QUYẾT ĐỊNH
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của thể lệ quản lý cảng, bến thủy nội địa, Ban hành theo
Quyết định 2046 QĐ/PC ngày 6 tháng 8 năm 1996 của bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải
________________________________________
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22 tháng 3 năm 1994 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông Vận tải;
Căn cứ Nghị định số 40/CP ngày 05 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ về Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và Nghị định 77/1998/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 1998 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/CP;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thể lệ quản lý cảng, bến thủy nội địa ban hành theo Quyết định 2046 QĐ/PC ngày 6 tháng 8 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải như sau:
1 - Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“ Điều 2.
Thể lệ này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, xây dựng và khai thác cảng, bến thủy nội địa (kể cả cảng, bến chuyên dùng); các phương tiện thủy trong nước và nước ngoài hoạt động tại vùng nước cảng, bến thủy nội địa.
Thể lệ này không áp dụng đối với cảng biển, cảng thủy nội địa chuyên dùng của lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; bến phà và bến khách ngang sông.”
2 - Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“ Điều 4.
1- Cảng, bến thủy nội địa chỉ được phép hoạt động khi được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động. Giấy phép hoạt động có các hình thức sau:
- Quyết định công bố cảng thủy nội địa;
- Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa
Mẫu Quyết định công bố cảng thủy nội địa và mẫu Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa áp dụng thống nhất trong cả nước theo Phụ lục 2 và 3 (bổ sung) của Thể lệ, kèm theo quyết định này.
2 - Điều kiện để cảng, bến thủy nội địa được Công bố hoặc cấp Giấy phép hoạt động:
a - Cảng, bến không nằm trong khu vực cấm xây dựng theo quy định hiện hành; vị trí đặt cảng, bến có địa hình ổn định (trừ bến nổi), thuận lợi về thủy văn, có đủ độ sâu, rộng để phương tiện thủy ra vào an toàn, không ảnh hưởng tới trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa;
b - Công trình cầu cảng, bến phải đảm bảo an toàn cho việc xếp dỡ hàng hoá hoặc đón trả hành khách; có đủ thiết bị để phương tiện neo buộc; có đèn đủ độ sáng (nếu hoạt động ban đêm). Nếu xếp dỡ hàng nguy hiểm còn phải có đủ điều kiện an toàn theo quy định đối với loại hàng này;
c - Có báo hiệu xác định vùng nước của cảng, bến theo quy định.
3 - Trong quá trình hoạt động, cảng, bến thủy nội địa phải bảo đảm các điều kiện an toàn nêu tại Khoản 2 Điều này; phải có đủ các giấy tờ hợp lệ quy định tại Điều 12 và 13 (Sửa đổi) Thể lệ này và tại các văn bản pháp luật khác (nếu có); chấp hành đầy đủ các quy định về quản lý nhà nước đối với cảng bến thủy nội địa; phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước tại cảng, bến.”
3 - Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“ Điều 7.
Cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định công bố và cấp Giấy phép hoạt động đối với cảng, bến thủy nội địa được quy định như sau:
1- Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ra Quyết định công bố cảng thủy nội địa có khả năng tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài;
2- Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam ra Quyết định công bố cảng thủy nội địa và cấp Giấy phép hoạt động đối với bến hoặc cụm bến thủy nội địa xếp dỡ hàng hoá trên các tuyến đường thủy nội địa do Cục trực tiếp quản lý;
3- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Công chính:
- Ra Quyết định công bố cảng thủy nội địa và cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa hoặc cụm bến thủy nội địa xếp dỡ hàng hoá trên các tuyến đường thủy nội địa thuộc địa phương quản lý (kể cả các tuyến Trung ương uỷ thác cho địa phương);
- Ra Quyết định công bố cảng thủy nội địa và cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa hoặc cụm bến thủy nội địa đón trả hành khách trên tất cả các tuyến đường thủy nội địa thuộc địa bàn tỉnh, Thành phố. “
4 - Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“ Điều 9.
Trong Thể lệ này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1 - “Cảng thủy nội địa” là công trình giao thông đường thủy nội địa, được đầu tư xây dựng để các phương tiện thủy ra vào xếp dỡ hàng hoá hoặc đón trả hành khách.
