CHỈ THỊ
Về việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội
về công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước
và chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng
__________________
Trong những năm qua, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước thực sự đóng vai trò chủ đạo, định hướng, thu hút các nguồn vốn của xã hội cho đầu tư phát triển ngày càng tăng. Quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản đã có nhiều tiến bộ, đã phân cấp mạnh hơn cho các cấp, quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, đấu thầu đã tạo khung pháp lý hoàn thiện hơn; công tác chỉ đạo, điều hành lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch từ Trung ương đến các địa phương đã chặt chẽ và cụ thể hơn; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng, công tác giám sát của các cơ quan và cộng đồng đối với đầu tư xây dựng cơ bản bước đầu phát huy hiệu quả, phát hiện được những yếu kém, tiêu cực trong công tác quản lý và thực hiện các dự án, công trình, góp phần hạn chế và khắc phục những vi phạm pháp luật trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản của toàn xã hội nói chung và vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước nói riêng còn nhiều thiếu sót, nhược điểm. Nguyên nhân là do: quy hoạch, kế hoạch xây dựng cơ bản chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, thiếu sự gắn kết giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội với quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng; tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát xảy ra khá phổ biến ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng, từ quy hoạch, chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, nghiệm thu, thanh quyết toán đưa công trình vào khai thác, sử dụng; tình trạng nợ đọng vốn đầu tư xây dựng kéo dài; hiệu quả đầu tư của một số dự án chưa cao.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên nhằm lập lại trật tự, kỷ cương, nâng cao hiệu quả trong đầu tư xây dựng cơ bản theo tinh thần Nghị quyết số 36/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Quốc hội về công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước, Nghị quyết số 01/2005/NQ-CP ngày 14 tháng 01năm 2005 của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2005, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty nhà nước xây dựng chương trình hành động của đơn vị mình, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị số 29/2003/CT-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2003 về chấn chỉnh quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước và Chỉ thị số 08/2004/CT-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Xây dựng. Đồng thời tập trung thực hiện ngay một số công việc cấp bách sau đây:
1. Đẩy mạnh công tác lập, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch theo hướng đảm bảo sự phù hợp giữa quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, gắn quy hoạch với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo tính liên ngành, liên vùng, xoá bỏ tình trạng khép kín, cục bộ; thực hiện công khai trong công tác quy hoạch; nghiên cứu đổi mới nội dung và phương pháp lập quy hoạch phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cộng đồng đối với việc triển khai thực hiện đầu tư theo quy hoạch được phê duyệt; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, công tác dự báo và cung cấp thông tin phục vụ công tác quy hoạch; bố trí đủ vốn cho công tác quy hoạch để phấn đấu đạt từ 70 đến 80% khối lượng quy hoạch xây dựng chi tiết trên phạm vi cả nước vào năm 2010.
2. Tập trung rà soát các dự án đang triển khai về sự phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý những dự án không phù hợp quy hoạch; không triển khai những dự án đầu tư không phù hợp với quy hoạch, không có hiệu quả hoặc không sát với yêu cầu thiết thực của ngành, của địa phương; kiên quyết đình chỉ những dự án đang xây dựng dở dang nếu thấy không có hiệu quả. Không ghi kế hoạch đầu tư đối với các dự án chưa đảm bảo cân đối đủ vốn hoặc những dự án chưa đủ các thủ tục về đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
3. Bố trí vốn đầu tư phải tập trung, có trọng điểm, phù hợp với khả năng cân đối vốn của năm kế hoạch và những năm tiếp theo. Trước khi bố trí vốn cho các dự án đầu tư mới phải dành một phần vốn để thanh toán nợ đọng trong xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước của những năm trước đối với các dự án phù hợp với quy hoạch và đủ thủ tục theo quy định. Vốn phân bổ phải được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, không để lãng phí, thất thoát.
4. Các cấp, các ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về xây dựng. Đi đôi với việc phân cấp trong quản lý đầu tư xây dựng, bổ sung các chế tài về quản lý nhà nước đủ mạnh để tăng cường trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng. Cụ thể:
Đối với tổ chức tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát thi công: rà soát các tổ chức tư vấn về năng lực chuyên môn và tư cách chủ thể. Tổ chức tư vấn phải hoạt động độc lập và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và trước pháp luật về thiết kế và chất lượng công tác tư vấn.
