Sign In

NGHỊ ĐỊNH

Về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 1999;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản,

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định ngành nghề sản xuất, kinh doanh thuỷ sản phải có giấy phép, thủ tục, trình tự cấp giấy phép; quy định điều kiện đối với một số ngành nghề sản xuất, kinh doanh không cần giấy phép.

2. Điều kiện hành nghề thú y thuỷ sản thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Thú y và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thú y.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất, kinh doanh các ngành, nghề thủy sản phải tuân theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.

Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

2. Riêng đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu cá hoạt động thuỷ sản thì tuân theo Nghị định số 191/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về quản lý hoạt động thuỷ sản của tàu cá nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam.

3. Hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thuỷ sản, chế biến thuỷ sản, kinh doanh thuỷ sản tươi sống, thuỷ sản đã chế biến có quy mô nhỏ, theo phương pháp thủ công (theo quy định của Bộ thuỷ sản); khai thác thuỷ sản bằng tàu cá có trọng tải dưới 0,5 tấn hoặc không sử dụng tàu cá thì không thuộc đối tượng điều chỉnh vủa Nghị định này.

CHƯƠNG II
NGÀNH NGHỀ SẢN XUẤT, KINH DOANH THUỶ SẢN
PHẢI CÓ GIẤY PHÉP

Điều 3. Khai thác thuỷ sản là ngành nghề phải có giấy phép

Tổ chức, cá nhân khai thác thuỷ sản trên các vùng biển và các vùng nước tự nhiên khác của Việt Nam phải có giấy phép khai thác thuỷ sản do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp.

Điều 4. Giấy phép khai thác thuỷ sản

1. Một tổ chức hoặc một cá nhân có thể xin cấp giấy phép khai thác thuỷ sản (sau đây gọi tắt là giấy phép) cho nhiều tàu cá, nhưng mỗi giấy phép chỉ ghi tên một tàu cá và chỉ có giá trị sử dụng cho tàu cá đó.

2. Thời hạn của giấy phép không quá 12 tháng.

3. Bộ Thuỷ sản quy định mẫu giấy phép theo nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật Thuỷ sản để sử dụng thống nhất trong phạm vi cả nước.

Điều 5. Cấp giấy phép, gia hạn giấy phép và thu hồi giấy phép

1. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép phải có đủ điều kiện sau đây:

a. Có Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;

b. Có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu cá, đối với loại tàu cá theo quy định của Bộ Thuỷ sản

c. Có Sổ danh bạ thuyền viên, đối với loại tàu cá theo quy định của Bộ Thuỷ sản;

d. Thuyền trưởng, máy trưởng đối với loại tàu theo quy định của Bộ Thuỷ sản phải có bằng thuyền trưởng, máy trưởng;

đ) Có nghề khai thác và ngư cụ phù hợp với quy định của Bộ thuỷ sản.

2. Không cấp giấy phép trong các trường hợp sau đây:

a. Khai thác các loại thuỷ sản bị cấm; khai thác trong các vùng cấm, trong thời gian cấm khai thác hoặc bằng nghề bị cấm;

b. Khai thác các loài thuỷ sản thuộc danh mục các loài thuỷ sản mà Bộ Thuỷ sản đã công bố trữ lượng nguồn lợi của các loài này đang bị suy giảm nghiêm trọng hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng.

3. Gia hạn giấy phép

Mỗi giấy phép được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn không quá 12 tháng.

4. Việc thu hồi giấy phép trong các trường hợp được quy định tại Điều 18 của Luật Thuỷ sản.

Điều 6. Thủ tục và trình tự cấp giấy phép

1. Hồ sơ xin cấp giấy phép bao gồm:

a. Đơn xin cấp giấy phép;

b. Các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Nghị định này (bản sao có công chứng).

2. Hồ sơ xin gia hạn giấy phép:

a. Đơn xin gia hạn giấy phép;

b. Giấy chứng nhận an toàn của tàu cá (bản sao có công chứng);

c. Giấy phép đã được cấp (bản sao).

3. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép được quy định tại Điều 7 của Nghị định này xét cấp và gia hạn giấy phép trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp không cấp hoặc không gia hạn giấy phép thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

4. Tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép, gia hạn giấy phép phải nộp lệ phí.

Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với lệ phí cấp giấy phép khai thác thuỷ sản.

Điều 7. Cơ quan cấp giấy phép

1. Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuộc Bộ Thuỷ sản cấp giấy phép đối với các tổ chức sau đây:

a. Các doanh nghiệp, tổ chức trực thuộc Bộ Thuỷ sản

b. Các doanh nghiệp, tổ chức trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương khác;

c. Các doanh nghiệp, tổ chức làm kinh tế thuộc lực lượng vũ trang.

