THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2007
của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế trong Quân đội nhân dân Việt Nam
______________________________
Thi hành Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (sau đây được viết là Nghị định số 132/2007/NĐ-CP);
Căn cứ Thông tư số 02/2007/TTLT-BNV-BTC ngày 24 tháng 9 năm 2007 của liên Bộ: Nội vụ - Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 132/2007/NĐ-CP;
Sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ tại công văn số 3579/BNV-TCBC ngày 13 tháng 12 năm 2007, Bộ Tài chính tại công văn số 17226/BTC-VI ngày 18 tháng 12 năm 2007, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong Quân đội nhân dân Việt Nam như sau:
I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, lao động hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế do Bộ tổng Tham mưu giao hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia đầy đủ nghĩa vụ bảo hiểm xã hội (sau đây được viết tắt là công nhân viên chức quốc phòng) trong các cơ quan, đơn vị thuộc quân đội; một số chức danh quản lý không phải là quân nhân trong công ty nhà nước thuộc quân đội thực hiện cổ phần hoá, giao, bán, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005.
2. Đối tượng áp dụng
a) Công nhân viên chức quốc phòng dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà không thể bố trí công việc khác phù hợp tại cơ quan, đơn vị đó.
b) Công nhân viên chức quốc phòng thôi giữ chức vụ lãnh đạo bao gồm: Cán bộ bầu cử và bổ nhiệm, do sắp xếp tổ chức hoặc không tái cử nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, không bố trí được theo vị trí công việc mới.
c) Công nhân viên chức quốc phòng chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định của vị trí công việc đang đảm nhận nhưng không có vị trí công tác khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại được; công nhân viên chức quốc phòng dôi dư do cơ cấu trong cơ quan, đơn vị không hợp lý và không thể bố trí, sắp xếp được công việc khác.
d) Công nhân viên chức quốc phòng không hoàn thành nhiệm vụ đối với công việc được giao trong hai năm liền kề gần đây do năng lực chuyên môn nghiệp vụ yếu hoặc sức khoẻ không bảo đảm hoặc do thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, kỷ luật kém nhưng chưa đến mức buộc thôi việc.
đ) Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, thành viên Ban Kiểm soát không phải là quân nhân của các công ty nhà nước thuộc quân đội thực hiện cổ phần hoá, giao, bán, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Các chức danh này nếu cơ quan có thẩm quyền quyết định là thành viên của Ban thanh lý doanh nghiệp, sau khi Ban thanh lý doanh nghiệp giải thể, không bố trí được công việc khác thì cũng được áp dụng chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Thông tư này.
3. Đối tượng chưa áp dụng
a) Đang trong thời gian điều trị, điều dưỡng tại bệnh viện có xác nhận của Giám đốc bệnh viện.
b) Đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
c) Phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
4. Đối tượng không áp dụng
a) Công nhân viên chức quốc phòng tự ý bỏ việc hoặc đi học tập, công tác, nghỉ phép ở nước ngoài quá thời hạn từ 30 ngày trở lên không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
b) Công nhân viên chức quốc phòng không trong diện sắp xếp tinh giản biên chế nhưng tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc hoặc chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước do nhu cầu cá nhân.
c) Công nhân viên chức quốc phòng bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.
d) Công nhân quốc phòng làm việc trong các doanh nghiệp quân đội, hưởng lương theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.