2 - “Bến thủy nội địa” là công trình giao thông đường thủy nội địa lợi dụng điều kiện tự nhiên hoặc gia cố tạm thời để các phương tiện thủy ra vào xếp dỡ hàng hoá hoặc đón trả hành khách.
3 - “Bến nổi” là loại bến thủy nội địa được đặt tại một vị trí ổn định trên vùng nước không liền với bờ.
5 - Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“ Điều 11:
Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động kinh doanh khai thác cảng, bến thủy nội địa phải được thành lập và đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật”
6 - Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“ Điều 12.
Thủ tục Đầu tư xây dựng và Công bố cảng thủy nội địa:
1 - Đối với cảng xây dựng mới:
Tổ chức, cá nhân muốn đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa (sau đây gọi là chủ đầu tư) ngoài việc làm thủ tục xin phép theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng hiện hành, còn phải được phép của cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải theo thủ tục dưới đây.
a - Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư:
Chủ đầu tư gửi lên cơ quan có thẩm quyền công bố cảng nêu tại Điều 7 (Sửa đổi) của Thể lệ này tờ trình về việc đầu tư xây dựng cảng, nội dung gồm:
- Quy mô và địa điểm dự kiến xây dựng cảng, phạm vị vùng nước của cảng;
- Phương án khai thác;
Nếu được chấp thuận, chủ đầu tư tiến hành các thủ tục quy định về đầu tư xây dựng. Sau khi hoàn thành thủ tục về đầu tư xây dựng, chủ đầu tư phải trình bổ sung Bình đồ vùng nước của cảng để cơ quan thẩm quyền công bố cảng phê duyệt trước khi xây dựng.
b- Sau khi xây dựng xong:
Chủ đầu tư nộp cơ quan có thẩm quyền:
- Đơn xin công bố cảng thủy nội địa;
- Một bộ hồ sơ nghiệm thu bàn giao công trình (xuất trình bản chính, nộp bản phô tô);
- Xác nhận của cơ quan quản lý đường thủy về việc đặt báo hiệu xác định vùng nước (bản chính).
Trong thời hạn 20 ngày kể từ khi nhận đủ giấy tờ trên đây, Cơ quan có thẩm quyền xem xét, nếu thoả mãn các điều kiện nêu tại Khoản 2 Điều 4 (Sửa đổi) Thể lệ này, thì ra Quyết định công bố cảng thủy nội địa.
2 - Đối với cảng đã xây dựng trước khi ban hành Quyết định này:
Chủ đầu tư (hoặc Doanh nghiệp khai thác cảng) nộp cơ quan có thẩm quyền:
- Đơn xin công bố cảng thủy nội địa;
- Các giấy tờ khác liên quan tới việc xây dựng và hoàn công công trình (xuất trình bản chính, nộp bản phô tô). Trường hợp cảng xây dựng từ lâu không còn đủ giấy tờ, thì giám đốc cảng có thuyết minh tường trình;
- Bình đồ vùng nước của cảng (bản chính hoặc bản sao có công chứng);
- Giấy tờ hợp pháp về sử dụng đất (xuất trình bản chính, nộp bản phô tô);
- Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh (nếu Chủ đầu tư đồng thời là Doanh nghiệp khai thác cảng) (xuất trình bản chính, nộp bản phô tô);
- Xác nhận của cơ quan quản lý đường thủy về việc đặt báo hiệu xác định vùng nước theo quy định (bản chính).
Trường hợp Chủ đầu tư cho thuê cảng để khai thác thì phải có hợp đồng cho thuê cảng kèm theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Doanh nghiệp khai thác cảng.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ khi nhận đủ giấy tờ trên đây, Cơ quan có thẩm quyền xem xét, nếu thoả mãn các điều kiện nêu tại Khoản 2 Điều 4 (Sửa đổi) Thể lệ này, thì ra Quyết định công bố cảng thủy nội địa.
3 - Cơ quan có thẩm quyền công bố căn cứ các yếu tố về quy mô công trình; thời hạn sử dụng đất; quy hoạch giao thông vận tải... để quy định thời hạn hoạt động của cảng.“
7 - Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“ Điều 13.
