Sign In

V/v hướng dẫn giải quyết thủ tục cấp giấy phép xây 
dựng các trạm thu, phát sóng  thông tin di động

Kính gửi:

- Các sở: Xây dựng,Thông tin và Truyền thông,Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Văn hóa Thể thao và Du lịch;

- UBND các huyện và thành phố Huế.

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng và nhằm giải quyết nhanh gọn các thủ tục cấp phép xây dựng, lắp đặt các trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS) và theo đề nghị của Sở Xây dựng, UBND tỉnh hướng dẫn quy trình giải quyết thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình trạm thu phát sóng thông tin di động ở các đô thị như sau:

1. Đối tượng và phạm vi áp dụng: Áp dụng cho việc giải quyết các thủ tục xây dựng đối với các công trình trạm thu, phát sóng thông tin di động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Các quy định:

2.1. Các trạm BTS khi xây dựng, lắp đặt yêu cầu phải có giấy phép xây dựng:

a)  Khi xây dựng, lắp đặt các trạm BTS, chủ đầu tư phải xin giấy phép xây dựng theo hướng dẫn tại Công văn này và các quy định khác có liên quan.

b)  Các trạm BTS loại 2 lắp đặt ngoài phạm vi khu vực phải cấp giấy phép xây dựng thì được miễn giấy phép xây dựng (quy định tại Điểm 3 Công văn này).

2.2 Yêu cầu đi với thiết kế trạm BTS loại 2:

a)  Trước khi thiết kế, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm khảo sát, kiểm tra bộ phận chịu lực của công trình để xác định vị trí lắp đặt cột ăng ten và thiết bị phụ trợ.

b)  Việc thiết kế (kết cấu và thi công) cột ăng ten phải tuân thủ quy định và căn cứ điều kiện tự nhiên, khí hậu của khu vực lắp đặt để đảm bảo an toàn, ổn định của công trình và cột ăng ten sau khi lắp đặt.

3. Các khu vực xây dựng trạm BTS loại 2 phải xin cấp phép xây dựng:

TT

Huyện, thành phố

Khu vực phải cấp phép xây dựng trước khi
triển khai lắp đặt các trạm BTS loại 2

1

Thành phố Huế

- Các phường: Thuận Lộc, Thuận Thành, Thuận Hoà, Tây Lộc, Kim Long, Phú Thuận, Phú Hoà, Phú Bình, Phú Cát, Phú Hiệp, Phú Hậu, Xuân Phú, Vỹ Dạ, Vĩnh Ninh, Phước Vĩnh, Trường An, Phường Đúc, An Cựu, Phú Nhuận, Phú Hội, An Đông, An Tây, An Hòa, Hương Sơ.

- Các xã: Hương Long, Thủy Biều, Thuỷ Xuân.

2

Huyện Phong Điền

- Thị Trấn Phong Điền

3

Huyện Quảng Điền

- Thị Trấn Sịa

4

Huyện Hương Thuỷ

- Thị Trấn Phú Bài

- Khu vực cách l000m kể từ ranh giới sân bay

5

Huyện Hương Trà

-Thị Trấn Tứ Hạ

6

Huyện Phú Vang

- Thị Trấn Thuận An, Huyện lỵ Phú Đa

7

Huyện Phú Lộc

- Thị Trấn Lăng Cô, Thị Trấn Phú Lộc

- Khu Kinh tế Chân Mây Lăng Cô

8

Huyện Nam Đông

- Thị Trấn Khe Tre

9

Huyện A Lưới

- Thị Trấn A Lưới, Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt

10

Khu vực khác

- Khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích - vùng I, II

- Cách lOOm tính từ chỉ giới đường đỏ đối với các
tuyến đường: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49, Quốc lộ
49B, đường Hồ Chí Minh, đường 74.

 

 4. Quy trình cấp phép xây dựng trạm BTS

a)  Bước 1: Chấp thuận vị trí nghiên cứu đầu tư xây dựng trạm BTS

- Các tổ chức, cá nhân (gọi chung là nhà đầu tư) có nhu cầu đầu tư gửi văn  bản đăng ký địa điểm đầu tư xây dựng trạm BTS cho chính quyền địa phương (UBND các huyện hoặc thành phố Huế) theo mẫu tại phụ lục 1, kèm báo cáo và năng lực, kinh nghiệm, khả năng tài chính và chịu trách nhiệm đối với các thông tin báo cáo.

- Trên cơ sở đăng ký của nhà đầu tư, UBND thành phố và các huyện phối  hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng nghiên cứu và có văn bản trả lời đồng ý cho phép nghiên cứu đầu tư xây dựng trạm BTS hoặc không đồng ý.

