• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 02/12/1994
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Số: Không số
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 2 tháng 12 năm 1994

PHÁP LỆNH

BẢO VỆ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG

Để tăng cường quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi cá nhân trong việc bảo vệ công trình giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đời sống nhân dân;

Căn cứ vào Điều 91 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

Pháp lệnh này quy định về bảo vệ công trình giao thông.

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Công trình giao thông là cơ sở kinh tế - kỹ thuật thuộc kết cấu hạ tầng có tầm quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế quốc dân, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và đời sống nhân dân.

Điều 2

Công trình giao thông được quy định trong Pháp lệnh này bao gồm công trình giao thông đường bộ, đường sắt và đường sông phục vụ giao thông vận tải công cộng, sau đây gọi chung là công trình giao thông.

Việc bảo vệ công trình giao thông hàng không dân dụng, công trình giao thông hàng hải do Luật hàng không dân dụng Việt Nam và Bộ Luật hàng hải Việt Nam điều chỉnh.

Điều 3

Bảo vệ công trình giao thông được quy định trong Pháp lệnh này gồm những hoạt động bảo đảm an toàn và tuổi thọ của công trình; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm công trình gây nguy hiểm đến tính mạng nhân dân, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước và của nhân dân.

Điều 4

Nhà nước có chính sách khuyến khích, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào việc xây dựng cải tạo, duy tu, sửa chữa và bảo vệ công trình giao thông.

Điều 5

Nhà nước thống nhất quản lý về bảo vệ công trình giao thông, không phân biệt công trình được xây dựng bằng nguồn vốn nào.

Nhà nước bảo đảm kinh phí và các điều kiện cho việc duy tu, sửa chữa và bảo vệ công trình giao thông được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn của ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.

Chủ của công trình giao thông được đầu tư xây dựng bằng các nguồn vốn khác phải tự bảo đảm kinh phí để duy tu, sửa chữa và bảo vệ công trình.

Điều 6

Quy hoạch cải tạo, mở rộng và nâng cấp các loại đường giao thông phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải được công khai cắm mốc chỉ giới.

Việc thiết kế, xây dựng công trình giao thông phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch, luận chứng kinh tế - kỹ thuật đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm chất lượng và an toàn kỹ thuật của công trình.

Điều 7

Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi cá nhân có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ công trình giao thông; chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình giao thông và các quy định pháp luật có liên quan.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động, cư trú trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ công trình giao thông.

Điều 8

Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thi hành pháp luật về bảo vệ công trình giao thông tại địa phương.

Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tham gia giáo dục, động viên nhân dân và giám sát việc thi hành pháp luật về bảo vệ công trình giao thông.

Điều 9

Người sử dụng, khai thác công trình giao thông phải trả lệ phí giao thông theo quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định các loại công trình giao thông được thu lệ phí và mức lệ phí đối với từng loại công trình.

Điều 10

Mọi hành vi xâm phạm đến công trình giao thông phải được xử lý nghiêm minh.

 

CHƯƠNG II

BẢO VỆ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG

Điều 11

Công trình giao thông được bảo vệ bao gồm:

1- Công trình đường bộ: đường, cầu, cống, hầm, vỉa hè đường đô thị, bến phà, bến xe, hệ thống thoát nước, cọc tiêu biển báo và các công trình, thiết bị phụ trợ khác;

2- Công trình đường sông: luồng chạy tàu thuyền trên sông, hồ, kênh đào và ven vịnh; âu thuyền, kè, đập, cảng, bến, kho bãi, phao tiêu báo hiệu và các công trình, thiết bi phụ trợ khác;

3- Công trình đường sắt: đường, cầu, hầm, cống, nhà ga, kho bãi, hệ thống thông tin tín hiệu và các công trình, thiết bị phụ trợ khác.

Điều 12

Căn cứ việc phân cấp quản lý, các hệ thống đường giao thông được phân loại như sau:

1- Đường bộ: quốc lộ, đường đô thị, đường tỉnh, đường huyện, đường xã và đường bộ chuyên dùng;

2- Đường sông: đường sông trung ương, đường sông địa phương và đường sông chuyên dùng;

3- Đường sắt: đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng.

Điều 13

Phạm vi bảo vệ công trình giao thông bao gồm: Công trình; hành lang bảo vệ công trình; phần trên không, phần dưới mặt đất, phần dưới mặt nước có liên quan đến an toàn công trình và an toàn cho hoạt động giao thông vận tải.