Đối với người quyết định đầu tư: quy định rõ trách nhiệm cá nhân của người quyết định đầu tư, chỉ quyết định đầu tư các dự án khi đã xác định rõ nguồn vốn, đúng quy hoạch, bảo đảm có hiệu quả và không trái với các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng. Người quyết định đầu tư phải bị xử phạt hành chính, cách chức hoặc miễn nhiệm và bồi thường thiệt hại vật chất khi quyết định những dự án đầu tư sai, gây lãng phí tiền bạc của Nhà nước.
Đối với chủ đầu tư: chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả, chất lượng và tiến độ xây dựng công trình, dự án. Lựa chọn giám đốc điều hành dự án là người có đủ điều kiện về năng lực, phù hợp với từng loại và cấp công trình theo quy định.
Khi phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư phải tiến hành giám sát, đánh giá đầu tư, xác định rõ nguyên nhân và biện pháp xử lý của các bên có liên quan trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Kiện toàn, sắp xếp lại các ban quản lý dự án, đảm bảo đủ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm theo quy định của Luật Xây dựng, tiến tới xoá bỏ các ban quản lý dự án không có đủ điều kiện năng lực, thành lập các ban quản lý chuyên nghiệp hoạt động theo mô hình tư vấn quản lý dự án. Hạn chế các chủ đầu tư trực tiếp quản lý thực hiện dự án. Trường hợp không có đủ năng lực quản lý dự án thì chủ đầu tư phải thuê tư vấn quản lý dự án có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại và cấp công trình theo quy định của Luật Xây dựng.
Đối với nhà thầu: quy định chặt chẽ điều kiện năng lực và chế tài xử lý đối với nhà thầu khi tham gia đấu thầu, quy định các loại hình và quy mô công trình các nhà thầu được phép tham gia phù hợp trình độ và năng lực của các nhà thầu. Chấm dứt tình trạng nhà thầu nhận thầu bằng mọi giá hoặc giao thầu lại cho các nhà thầu không đủ điều kiện năng lực thi công, xây dựng công trình.
Trường hợp phát hiện có hiện tượng thông đồng, móc ngoặc giữa chủ đầu tư với tổ chức tư vấn hoặc nhà thầu xây dựng thì tuỳ theo mức độ sai phạm để có biện pháp xử lý như phạt tiền, kỷ luật hành chính, phạt không cho tham gia hoạt động xây dựng ít nhất 2 năm, đồng thời thông báo trên bản tin Thông tin đấu thầu và trang thông tin về đấu thầu của nhà nước.
5. Rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng nhằm hình thành hệ thống pháp luật đồng bộ, có tính pháp lý cao để thống nhất thực hiện. Bổ sung, sửa đổi quy chế đấu thầu nhằm thiết lập môi trường đấu thầu cạnh tranh lành mạnh trong xây dựng. Thiết lập trang thông tin (WEB) về đấu thầu của nhà nước và thực hiện công khai những thông tin về nhà thầu như năng lực, kết quả hoạt động hoặc những vi phạm về quy chế đấu thầu, về năng lực chuyên môn và các hình thức xử lý. Nghiên cứu, ban hành các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư theo mục tiêu.
Nghiên cứu, hoàn chỉnh cơ chế về quản lý đầu tư xây dựng nhằm quản lý có hiệu quả, thực hiện chống khép kín trong đầu tư xây dựng, tách chức năng quản lý nhà nước với quản lý kinh doanh trong tất cả các khâu của hoạt động xây dựng theo hướng đến năm 2006, các nhà thầu tư vấn phải hoạt động trong môi trường hoàn toàn độc lập và phát huy được hết vai trò độc lập trong nhiệm vụ tư vấn, các nhà thầu xây dựng phát huy triệt để được thế mạnh của mình.
