Sign In

CHỈ THỊ

V/v tiêm vắc-xin phòng dịch cúm gia cầm

__________________

Thực hiện Chỉ thị số 25/2005/CT-TTg ngày 12/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiêm vắc-xin phòng dịch cúm gia cầm (PDCGC) và Quyết định số 1716QĐ/BNN-TY, ngày 15/7/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt kế hoạch tiêm vắc-xin PDCGC năm 2005;

Để triển khai có hiệu quả việc tiêm vắc-xin PDCGC, sớm tiêu diệt mầm bệnh, không để dịch tái phát, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban chỉ đạo tiêm vắc-xin PDCGC tỉnh phối hợp với các ngành liên quan có kế hoạch tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể nhân dân để mọi người dân nhận thức được tính cấp thiết và tác dụng của việc tiêm vắc-xin PDCGC, nhằm tạo sự đồng tình thống nhất, hưởng ứng thực hiện cũng như xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc tiêm vắc-xin PDCGC. Việc tiêm vắc-xin PDCGC phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp và trách nhiệm của toàn dân, huy động cả hệ thống chính trị, các nguồn lực, nhân lực trong ngành, của địa phương tham gia, thực sự trở thành chiến dịch của cả tỉnh.

2. Chủ chăn nuôi gia cầm thuộc các thành phần kinh tế trong vùng thuộc diện phải tiêm phòng bắt buộc theo qui định của Ban chỉ đạo tiêm vắc-xin PDCGC tỉnh, có trách nhiệm tạo điều kiện và kết hợp cùng các đội, tổ tiêm phòng để tiêm phòng cho đàn gia cầm của mình.

3. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí cho việc tiêm vắc-xin PDCGC ngoài phần hỗ trợ của trung ương theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT và BCĐ tiêm phòng vắc-xin PDCGC.

4. Đối với cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trang trại (theo tiêu chí phân loại của Tổng cục Thống kê) có trách nhiệm phải tiêm phòng cho đàn gia cầm và phải thanh toán toàn bộ chi phí tiêm phòng (vắc-xin, các chi phí khác cho tiêm phòng), nếu không tiêm phòng bắt buộc thì áp dụng biện pháp tiêu huỷ đàn gia cầm.

5. Ban chỉ đạo tiêm vắc-xin PDCGC tỉnh có nhiệm vụ tham mưu, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức công tác tiêm vắc-xin PDCGC trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ tiêm phòng, tuyên truyền, tổ chức giám sát, kiểm tra, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện theo đúng “Qui định tạm thời về sử dụng văc-xin cúm gia cầm” (được ban hành kèm theo Quyết định số 1715/QĐ/BNN-TY ngày 14/7/2005 của Bộ NN-PTNT). Kế hoạch tiêm vắc-xin PDCGC năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch số 2213/KH-UB ngày 28/7/2005 của UBND tỉnh về việc tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm.

6. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Huế thành lập Ban chỉ đạo tiêm vắc-xin PDCGC cấp huyện, thành phố và các xã, thị trấn để thống kê, lập kế hoạch, dự trù và cấp kinh phí tiêm vắc-xin PDCGC của đơn vị mình. Phối hợp với cơ quan thú y địa phương triển khai có hiệu quả, đúng đối tượng, tiến độ, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tiêm văc-xin PDCGC trên địa bàn quản lý. Thường xuyên báo cáo tiến độ và kết quả cho BCĐ tỉnh.

7. Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế có kế hoạch, biện pháp theo dõi, giám sát chặt chẽ dịch tễ trong quá trình tiêm phòng và sau khi tiêm phòng văc-xin PDCGC, đảm bảo an toàn cho đàn gia cầm và sức khoẻ cộng đồng.

8. Sở Văn hoá Thông tin chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với các đoàn thể, tổ chức quần chúng và Ban chỉ đạo tiêm vắc-xin PDCGC các cấp để có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến sâu rộng hiệu quả của công tác tiêm vắc-xin PDCGC.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các Sở, Ban ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế, Ban chỉ đạo tiêm vắc-xin PDCGC tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc. Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Thú y) thường xuyên theo dõi, tổng hợp báo cáo tiến độ và kết quả tiêm phòng về UBND tỉnh.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Ngọc Thiện