II. CƠ SỞ TÍNH TOÁN TRỢ CẤP CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG TINH GIẢN BIÊN CHẾ
1. Tiền lương và các loại phụ cấp
a) Tiền lương và phụ cấp để làm cơ sở tính toán chế độ trợ cấp là tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có), trong đó:
- Tiền lương theo ngạch, bậc là hệ số lương theo ngạch, bậc nhân với mức lương tối thiểu chung;
- Phụ cấp chức vụ lãnh đạo là hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) nhân với mức lương tối thiểu chung;
- Phụ cấp thâm niên vượt khung là tỷ lệ % được hưởng (nếu có) nhân với hệ số bậc lương cuối cùng trong ngạch, nhân với mức lương tối thiểu chung;
- Phụ cấp thâm niên nghề là tỷ lệ % được hưởng (nếu có) nhân với tổng của hệ số lương theo ngạch, bậc, hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có), tỷ lệ % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), nhân với mức lương tối thiểu chung;
- Mức chênh lệch bảo lưu là hệ số chênh lệch bảo lưu nhân với mức lương tối thiểu chung;
- Hệ số lương và phụ cấp lương trước ngày 01/10/2004 được tính theo hệ số tiền lương và phụ cấp quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 và Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ, các Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ tiền lương, có hiệu lực thi hành trước ngày 01/10/2004. Từ ngày 01/10/2004 trở đi được tính theo hệ số tiền lương và phụ cấp lương chuyển xếp theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 và Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, các Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ tiền lương, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2004;
- Mức lương tối thiểu chung để tính chế độ cho giai đoạn trước ngày 01/01/2003 là 210.000 đồng/tháng; giai đoạn từ ngày 01/01/2003 đến ngày 30/9/2005 là 290.000 đồng/tháng; giai đoạn từ ngày 01/10/2005 đến ngày 30/9/2006 là 350.000 đồng/tháng; giai đoạn từ ngày 01/10/2006 đến ngày 31/12/2007 là 450.000 đồng/tháng; giai đoạn từ ngày 01/01/2008 đến trước thời điểm điều chỉnh tiền lương tối thiểu tiếp theo là 540.000 đồng/tháng; các giai đoạn tiếp theo do Chính phủ quy định.
b) Tiền lương tháng làm căn cứ để tính chế độ trợ cấp quy định tại khoản 1, điểm b, khoản 2,3, điểm c, khoản 4, Mục III của Thông tư này được tính bằng bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của 5 năm cuối (60 tháng) trước khi tinh giản biên chế. Đối với những trường hợp chưa đủ 5 năm công tác thì được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của toàn bộ thời gian công tác.
c) Tiền lương tháng hiện hưởng là tiền lương của tháng liền kề trước thời điểm tinh giản biên chế.
2. Thời gian tính hưởng trợ cấp
a) Số năm công tác để tính trợ cấp là số năm được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội (theo sổ bảo hiểm xã hội của mỗi người). Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì được tính theo nguyên tắc: dưới 03 tháng thì không tính, từ đủ 03 tháng đến đủ 06 tháng được tính là 1/2 năm, từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng được tính tròn là 1 năm.
b) Trường hợp công nhân viên chức quốc phòng phạm tội bị toà án tuyên án phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ mà vẫn được cơ quan, đơn vị bố trí làm việc thì thời gian làm việc có đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian thi hành án cũng được tính là thời gian công tác để tính hưởng trợ cấp.
c) Thời điểm hưởng lương hưu hằng tháng đối với các đối tượng quy định tại điểm c, khoản 1, Mục III của Thông tư này được tính từ tháng liền kề sau tháng đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
III. CÁC CHÍNH SÁCH TINH GIẢN BIÊN CHẾ
1. Chính sách đối với những người nghỉ hưu trước tuổi
a) Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế từ đủ 55 tuổi đến đủ 59 tuổi đối với nam, từ đủ 50 tuổi đến đủ 54 tuổi đối với nữ và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên thì được nghỉ hưu hằng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, không bị trừ tỷ lệ % lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi. Ngoài việc được nghỉ hưu hằng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, còn được hưởng thêm các khoản trợ cấp sau:
- Được trợ cấp 03 tháng tiền lương bình quân thực lĩnh cho mỗi năm (đủ 12 tháng) nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 50 của Luật bảo hiểm xã hội. Trường hợp thời gian nghỉ hưu sớm có số tháng lẻ thì được tính trợ cấp là:
+ Số tháng lẻ đủ 06 tháng trở xuống được trợ cấp 01 tháng tiền lương bình quân thực lĩnh;
+ Số tháng lẻ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng được trợ cấp 02 tháng tiền lương bình quân thực lĩnh.
Tiền trợ cấp tính cho
thời gian nghỉ hưu =
trước tuổi quy định
|
Số tháng được trợ cấp
(tính theo thời gian nghỉ hưu trước tuổi quy định)
|
Tiền lương tháng
x bình quân
thực lĩnh
|
- Được trợ cấp 05 tháng tiền lương bình quân thực lĩnh cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội;
- Được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương bình quân thực lĩnh cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội (đủ 12 tháng) kể từ năm thứ 21 trở đi, nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì thực hiện theo nguyên tắc đã nêu tại điểm a, khoản 2, Mục II của Thông tư này.