2. Chi cục Thuỷ sản hoặc Chi cục Khai thác và Bảo về nguồn lợi thuỷ sản của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp, thu hồi giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân có tàu cá đăng ký tại tỉnh, trừ các tàu cá thuộc các tổ chức nói tại Khoản 1 điều này.

3. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đồng thời là cơ quan có thẩm quyền thu hồi, gia hạn giấy phép đã cấp.

CHƯƠNG III
NGÀNH NGHỀ SẢN XUẤT, KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN

Điều 8. Những ngành nghề sản xuất, kinh doanh thuỷ sản không cần giấy phép

Những ngành nghề sản xuất, kinh doanh thuỷ sản sau đây không cần giấy phép, nhưng phải bảo đảm các điều kiện của pháp luật quy định: sản xuất, kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thuỷ sản; đóng mới, cải hoán tàu cá; sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản; nuôi trồng thuỷ sản; sản xuất, kinh doanh thức ăn nuôi thuỷ sản; chế biến thuỷ sản; kinh doanh nguyên liệu thuỷ sản dùng cho chế biến thực phẩm

Điều 9. Sản xuất, kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thuỷ sản

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh ngư cụ (bao gồm cả nguyên vật liệu để chế tạo ngư cụ) và trang thiết bị khai thác thuỷ sản phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về ngành nghề sản xuất hoặc kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thuỷ sản do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp.

2. Có cửa hàng, biển hiệu, địa chỉ rõ ràng.

3. Nhà xưởng, kho chứa, trang thiết bị, hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn và khí thải của cơ sở sản xuất phải bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Cơ sở sản xuất phải có ít nhất một kỹ thuật viên có bằng trung cấp trở lên về chuyên ngành khai thác hoặc cơ khí thuỷ sản.

5. Phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá đã công bố; thực hiện ghi nhãn hàng hải theo quy định của pháp luật.

6. Chỉ được sản xuất, kinh doanh các loại ngư cụ, trang thiết bị khai thác thuỷ sản không thuộc danh mục cấm sử dụng do Bộ Thuỷ sản quy định hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định bổ sung.

Điều 10. Đóng mới, cải hoán tàu cá

Tổ chức, cá nhân hành nghề đóng mới, cải hoán tàu cá đối với loại tàu cá thuộc diện phải đăng kiểm (trừ cơ sở đóng tàu thuộc ngành công nghiệp hoặc quốc phòng) phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Địa điểm xây dựng của cơ sở phải theo quy hoạch của địa phương.

2. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về hành nghề đóng mới, cải hoán tàu cá do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.

3. Cơ sở có biển hiệu, địa chỉ rõ ràng.

4. Nhà xưởng, trang thiết bị phải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Bộ Thuỷ sản; hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn của cơ sở phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

5. Có ít nhất một nhân viên kỹ thuật có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành vỏ tàu, một nhân viên kỹ thuật có trình độ trung cấp trở lên về động lực.

Điều 11. Sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả dịch vụ lưu giữ) giống thuỷ sản phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về giống thuỷ sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp;

b) Địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản phải theo quy hoạch của địa phương;

c) Cơ sở vật chất kỹ thuật và các trang thiết bị kỹ thuật, hệ thống cấp và thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, phương tiện vận chuyển, lưu giữ của cơ sở phải đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh từng đối tượng và phẩm cấp giống thuỷ sản, phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

d) Cơ sở sản xuất, kinh doanh đàn giống bố mẹ, đàn giống thương phẩm phải có nhân viên kỹ thuật có chứng chỉ đã được đào tạo về kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản;

đ) Cơ sở sản xuất, kinh doanh đàn giống thuần chủng, đàn giống cụ kỵ, đàn giống ông bà phải có nhân viên kỹ thụât có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành nuôi trồng thuỷ sản;

e) Có hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất, kinh doanh giống;

g) Thực hiện quy trình kỹ thuật bắt buộc đối với sản xuất giống thuỷ sản theo quy định của Bộ Thuỷ sản.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đực giống, cái giống, tinh đực giống, trứng giống và ấu trùng động vật thuỷ sản phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Các điều kiện quy định tại các điểm a, b, c, e, g khoản 1 Điều này;

b) Có nhân viên kỹ thuật đã được cấp chứng chỉ đào tạo về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi, về kỹ thuật ấp trứng, công nghệ nhân giống thuỷ sản;

c) Thực hiện quy chế quản lý khai thác, sử dụng tinh, phôi và môi trường bảo quản, pha chế tinh, phôi theo quy định của Bộ Thuỷ sản;

d) Đực giống, cái giống thuỷ sản phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch thú ý;

đ) Thực hiện quy chế quản lý khai thác, sử dụng đực giống, cái giống thuỷ sản, trứng giống, ấu trùng thuỷ sản theo quy định của Bộ Thuỷ sản.

Điều 12. Nuôi trồng thuỷ sản

Tổ chức, cá nhân nuôi trồng thuỷ sản phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về nuôi trồng thuỷ sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.

2. Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thuỷ sản phải theo quy hoạch của địa phương.

3. Cơ sở phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thuỷ sản, tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Sản xuất thức ăn nuôi thuỷ sản

Tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn nuôi thuỷ sản phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về sản xuất thức ăn nuôi thuỷ sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.

2. Nhà xưởng, kho chứa, trang thiết bị, hệ thống xử lý chất thải phải đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thú y thuỷ sản, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

3. Có nhân viên kỹ thuật có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành chế biến thực phẩm, hoá thực phẩm hoặc nuôi trồng thuỷ sản.

4. Sử dụng các loại thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Kinh doanh thức ăn nuôi thuỷ sản

Tổ chức, cá nhân kinh doanh thức ăn nuôi thuỷ sản phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thức ăn nuôi thuỷ sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.

2. Có cửa hàng, biển hiệu, địa chỉ rõ ràng.

3. Nơi bảo quan, nơi bày bán đáp ứng các yêu cầu bảo đảm chất lượng và vệ sinh thú y theo quy định của pháp luật.

4. Người quản lý hoặc nhân viên bán hàng có chứng chỉ đã được tập huấn về thức ăn nuôi thuỷ sản hoặc có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành nuôi trồng thuỷ sản.

5. Chỉ được kinh doanh các loại thức ăn nuôi thuỷ sản đã được công bố tiêu chuẩn chất lượng và bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y thuỷ sản, có nhãn hàng hải đúng quy định của pháp luật, thuộc danh mục được phép sử dụng thông thường theo quy định của Bộ Thuỷ sản.

Điều 15. Chế biến thuỷ sản

Tổ chức, cá nhân chế biến thuỷ sản phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về chế biến thuỷ sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.

2. Địa điểm xây dựng cơ sở chế biến thuỷ sản phải theo quy hoạch của địa phương.

3. Nhà xưởng, kho chứa, trang thiết bị, dụng cụ chế biến, dụng cụ vệ sinh, hệ thống xử lý nước, hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn và khí thải, trang thiết bị kiểm tra chất lượng sản phẩm phải bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Đối với cơ sở chế biến thuỷ sản làm thực phẩm (theo quy định của Bộ Thuỷ sản) xây dựng mới, trước khi đưa vào hoạt động sản xuất 15 ngày, phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để được kiểm tra, công nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

5. Cơ sở chế biến thuỷ sản theo phương thức công nghiệp phải có ít nhất một cán bộ hoặc nhân viên kỹ thuật có trình độ đại học về một trong các chuyên ngành công nghệ thực phẩm, chế biến thuỷ sản, sinh học, hoá sinh.

6. Người lao động trực tiếp trong các cơ sở chế biến thuỷ sản phải đảm bảo các tiêu chuẩn về sức khoẻ theo quy định và phải được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết.

Điều 16. Kinh doanh nguyên liệu thuỷ sản dùng cho chế biến thực phẩm

Tổ chức, cá nhân kinh doanh nguyên liệu thuỷ sản dùng cho chế biến thực phẩm phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về ngành, nghề đăng ký hoạt động do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.

2. Có cửa hàng, biển hiệu, địa chỉ rõ ràng.

3. Nhà xưởng, kho chứa, phương tiện thu mua, bảo quản, vận chuyện thuỷ sản chuyên dùng phải bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

4. Chỉ được sử dụng các loại phụ gia thực phẩm, hoá chất trong danh mục được phép sử dụng, được phép lưu hành tại Việt Nam và phải sử dụng đúng liều lượng, giới hạn quy định để bảo quản thuỷ sản theo quy định của pháp luật.

5. Cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và vệ sinh thú y theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG IV
THANH TRA, KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT KINH DOANH; KHIẾU NẠI, TỐ CÁO; KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 17. Thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành, nghề thuỷ sản

1. Bộ Thuỷ sản, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh các ngành, nghề thuỷ sản và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

2. Nội dung thanh tra, kiểm tra bao gồm các việc chấp hành quy định của Nghị định này và việc thực hiện các cam kết với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi đăng ký kinh doanh.

3. Việc tiến hành thanh tra, kiểm tra điều kiện kinh doanh các ngành, nghề thuỷ sản phải tuân thủ quy định của pháp luật.

Điều 18. Khiếu nại, tố cáo

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đối với quyết định của người có thẩm quyền trong việc thực hiện các quy định của Nghị định này theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Cá nhân có quyền tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này của các tổ chức, cá nhân khác; về hành vi trái pháp luật của người thuộc cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 19. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Nghị định này sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

2. Mọi hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với những quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 86/2001/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh các ngành nghề thủy sản.

Điều 21. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành

1. Bộ Thủy sản có trách nhiệm hướng dẫn việc thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Chính phủ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải