận lương hưu, trợ cấp tử tuất;

b) Trường hợp người lao động hoặc thân nhân người lao động đã được thông báo nhưng kiên quyết không nhận hồ sơ thì sau 30 ngày làm việc tính từ ngày cơ quan nhân sự nhận được hồ sơ từ cơ quan cấp trên thì chỉ huy cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người lao động lập biên bản, báo cáo cấp có thẩm quyền, niêm phong 01 bộ hồ sơ, kèm theo giấy giới thiệu chuyển về BHXH tỉnh, thành phố nơi người lao động hoặc thân nhân người lao động cư trú để tiếp nhận, chi trả và quản lý theo quy định của pháp luật về BHXH; niêm phong 01 bộ hồ sơ của người lao động không đến nhận tại cơ quan nhân sự, đồng thời có văn bản gửi BHXH Bộ Quốc phòng để phối hợp, theo dõi, chỉ đạo. Những vướng mắc phát sinh người lao động hoặc thân nhân người lao động phải hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

2. Hồ sơ hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng

Người lao động đang hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng tại đơn vị, khi nghỉ việc hưởng lương hưu hoặc phục viên, xuất ngũ, thôi việc hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH, đơn vị trực tiếp chi trả trợ cấp có trách nhiệm hoàn chỉnh 01 bộ hồ sơ gửi cùng hồ sơ hưởng lương hưu hoặc phục viên, xuất ngũ, thôi việc, bảo lưu thời gian đóng BHXH về BHXH Bộ Quốc phòng để giới thiệu chuyển về BHXH tỉnh, thành phố tiếp nhận, chi trả và quản lý. Trường hợp không đủ hồ sơ theo quy định thì đơn vị dừng chi trả trợ cấp và làm văn bản báo cáo BHXH Bộ Quốc phòng để xem xét, giải quyết.

3. Đối với hồ sơ không thống nhất về họ, tên, tên đệm, ngày tháng năm sinh giữa các giấy tờ trong cùng hồ sơ, giữa hồ sơ hưởng BHXH với giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu thì Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ làm văn bản giải trình gửi cùng hồ sơ di chuyển để BHXH Bộ Quốc phòng xác nhận đưa vào hồ sơ di chuyển.

Điều 36. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng

Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện; chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra đơn vị thuộc quyền về việc lập hồ sơ và giải quyết hưởng các chế độ BHXH đối với người lao động, thân nhân người lao động thuộc phạm vi quản lý theo đúng hướng dẫn tại Thông tư này và quy định của pháp luật về BHXH.

Điều 37. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng

1. Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và đơn vị chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc lập hồ sơ và giải quyết hưởng các chế độ BHXH đối với người lao động, thân nhân người lao động theo hướng dẫn tại Thông tư này và quy định của pháp luật về BHXH; đồng thời, chủ trì phối hợp giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, cũng như khi có sự thay đổi về hồ sơ hưởng các chế độ BHXH.

2. Cục Cán bộ/Tổng cục Chính trị; Cục Quân lực/Bộ Tổng Tham mưu

Chỉ đạo cơ quan Cán bộ, Quân lực các đơn vị thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc lập hồ sơ và giải quyết hưởng các chế độ BHXH đối với người lao động và thân nhân người lao động, bảo đảm chặt chẽ, chính xác, đúng thủ tục hồ sơ, đúng quy trình, thời gian, chế độ theo hướng dẫn tại Thông tư này và quy định của pháp luật về BHXH; phối hợp giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

3. Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng

Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc chi trả các chế độ hưởng BHXH đối với người lao động, thân nhân người lao động và phối hợp giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong tổ chức thực hiện hướng dẫn tại Thông tư này.

4. Cục Quân y/Bộ Quốc phòng

a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong Bộ Quốc phòng cấp giấy ra viện (đối với trường hợp điều trị nội trú tại các bệnh viện, bệnh xá) theo quy định hiện hành; cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (đối với trường hợp điều trị ngoại trú) theo quy định phân tuyến điều trị quân y; chỉ đạo Hội đồng Giám định y khoa các cấp trong Bộ Quốc phòng thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền được quy định trong giám định y khoa để thực hiện chế độ BHXH đối với người lao động bảo đảm chặt chẽ, chính xác;

b) Chỉ đạo cơ quan Quân y các cấp, phối hợp với cơ quan chức năng cùng cấp hoàn chỉnh hồ sơ giới thiệu người lao động đi giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng các chế độ BHXH; tổng hợp, xác nhận số lượng người, số ngày được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe, chuyển đến cơ quan liên quan, đề nghị thực hiện chế độ theo quy định.

5. Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng

a) Phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc lập hồ sơ và giải quyết hưởng các chế độ BHXH đối với người lao động, thân nhân người lao động theo hướng dẫn tại Thông tư này và quy định của pháp luật về BHXH; đồng thời, phối hợp giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện;

b) Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 trong quản lý thu, chi BHXH, BHYT và giải quyết các chế độ BHXH, BHYT đảm bảo chất lượng, hiệu quả;

c) Xây dựng chương trình phần mềm xét duyệt hưởng các chế độ BHXH, chuyển giao các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện; xây dựng phần mềm kết xuất dữ liệu theo quy định của BHXH Việt Nam;

d) Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, ra quyết định hưởng chế độ và xác nhận trên sổ BHXH các chế độ BHXH đã được hưởng đối với người lao động, thân nhân người lao động bảo đảm chặt chẽ, đúng thủ tục, quy trình và thời gian; chuyển hồ sơ kịp thời và bảo đảm đầy đủ kinh phí chi trả các chế độ BHXH đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Bộ Quốc phòng;

Đối với trường hợp đề nghị hủy quyết định hưởng chế độ BHXH, sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 27 Thông tư này do cơ quan nhân sự chuyển đến, ra quyết định hủy quyết định hưởng chế độ BHXH; đồng thời, gửi thông báo cho cá nhân, đơn vị có liên quan; lưu trữ hồ sơ hủy quyết định hưởng BHXH theo quy định.

đ) Hằng tháng, vào ngày 10 và ngày 25, lập danh sách hưởng chế độ hưu trí, TNLĐ, BNN và tử tuất hằng tháng, thông báo về BHXH tỉnh, thành phố nơi người lao động hoặc thân nhân người lao động cư trú và gửi danh sách, kèm theo 01 bộ hồ sơ của từng người đã giải quyết chế độ trong tháng trước đến Trung tâm lưu trữ thuộc BHXH Việt Nam;

e) Hằng quý, tiếp nhận, thẩm định, xác nhận báo cáo quyết toán chi các chế độ BHXH; hằng năm, thực hiện thẩm định quyết toán và tổng kết công tác tài chính BHXH đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ theo quy định.

Điều 38. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 12 năm 2016; trừ người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thì được thực hiện các nội dung hướng dẫn tại Thông tư này kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

2. Các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này khi được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các văn bản khác thì nội dung dẫn chiếu cũng được điều chỉnh theo.

3. Thông tư số 96/2014/TT-BQP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn về hồ sơ, quy trình và trách nhiệm giải quyết hưởng các chế độ BHXH trong Quân đội hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

4. Các trường hợp đã được giải quyết hưởng chế độ BHXH trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì hồ sơ, quy trình và trách nhiệm giải quyết thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 96/2014/TT-BQP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Bộ Quốc phòng.

Điều 39. Trách nhiệm thực hiện

1. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

2. Quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp báo cáo về Bộ Quốc phòng (qua Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị) để được phối hợp xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Thượng tướng Lê Chiêm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.