Tiền trợ cấp do có
trên 20 năm đóng =
bảo hiểm xã hội
|
Số năm được trợ cấp
(tính từ năm thứ 21 trở đi có đóng bảo hiểm xã hội)
|
Tiền lương tháng
x 1/2 x bình quân
thực lĩnh
|
Ví dụ 1: Bà Dương Thị Hoa, 52 tuổi 4 tháng, thuộc diện tinh giản biên chế, được nghỉ hưu trước tuổi (2 năm 8 tháng) kể từ ngày 01/6/2008, thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội là 31 năm 3 tháng ( 20 năm + 11 năm 3 tháng), hệ số lương hiện hưởng 4,32 (ngạch 06.031, bậc 7) từ 01/10/2005. Mức bình quân tiền lương tháng thực lĩnh trong 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu (từ 01/6/2003 đến 01/6/2008) cụ thể như sau:
- Từ 6/2003 đến 9/2004 (16 tháng) hệ số lương 2,98 (ngạch 06.031, bậc 6), mức lương tối thiểu chung là 290.000 đồng:
290.000 đ x 2,98 x 16 tháng = 13.827.200 đồng
- Từ 10/2004 đến 9/2005 (12 tháng) hệ số lương 3,99 (ngạch 06.031, bậc 6), mức lương tối thiểu chung là 290.000 đồng:
290.000 đ x 3,99 x 12 tháng = 13.885.200 đồng
- Từ 10/2005 đến 9/2006 (12 tháng) hệ số lương 4,32 (ngạch 06.031, bậc 7), mức lương tối thiểu chung là 350.000 đồng:
350.000 đ x 4,32 x 12 tháng = 18.144.000 đồng
- Từ 10/2006 đến 12/2007 (15 tháng) hệ số lương 4,32 (ngạch 06.031, bậc 7), mức lương tối thiểu chung là 450.000 đồng:
450.000 đ x 4,32 x 15 tháng = 29.160.000 đồng
- Từ 01/2008 đến 5/2008 (5 tháng) hệ số lương 4,32 (ngạch 06.031, bậc 7), mức lương tối thiểu chung là 540.000 đồng:
540.000 đ x 4,32 x 5 tháng = 11.664.000 đồng
Mức bình quân tiền lương tháng thực lĩnh trong 5 năm cuối là:
(13.827.200đ + 13.885.200đ + 18.144.000đ + 29.160.000đ + 11.664.000đ)/60 tháng = 1.444.673đ/th
Bà Dương Thị Hoa trước khi về nghỉ hưu hằng tháng, ngoài chế độ được hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, còn được trợ cấp theo chính sách tinh giản biên chế là:
- Trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi quy định:
(2 năm x 3 tháng + 2 tháng) x 1.444.673 đ = 11.557.384 đ
- Trợ cấp cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội:
5 tháng x 1.444.673 đ = 7.223.365 đ
- Trợ cấp do có trên 20 năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội:
11,5 năm x 1/2 x 1.444.673 đ = 8.306.870 đ
Tổng số tiền trợ cấp bà Hoa được nhận theo chính sách tinh giản biên chế là:
11.557.384 đ + 7.223.365 đ + 8.306.870 đ = 27.087.619 đồng
b) Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại điểm đ, khoản 2, Mục I của Thông tư này nếu từ đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, từ đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên thì được hưởng chế độ, chính sách như đối tượng quy định tại điểm a, khoản này.
c) Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại điểm a, b, khoản này nếu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 19 năm 06 tháng trở lên đến dưới 20 năm thì cơ quan, đơn vị sẽ đóng bảo hiểm xã hội một lần cho số tháng còn thiếu, mức đóng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động trước khi tinh giản biên chế vào quỹ hưu trí và tử tuất để giải quyết chế độ hưu hằng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, không bị trừ tỷ lệ % lương hưu trước tuổi, được hưởng chế độ, chính sách như đối tượng quy định tại điểm a, khoản này.
Mức đóng của cơ quan, đơn vị cho các đối tượng trên vào quỹ hưu trí và tử tuất cụ thể là:
- Trường hợp thực hiện tinh giản biên chế từ ngày 31/12/2009 trở về trước, mức đóng một lần bằng 16% tiền lương tháng hiện hưởng cho số tháng còn thiếu;
- Trường hợp thực hiện tinh giản biên chế từ ngày 01/01/2010 đến ngày 31/12/2011, mức đóng một lần bằng 18% tiền lương tháng hiện hưởng cho số tháng còn thiếu.
