QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 – 2015
___________________________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2015 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Đối tượng áp dụng
a) Cán bộ, công chức đang công tác trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, Nhà nước ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện).
b) Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
c) Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
2. Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng
a) Mục tiêu chung
Góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ có đủ năng lực xây dựng hệ thống chính trị, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tiên tiến, hiện đại.
b) Các mục tiêu cụ thể đến năm 2015
- Đối với cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện:
+ 100% được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định;
+ 95% cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định; 90% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng được đào tạo, bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm;
+ 70 đến 80% thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm.
- Đối với cán bộ, công chức cấp xã:
- 90% cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn quy định;
+ 100% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc;
+ 95% công chức cấp xã vùng đô thị, vùng đồng bằng; 90% công chức cấp xã vùng núi có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên;
+ 70 đến 80% công chức cấp xã thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm.
- Đưa khoảng 3.000 lượt cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng tại các nước phát triển và đang phát triển.
- 100% người hoạt động không chuyên trách được bồi dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
- 100% đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng hoạt động trong năm 2011 và nửa đầu năm 2012.
3. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng
a) Đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước
- Lý luận chính trị:
+ Trang bị trình độ lý luận chính trị theo tiêu chuẩn quy định cho các chức danh cán bộ, ngạch công chức và chức danh lãnh đạo quản lý;
+ Tổ chức phổ biến các văn kiện, nghị quyết của Đảng; bồi dưỡng cập nhật, nâng cao trình độ lý luận theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
- Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước:
+ Trang bị kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo chương trình quy định cho công chức các ngạch và theo chức vụ lãnh đạo, quản lý;
+ Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý chuyên ngành và vị trí việc làm theo chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm;
+ Bồi dưỡng văn hóa công sở.
- Kiến thức hội nhập.
- Tin học, ngoại ngữ chuyên ngành; tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức công tác tại các vùng có dân tộc thiểu số sinh sống.
- Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học cho cán bộ, công chức:
+ Đào tạo trình độ sau đại học cho cán bộ, công chức cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện trên cơ sở quy hoạch cán bộ;
+ Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học theo tiêu chuẩn cho cán bộ, công chức cấp xã.
- Bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo chương trình quy định.
b) Bồi dưỡng ở nước ngoài:
- Quản lý, điều hành các chương trình kinh tế - xã hội.
- Quản lý hành chính công.
- Quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực.
- Xây dựng tổ chức và phát triển nguồn nhân lực.
- Chính sách công, dịch vụ công.
- Kiến thức hội nhập quốc tế.
4. Các giải pháp thực hiện
a) Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về chức năng, vai trò của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
- Nhận thức đúng về chức năng, nhiệm vụ của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, phương pháp làm việc, kinh nghiệm điều hành và xử lý công việc hiệu quả; học để làm việc. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là giải pháp quan trọng hàng đầu để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
- Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức về trách nhiệm học và tự học.
b) Hoàn thiện hệ thống thể chế theo hướng:
- Gắn chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch với bồi dưỡng theo vị trí việc làm phù hợp với hoàn cảnh cụ thể và yêu cầu phát triển của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong 5 năm tới.
- Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho cơ quan, đơn vị. Bảo đảm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
- Khuyến khích cán bộ, công chức học tập; cụ thể hóa quyền và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc lựa chọn chương trình, địa điểm và thời gian tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với hoàn cảnh và vị trí công tác.
c) Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, tài liệu, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
- Biên soạn mới các chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch bảo đảm không trùng lặp, có kết cấu hợp lý giữa lý thuyết và thực tiễn; kiến thức tiêu chuẩn ngạch với kỹ năng theo vị trí việc làm.
- Tổ chức biên soạn các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh lãnh đạo, quản lý phù hợp với từng vị trí chức danh; bảo đảm sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn.
- Biên soạn các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với từng vị trí, chức danh.
- Biên soạn các chương trình theo vị trí việc làm.
Việc tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu phải được tiến hành thông qua hoạt động xác định nhu cầu; bảo đảm sự tham gia của cán bộ, công chức và đơn vị sử dụng cán bộ, công chức.
