Sign In

ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

____________

Số: 14/2004/CT-UB

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

______________

Huế, ngày  21  tháng  4  năm 2004

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

 V/v tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong

lĩnh vực vận tải khách bằng ô tô

______________

Thực hiện Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 92/2001/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, các doanh nghiệp vận tải trong tỉnh đã đầu tư vốn mua sắm nhiều phương tiện mới, chất lượng tốt, thay thế cho các phương tiện cũ hết niên hạn sử dụng và từng bước nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân.

Tuy nhiên, tình hình vi phạm quy định về quản lý vận tải, trật tự an toàn giao thông đường bộ chưa được hạn chế, nhiều phương tiện vận tải đón trả khách không đúng nơi qui định, thậm chí xe chạy vòng vo để đón khách, quay vòng gom khách để sang nhượng cho các xe khác, gây bất bình cho hành khách đi xe, gây mất trật tự và an toàn giao thông đô thị; một số cơ quan, đơn vị, nhà dân tự ý sử dụng sân bãi của mình lập bến "cóc" đậu đỗ xe để đón, trả khách, bốc xếp hàng hóa, làm mất trật tự, kỷ cương trong hoạt động kinh doanh vận tải, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Để thực hiện nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ, các văn bản quy định về quản lý vận tải và đặc biệt triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 01/2004/CT-TTg ngày 02/01/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô, nhằm nhanh chóng lập lại trật tự và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải khách bằng ô tô, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội, UBND Tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cấp các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

            1. Chủ tịch UBND các huyện  và thành phố Huế:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về trật tự an toàn giao thông và giáo dục các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 92/2001/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 01/2004/CT-TTg ngày 02/01/2004 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải về quản lý vận tải.

- Bố trí vị trí xây dựng bến xe của địa phương với quỹ đất                                                                                                                     đáng và đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:

 + Bến xe phải đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện trước mắt và lâu dài của nhân dân địa phương, gần đường giao thông công cộng, thuận tiện cho khách đi xe, gần khu dân cư, hoặc gần các trung tâm kinh tế thương mại; gắn với quy hoạch chung của huyện, thành phố.

+ Phải có Ban quản lý bến xe tùy theo quy mô của bến để thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về vận tải tại bến xe. Giai đoạn đầu nếu lưu lượng hành khách còn ít có thể thực hiện gọn, nhẹ công tác quản lý, song phải bảo đảm các mặt quản lý cơ bản của bến xe.

- Chỉ đạo Công an huyện và thành phố, các phòng chức năng liên quan thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm trật tự an toàn giao thông, các trường hợp tự ý sử dụng sân bãi của mình làm bến đậu đỗ để đón, trả khách của các tổ chức, cá nhân khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai và giải quyết các vấn đề cụ thể tại địa bàn quản lý, tạo chuyển biến tích cực trong việc chấn chỉnh và lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực vận tải khách bằng ô tô.

- Yêu cầu các chủ nhà hàng ký cam kết thực hiện bảo đảm trật tự, vệ sinh, an toàn thực phẩm và không bắt chẹt khách khi xe ghé vào quán cho hành khách ăn uống.

2. Sở Giao thông vận tải:

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc tổ chức, thực hiện các biện pháp bảo đảm vận tải an toàn, văn minh, lịch sự trên địa bàn.

- Phối hợp với Công an tỉnh xây dựng phương án chấn chỉnh và lập lại trật tự kỷ cương trong vận tải khách, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn vận tải.

- Phối hợp với Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ Thừa Thiên Huế khẩn trương hoàn thành việc cắm biển dừng, đỗ xe để đón trả khách, các vị trí “cấm đỗ” trên QL 1 và các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh.

- Phối hợp, giúp đỡ các huyện trong việc quy hoạch bến xe và công tác quản lý bến xe.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông làm tốt nhiệm vụ thanh tra, tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm của doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp khai thác bến xe, lái phụ xe. Kiểm tra, xử lý, đình chỉ hoạt động các bến, điểm đậu, đỗ, đón, trả khách tự lập trái phép của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

- Tổ chức mở các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ vận tải, quản lý vận tải khách cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu.

- Xử lý nghiêm những cán bộ thuộc quyền không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc có những hành vi tiêu cực.