Ví dụ 2: ông Hoàng Thanh Long, 57 tuổi 7 tháng, thuộc diện tinh giản biên chế kể từ ngày 01/6/2008, hệ số lương hiện hưởng 3,66 (ngạch 01.003, bậc 5), thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội là 19 năm 06 tháng.
Theo quy định, cơ quan, đơn vị phải đóng một lần vào quỹ hưu trí, tử tuất 06 tháng còn thiếu cho đủ 20 năm (từ 6/2008 đến 11/2008) để giải quyết chế độ hưu hằng tháng theo chính sách tinh giản biên chế cho ông Hoàng Thanh Long là:
3,66 x 540.000 đ x 6 tháng x 16% = 1.897.344 đồng
ông Hoàng Thanh Long sẽ được hưởng chế độ hưu hằng tháng theo chính sách tinh giản biên chế kể từ ngày 01/12/2008 và trước khi nghỉ hưu ngoài chế độ được hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, ông Long còn được hưởng trợ cấp theo chính sách tinh giản biên chế như cách tính đối với bà Hoa tại ví dụ 1 (tiền lương tháng để tính trợ cấp về hưu trước tuổi cho ông Long được tính bằng bình quân tiền lương tháng thực lĩnh trong 5 năm cuối kể từ tháng 6/2003 đến tháng 5/2008).
2. Chính sách đối với những người chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước
Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước, được hưởng các khoản trợ cấp sau:
a) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng.
b) Được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương bình quân thực lĩnh cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội (đủ 12 tháng), nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì thực hiện theo nguyên tắc đã nêu tại điểm a, khoản 2, Mục II của Thông tư này.
Ví dụ 3: Bà Nguyễn Thu Trang, 38 tuổi, thuộc đối tượng tinh giản biên chế, chuyển sang làm việc tại cơ quan không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước từ ngày 01/12/2007, thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội là 13 năm 7 tháng, hệ số lương hiện hưởng là 2,22 (ngạch 06.035, bậc 5) từ ngày 01/6/2007, hệ số chênh lệch bảo lưu 0,98. Mức bình quân tiền lương tháng thực lĩnh trong 5 năm cuối (từ 01/12/2002 đến 01/12/2007) cụ thể như sau:
- Từ 01/12/2002 đến 31/12/2002 (1 tháng) chuẩn uý QNCN (hệ số lương 2,10), thâm niên nghề 8%, mức lương tối thiểu chung là 210.000 đồng:
210.000 đ x 2,10 x 1,08 x 1 tháng = 476.280 đồng
- Từ 01/2003 đến 9/2004 (21 tháng) chuẩn uý QNCN (hệ số lương 2,10), thâm niên nghề 10%, mức lương tối thiểu chung là 290.000 đồng:
290.000 đ x 2,10 x 1,10 x 21 tháng = 14.067.900 đồng
- Từ 10/2004 đến 5/2005 (8 tháng) chuẩn uý QNCN (hệ số lương 3,20), thâm niên nghề 11%, mức lương tối thiểu chung là 290.000 đồng:
290.000 đ x 3,20 x 1,11 x 8 tháng = 8.240.640 đồng
- Từ 6/2005 đến 9/2005 (4 tháng) hệ số lương 2,04 (ngạch 06.035, bậc 4), hệ số chênh lệch bảo lưu 1,16, mức lương tối thiểu chung là 290.000 đồng:
290.000 đ x (2,04 + 1,16) x 4 tháng = 3.712.000 đồng
- Từ 10/2005 đến 9/2006 (12 tháng) hệ số lương 2,04 (ngạch 06.035, bậc 4), hệ số chênh lệch bảo lưu 1,16, mức lương tối thiểu chung là 350.000 đồng:
350.000 đ x (2,04 + 1,16 ) x 12 tháng = 13.440.000 đồng
- Từ 10/2006 đến 5/2007 (8 tháng) hệ số lương 2,04 (ngạch 06.035, bậc 4), hệ số chênh lệch bảo lưu 1,16, mức lương tối thiểu chung là 450.000 đồng:
450.000 đ x (2,04 + 1,16) x 8 tháng = 11.520.000 đồng
- Từ 6/2007 đến 11/2007 (6 tháng) hệ số lương 2,22 (ngạch 06.035, bậc 5), hệ số chênh lệch bảo lưu 0,98, mức lương tối thiểu chung là 450.000 đồng:
450.000 đ x (2,22 + 0,98) x 6 tháng = 8.640.000 đồng
Mức bình quân tiền lương tháng thực lĩnh trong 5 năm cuối là:
(476.280đ+14.067.900đ+8.240.640đ+3.712.000đ+13.440.000đ+11.520.000đ+8.640.000đ) /60 tháng = 1.001.614 đ/th