6. Nghiên cứu để từng bước thực hiện xã hội hoá trong đầu tư xây dựng theo hướng giảm dần danh mục các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước chỉ đầu tư xây dựng những công trình, dự án theo đúng Luật Ngân sách nhà nước. Khuyến khích các thành phần kinh tế khác cùng tham gia với nhà nước đầu tư các công trình mang tính dịch vụ như cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường, giao thông đô thị: tàu điện ngầm, ôtô buýt. Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư xây dựng các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, trụ sở làm việc để cho thuê. Từ năm 2005 trở đi, không được điều chuyển các dự án sử dụng từ nguồn vốn vay ODA sang nguồn vốn ngân sách cấp phát.
7. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và các chỉ tiêu, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ công tác quản lý đầu tư xây dựng. Trong năm 2005 thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung những tiêu chuẩn, quy chuẩn và các chỉ tiêu, định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp; nghiên cứu, xây dựng các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả, xác định tổng mức đầu tư xây dựng công trình như: suất vốn đầu tư xây dựng, chỉ tiêu khái toán, giá chuẩn. Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật xây dựng cơ bản hiện hành theo hướng: Nhà nước quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật, thị trường quyết định giá cả để phù hợp với thực tế thi công xây dựng và thông lệ quốc tế, tiến tới thực hiện giá cả xây dựng theo thị trường.
8. Tăng cường công tác giám sát đầu tư, thanh tra, kiểm tra của Chính phủ kết hợp với thanh tra chuyên ngành. Tăng cường sự giám sát của các cơ quan ngôn luận và cộng đồng đối với hoạt động đầu tư xây dựng. Nghiên cứu, bổ sung các chế tài về thanh tra, kiểm tra, giám sát đầu tư các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng xây dựng các công trình, thành lập hệ thống mạng lưới kiểm định chất lượng xây dựng trong phạm vi cả nước để quản lý, kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng xây dựng công trình và trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.
Để triển khai thực hiện những công việc nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch vùng; điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch theo hướng gắn với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
- Chủ trì cùng các Bộ, ngành, địa phương giám sát việc thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành; thực hiện quy hoạch, kế hoạch ở Bộ, ngành, địa phương; rà soát, đánh giá các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước giai đoạn 2001 - 2005 về sự phù hợp với quy hoạch được duyệt, khả năng nguồn vốn đầu tư, thủ tục đầu tư và xây dựng đảm bảo nâng cao hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng trong xây dựng, kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 12 năm 2005.
- Chủ trì nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành; đổi mới cơ chế phân bổ vốn đầu tư theo mục tiêu, đảm bảo nguyên tắc cân đối giữa các vùng, miền; cải tiến cơ cấu vốn đầu tư phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế; xây dựng cơ chế khuyến khích và huy động các nguồn vốn tham gia đầu tư xây dựng công trình, tham gia hoạt động xây dựng, thu hút vốn đầu tư ngoài nước. Rà soát, bổ sung, sửa đổi Quy chế đấu thầu, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, xây dựng và công bố địa chỉ trang thông tin (WEB) về đấu thầu của nhà nước.
- Trong quý III năm 2005, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 17/2001/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng ODA, Nghị định sửa đổi Nghị định số 77/CP ngày 18 tháng 6 năm 1997 về Quy chế đầu tư theo hình thức BOT trong nước.
- Quý IV năm 2005, nghiên cứu, trình Chính phủ phương án tách chức năng quản lý nhà nước với quản lý kinh doanh trong tất cả các khâu quản lý đầu tư xây dựng; xây dựng và hoàn chỉnh lộ trình cụ thể chống khép kín trong đầu tư.
- Nghiên cứu trình Chính phủ tiêu chí cụ thể những loại dự án đầu tư cần trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xét duyệt và thông qua chủ trương đầu tư theo một quy trình chặt chẽ; đề xuất tiêu chí phân bổ vốn, tiêu chí hỗ trợ có mục tiêu, nguyên tắc cân đối vốn giữa các vùng, miền để đảm bảo phát triển hài hoà giữa kinh tế và xã hội; giữa các vùng động lực và các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa cho phù hợp với thực tế; thực hiện công khai, minh bạch phân bổ vốn đầu tư nhà nước.