3. Công an tỉnh:

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải có phương án triển khai để chấn chỉnh và lập lại trật tự kỷ cương trong vận tải khách, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn vận tải.

- Chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Công an các huyện và thành phố Huế thường xuyên kiểm tra chặt chẽ hoạt động vận tải khách bằng ô tô. Tập trung xử lý dứt điểm các hiện tượng "xe dù", "bến cóc", nhất là đối với các xe chạy lòng vòng đón khách, các xe gom khách để sang nhượng. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi vi phạm các quy định về hoạt động vận tải (nêu tại Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 của Chính phủ).

- Tổ chức hướng dẫn cho các xe chạy tuyến liên tỉnh đi theo biển chỉ dẫn ở hai đầu đường phía Tây TP Huế. Xử lý theo quy định đối với các phương tiện cố tình vi phạm.

- Tăng cường giáo dục ý thức trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý thích đáng đối với những cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có những hành vi tiêu cực.

4. Sở Văn hóa - Thông tin:

Chỉ đạo, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông nói chung và hoạt động vận tải khách nói riêng; biểu dương kịp thời các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt; phê phán cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp hành chưa tốt, cố tình vi phạm pháp luật.

5. Các bến xe:

- Phải thực hiện nghiêm túc các chức năng, nhiệm vụ và nội dung công tác quản lý bến xe đã được quy định tại Quyết định số 4128/2001/QĐ-BGTVT. Bảo đảm phục vụ tốt hành khách và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vận tải thực hiện tốt trật tự vận tải.

- Ký kết hợp đồng với đơn vị vận tải để xe được vào bến đón, trả khách trên các tuyến vận tải khách cố định theo chỉ đạo của cơ quan quản lý tuyến. Thực hiện tốt các biện pháp chế tài đối với các chủ xe vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm các quy định về quản lý vận tải. Ban quản lý các bến xe có quyền từ chối phục vụ khi chủ xe vi phạm có hệ thống, bị lập biên bản xử lý nhiều lần, hoặc có kiến nghị bằng văn bản của cơ quan quản lý tuyến.

- Bảo đảm trật tự, an toàn, vệ sinh trong bến xe.

5. Các doanh nghiệp vận tải:

- Tổ chức kinh doanh vận tải khách theo đúng quy định của pháp luật:

- Bảo đảm các xe chở khách đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có giấy chứng nhận và tem kiểm định an toàn kỹ thuật - bảo vệ môi trường, có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực và tuân thủ cá yêu cầu về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa xe máy, ô tô  theo quy định.

- Có trách nhiệm phổ biến, giáo dục thường xuyên cho đội ngũ lái xe, phụ xe, nhân viên phục vụ hiểu và chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ, các văn bản chỉ đạo về quản lý vận tải khi tham gia giao thông. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của lái xe, phụ xe thuộc quyền quản lý của đơn vị mình.

- Các phương tiện chở khách theo tuyến cố định phải có "Sổ nhật trình chạy xe" và được xác nhận của Ban quản lý bến xe hai đầu đi, đến. Các phương tiện chở khách theo phương thức hợp đồng phải gắn biển “Xe hợp đồng” và có bản hợp đồng ghi rõ nơi đón, trả khách mới được đậu đỗ để đón, trả khách nhưng không được vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông đô thị và trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu UBND các huyện, thành phố Huế và các ngành, khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện, nhằm lập lại trật tự trong vận tải khách và đảm bảo an toàn giao thông vận tải trên địa bàn, đặc biệt đối với các địa phương có QL 1 đi qua và thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về UBND Tỉnh.

Ban Chỉ đạo Tỉnh thực hiện Chỉ thị 01/2004 của Thủ tướng Chính phủ  có trách nhiệm phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh trong việc kiểm tra, giám sát, chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị này. Thường trực Ban chỉ đạo (Sở Giao thông vận tải) chịu trách nhiệm tổng hợp tình hình, thực hiện tốt chế độ sơ, tổng kết, báo cáo thỉnh thị để lãnh đạo Tỉnh xem xét, bổ khuyết kịp thời./.

 

 

TM/ UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Nguyễn Văn Mễ