Bà Nguyễn Thu Trang trước khi chuyển sang công tác tại cơ quan không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước, được hưởng trợ cấp tinh giản biên chế là:
- Trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng:
3 tháng x 450.000 đ x (2,22 + 0,98) = 4.320.000 đồng
- Trợ cấp theo năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội:
14 năm x 1/2 x 1.001.614 đ = 7.011.298 đồng
Tổng số tiền trợ cấp bà Trang được nhận theo chính sách tinh giản biên chế là:
4.320.000 đ + 7.011.298 đ = 11.331.298 đồng
3. Chính sách đối với những người thôi việc ngay
Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế nghỉ thôi việc ngay (không áp dụng chính sách thôi việc đối với công nhân viên chức quốc phòng đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại điểm a, b, c, khoản 1, Mục III của Thông tư này), được hưởng các khoản trợ cấp sau:
a) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.
b) Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương bình quân thực lĩnh cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội (đủ 12 tháng), nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì thực hiện theo nguyên tắc đã nêu tại điểm a, khoản 2, Mục II của Thông tư này.
Ví dụ 4: ông Ngô Văn Sinh, 46 tuổi, thuộc đối tượng tinh giản biên chế, được giải quyết thôi việc ngay từ ngày 01/12/2007, hệ số lương hiện hưởng 4,32 (ngạch 12.089, bậc 7) từ 01/10/2006, thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội 21 năm 4 tháng. Mức bình quân tiền lương tháng thực lĩnh trong 5 năm cuối trước khi thôi việc (từ 01/12/2002 đến 01/12/2007) cụ thể như sau:
- Từ 01/12/2002 đến 31/12/2002 ( 1 tháng) hệ số lương 2,74 (ngạch 12.089, bậc 5), mức lương tối thiểu chung là 210.000 đồng:
210.000 đ x 2,74 x 1 tháng = 575.400 đồng
- Từ 01/2003 đến 9/2003 (9 tháng) hệ số lương 2,74 (ngạch 12.089, bậc 5), mức lương tối thiểu chung là 290.000 đồng:
290.000 đ x 2,74 x 9 tháng = 7.151.400 đồng
- Từ 10/2003 đến 9/2004 (12 tháng) hệ số lương 2,98 (ngạch 12.089, bậc 6), mức lương tối thiểu chung là 290.000 đồng:
290.000 đ x 2,98 x 12 tháng = 10.370.400 đồng
- Từ 10/2004 đến 9/2005 (12 tháng) hệ số lương 3,99 (ngạch 12.089, bậc 6), mức lương tối thiểu chung là 290.000 đồng:
290.000 đ x 3,99 x 12 tháng = 13.885.200 đồng
- Từ 10/2005 đến 9/2006 (12 tháng) hệ số lương 3,99 (ngạch 12.089, bậc 6), mức lương tối thiểu chung là 350.000 đồng:
350.000 đ x 3,99 x 12 tháng = 16.758.000 đồng
- Từ 10/2006 đến 11/2007 (14 tháng) hệ số lương 4,32 (ngạch 12.089, bậc 7), mức lương tối thiểu chung là 450.000 đồng:
450.000 đ x 4,32 x 14 tháng = 27.216.000 đồng
Mức bình quân tiền lương tháng thực lĩnh trong 5 năm cuối là:
(575.400đ+7.151.400đ+10.370.400đ+13.885.200đ+16.758.000đ+27.216.000đ)/ 60 tháng = 1.265.940đ/th
Ông Ngô Văn Sinh trước khi thôi việc ngay, ngoài chế độ được hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, còn được hưởng trợ cấp theo chính sách tinh giản biên chế là:
- Trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng:
3 tháng x 450.000 đ x 4,32 = 5.832.000 đồng
- Trợ cấp theo năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội:
21,5 năm x 1,5 tháng x 1.265.940 đ = 40.826.565 đồng
Tổng số tiền trợ cấp ông Sinh được nhận theo chính sách tinh giản biên chế là:
5.832.000 đ + 40.826.565 đ = 46.658.565 đồng
4. Chính sách đối với những người thôi việc sau khi đi học
Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế có tuổi đời dưới 45 tuổi, có sức khoẻ, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật, có nguyện vọng đi học nghề để tìm việc làm mới, được hưởng các chế độ sau:
a) Được hưởng nguyên tiền lương tháng hiện hưởng, được cơ quan, đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đi học nghề, tối đa là 06 tháng.