Ngoài phạm vi bảo vệ công trình giao thông, việc xây dựng và mọi hoạt động khác không được gây tác hại đến an toàn công trình.

Chính phủ quy định phạm vi bảo vệ công trình giao thông.

Điều 14

Việc xây dựng công trình, sử dụng và khai thác khoảng không, vùng đất, vùng nước trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ công trình giao thông cho phép theo quy định của pháp luật.

Việc xây dựng công trình, sử dụng và khai thác khoảng không, vùng đất, vùng nước ngoài phạm vi bảo vệ công trình giao thông nhưng ảnh hưởng đến an toàn công trình hoặc an toàn cho hoạt động giao thông vận tải trên công trình phải có ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ công trình giao thông.

Điều 15

1- Việc quản lý, khai thác, sửa chữa và bảo vệ công trình giao thông phải tuân theo quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

2- Đơn vị quản lý công trình giao thông có trách nhiệm bảo đảm trạng thái an toàn kỹ thuật của công trình; trường hợp phát hiện công trình có chỗ bị hư hỏng, đe doạ an toàn giao thông thì phải có biện pháp xử lý, sửa chữa kịp thời; có biện pháp phòng, chống thiên tai nhằm hạn chế tổn hại đến công trình và phải liên đới trách nhiệm đối với tai nạn giao thông xảy ra do chất lượng của công trình không bảo đảm an toàn kỹ thuật.

Điều 16

Khi phát hiện công trình giao thông bị xâm phạm hoặc có nguy cơ không an toàn, thì người phát hiện có trách nhiệm báo ngay cho chính quyền địa phương, đơn vị quản lý công trình, cảnh sát giao thông hoặc cơ quan Nhà nước khác nơi gần nhất biết để có biện pháp xử lý kịp thời.

Điều 17

Đối với công trình giao thông đặc biệt quan trọng, Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng xây dựng phương án tổ chức việc bảo vệ theo quy định của Chính phủ.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, lực lượng cảnh sát nhân dân có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ đơn vị quản lý công trình giao thông và lực lượng thanh tra về bảo vệ công trình giao thông trong việc bảo vệ các công trình giao thông.

Điều 18

Nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình giao thông để xây dựng nhà ở, lều quán hoặc bất kỳ công trình nào khác.

Mọi hành vi vi phạm trong việc thực hiện quy hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trong việc giải quyết đền bù và giải phóng mặt bằng đều phải được xử lý nghiêm minh.

Điều 19

1- Tổ chức, cá nhân được phép xây dựng, cải tạo, mở rộng, sửa chữa công trình và tiến hành các hoạt động khác trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông phải tuân theo pháp luật về bảo vệ công trình giao thông và các quy định của pháp luật có liên quan.

2- Trường hợp Nhà nước cần xây dựng cải tạo, mở rộng công trình giao thông thì chủ các công trình, nhà ở, lều quán đã xây dựng trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình giao thông, kể cả trường hợp đã được phép xây dựng đều phải di chuyển kịp thời theo quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Việc đền bù được thực hiện theo quy định của pháp luật và bảo đảm đúng chính sách của Nhà nước.

3- Việc di chuyển chậm trễ hoặc cố tình trì hoãn việc di chuyển các công trình, nhà ở, lều quán quy định tại khoản 2 của Điều này gây trở ngại cho việc xây dựng, cải tạo, mở rộng công trình giao thông phải được xử lý nghiêm minh.

Điều 20

Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1- Phá huỷ, tháo gỡ, trộm cắp cấu kiện, phụ kiện, vật tư, vật liệu xây dựng, hệ thống thông tin tín hiệu, thiết bị báo hiệu hướng dẫn giao thông của công trình giao thông;

2- Thải các chất độc hại làm hư hại, ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ của công trình giao thông;

3- Chứa chất hàng hoá, nguyên vật liệu, phế thải; rửa xe, họp chợ, thả trâu bò, gia súc trên đường giao thông; phơi rơm rạ, thóc lúa, nông sản và các vật khác trên quốc lộ và những hành vi khác gây cản trở cho việc khai thác, sử dụng công trình giao thông;

4- Điều khiển tàu, xe vượt quá tải trọng hoặc chạy quá tốc độ quy định gây ảnh hưởng đến chất lượng của công trình giao thông.

