Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định chính sách hưởng lợi khi khai thác, tận thu,

tận dụng gỗ rừng trồng thuộc nguồn vốn ngân sách đầu tư

trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

_________________

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

 

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg, ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, được nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN ngày 07/7/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Quy chế khai thác gỗ và lâm sản khác;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Tài chính tại Tờ trình số 429/TT-LN/NN&PTNT-TC ngày 01/6/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này ''Quy định chính sách hưởng lợi khi khai thác, tận thu, tận dụng gỗ rừng trồng thuộc nguồn vốn ngân sách đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế''.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Huế, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

QUY ĐỊNH

Chính sách hưởng lợi khi khai thác, tận thu, tận dụng gỗ rừng trồng

thuộc nguồn vốn Ngân sách đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1430/2006/QĐ-UBND ngày 05/6/2006

của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

__________________

Hiện nay nhiều diện tích rừng trồng được đầu tư bằng nguồn vốn Ngân sách đã đến tuổi tỉa thưa, khai thác. Nhằm cụ thể hoá Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; đồng thời khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tích cực tham gia công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng, góp phần nâng cao đời sống cho người trồng rừng, UBND tỉnh ban hành Quy định chính sách hưởng lợi khi khai thác, tận thu, tận dụng gỗ rừng trồng thuộc nguồn vốn Ngân sách trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

Tất cả những diện tích rừng trồng từ các nguồn vốn sau đây khi tiến hành khai thác, tận thu, tận dụng (gọi chung là khai thác) thì được áp dụng theo quy định này:

1. Rừng trồng thuộc Chương trình 327, Chương trình 5 triệu ha rừng;

2. Rừng trồng thuộc các dự án đầu tư từ ngân sách địa phương;

3. Rừng trồng từ nguồn viện trợ của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ nhưng chưa có quy định cụ thể về đối tượng và chính sách hưởng lợi;

Dưới đây gọi chung là rừng trồng từ nguồn vốn ngân sách.

Điều 2. Đối tượng hưởng lợi:

Khi Nhà nước tổ chức khai thác rừng trồng từ nguồn vốn ngân sách thì các đối tượng sau đây được hưởng lợi một phần từ nguồn bán lâm sản thu được:

1. Các Ban quản lý rừng phòng hộ, các Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lâm nghiệp (gọi chung là các đơn vị chủ rừng);

2. Các hộ gia đình được giao khoán quản lý bảo vệ rừng từ khi kết thúc giai đoạn đầu tư cho đến thời điểm khai thác (có hợp đồng nhận khoán theo Nghị định 01 với các chủ dự án);

3. UBND các xã có diện tích rừng trồng từ nguồn ngân sách nằm trên địa bàn.

Điều 3. Xác định nguồn thu để phân chia cho các đối tượng hưởng lợi:

Nguồn thu từ việc khai thác rừng được xác định như sau:

1. Đối với trường hợp khai thác theo hình thức giao khoán khai thác: đó là toàn bộ số tiền bên nhận khoán khai thác phải nộp theo phương án khai thác đã được phê duyệt và quyết định chỉ định khai thác của cơ quan có thẩm quyền trừ đi chi phí cho công khảo sát, thiết kế, lập phương án khai thác, thẩm định phương án khai thác và các khoản thuế, phí, lệ phí phải nộp theo quy định.

2. Đối với trường hợp đấu thầu khai thác: đó là toàn bộ số tiền mà bên trúng thầu phải nộp theo quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu của cơ quan có thẩm quyền trừ đi chi phí cho công khảo sát, thiết kế, lập phương án khai thác, thẩm định phương án khai thác và các khoản thuế, phí, lệ phí phải nộp theo quy định.

Điều 4. Nguyên tắc phân chia:

Toàn bộ số tiền thu được từ khai thác rừng sau khi trừ đi các khoản chi phí theo quy định tại điều 3 nói trên xem như 100% và được phân chia theo nguyên tắc sau:

1. Nộp ngân sách 65% để đầu tư cho công tác trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng.

Trường hợp diện tích rừng khai thác nằm trong nguồn vốn giao cho các Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lâm nghiệp khi sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp được xử lý như sau: ngân sách tỉnh sẽ xem xét hoàn lại cho các Công ty này số vốn đã ghi tại thời điểm sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp tính trên diện tích rừng đưa vào khai thác nhưng tối đa không được vượt quá phần nộp ngân sách là 65% này; các Công ty tự sắp xếp, bố trí nguồn vốn để trồng lại rừng trên diện tích rừng đã khai thác.

2. Phân chia cho các đối tượng được hưởng lợi 35% theo quy định tại điều 5 dưới đây.

Điều 5. Phân chia 35% cho các đối tượng được hưởng lợi theo các tỷ lệ sau:

1. Hỗ trợ cho ngân sách UBND xã sở tại 3% để bổ sung kinh phí quản lý bảo vệ rừng và phòng chữa cháy rừng của địa phương.

2. Phần 32% còn lại được phân chia như sau:

a) Trường hợp các đơn vị chủ rừng có giao khoán quản lý bảo vệ rừng và đã chi trả tiền quản lý bảo vệ hàng năm cho hộ gia đình (từ thời điểm kết thúc đầu tư xây dựng cơ bản cho đến khi khai thác) thì 32% này được phân chia như sau:

- Hộ gia đình nhận khoán được hưởng 12%,

- Chủ rừng được hưởng 20%.

b) Trường hợp hộ gia đình nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng (từ thời điểm kết thúc đầu tư xây dựng cơ bản cho đến khi khai thác) nhưng không nhận tiền quản lý bảo vệ hàng năm:

- Hộ gia đình được hưởng 15% giá trị,

- Đơn vị chủ rừng hưởng 17% giá trị.

c) Trường hợp diện tích rừng khai thác không giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho hộ gia đình hoặc chỉ giao và thanh toán chi phí theo công đoạn trong quá trình xây dựng cơ bản (trồng, chăm sóc), riêng công tác quản lý bảo vệ rừng chủ rừng chịu trách nhiệm thì Chủ rừng được hưởng toàn bộ 32%.

Điều 6. Quản lý và sử dụng phần được để lại cho các Chủ rừng:

1. Chi mua sắm, sửa chữa trang thiết bị phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng tối thiểu là 30% số tiền được để lại.

2. Chi khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng.

3. Bổ sung nguồn chi tăng lương mới của đơn vị và chi thường xuyên cho công tác quản lý bảo vệ rừng.

Điều 7. Trình tự, thủ tục khai thác rừng trồng từ nguồn vốn ngân sách:

Trình tự, thủ tục khai thác thực hiện theo Quyết định 40/2005/QĐ-BNN ngày 07/7/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các quy định hiện hành của Nhà nước.

Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan trong việc thẩm tra, phê duyệt phương án khai thác rừng.

Điều 8. Tổ chức thực hiện:

Trong phạm vi trách nhiệm quyền hạn của mình, giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, Chi cục Kiểm lâm tổ chức hướng dẫn các Chủ rừng triển khai thực hiện Quyết định kèm theo Qui định này.

Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh giải quyết./.

 

                               

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Ngọc Thiện