b) Được trợ cấp một khoản kinh phí (phí học nghề) bằng chi phí cho khoá học nghề, tối đa là 06 tháng tiền lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề.
c) Sau khi kết thúc học nghề, được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng ở thời điểm đi học nghề để tìm việc làm; được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội (đủ 12 tháng), nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì thực hiện theo nguyên tắc đã nêu tại điểm a, khoản 2, Mục II của Thông tư này.
d) Trong thời gian đi học nghề được tính là thời gian công tác liên tục nhưng không được tính là thời gian để xét nâng lương hằng năm.
Ví dụ 5: Bà Đinh Thị Đào, 27 tuổi, hệ số lương hiện hưởng 2,41 (ngạch 01.005, bậc 3) từ ngày 01/10/2007, thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội là 04 năm 02 tháng, thuộc đối tượng tinh giản biên chế, có nguyện vọng đi học nghề 06 tháng từ 01/12/2007 (phí học nghề là 5.200.000 đồng). Sau khi học xong, ngày 01/6/2008, bà Đào được giải quyết cho thôi việc. Mức bình quân tiền lương tháng thực lĩnh trước khi thôi việc (từ 10/2003 đến 5/2008) cụ thể như sau:
- Từ 10/2003 đến 9/2004 (12 tháng) hệ số lương 1,70 (ngạch 01.005, bậc 1), mức lương tối thiểu chung 290.000 đồng:
290.000 đ x 1,70 x 12 tháng = 5.916.000 đồng
- Từ 10/2004 đến 9/2005 (12 tháng) hệ số lương 2,05 (ngạch 01.005, bậc 1), mức lương tối thiểu chung 290.000 đồng:
290.000 đ x 2,05 x 12 tháng = 7.134.000 đồng
- Từ 10/2005 đến 9/2006 (12 tháng) hệ số lương 2,23 (ngạch 01.005, bậc 2), mức lương tối thiểu chung 350.000 đồng:
350.000 đ x 2,23 x 12 tháng = 9.366.000 đồng
- Từ 10/2006 đến 9/2007 (12 tháng) hệ số lương 2,23 (ngạch 01.005, bậc 2), mức lương tối thiểu chung 450.000 đồng:
450.000 đ x 2,23 x 12 tháng = 12.042.000 đồng
- Từ 10/2007 đến 12/2007 (3 tháng) hệ số lương 2,41 (ngạch 01.005, bậc 3), mức lương tối thiểu chung 450.000 đồng:
450.000 đ x 2,41 x 3 tháng = 3.253.500 đồng
- Từ 01/2008 đến 5/2008 (5 tháng) hệ số lương 2,41 (ngạch 01.005, bậc 3), mức lương tối thiểu chung 540.000 đồng:
540.000 đ x 2,41 x 5 tháng = 6.507.000 đồng
Mức bình quân tiền lương tháng thực lĩnh trước khi thôi việc là:
(5.916.000đ+7.134.000đ+9.366.000đ+12.042.000đ+3.253.500đ+6.507.000đ)/56 tháng = 789.616 đ/th
Bà Đinh Thị Đào trước khi thôi việc, ngoài được hưởng chính sách theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, còn được hưởng chế độ theo chính sách tinh giản biên chế như sau:
- Được hưởng 06 tháng tiền lương hiện hưởng trong thời gian học nghề:
1 tháng x 450.000 đ x 2,41 = 1.084.500 đồng
5 tháng x 540.000 đ x 2,41 = 6.507.000 đồng
- Trợ cấp 5.200.000 đồng để đóng phí học nghề cho cơ sở dạy nghề
- Sau khi kết thúc khoá học nghề, bà Đào được trợ cấp:
+ Trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm:
3 tháng x 540.000 đ x 2,41 = 3.904.200 đồng
+ Trợ cấp theo năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội:
5 năm x 1/2 x 789.616 đ = 1.974.040 đồng
5. Chính sách đối với những người thôi giữ chức vụ lãnh đạo do sắp xếp tổ chức
Những người thôi giữ chức vụ lãnh đạo do sắp xếp tổ chức thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm hoặc bầu cử. Trường hợp đã giữ chức vụ theo thời hạn được bổ nhiệm còn dưới 06 tháng thì được bảo lưu 06 tháng. Trong thời gian bảo lưu, nếu được bổ nhiệm hoặc bầu cử vào chức vụ mới thì thôi hưởng bảo lưu phụ cấp chức vụ cũ để hưởng phụ cấp chức vụ mới kể từ ngày quyết định bổ nhiệm hoặc bầu cử có hiệu lực thi hành.