1 - Thủ tục cấp Giấy phép hoạt động đối với bến thủy nội địa:
a - Khi có nhu cầu mở bến, Chủ bến nộp cơ quan có thẩm quyền hồ sơ gồm:
- Đơn xin cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa;
- Sơ đồ vùng nước xin sử dụng;
- Phương án khai thác bến.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Cơ quan có thẩm quyền cấp phép xem xét, nếu vị trí và quy mô vùng nước phù hợp với nội dung điểm a Khoản 2 Điều 4 (Sửa đổi) Thể lệ này thì ghi vào đơn và ký xác nhận vào sơ đồ vùng nước của bến để chủ bến tiến hành làm thủ tục về đăng ký kinh doanh, thuê đất... và xây dựng hoặc lắp đặt các trang thiết bị an toàn theo quy định.
b - Sau khi hoàn thành:
Chủ bến nộp lại đơn cho cơ quan cấp phép kèm theo:
- Báo cáo hoàn thành việc xây dựng hoặc lắp đặt trang thiết bị của bến;
- Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về vùng đất của bến (trừ bến nổi) (xuất trình bản chính, nộp bản phô tô);
- Giấy phép kinh doanh (nếu là đơn vị kinh doanh) (xuất trình bản chính, nộp bản phô tô);
Nếu bến sử dụng phao nổi, thì phao nổi phải có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện và Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo quy định; nếu là bến xếp dỡ hàng nguy hiểm còn phải có giấy phép của cơ quan thẩm quyền nếu pháp luật quy định phải có đối với loại hàng này.
Trong thời hạn 7 ngày, kể từ khi nhận báo cáo, cơ quan có thẩm quyền cấp phép kiểm tra, nếu công trình thoả mãn điều kiện nêu tại điểm b và c Khoản 2 Điều 4 (Sửa đổi) Thể lệ này thì cấp Giấy phép hoạt động cho chủ bến.
c - Trường hợp nhiều bến có vùng nước liền kề nhau (gọi là cụm bến thủy nội địa) thì UBND phường xã có thể đứng ra làm thủ tục xin cấp chung một Giấy phép hoạt động cho cụm bến hoặc các chủ bến có thể thoả thuận cử đại diện đứng ra làm thủ tục xin cấp chung một Giấy phép hoạt động cho cụm bến. Trường hợp này, chỉ cần một đơn xin cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, một sơ đồ vùng nước và một hệ thống báo hiệu xác định vùng nước chung cho cả cụm, nhưng mỗi chủ bến đều phải có Giấy phép kinh doanh, giấy xác nhận về vùng đất của bến và người đại diện phải có văn bản thoả thuận của các chủ bến. Quá trình hoạt động mỗi bến đều phải tuân thủ các điều kiện nêu tại Khoản 3 Điều 4 (Sửa đổi) Thể lệ này. Người đại diện của các chủ bến chịu trách nhiệm về trật tự an toàn chung cả cụm.
2 - Đối với các bến thủy nội địa hiện đang hoạt động nhưng chýa được cấp Giấy phép, nếu phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải, đảm bảo các điều kiện về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa thì được tiếp tục hoạt động nhưng phải làm thủ tục để được cấp Giấy phép hoạt động nêu tại Khoản 1 Điều này.
3 - Thời hạn của Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa tối đa là 12 tháng. Hết thời hạn Giấy phép, nếu tiếp tục hoạt động, chủ bến phải làm thủ tục xin cấp Giấy phép mới.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 30 ngày, kể từ ngày ký.
Huỷ bỏ những quy định về cấp Giấy phép sử dụng vùng nước đường thủy nội địa đối với bến thủy nội địa tạm thời nêu tại Quyết định 2047 QĐ/PC ngày 6 tháng 8 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Những bến đã được cấp Giấy phép sử dụng vùng nước theo Quyết định 2047 QĐ/PC được tiếp tục hoạt động tới hết thời hạn Giấy phép.
Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, khi làm thủ tục cấp Giấy phép được thu lệ phí cấp phép. Mức lệ phí cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa áp dụng theo mức thu đối với Giấy phép sử dụng vùng nước của bến thủy nội địa tạm thời. Việc giao nộp và sử dụng loại phí này thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều 3. Cục Đường sông Việt Nam hướng dẫn việc triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 4. Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các Vụ, Ban tham mýu của Bộ; Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam; Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Bộ; Giám đốc các Sở Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Công chính; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.