Sign In

 CHỈ THỊ

Về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011

_________________________

Do tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai, lụt, bão, ngày càng có xu hướng cực đoan, bất thường, khó dự báo. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện tốt một số việc sau đây:

1. Các Bộ, ngành và địa phương tổng kết rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt, bão năm 2010, xây dựng phương án, nhiệm vụ năm 2011 sát với tình hình thực tế của địa phương, có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp từ Trung ương đến cơ sở, nhất là trong điều kiện năm 2011 sẽ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Tiếp tục triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, dự án để chủ động phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình thiên tai và biện pháp phòng, tránh; bổ túc kiến thức, phổ biến kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão cho các cán bộ mới được bổ nhiệm phụ trách lĩnh vực.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các địa phương nơi có các hồ chứa thủy lợi, thủy điện tổ chức kiểm tra đánh giá mức độ an toàn của từng hồ trước mùa mưa bão, chỉ đạo sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa để đảm bảo an toàn; kiểm tra vận hành thử các cửa van và thiết bị phục vụ cho xả lũ, bố trí phương tiện, vật tư dự phòng, đặc biệt lưu ý bố trí đủ máy phát điện dự phòng, đảm bảo công trình xả lũ vận hành bình thường trong mọi điều kiện. Đối với những hồ không đảm bảo an toàn phải thực hiện cắt giảm dung tích hoặc không trữ nước vào hồ trong mùa mưa bão. Chỉ đạo các chủ hồ, đơn vị quản lý, vận hành hồ phối hợp với Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của địa phương trong việc xây dựng, phê duyệt phương án phòng, chống lụt, bão, đảm bảo an toàn hồ và hạ du; vận hành các hồ chứa theo quy trình đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin liên quan đến vận hành hồ chứa theo quy định. Kiểm tra, đôn đốc các địa phương hoàn thành việc tu bổ, củng cố đê điều trước mùa mưa bão. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thuộc Bộ, các địa phương: xây dựng, phê duyệt phương án bảo vệ đê điều trong các tình huống thiên tai, nhất là đối với các khu vực trọng điểm, xung yếu; làm tốt công tác đăng ký, đăng kiểm, quản lý tàu thuyền hoạt động thủy sản; rà soát quy định về đăng ký, đăng kiểm, quản lý tàu thuyền, kiến nghị điều chỉnh hoặc điều chỉnh theo thẩm quyền những quy định không phù hợp nhằm tăng cường quản lý, nắm chắc số lượng tàu thuyền, hạn chế thiệt hại do thiên tai; phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật neo đậu tàu thuyển trong các khu tránh trú bão.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa, bão trên địa bàn, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi định cư mới an toàn; trường hợp chưa tổ chức tái định cư lâu dài được, phải xây dựng phương án (bố trí cụ thể lực lượng, phương tiện, vị trí) sẵn sàng thực hiện sơ tán khi cần thiết. Kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí, thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ"; chủ động dự trữ lương thực, thuốc men (bao gồm cả thuốc và hóa chất xử lý nguồn nước), nhu yếu phẩm đến từng thôn, xã, đặc biệt những vùng thường xuyên bị chia cắt khi có mưa lũ; bố trí thiết bị, phương tiện, vật tư và kinh phí dự phòng đến cấp huyện.

- Các tỉnh, thành phố có đê hoàn thành việc tu bổ, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hệ thống đê, kè, cống trên địa bàn trước mùa mưa lũ. Đánh giá hiện trạng, xây dựng phương án bảo vệ các khu vực trọng điểm, xung yếu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng cứu hộ đê khi xảy ra sự cố.

- Các tỉnh, thành phố ven biển thực hiện tốt việc đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền đánh bắt hải sản, tàu thuyền vận tải, du lịch theo phân cấp; phối hợp với lực lượng biên phòng ven biển kiểm tra chặt chẽ phương tiện đảm bảo an toàn trên các tàu thuyền, nhất là thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh trước khi ra biển, không để tàu thuyền không đảm bảo an toàn ra khơi; chủ động nắm chắc số lượng tàu thuyền và ngư dân của địa phương còn hoạt động trên biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới để hướng dẫn di chuyển tránh, trú bão an toàn.

- Các tỉnh miền núi, trung du triển khai các biện pháp cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, trang bị phương tiện thông tin liên lạc, truyền tin tới các thôn, bản để phục vụ cảnh báo và triển khai tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra các tình huống khẩn cấp.

4. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương: Kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011 của các địa phương, đặc biệt là phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, dân cư, bố trí vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ". Tổ chức tập huấn kỹ thuật chuyên môn về phòng, chống lụt, bão cho lực lượng chuyên trách và cán bộ cấp huyện. Tiếp tục triển khai thực hiện Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần và Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần; chỉ đạo triển khai diễn tập phòng, chống thiên tai theo kế hoạch.

5. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn: Kiểm tra số lượng, chủng loại phương tiện, vật tư phục vụ tìm kiếm, cứu nạn hiện có ở các trung tâm vùng, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trình Thủ tướng Chính phủ xuất, cấp, trang bị kịp thời các phương tiện, trang thiết bị thiết yếu cho các Bộ, ngành, địa phương trước mùa mưa, bão để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, thảm họa. Tiếp tục triển khai các dự án bổ sung, nâng cấp phương tiện phục vụ tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch, bổ sung đủ số lượng cho dự trữ quốc gia, phù hợp với yêu cầu tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong điều kiện cụ thể tại mỗi vùng. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức luyện tập các phương án tìm kiếm cứu nạn; triển khai diễn tập phòng, chống sóng thần.

6. Bộ Quốc phòng: Chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ứng cứu các tình huống khẩn cấp về lụt, bão; cứu hộ đê, đập khi có sự cố; tham gia tìm kiếm cứu nạn; giúp đỡ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, lụt, bão, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Chỉ đạo lực lượng biên phòng phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển kiểm tra chặt chẽ việc trang bị phương tiện đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động trên biển theo quy định, nhất là thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh; phối hợp với Đài thông tin Duyên hải và chính quyền địa phương nắm chắc số lượng, vị trí tàu thuyền trên biển, hướng dẫn di chuyển khi có bão, áp thấp nhiệt đới và phục vụ tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra sự cố.

7. Bộ Công an chỉ đạo xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khi có thiên tai, lụt, bão xảy ra; phối hợp với lực lượng quân đội và chính quyền địa phương trong việc sơ tán dân khi thiên tai xảy ra, tham gia cứu hộ, cứu nạn và giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai; bố trí lực lượng, phối hợp với thanh tra giao thông tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông tại khu vực bị thiên tai, kiểm soát chặt chẽ phương tiện giao thông qua các đoạn đường ngập.

8. Bộ Giao thông vận tải: Chuẩn bị phương tiện, lực lượng đảm bảo giao thông trong mọi tình huống khi xảy ra thiên tai, lụt, bão; bố trí vật tư dự phòng ở những vùng trọng điểm trên các tuyến giao thông chính, quan trọng để kịp thời ứng cứu và thay thế khi cầu, đường, bến cảng, … bị hỏng do thiên tai, xây dựng phương án phân luồng giao thông cho từng địa bàn cụ thể. Chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ, các địa phương làm tốt công tác đăng ký, đăng kiểm, quản lý phương tiện vận tải thủy (bao gồm cả tàu du lịch); rà soát quy định về đăng ký, đăng kiểm, quản lý để kiến nghị điều chỉnh hoặc điều chỉnh theo thẩm quyền những quy định không phù hợp nhằm tăng cường quản lý, hạn chế thiệt hại do thiên tai, hướng dẫn kỹ thuật neo đậu tàu thuyền khi có bão, lũ; chỉ đạo nắm chắc số lượng, hướng dẫn hoạt động của phương tiện vận tải thủy khi có bão, áp thấp nhiệt đới.

9. Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tiếp tục hoàn thành việc xây dựng các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, rà soát quy định mực nước ứng với các cấp báo động. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quyết định 17/2011/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ. Chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tổ chức tốt công tác dự báo, phát các bản tin dự báo, cảnh báo về áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cải tiến nội dung, hình thức cung cấp thông tin dự báo phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận; theo dõi, quan trắc, dự báo sớm lưu lượng lũ về các hồ chứa phục vụ chỉ đạo vận hành phòng, chống lũ có hiệu quả.

10. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu trong việc thu thập, xử lý thông tin để kịp thời báo tin động đất, cảnh báo sóng thần cho các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết để triển khai các biện pháp phòng tránh.

11. Bộ Thông tin và Truyền thông: Bảo đảm mạng thông tin phục vụ phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn thông suốt trong mọi tình huống; chỉ đạo các đài phát thanh, truyền hình, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin kịp thời những bản tin cảnh báo, dự báo, thông báo về thiên tai, chỉ đạo ứng phó của cơ quan chức năng; thực hiện chương trình tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, tránh thiên tai.

12. Bộ Công Thương: Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương, các chủ hồ thủy điện xây dựng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, tổ chức vận hành hồ theo quy trình được duyệt, góp phần cắt giảm lũ cho hạ lưu, đảm bảo an toàn cho công trình; thực hiện lưu trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết, đặc biệt lương thực và nước uống, sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai, lụt, bão khi có yêu cầu.

13. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng phối hợp chặt chẽ với cơ quan dự báo, cảnh báo, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan liên quan thực hiện đưa tin chính xác, kịp thời về tình hình diễn biến của thiên tai, lụt, bão và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đến các Bộ, ngành và địa phương; thực hiện các chương trình phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các loại hình thiên tai và biện pháp phòng, tránh.

14. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cấp bách phục vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, trong đó một số dự án cần thực hiện sớm như đầu tư đảm bảo an toàn đê điều, hệ thống giám sát hồ chứa nước, sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn, di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, xây dựng đường cứu hộ cứu nạn vùng ngập lũ, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, bố trí ngân sách dự phòng để hỗ trợ các Bộ, ngành và địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất sau thiên tai.

15. Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do thiên tai, lụt, bão trong phạm vi Bộ, ngành mình; đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để tham gia việc phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Hoàng Trung Hải