IV. KINH PHÍ BẢO ĐẢM
1. Kinh phí để thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với các đối tượng quy định tại điểm a, b, c, d, khoản 2, Mục I của Thông tư này do ngân sách nhà nước bảo đảm.
2. Kinh phí để thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với các đối tượng quy định tại điểm đ, khoản 2, Mục I của Thông tư này được bố trí từ nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước.
3. Căn cứ vào Quyết định tinh giản biên chế của từng đối tượng, cơ quan tài chính các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, xem xét, thực hiện chi trả cho các đối tượng theo đúng hướng dẫn tại Thông tư này. Định kỳ 06 tháng một lần, cơ quan tài chính các cơ quan, đơn vị tổng hợp báo cáo và dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị, gửi lên cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp cho đến Cục Tài chính/ Bộ Quốc phòng.
4. Việc thu, chi kinh phí giải quyết chế độ theo chính sách tinh giản biên chế phải được tổng hợp chung vào báo cáo tài chính của cơ quan, đơn vị hằng năm theo đúng quy định tại Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ kế toán hành chính sự nghiệp và Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành chế độ kế toán doanh nghiệp.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Nguyên tắc thực hiện tinh giản biên chế
a) Tinh giản biên chế được thực hiện trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí lại lao động trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
b) Tinh giản biên chế phải được thực hiện công khai, dân chủ theo quy định của pháp luật.
c) Thực hiện tinh giản biên chế không làm ảnh hưởng, xáo trộn lớn đến tư tưởng, đời sống của công nhân viên chức quốc phòng. Việc chi trả chế độ chính sách cho các đối tượng tinh giản biên chế phải bảo đảm kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng.
d) Việc lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán số tiền trợ cấp cho từng đối tượng phải bảo đảm chính xác, trung thực, rõ ràng.
2. thủ tục hồ sơ
a) Định kỳ 06 tháng một lần, các cơ quan, đơn vị từ cấp Trung đoàn và tương đương trở lên thực hiện báo cáo lên cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp cho đến Bộ Quốc phòng (qua Cục Cán bộ đối với đối tượng cơ quan Cán bộ quản lý, Cục Quân lực đối với đối tượng cơ quan Quân lực quản lý) theo các mẫu số 1, 2, 3, 4, 5, 6.
b) Đối với các đối tượng được giải quyết chế độ theo chính sách tinh giản biên chế, cơ quan, đơn vị gửi hồ sơ về Bảo hiểm xã hội Quân đội theo quy định tại Quyết định số 815/QĐ-BHXH ngày 06/6/2007 của Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và quy định về thủ tục hồ sơ đối với đối tượng được thực hiện chính sách tinh giản biên chế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
3. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị
a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị (từ cấp Trung đoàn và tương đương lên đến đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng)
Có trách nhiệm tổ chức phổ biến, quán triệt chính sách tinh giản biên chế quy định tại Nghị định số 132/2007/NĐ-CP và theo hướng dẫn của Thông tư này đến công nhân viên chức quốc phòng thuộc quyền quản lý. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện tinh giản biên chế theo nguyên tắc nêu tại khoản 1, Mục V của Thông tư này và theo trình tự sau:
- Căn cứ vào tổ chức biên chế của cơ quan, đơn vị và chỉ thị về kế hoạch quân số hằng năm do Bộ Tổng Tham mưu ban hành, tiến hành rà soát chức năng nhiệm vụ, xác định rõ những tổ chức trong cơ quan, đơn vị mình cần chấn chỉnh;
- Kiện toàn các tổ chức trong cơ quan, đơn vị cho phù hợp; xác định cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn nghiệp vụ cho từng vị trí công việc; phân loại, sắp xếp công nhân viên chức quốc phòng; lập kế hoạch tinh giản biên chế 06 tháng một lần;
- Xây dựng Đề án tinh giản biên chế trong cơ quan, đơn vị mình báo cáo cấp trên phê duyệt; đơn vị trực thuộc Bộ do Thủ trưởng Bộ tổng Tham mưu phê duyệt;
- Lập danh sách, dự toán số tiền trợ cấp cho từng đối tượng tinh giản biên chế theo định kỳ 06 tháng một lần báo cáo cấp trên phê duyệt, thời gian vào tháng 5 và tháng 11 hằng năm;
- Thanh toán chế độ chính sách cho đối tượng tinh giản biên chế và thực hiện quyết toán kinh phí theo quy định;
- Thanh tra, kiểm tra, đôn đốc tổ chức thực hiện;
- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân chịu trách nhiệm về việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế của đơn vị mình. Nếu giải quyết sai đối tượng, sai chế độ chính sách tinh giản biên chế thì ngoài việc xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn phải bồi hoàn kinh phí đã chi trả theo quy định của pháp luật.
b) Cục Quân lực/ Bộ Tổng Tham mưu
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện; xây dựng Đề án tinh giản biên chế; lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán kinh phí giải quyết chế độ cho các đối tượng theo định kỳ 06 tháng một lần;
- Thẩm định, tổng hợp trình Thủ trưởng Bộ phê duyệt Đề án, danh sách đối tượng, dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế, định kỳ 06 tháng một lần, gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính;
- Thông báo kết quả, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức chi trả chế độ cho các đối tượng đầy đủ, kịp thời và thực hiện quyết toán theo quy định; gửi danh sách công nhân viên chức quốc phòng được thực hiện tinh giản biên chế cho Cục Tài chính, Cục Cán bộ, Cục Chính sách, Bảo hiểm xã hội Quân đội để theo dõi, đôn đốc thực hiện;
- Đầu tháng 12 hằng năm, tổng hợp kết quả, đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế trong Bộ Quốc phòng, gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
c) Cục Cán bộ/ Tổng cục Chính trị
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Thông tư này. Theo phân cấp quản lý cán bộ chịu trách nhiệm thẩm định, lập danh sách công nhân viên chức quốc phòng diện cán bộ quản lý, dự toán kinh phí gửi về Cục Quân lực/ Bộ Tổng Tham mưu để tổng hợp báo cáo Thủ trưởng Bộ; thực hiện cắt quân số theo phân cấp quản lý cán bộ.
d) Cục Tài chính/ Bộ Quốc phòng
Căn cứ vào chế độ, chính sách quy định tại Nghị định số 132/2007/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BNV-BTC ngày 24 tháng 9 năm 2007 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Thông tư này hướng dẫn thu chi; tiến hành thẩm định dự toán của của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổng hợp báo cáo theo quy định. Tổ chức cấp phát kinh phí kịp thời và thanh quyết toán với nhà nước.
đ) Cục Chính sách/ Tổng cục Chính trị
Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng (Cục Quân lực, Cục Cán bộ, Cục Tài chính) đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong các cơ quan, đơn vị theo đúng quy định tại Nghị định số 132/2007/NĐ-CP và Thông tư này.
Bảo hiểm xã hội Quân đội chịu trách nhiệm hướng dẫn việc thu nộp bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng còn thiếu tối đa không quá 06 tháng theo điểm c, khoản 1, Mục III của Thông tư này; giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức quốc phòng thuộc diện được hưởng chế độ tinh giản biên chế theo quy định của Nghị định số 132/2007/NĐ-CP và các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
4. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2011.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo về Bộ Quốc phòng (qua Cục Chính sách) để xem xét giải quyết./.