THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện
____________________________
Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi là Nghị định 148/2007/NĐ-CP);
Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 148/2007/NĐ-CP như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi chung là quỹ) là tổ chức phi chính phủ có tên gọi khác nhau được tổ chức, hoạt động theo Nghị định 148/2007/NĐ-CP.
2. Phạm vi hoạt động của quỹ:
a) Toàn quốc, liên tỉnh (sau đây gọi chung là toàn quốc);
b) Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, liên huyện thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);
c) Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện);
d) Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).
3. Tài chính của quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thực hiện theo Quyết định số 10/2008/QĐ-BTC ngày 12 tháng 02 năm 2008 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
II. ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP QUỸ
1. Sáng lập viên thành lập quỹ có cam kết đóng góp tài sản tối thiểu ban đầu để thành lập quỹ.
2. Tài sản tối thiểu ban đầu được quy ra bằng tiền Đồng Việt Nam, quy định như sau:
a) Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã: 50.000.000,00đ (năm mươi triệu đồng);
b) Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 100.000.000,00đ (một trăm triệu đồng);
c) Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 500.000.000,00đ (năm trăm triệu đồng);
d) Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc: 2.000.000.000,00đ (hai tỷ đồng).
3. Tài sản tối thiểu ban đầu được quy ra bằng tiền Đồng Việt Nam đối với quỹ của các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và quỹ có góp vốn của cá nhân, tổ chức nước ngoài với cá nhân, tổ chức Việt Nam được quy định như sau:
a) Hoạt động trong phạm vi cấp xã: 1.000.000.000,00đ (một tỷ đồng);
b) Hoạt động trong phạm vi cấp huyện: 2.000.000.000,00đ (hai tỷ đồng);
c) Hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh: 5.000.000.000,00đ (năm tỷ đồng);
d) Hoạt động trong phạm vi toàn quốc: 10.000.000.000,00đ (mười tỷ đồng).
III. BÁO CÁO QUỸ ĐỦ ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG
1. Khi có đủ điều kiện để hoạt động theo quy định tại Điều 12 Nghị định 148/2007/NĐ-CP quỹ báo cáo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định 148/2007/NĐ-CP và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện nơi quỹ đặt trụ sở chính.
2. Báo cáo kèm theo xác nhận của ngân hàng, kho bạc về chứng từ, hóa đơn chứng minh quỹ đã góp đủ tài sản tối thiểu theo cam kết.
3. Đối với tài sản là trụ sở, trang thiết bị, công nghệ và các quyền về tài sản phải do tổ chức thẩm định giá được thành lập hợp pháp xác định giá trị và quy đổi ra tiền Đồng Việt Nam bằng văn bản tại thời điểm định giá.
4. Giám đốc quỹ chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc công bố quỹ đã đủ điều kiện hoạt động và chịu sự kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
IV. GIẤY PHÉP THÀNH LẬP QUỸ, CÔNG NHẬN ĐIỀU LỆ QUỸ; TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP LẠI, THAY ĐỔI GIẤY PHÉP THÀNH LẬP HOẶC CÔNG NHẬN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐIỀU LỆ QUỸ
1. Mẫu giấy phép thành lập hoặc công nhận Điều lệ quỹ theo phụ lục kèm theo.
2. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép thành lập hoặc công nhận Điều lệ quỹ thực hiện theo quy định tại các Điều 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Nghị định 148/2007/NĐ-CP.
3. Thay đổi giấy phép thành lập hoặc công nhận Điều lệ quỹ.
Thay đổi giấy phép thành lập hoặc công nhận Điều lệ quỹ tại Thông tư này là việc cấp lại giấy phép thành lập quỹ hoặc công nhận sửa đổi, bổ sung Điều lệ quỹ.
Khi quỹ muốn cấp lại giấy phép thành lập hoặc sửa đổi, bổ sung Điều lệ quỹ. Hội đồng quản lý quỹ gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định Điều 14 Nghị định 148/2007/NĐ-CP, hồ sơ gồm:
a) Đơn xin cấp lại giấy phép thành lập hoặc sửa đổi, bổ sung Điều lệ quỹ;
b) Nghị quyết của Hội đồng quản lý quỹ nêu rõ lý do về việc xin cấp lại giấy phép thành lập hoặc sửa đổi, bổ sung Điều lệ quỹ:
c) Dự thảo Điều lệ sửa đổi, bổ sung.
4. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ về việc xin cấp lại giấy phép thành lập hoặc công nhận sửa đổi, bổ sung Điều lệ quỹ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định 148/2007/NĐ-CP xem xét, quyết định cấp lại giấy phép thành lập hoặc công nhận sửa đổi, bổ sung Điều lệ quỹ. Trường hợp không đồng ý, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
V. LẬP CHI NHÁNH HOẶC VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỦA QUỸ
1. Quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc được thành lập chi nhánh, hoặc văn phòng đại diện ở địa phương khác với nơi đặt trụ sở chính của quỹ, và phải xin phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi quỹ đề nghị đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.