-     Trường hợp đăng ký cấp phép xây dựng trạm BTS các công trình cấp đặc biệt, cấp I (có chiều cao > 200m, theo phân cấp công trình tại Nghị định 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng), Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh thống nhất hoặc không thống nhất chủ trương cho phép nghiên cứu.

b)  Bước 2: cấp giấy phép xây dựng

-  Trên cơ sở văn bản đồng ý của UBND tỉnh hoặc UBND các huyện và thành phố Huế, nhà đầu tư hoàn tất thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng:

+ Trình Sở Xây dựng hồ sơ cấp phép xây dựng đối với các công trình cấp đặc biệt, cấp I; công trình thuộc dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

+ Trình UBND thành phố hoặc các huyện hồ sơ cấp phép các công trình  còn lại.

-  Hồ sơ cấp phép bao gồm:

+ Đi với trạm BTS loại 1:

* Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo mẫu tại Phụ lục số 2 của  Công văn này;

*  Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp  luật hoặc hợp đồng thuê đất (hợp đồng tại Phòng Công chứng tỉnh) với chủ sử dụng đất kèm theo bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định
của pháp luật (có chứng thực);

* Hồ sơ thiết kế đã được thẩm định theo quy định, bao gồm: bản vẽ mặt  bằng, mặt cắt, mặt đứng điển hình; mặt bằng móng của công trình; sơ đồ đấu  nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước.

*  Quyết định phê duyệt thẩm định thiết kế cơ sở của Sở Thông tin và  Truyền thông (nếu có).

+ Đối với trạm BTS loại 2 nằm trong khu vực phải cấp giấy phép xây dựng:

*  Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo mẫu tại Phụ lục số 3 của Công văn này;

*  Bản sao hợp đồng thuê (hợp đồng tại Phòng Công chứng tỉnh) đặt trạm với chủ công trình kèm theo bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật (có chứng thực);

*  Bản vẽ sơ đồ vị trí công trình, bản vẽ các mặt đứng điển hình của trạm  và cột ăng ten lắp đặt vào công trình.

*  Báo cáo kết quả kiểm định công trình xin lắp đặt.

*  Quyết định phê duyệt thẩm định thiết kế cơ sở của Sở Thông tin Truyền thông (nếu có)

c) Bước 3: Triển khai thi công (xuất trình Giấy phép xây dựng cho chính  quyền địa phương trước khi khởi công xây dựng và treo biển báo tại địa điểm xây dựng theo quy định).

5. Điều kiên khi lắp đặt trạm BTS loại 2 nằm ngoài phạm vi khu vực  phải xin giấy phép xây dựng: Khi xây dựng, lắp đặt các trạm BTS loại 2 năm ngoài phạm vi khu vực phải cấp giấy phép xây dựng thì chủ đầu tư không phải xin giấy phép xây dựng, nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a)   Có hợp đồng thuê đặt trạm với chủ công trình;

b)  Có thiết kế đảm bảo yêu cầu theo quy định tại Khoản 2, Điểm 2.2 của Công văn này;

c)   Quyết định phê duyệt thẩm định thiết kế cơ sở của Sở Thông tin và Truyền thông;

d)  Đảm bảo tĩnh không cho hoạt động bay, quản lý, bảo vệ vùng trời theo quy định của pháp luật;

đ) Tuân thủ yêu cầu về tiếp đất, chống sét, phòng cháy chữa cháy theo quy định hiện hành;

e) Phải thông báo cho UBND cấp xã nơi lắp đặt trạm 07 ngày trước khi  khởi công xây dựng, lắp đặt. Nội dung thông báo theo Phụ lục số 4 của Công văn này.

6. Tổ chức thực hiện

a) Quá thời hạn 12 tháng, kể từ ngày có cấp phép xây dựng, nếu chủ đầu  tư chưa triển khai xây dựng thì phải xin gia hạn giấy phép tại cơ quan cấp phép xây dựng.

b) Việc quản lý chất lượng công trình xây dựng, khai thác, sử dụng công  trình được thực hiện theo quy định.

c) Sở Xây dựng: hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, lắp đặt các trạm BTS  theo các nội dung Công văn này.

d) Sở Thông tin và Truyền thông:

- Hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu rõ mục đích, yêu  cầu của việc xây dựng, lắp đặt các trạm BTS.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra việc thực hiện  các nội dung Công văn này.

đ) UBND thành phố và các huyện chỉ đạo các phòng ban liên quan hướng  dẫn, kiểm tra việc xây dựng, lắp đặt các trạm BTS trên địa bàn theo hướng dẫn tại Công văn này.

7. Sửa đổi bổ sung: Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc cần phản ảnh kịp thời về Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Thúy Hòa