- Nghiên cứu trình Chính phủ Quy chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án đầu tư bằng vốn nhà nước; phối hợp với các cơ quan của Quốc hội xây dựng Quy chế bảo đảm cho các cơ quan dân cử và nhân dân giám sát các công trình đầu tư của nhà nước một cách thiết thực, có hiệu quả để ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng đối với các dự án đầu tư bằng vốn nhà nước. Chỉ đạo thực hiện các quy định đã ban hành một cách nghiêm ngặt với chế độ trách nhiệm rõ ràng.
b) Bộ Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát tình hình thanh, quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước trong thời kỳ 2001 - 2005; nghiên cứu đổi mới phương thức, cơ chế thanh toán theo hợp đồng, cơ chế quyết toán vốn đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhằm khắc phục tình trạng công trình xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa được quyết toán vốn đầu tư như hiện nay; xây dựng và thực hiện cơ chế chuyển từ cấp phát vốn ngân sách như hiện nay sang vay vốn đầu tư xây dựng đối với dự án có khả năng thu hồi vốn.
- Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết toán dứt điểm vốn đầu tư còn nợ đọng đối với các dự án đã hoàn thành và thực hiện quyết toán vốn đầu tư hạng mục công trình, công trình, dự án hoàn thành theo đúng thời gian quy định, tổng hợp báo cáo Chính phủ trước ngày 31 tháng 12 năm 2005.
- Chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ Hỗ trợ phát triển rà soát các dự án đầu tư trong thời kỳ 2001- 2005 có vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển, đề xuất giải pháp thực hiện theo hướng giảm dần các dự án vay trực tiếp, tăng cường hình thức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh đầu tư.
c) Bộ Xây dựng:
- Chỉ đạo rà soát, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng theo hướng xác định rõ chế tài, điều kiện năng lực, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng công trình.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tình hình quản lý quy hoạch xây dựng, thực hiện xây dựng theo quy hoạch, báo cáo Chính phủ trước ngày 31 tháng 12 năm 2005.
- Củng cố lực lượng thanh tra chuyên ngành, đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành đối với các dự án đầu tư xây dựng do các Bộ, ngành Trung ương và địa phương quyết định đầu tư. Xây dựng mạng kiểm định độc lập để quản lý chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi cả nước.
- Tiến hành rà soát hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, chỉ tiêu, định mức kinh tế - kỹ thuật hiện hành phục vụ cho công tác quản lý đầu tư xây dựng; hoàn thiện, bổ sung các định mức làm cơ sở lập và quản lý chi phí xây dựng theo hướng thị trường hoá hoạt động xây dựng.
d) Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hàng năm tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình chống thất thoát, lãng phí, dàn trải trong đầu tư xây dựng cơ bản, đề xuất các biện pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có tiêu cực, báo cáo Chính phủ.
đ) Bộ Giao thông vận tải rà soát lại và hoàn chỉnh danh mục dự án BOT trong lĩnh vực giao thông vận tải để thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
e) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp thông tin về doanh nghiệp làm cơ sở để các ngân hàng xem xét, quyết định việc cho vay. Xây dựng thí điểm dịch vụ đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp để các ngân hàng có cơ sở khi xem xét cho doanh nghiệp vay vốn.
Các tổ chức tín dụng cho vay vốn, phải chịu trách nhiệm liên đới về kết quả tính toán, khi xem xét tính khả thi của dự án dẫn đến cho vay không hiệu quả, không thu hồi được vốn.
g) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra việc thi hành các văn bản, có giải pháp cụ thể thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra; chỉ đạo sát sao việc thực hiện đối với những vấn đề đang được nhân dân và Quốc hội quan tâm để tạo chuyển biến thực sự trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng.
Tiến hành rà soát quy hoạch phát triển ngành, địa phương để bảo đảm nhiệm vụ phát triển ngành, địa phương với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; rà soát danh mục các dự án đầu tư xây dựng thuộc phạm vi quản lý trong thời kỳ 2001 - 2005, đề xuất các giải pháp xử lý những tồn tại, vướng mắc; kiểm tra, thanh tra các công trình, dự án có biểu hiện tiêu cực, lãng phí trong phạm vi quản lý.
h) Các tỉnh, thành phố rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế của địa phương trên cơ sở quy hoạch tổng thể và mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát huy lợi thế của địa phương.
Giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.