Thực hiện đánh giá chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ quan quản lý và đơn vị sử dụng công chức.
d) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và đội ngũ giảng viên cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
- Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo, bồi dưỡng có đủ năng lực tham mưu, quản lý và tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng khoa học, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
- Xây dựng đội ngũ giảng viên đào tạo, bồi dưỡng với cơ cấu hợp lý, có trình độ lý luận và kiến thức thực tiễn. Tăng cường xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng.
đ) Củng cố, kiện toàn hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng
- Nghiên cứu, tổ chức hợp lý hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quy mô đào tạo, bồi dưỡng.
- Tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức bao gồm: các Học viện ở Trung ương; Trường Chính trị cấp tỉnh; các Học viện, Trường, Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức các bộ, ngành; Trung tâm bồi dưỡng Chính trị cấp huyện.
- Nghiên cứu đánh giá năng lực và xác định lộ trình thu hút các Học viện, Viện, Trường đào tạo, cơ sở đào tạo, tư vấn trong và ngoài công lập tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
e) Đổi mới cơ chế quản lý tài chính, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
- Bố trí đủ kinh phí để thực hiện có hiệu quả các chế độ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định; tăng cường kinh phí cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở nước ngoài.
- Đầu tư trực tiếp từ ngân sách trung ương để củng cố cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị dạy và học cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của các bộ, ngành, trường chính trị cấp tỉnh đáp ứng tốt nhất cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; thí điểm xây dựng một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiên tiến, hiện đại.
- Thu hút và đa dạng hóa nguồn kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
- Nghiên cứu đổi mới cơ chế phân bổ và quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với tình hình thực tế.
g) Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng:
- Nghiên cứu áp dụng các chuẩn mực quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng.
- Tăng cường hợp tác với các nước trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
- Thu hút các nguồn tài trợ cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
- Đa dạng hóa các hình thức hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
5. Kinh phí thực hiện
Ngân sách nhà nước; các dự án vay nợ, viện trợ; nguồn đóng góp của các tổ chức cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng; của học viên và các nguồn kinh phí khác.
Điều 2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Căn cứ Quyết định này xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2015 theo thẩm quyền; gửi bản Kế hoạch về Bộ Nội vụ để theo dõi, tổng hợp.
- Phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình, nhiệm vụ liên quan đến việc tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.
- Cân đối, bố trí đủ kinh phí cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.
2. Bộ Nội vụ:
- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương thực hiện có hiệu quả Quyết định này; tổ chức sơ kết sau 3 năm và tổng kết 5 năm thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng rà soát, đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trên các lĩnh vực: thể chế; tổ chức quản lý; hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; hệ thống chương trình và các nội dung liên quan. Căn cứ kết quả tổng rà soát xây dựng, tổ chức thực hiện hoặc hướng dẫn các cơ quan chức năng thực hiện các đề án, chương trình nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, bao gồm:
+ Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên;
+ Nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, các công ty có năng lực tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;
+ Đánh giá hoạt động đào tạo, bồi dưỡng;
+ Đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng theo vị trí việc làm;
+ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã.
- Nghiên cứu hoàn thiện chính sách cán bộ khuyến khích làm việc hiệu quả nhằm tạo động lực để cán bộ, công chức không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác.
- Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương thống nhất cơ chế phối hợp giữa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ quan đảng, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.
3. Bộ Tài chính:
Căn cứ đề nghị của Bộ Nội vụ và khả năng ngân sách, cân đối, bố trí đủ kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng cho các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các đề án, hoạt động triển khai thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã được phê duyệt; kiểm tra, quản lý và nghiên cứu sửa đổi hướng dẫn sử dụng kinh phí có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật.
5. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức:
- Chủ động nghiên cứu, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
- Xây dựng đội ngũ giảng viên có năng lực, cơ cấu hợp lý; tăng cường sử dụng và xác định việc xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng;
- Xây dựng, hiện đại hóa cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Điều 3. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này