• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 24/10/1998
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 35/1998/CT-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 9 tháng 10 năm 1998

CHỈ THỊ

Về tăng cường hiệu lực giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại các cơ quan Trung ương

và nhà riêng của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước

__________________________

Thời gian gần đây, có nhiều công dân khiếu nại, tố cáo trực tiếp tại các cơ quan Trung ương và nhà riêng các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bên cạnh số khiếu nại, tố cáo vượt cấp, chưa tuân thủ đúng trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật, có một số đơn kêu oan (cả hành chính và tố tụng), không chấp nhận nội dung giải quyết của một số cơ quan Nhà nước, khẩn cầu các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước xem xét lại.

Tình hình trên ảnh hưởng xấu tới uy tín của Đảng và Nhà nước, gây ra một số khó khăn, phức tạp về trật tự công cộng tại Thủ đô, gây trở ngại đối với sinh hoạt và làm việc bình thường của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; mặt khác, phản ánh sự giảm sút niềm tin của dân đối với một số cơ quan Nhà nước có trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; vì vậy, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

 

1. Căn cứ vào thẩm quyền theo quy định của pháp luật, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ phải hết sức quan tâm và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân kể cả những trường hợp trực tiếp xem xét giải quyết cũng như những trường hợp chỉ đạo, kiểm tra cấp dưới giải quyết. Sự việc công dân khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết của cấp nào thì trước hết cấp ấy phải xem xét, lắng nghe ý kiến của dân để giải quyết đúng pháp luật, công bằng, thoả đáng và làm tốt việc giải thích, thuyết phục người khiếu nại, tố cáo. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo chưa đồng tình cách giải quyết, yêu cầu xem xét lại thì cơ quan cấp trên trực tiếp phải thụ lý để giải quyết, không để công dân khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài tại các cơ quan Trung ương và nhà riêng các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Khi công dân tập trung đông người khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan Trung ương và nhà riêng các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước thì yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có công dân khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm chủ động phối hợp với Thanh tra Nhà nước và các cơ quan liên quan bàn biện pháp giải quyết và biện pháp đưa dân về để giải quyết tại địa phương.

Tổng Thanh tra Nhà nước và Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán Bộ Chính phủ phối hợp kiểm tra và có biện pháp kỷ luật nghiêm khắc đối với những sai phạm của cán bộ, công chức Nhà nước là nguyên nhân gây nên khiếu nại, tố cáo và những trường hợp thiếu trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân sang cơ quan khác hoặc lên cấp trên.

2. Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do một đồng chí lãnh đạo Thanh tra Nhà nước trực tiếp làm Tổ trưởng, có sự tham gia của các Bộ, ngành: Thanh tra Nhà nước, Xây dựng, Địa chính, Tư pháp, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Công an, Văn phòng Chính phủ theo sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ tập trung giải quyết những vụ việc mà công dân khiếu nại, tố cáo kéo dài tại các cơ quan Trung ương và nhà riêng các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước (dưới đây gọi là Tổ công tác của Thủ tướng). Khi cần thiết, tuỳ theo tính chất, nội dung của từng vụ việc, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng được quyền trưng tập chuyên viên của bất kỳ Bộ, ngành nào tham gia Tổ công tác trong một thời gian nhất định theo chế độ biệt phái, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng trong quá trình giải quyết, nếu nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến trách nhiệm của địa phương, Bộ, ngành nào thì địa phương, Bộ, ngành đó phải tham gia cùng Tổ công tác giải quyết cho đến khi kết thúc. Đến hết quý 2 năm 1999 phải giải quyết cơ bản xong số khiếu nại, tố cáo tồn đọng nêu trên.

Tổ công tác làm việc tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước. Trong quá trình hoạt động, Tổ công tác của Thủ tướng được sử dụng con dấu của Thanh tra Nhà nước. Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm cấp kinh phí và bảo đảm các phương tiện làm việc cần thiết cho Tổ công tác theo yêu cầu của Tổ trưởng Tổ công tác. Tổ công tác thay mặt Thủ tướng Chính phủ tiếp dân, làm việc với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để giải quyết những trường hợp khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài tại các cơ quan Trung ương và nhà riêng các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; chỉ đạo trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lập danh sách các vụ khiếu nại, tố cáo nêu trên và phân loại xử lý như sau:

a. Đối với những vụ việc đã được xem xét giải quyết theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định những người khiếu nại, tố cáo chưa đồng tình, vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo lên Thủ tướng Chính phủ thì Tổ trưởng Tổ công tác có quyền xem xét ra quyết định tiến hành thẩm tra lại. Sau khi Tổ công tác đã xem xét kỹ lưỡng, đầy đủ mọi khía cạnh pháp lý và thực tế của sự việc thì xử lý theo hướng dưới đây:

- Nếu nội dung khiếu nại, tố cáo có cơ sở thì Tổ trưởng Tổ công tác theo sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tự khắc phục, sửa chữa những sai sót trong thời hạn do Tổ trưởng Tổ công tác ấn định hoặc báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc thay đổi, huỷ bỏ các biện pháp, các quyết định giải quyết trước đó; kết luận về trách nhiệm và hình thức xử lý đối với cán bộ, công chức, cơ quan Nhà nước có sai phạm; quyết định việc công bố những trường hợp điển hình trên các phương tiện thông tin đại chúng để có tác dụng giáo dục và phòng ngừa.

