Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất muối đến năm 2010 và năm 2020

___________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất muối đến năm 2010 và năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH

1. Phát triển sản xuất muối phải khai thác và phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nước biển, khí hậu, thời tiết của từng vùng, gắn chuyển dịch cơ cấu sản xuất muối với đổi mới công nghệ, đầu tư mới và cải tạo đồng muối để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trên đơn vị diện tích.

2. Tập trung phát triển sản xuất muối ở những nơi có điều kiện và lợi thế theo hướng tập trung, quy mô lớn, hình thành tổ hợp công nghiệp muối – hóa chất, gắn sản xuất với chế biến và hóa chất sau muối; đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi diện tích muối không có hiệu quả, phân tán, thủ công sang phát triển sản xuất khác để có hiệu quả cao hơn.

3. Phát triển sản xuất muối phải gắn với xây dựng nông thôn mới, phân công lại lao động, giải quyết việc làm trên địa bàn.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu chung:

Đảm bảo sản xuất muối có hiệu quả và bền vững; đáp ứng đủ nhu cầu muối tiêu dùng của nhân dân và nguyên liệu cho các ngành công nghiệp; giảm dần nhập khẩu muối công nghiệp và tăng dần xuất khẩu muối, các sản phẩm sau muối; giải quyết việc làm ổn định, từng bước nâng cao mức sống cho diêm dân và những người lao động trong ngành muối và góp phần tích cực vào việc phòng, chống các bệnh rối loạn do thiếu iốt.

2. Mục tiêu cụ thể:

 a) Đến năm 2010:

 - Diện tích sản xuất muối 14.500 ha, trong đó muối công nghiệp 6.000 ha;

 - Sản lượng muối 1.500.000 tấn, trong đó muối công nghiệp 800.000 tấn.

 b) Đến năm 2020:

 - Diện tích sản xuất muối 14.500 ha, trong đó muối công nghiệp 8.500 ha;

 - Sản lượng muối 2.000.000 tấn, trong đó muối công nghiệp 1.350.000 tấn.

III. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN VÀ DỰ TRỮ, LƯU THÔNG MUỐI

1. Sản xuất muối:

 a) Sản xuất muối theo công nghệ phơi cát và phơi nước phân tán:

 - Ở các tỉnh phía Bắc: giai đoạn 2006 – 2010, nâng cấp cải tạo 2.500 ha trong tổng số 2.673 ha đồng muối phơi cát hiện có. Cải tiến công nghệ sản xuất, trang bị công cụ cải tiến, máy móc thích hợp để nâng cao năng suất, giảm cường độ lao động, đưa năng suất muối bình quân đạt 100 tấn/ha và sản lượng muối đạt 250.000 tấn/năm và sản lượng muối đạt 250.000 tấn/năm vào năm 2010. Đến năm 2020, giữ diện tích sản xuất muối khoảng 1.500 ha, sản lượng muối đạt khoảng 200.000 tấn/năm.

 - Ở các tỉnh phía Nam: giai đoạn 2006 – 2010, nâng cấp cải tạo, sửa chữa 6.000 ha đồng muối phơi nước phân tán. Ứng dụng vật liệu mới trong xây dựng ô kết tinh để nâng cao chất lượng muối. Sử dụng máy móc, cải tiến công nghệ, đưa năng suất muối bình quân đạt 75 tấn/ha và sản lượng muối đạt 450.000 tấn/năm vào năm 2010. Đến năm 2020, giữ diện tích sản xuất muối khoảng 4.500 ha, năng suất muối đạt khoảng 400.000 – 450.000 tấn/năm.

 b) Sản xuất muối công nghiệp: tập trung sản xuất muối công nghiệp hóa chất và xuất khẩu theo hướng mở rộng diện tích, đầu tư trang thiết bị, tăng cường cơ giới hóa và tự động hóa. Cụ thể là:

 - Trong giai đoạn 2006 – 2010, đầu tư chiều sâu và mở rộng các đồng muối công nghiệp hiện có là: Hòn Khói, Cam Ranh (Khánh Hòa), Tri Hải, Cà Ná (Ninh Thuận), Đầm Vua, Vĩnh Hảo (Bình Thuận) với tổng diện tích 2.220 ha. Tập trung vào sản xuất trong năm 2007 – 2008 đồng muối Quán Thẻ (Ninh Thuận) và Thông Thuận (Bình Thuận) với diện tích 2.700 ha. Tiếp tục đầu tư xây dựng đồng muối công nghiệp mới Bắc Tri Hải (Ninh Thuận) với diện tích 300 ha.

 - Định hướng đến năm 2020: tiếp tục đầu tư xây dựng mới khoảng 2.500 ha để có diện tích muối công nghiệp 8.500 ha, sản lượng muối đạt 1.350.000 tấn.

2. Cơ sở chế biến muối:

Quy hoạch xây dựng các cơ sở chế biến muối vừa và nhỏ để vừa bảo đảm tiêu thụ hết muối hàng hóa, vừa cung ứng đủ muối iốt cho nhân dân với chất lượng cao, giá thành hạ; đồng thời tiếp tục đầu tư hiện đại hóa những cơ sở chế biến muối ăn hiện có để đạt công suất thiết kế và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Đầu tư thêm 2 dây chuyền chế biến muối tinh với thiết bị đồng bộ, công nghệ tiên tiến, công suất mỗi dây chuyền từ 30.000 – 50.000 tấn/năm tại vùng nguyên liệu ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

3. Dự trữ quốc gia về muối:

Nhà nước đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách để dự trữ quốc gia về muối trắng cho dân sinh và công nghiệp để phòng ngừa thiên tai, địch họa và các nhiệm vụ cần thiết khác. Xây dựng mới, nâng cấp một số kho hiện có và tăng cường trang thiết bị, hiện đại hóa kho để bảo đảm dự trữ khoảng 120.000 tấn muối vào năm 2010 và 370.000 tấn muối vào năm 2020.