2. Hồ sơ xin phép gồm:
a) Đơn đề nghị;
b) Văn bản chứng minh quỹ có trụ sở làm việc và bản sao có công chứng văn bản định giá tài sản tối thiểu ban đầu, được quy ra bằng tiền Đồng Việt Nam như quy định đối với quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh tại khoản 2, khoản 3 Mục II của Thông tư này;
c) Lý lịch tư pháp của người đứng đầu chi nhánh hoặc văn phòng đại diện;
d) Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của quỹ;
đ) Bản sao Giấy phép thành lập và công nhận Điều lệ quỹ có công chứng.
3. Trình tự cấp giấy phép thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của quỹ:
Quỹ gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi quỹ đề nghị đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản trả lời đồng ý để quỹ đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện. Trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
4. Quỹ có trách nhiệm báo cáo Bộ Nội vụ việc đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện sau khi đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đồng ý để quỹ đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.
VI. THAY ĐỔI ĐỊA CHỈ, TRỤ SỞ CHÍNH VÀ NHÂN SỰ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ, GIÁM ĐỐC, KẾ TOÁN TRƯỞNG CỦA QUỸ
1. Khi quỹ có sự thay đổi về trụ sở chính, nhân sự là Chủ tịch Hội đồng quản lý hoặc Giám đốc hoặc Kế toán trưởng, quỹ báo cáo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
a) Bộ Nội vụ, Bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà quỹ hoạt động và Bộ Tài chính đối với quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc;
b) Sở Nội vụ, Sở quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà quỹ hoạt động và Sở Tài chính đối với quỹ có phạm vi hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh;
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với quỹ có phạm vi hoạt động trong phạm vi cấp huyện, cấp xã.
2. Việc thay đổi trụ sở chính của quỹ, trong báo cáo phải ghi rõ địa chỉ nơi đặt trụ sở, điện thoại, fax, địa chỉ Email, website (nếu có).
3. Việc thay đổi một trong các nhân sự là Chủ tịch Hội đồng quản lý hoặc Giám đốc hoặc Kế toán trưởng, quỹ gửi kèm theo báo cáo:
a) Nghị quyết của Hội đồng quản lý quỹ về việc bầu, bổ nhiệm nhân sự mới: lý do của sự thay đổi nhân sự này
b) Lý lịch tư pháp của nhân sự mới là Chủ tịch Hội đồng quản lý.
VII. HỢP NHẤT, SÁP NHẬP, CHIA, TÁCH, GIẢI THỂ QUỸ; ĐỔI TÊN; THU HỒI GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG, CON DẤU CỦA QUỸ
1. Việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ theo quy định tại các Điều 94, 95, 96 và 97 của Bộ Luật dân sự và phải được hội đồng quản lý quỹ ra nghị quyết thông qua, kèm theo ý kiến đồng ý bằng văn bản của sáng lập viên hoặc người đại diện hợp pháp của sáng lập viên, ý kiến bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về ngành, lĩnh vực mà quỹ hoạt động.
2. Trình tự, thủ tục hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ được thực hiện theo quy định tại các điều 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Nghị định 148/2007/NĐ-CP.
3. Hồ sơ hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ, gồm:
a) Đơn đề nghị về việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ; tên gọi mới của quỹ sau khi hợp nhất, sáp nhập, chia, tách;
b) Đề án tổ chức và hoạt động của quỹ;
c) Dự thảo Điều lệ quỹ;
d) Văn bản về trụ sở chính của quỹ;
đ) Nghị quyết của Hội đồng quản lý quỹ về việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ;
e) Báo cáo nhân sự Hội đồng quản lý quỹ và lý lịch tư pháp của Chủ tịch quỹ;
g) Biên bản thỏa thuận giữa các bên về tài chính quỹ;
h) Phương án giải quyết tài sản, tài chính khi hợp nhất, sáp nhập, chia, tách quỹ.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định 148/2007/NĐ-CP xem xét, quyết định cấp lại giấy phép, công nhận Điều lệ cho quỹ hợp nhất, sáp nhập, chia, tách. Trường hợp không đồng ý, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
4. Đổi tên quỹ
Hồ sơ đề nghị đổi tên quỹ gồm:
a) Đơn đề nghị đổi tên quỹ;
b) Nghị quyết của Hội đồng quản lý về việc đổi tên quỹ;
c) Dự thảo Điều lệ quỹ.
Hồ sơ được gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định 148/2007/NĐ-CP.
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định 148/2007/NĐ-CP xem xét, quyết định cấp lại giấy phép về việc đổi tên quỹ. Trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
5. Quỹ tự giải thể
Hội đồng quản lý quỹ ra nghị quyết về việc quỹ tự giải thể; quỹ gửi hồ sơ xin giải thể đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định 148/2007/NĐ-CP, hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị giải thể;
b) Nghị quyết của Hội đồng quản lý về lý do quỹ tự giải thể;
c) Ban kiểm kê tài sản, tài chính của quỹ;
d) Dự kiến phương thức xử lý tài sản, tài chính và thời hạn thanh toán các khoản nợ:
đ) Quỹ thông báo thời hạn thanh toán nợ (nếu có) cho các tổ chức và cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật trên 3 (ba) số báo liên tiếp ở Trung ương đối với quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc, báo ở địa phương đối với quỹ có phạm vi hoạt động trong tỉnh;
e) Sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn ghi trong thông báo thanh toán nợ và thanh lý tài sản, tài chính của quỹ khi quỹ tự giải thể mà không có đơn khiếu nại, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định 148/2007/NĐ-CP xem xét, ra quyết định giải thể quỹ;
g) Quỹ chấm dứt hoạt động kể từ ngày quyết định giải thể quỹ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực.