- Nếu thấy việc giải quyết của các cấp có thẩm quyền là đúng chính sách, pháp luật thì Tổ công tác đối thoại trực tiếp, giải thích, thuyết phục người khiếu nại, tố cáo để họ chấp nhận, chấm dứt khiếu nại, tố cáo. Trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo vẫn không chấp nhận thì Tổ trưởng Tổ công tác theo sự uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ có văn bản kết luận những nội dung đã được xem xét giải quyết hoặc cân nhắc để quyết định trưng cầu ý kiến tham gia của một hoặc nhiều tổ chức xã hội đại diện cho lợi ích của người khiếu nại, tố cáo như Đoàn luật sư, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội cựu chiến binh, v. v... trước khi có văn bản kết luận. Sau khi có văn bản kết luận của Tổ trưởng Tổ công tác, nếu người khiếu nại, tố cáo vẫn tỏ ra thiếu thiện chí, có biểu hiện lạm dụng quyền khiếu nại, tố cáo để xuyên tạc, vu khống, lăng mạ cán bộ, công chức, cơ quan Nhà nước, gây rối trật tự công cộng, dẫn dắt người khiếu nại, tố cáo đến nhà riêng các đồng chí Lãnh đạo, trú ngụ trái phép thì Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu cơ quan công an áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính hoặc áp dụng biện pháp xử lý hình sự theo quy định của pháp luật, đồng thời công bố rõ nội dung vụ việc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

b. Đối với những vụ việc chưa được xem xét giải quyết theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định thì Tổ công tác giải thích và có văn bản hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo đến cơ quan có trách nhiệm để giải quyết theo thẩm quyền. Cơ quan có trách nhiệm giải quyết phải thụ lý, ra quyết định giải quyết theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả lên Tổ công tác theo thời hạn do Tổ trưởng Tổ công tác ấn định.

c. Đối với những khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động tố tụng thì Tổ công tác lập danh sách từng vụ việc cụ thể; trên cơ sở đó Tổ trưởng Tổ công tác hướng dẫn, giải thích cho người khiếu nại, tố cáo đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết và có văn bản đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, có kết luận và thông báo lại kết quả giải quyết để Tổ trưởng Tổ công tác tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thông qua vấn đề này, đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có biện phải giải quyết có hiệu quả việc công dân khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tố tụng, khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo không đúng nơi quy định.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nghĩa vụ hỗ trợ Tổ công tác của Thủ tướng trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giải quyết nghiêm túc những nội dung, vụ việc do Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu; đồng thời tuỳ theo đặc điểm tình hình thực tế của ngành hoặc địa phương có thể áp dụng những quy định về thành phần và nguyên tắc làm việc tương tự như Tổ công tác của Thủ tướng để xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng tại ngành, địa phương mình.

4. Bộ Công an thành lập Tổ công tác đặc trách bảo đảm an ninh, trật tự thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, tại một số cơ quan Trung ương và nhà riêng các đồng chí Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước mà công dân thường hay tập trung đông người để khiếu nại, tố cáo. Tổ công tác đặc trách này do một đồng chí lãnh đạo Bộ phụ trách, có trách nhiệm hướng dẫn công dân khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; có biện pháp ngăn chặn không để công dân khiếu nại, tố cáo sai nơi quy định, đặc biệt là khiếu nại, tố cáo tại nhà riêng các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; phối hợp với Tổ công tác của Thủ tướng nắm danh sách, tiến độ giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể để có biện pháp xử lý thích hợp; áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính, hoặc lập hồ sơ để xử ký hình sự trong những trường hợp cần thiết theo yêu cầu của Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng. Bộ trưởng Bộ Công an quy định mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc để thực hiện tốt nhiệm vụ trên.

5. Đối với người khiếu nại, tố cáo, sau khi đã được các Tổ công tác hướng dẫn, yêu cầu phải chấp hành theo đúng sự hướng dẫn, trở về nơi cư trú chờ kết quả giải quyết, khi đã có văn bản kết luận của Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng thì yêu cầu phải chấp hành và chấm dứt khiếu nại, tố cáo.

6. Sau 7 ngày kể từ khi nhận được chỉ thị này, Tổng Thanh tra Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai tổ chức các Tổ công tác nêu ở điểm 2, điểm 4 của Chỉ thị này. Ngoài việc xin ý kiến quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với những vụ việc cụ thể, hàng tháng các Tổ công tác có báo cáo lên Tổng Thanh tra Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an và Thủ tướng Chính phủ về diễn biến tình hình, tiến độ và kết quả giải quyết, những khó khăn vướng mắc trong công việc do mình phụ trách.

7. Tổng Thanh tra Nhà nước sớm triển khai Hội nghị tập huấn công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo khu vực cho các đồng chí Chánh Thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và Chánh Thanh tra các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

8. Đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao chỉ đạo các Toà hành chính tổng kết việc giải quyết các vụ án hành chính kể từ khi thành lập để trước mắt tăng cường sự phối hợp với Tổng Thanh tra Nhà nước trong việc giải quyết các khiếu kiện hành chính. Đồng thời, trên cơ sở tổng kết, yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp nghiên cứu, đề xuất chủ trương, biện pháp mở rộng thẩm quyền xét xử và kiện toàn tổ chức, cán bộ của Toà hành chính đi đôi với bổ sung pháp luật, thể chế làm cơ sở cho việc xét xử nhằm từng bước chuyển các khiếu kiện của công dân đối với các cơ quan, công chức hành chính sang phương thức tranh tụng xét xử tại toà án.

9. Đề nghị cơ quan Trung ương của các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức thành viên tăng cường vận động, giáo dục quần chúng, hoà giải các tranh chấp và cùng tham gia với các cơ quan Nhà nước giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo của công dân./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.