4. Sản xuất các sản phẩm sau muối:

Căn cứ nhu cầu thị trường và chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất, tiến hành xây dựng một số nhà máy hóa chất sử dụng nguyên liệu muối công nghiệp và nước ót như nhà máy sản xuất xút 200.000 tấn/năm, nhà máy sản xuất sôđa 200.000 tấn/năm, nhà máy sản xuất ôxít magiê 15.000 tấn/năm.

IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đất đai:

 a) Trên cơ sở Quy hoạch được phê duyệt, chủ đầu tư lựa chọn và xây dựng các dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng đồng muối; xây dựng mới các đồng muối công nghiệp; đầu tư chiều sâu các cơ sở chế biến muối tinh và muối công nghiệp; xây dựng, nâng cấp kho dự trữ muối nhằm đáp ứng đủ nhu cầu muối trong nước theo quy định của pháp luật về đầu tư;

 b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có sản xuất muối rà soát điều chỉnh lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, lâu năm phù hợp với quy hoạch này, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao đất hoặc cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình cá nhân sản xuất muối theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Khoa học công nghệ:

 a) Ưu tiên đầu tư kinh phí cho các dự án nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm thuộc các lĩnh vực sản xuất, chế biến, bảo quản, lưu thông muối;

 b) Đẩy mạnh công tác khuyến diêm, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, cung cấp thông tin và tập huấn nâng cao trình độ cho diêm dân. Tổng kết các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất, chế biến muối có hiệu quả để phổ biến ra diện rộng. Thực hiện chính sách hỗ trợ 100% từ nguồn ngân sách cho khuyến diêm để xây dựng mô hình trình diễn trong sản xuất, chế biến, bảo quản muối.

3. Đầu tư, tín dụng:

 a) Ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất muối, bao gồm: đê bao, trạm bơm, hệ thống cống, kênh mương cấp nước biển, hệ thống cống, kênh mương thoát lũ, công trình giao thông, thủy lợi nội đồng, giải phóng mặt bằng. Hỗ trợ xây dựng trường học, trạm xá, khu tái định cư, đào tạo nghề, di dân kinh tế mới, điện, nước sạch nông thôn;

 b) Vốn tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối.

4. Tiêu thụ sản phẩm:

 a) Các doanh nghiệp mua muối để chế biến và phục vụ tiêu dùng phải tổ chức tốt việc ký kết hợp đồng tiêu thụ muối với người sản xuất, kinh doanh muối bảo đảm tiêu thụ hết muối cho diêm dân với giá cả hai bên cùng có lợi;

 b) Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên dành kinh phí thỏa đáng cho xúc tiến thương mại sản phẩm muối trong chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm hàng năm;

 c) Thực hiện tốt chính sách bảo đảm muối ăn cho đồng bào dân tộc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn.

5. Hỗ trợ chuyển đổi nghề:

Đối với vùng chuyển đổi diện tích sản xuất muối sang mục đích sản xuất khác được xem xét hỗ trợ:

 a) Kinh phí để đào tạo nghề cho lao động phải chuyển đổi;

 b) Đầu tư các dự án chuyển đổi về xây dựng hạ tầng giao thông nội đồng, thủy lợi và sản xuất thử để mở rộng sản xuất;

 c) Xây dựng khu tái định cư và di dân kinh tế mới trong trường hợp phải di dời từ vùng muối đến dịnh cư ở nơi sản xuất khác.

6. Tổ chức sản xuất:

 a) Tiếp tục rà soát để củng cố, nâng cao hiệu quả hợp tác xã hiện có và thành lập hợp tác xã mới để hỗ trợ diêm dâm trong dịch vụ vật tư, tiêu thụ sản phẩm và các nhu cầu cần thiết khác của diêm dân;

 b) Khuyến khích và tạo điều kiện thành lập các doanh nghiệp sản xuất, chế biến tiêu thụ muối;

 c) Hình thành Hiệp hội muối Việt Nam gồm các nhà sản xuất, chế biến, và tiêu thụ muối để bảo vệ quyền lợi của các thành viên.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có sản xuất muối tổ chức, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển sản xuất muối đến năm 2010 và năm 2020; xây dựng và triển khai các dự án đầu tư phát triển sản xuất muối theo quy hoạch.

2. Bộ Công nghiệp chịu trách nhiệm quy hoạch và chỉ đạo triển khai xây dựng các nhà máy hóa chất có sử dụng nguyên liệu là muối (thạch cao, nước ót) gắn với vùng sản xuất muối tập trung để nâng cao hiệu quả sản xuất muối và đáp ứng nhu cầu sản phẩm cho tiêu dùng.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có sản xuất muối tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất muối trên địa bàn; chỉ đạo xây dựng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất muối; thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án để thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất muối có hiệu quả; có chính sách khuyến khích hỗ trợ thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực phát triển ngành muối và hỗ trợ diêm dân chuyển đổi nghề ở những nơi sản xuất muối không hiệu quả;

Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 980/1997/QĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch sản xuất – lưu thông muối đến năm 2000 – 2010.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Sinh Hùng