6. Quỹ bị giải thể
a) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định 148/2007/NĐ-CP ra quyết định giải thể quỹ khi quỹ vi phạm một trong các quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 148/2007/NĐ-CP.
b) Trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi quỹ bị giải thể: thông báo quyết định giải thể quỹ trên 3 (ba) số báo liên tiếp ở Trung ương đối với quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc, báo địa phương đối với quỹ có phạm vi hoạt động trong tỉnh. Sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thanh toán nợ và thanh lý tài sản, tài chính ghi trong thông báo của quỹ bị giải thể mà không có đơn khiếu nại, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định 148/2007/NĐ-CP ra quyết định giải thể quỹ.
c) Trường hợp quỹ bị giải thể mà không đồng ý với quyết định giải thể, thì quỹ có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại, quỹ không được hoạt động.
7. Thu hồi giấy phép thành lập và con dấu của quỹ
a) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định 148/2007/NĐ-CP ra quyết định thu hồi giấy phép thành lập quỹ trong trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể quỹ hoặc sau thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập mà quỹ không hoạt động, không đáp ứng đủ các điều kiện để quỹ hoạt động theo quy định tại các khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 12 Nghị định 148/2007/NĐ-CP.
b) Việc thu hồi con dấu được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 58/2001/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu và các quy định pháp luật khác có liên quan.
VIII. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI QUỸ
1. Bộ Nội vụ có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà quỹ hoạt động khi cho phép thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể quỹ; đổi tên quỹ; tạm đình chỉ hoạt động; thu hồi giấy phép thành lập; giải quyết khiếu nại, tố cáo về quỹ: cấp lại giấy phép thành lập; công nhận sửa đổi, bổ sung Điều lệ quỹ đối với quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc.
2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động tài chính quỹ; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vi phạm về tài chính đối với các quỹ do Bộ Nội vụ cho phép thành lập.
3. Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát về tổ chức, hoạt động của quỹ, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vi phạm thuộc lĩnh vực do Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý theo quy định của pháp luật
b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Bộ Nội vụ về nội dung quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định 148/2007/NĐ-CP, Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm trả lời bằng văn bản;
c) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quỹ trong việc thực hiện các quy định về chuyên môn do Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý;
đ) Hướng dẫn Sở, Ban, ngành địa phương trong việc quản lý, giám sát các hoạt động của quỹ thuộc ngành, lĩnh vực do Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quỹ trong việc thực hiện pháp luật và Điều lệ đối với quỹ hoạt động ở địa phương;
b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý theo thẩm quyền đối với quỹ hoạt động trên địa bàn.
5. Sở Nội vụ có trách nhiệm:
a) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với quỹ hoạt động ở địa phương;
b) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức và hoạt động của quỹ: giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với quỹ hoạt động trong phạm vi tỉnh; phối hợp với các ngành hữu quan hướng dẫn về chính sách, pháp luật đối với quỹ;
c) Lấy ý kiến bằng văn bản của Sở quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà quỹ hoạt động đối với quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh; thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể: đổi tên và công nhận Điều lệ quỹ hoạt động tại địa phương;
d) Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và quản lý quỹ theo pháp luật và Điều lệ quỹ;
đ) Tổng hợp tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý quỹ (kể cả chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc, liên tỉnh có trụ sở tại địa phương), định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
e) Hướng dẫn Phòng Nội vụ cấp huyện về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý quỹ.
6. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:
a) Thực hiện quyết định ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về quản lý nhà nước đối với quỹ;
b) Quản lý nhà nước đối với quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện theo quy định của pháp luật;
c) Phòng Nội vụ có trách nhiệm tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước đối với quỹ trong trường hợp thực hiện quyết định ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về quỹ; chịu sự hướng dẫn chuyên môn của Sở Nội vụ; hàng năm tổng hợp, báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của các quỹ trên địa bàn cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Nội vụ.
IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các quỹ đã được thành lập theo Nghị định số 177/1999/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện và các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập trước khi Nghị định 148/2007/NĐ-CP có hiệu lực thì không phải xin phép thành lập lại, nhưng phải bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định tại Nghị định 148/2007/NĐ-CP. Trong thời hạn 6 (sáu) tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, quỹ phải gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định 148/2007/NĐ-CP để tổng hợp, quản lý, giám sát. Quá thời hạn nói trên, nếu quỹ không hoàn chỉnh hồ sơ, quỹ sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 27 Nghị định 148/2007/NĐ-CP.
2. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quỹ có trách nhiệm thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Nội vụ để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung./.