Điều 21

Các việc sau đây chỉ được tiến hành khi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ công trình giao thông cho phép:

1- Khoan, đào, xẻ đường giao thông;

2- Sử dụng chất nổ khai thác đá, cát, sỏi, đất gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình giao thông;

3- Đặt đường ống cấp nước, thoát nước, dẫn dầu khí; đặt cáp dẫn điện, cáp thông tin và thiết bị chiếu sáng trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông;

4- Neo buộc, đậu, đỗ phương tiện giao thông, bè mảng gây cản trở cho việc khai thác và sử dụng công trình giao thông;

5- Di chuyển vị trí, che lấp làm giảm hiệu lực hoặc tác dụng của hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị báo hiệu hướng dẫn giao thông;

6- Mở đường ngang qua đường sắt, quốc lộ và đường có giải phân cách; điều khiển xe xơ giới, xe bánh xích hoặc kéo vật nặng vượt qua đường sắt ở nhưng nơi quy định không cho vượt qua;

7- Dựng công chào, biển quảng cáo, khẩu hiệu trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông;

8- Đặt đăng đó, phương tiện nuôi, đánh bắt thuỷ sản làm trở ngại luồng chạy tầu thuyền;

9- Các hành vi khác gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình giao thông.

Trong trường hợp được phép tiến hành một trong những việc quy định tại Điều này, thì khi thực hiện phải có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông; sau khi hoàn thành phải kịp thời khôi phục nguyên trạng và chất lượng của công trình giao thông. Đơn vị quản lý công trình giao thông có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc khôi phục nguyên trạng và chất lượng của công trình giao thông.

Điều 22

Trong trường hợp cần thiết, hoạt động của các phương tiện sau đây phải có giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và bảo vệ công trình giao thông:

1- Xe bánh xích, xe có trọng tải lớn, xe có kích thước lớn hoạt động trên đường giao thông công cộng có cầu và đường bị hạn chế về tải trọng hoặc khổ giới hạn;

2- Tàu thuỷ có kích thước lớn hoạt động trên những tuyến đường sông có luồng chạy tàu thuyền hạn chế.

Giấy phép hoạt động của các phương tiện quy định tại Điều này được cấp để sử dụng một lần hoặc có thời hạn và theo những tuyến đường quy định.

Đơn vị quản lý công trình giao thông phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và lực lượng kiểm soát quân sự tổ chức kiểm tra hoạt động của các loại phương tiện quy định tại Điều này.

Điều 23

Việc bảo vệ công trình giao thông kết hợp làm công trình quốc phòng hoặc công trình quốc phòng kết hợp làm công trình giao thông phải tuân theo các quy định của Pháp lệnh này và Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Việc bảo vệ công trình giao thông kết hợp làm công trình thuỷ lợi, đê điều hoặc công trình thuỷ lợi, để điều kết hợp làm công trình giao thông phải tuân theo các quy định của Pháp lệnh này, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi và Pháp lệnh về đê điều.

Việc bảo vệ công trình giao thông có liên quan đến các công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng phải tuân theo các quy định của Pháp lệnh này và các quy định pháp luật có liên quan.

Điều 24

1- Trong trường hợp có sự cố gây cản trở giao thông, chủ của vật chướng nhiều ngại nằm trong phạm vi luồng chạy tàu thuyền phải báo ngay cho đơn vị quản lý công trình giao thông nơi gần nhất, có biện pháp bảo đảm giao thông an toàn và có trách nhiệm gỡ bỏ và thanh thải vật chướng ngại đó theo thời hạn quy định của đơn vị quản lý công trình giao thông;

2- Trong trường hợp có sự cố gây cản trở giao thông, chủ của vật chướng ngại trên đường bộ, đường sắt phải bảo ngay cho đơn vị quản lý công trình giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông nơi gần nhất và có trách nhiệm gỡ bỏ và thanh thải vật chướng ngại, không để gây trở ngại đến việc lưu thông tàu, xe.

3- Trong trường hợp vật chướng ngại không được gỡ bỏ và thanh thải đúng thời hạn quy định, đơn vị quản lý công trình giao thông hoặc lực lượng cảnh sát giao thông có trách nhiệm xử lý và chủ của vật chướng ngại phải chịu mọi phí tổn.

 

CHƯƠNG III

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG

Điều 25

Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về bảo vệ công trình giao thông trong phạm vi cả nước.

Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ công trình giao thông; có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, kiểm tra và thanh tra việc bảo vệ hệ thống quốc lộ, đường sông trung ương và đường sắt quốc gia; bảo đảm hệ thống giao thông quốc gia an toàn, thông suốt.

Bộ Nội vụ, các Bộ, ngành có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với bộ Giao thông vận tải trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ công trình giao thông.

Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ công trình giao thông theo sự hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải; có trách nhiệm tổ chức bảo vệ các công trình giao thông trong phạm vi địa phương; chỉ đạo việc duy tu, sửa chữa và bảo vệ công trình giao thông được phân cấp quản lý.

Cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ công trình giao thông ở địa phương có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước vè bảo vệ công trình giao thông.

Việc quản lý Nhà nước về bảo vệ công trình giao thông đường sắt do Chính phủ quy định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 26

Nội dung quản lý Nhà nước về bảo vệ công trình giao thông bao gồm:

1- Lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng cải tạo, nâng cấp và sửa chữa công trình giao thông;

2- Xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy về bảo vệ công trình giao thông và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ công trình giao thông;

3- Tổ chức bộ máy quản lý, bảo vệ công trình giao thông;

4- Quy định và công bố tải trọng, tiêu chuẩn kỹ thuật của các loại phương tiện giao thông vận tải phù hợp với an toàn của hệ thống công trình giao thông công cộng.

Quy định tải trọng và kích thước giới hạn của các phương tiện giao thông vận tải có tải trọng và kích thước lớn được phép nhập khẩu vào Việt Nam;

5- Cấp và thu hồi giấy phép đối với các trường hợp khai thác, sử dụng công trình có ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn của công trình giao thông;

6- Quy định về việc xây dựng công trình ở hai bên đường giao thông thuộc hành lang bảo vệ đường giao thông phù hợp với quy hoạch cải tạo, mở rộng đường giao thông;

7- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ công trình giao thông;

8- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, bảo vệ công trình giao thông; nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào lĩnh vực bảo vệ công trình giao thông;

9- Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ công trình giao thông;

10- Giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo có liên quan đến việc bảo vệ công trình giao thông; xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình giao thông theo thẩm quyền;

11- Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ công trình giao thông.

Điều 27

Tổ chức hệ thống các đơn vị quản lý công trình giao thông được quy định như sau:

1- Bộ Giao thông vận tải quy định tổ chức các đơn vị quản lý công trình quốc lộ, đường sông trung ương và đường sắt quốc gia;

2- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tổ chức các đơn vị quản lý công trình đường đô thị, đường tỉnh, đường huyện, đường xã và đường sông địa phương theo sự hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải.

 

CHƯƠNG IV

THANH TRA VỀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG

Điều 28

Cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ công trình giao thông thực hiện chức năng thanh tra về bảo vệ công trình giao thông.

Chính phủ quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của thanh tra về bảo vệ công trình giao thông.

Bộ Giao thông vận tải tổ chức lực lượng thanh tra bảo vệ công trình đường bộ, đường sắt và đường sông.

Điều 29

Khi tiến hành thanh tra, Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên về bảo vệ công trình giao thông có quyền:

1- Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình giao thông;

2- Lập biên bản các vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình giao thông; quyết định tạm thời đình chỉ hoặc đình chỉ các vi phạm pháp luật nghiêm trọng về bảo vệ công trình giao thông;

3- Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình giao thông;

4- Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo đối với các vi phạm pháp luật vệ bảo vệ công trình giao thông theo thẩm quyền;

5- Chủ trì phối hợp với lực lượng cảnh sát nhân dân và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác trong việc thực hiện chức năng thanh tra về bảo vệ công trình giao thông.

Trong trường hợp cần thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình giao thông do hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình giao thông, Thanh tra viên được phép dừng các phương tiện giao thông vận tải để có biện pháp xử lý theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Điều 30

Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện để Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên về bảo vệ công trình giao thông thi hành nhiệm vụ; chấp hành quyết định của Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên về bảo vệ công trình giao thông.

Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên về bảo vệ công trình giao thông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình.

Điều 31

Tổ chức, cá nhân bị thanh tra có quyền khiếu nại với cơ quan thanh tra về bảo vệ công trình giao thông hoặc cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên trực tiếp về bảo vệ công trình giao thông về quyết định và biện pháp xử lý của Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên.

Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ công trình giao thông những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ công trình giao thông.

Cơ quan nhận được khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm xem xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại và tố cáo của công dân và các quy định pháp luật có liên quan.

Điều 32

Lực lượng thanh tra về bảo vệ công trình giao thông được trang bị đồng phục, phù hiệu và những phương tiện cần thiết để làm nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ.

 

CHƯƠNG V

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 33

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ công trình giao thông được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.

Những người đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình giao thông mà bị thiệt hại về tài sản, sức khoẻ hoặc tính mạng thì được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 34

Người nào lấn chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình giao thông thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 35

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình giao thông; vi phạm các quy định về việc cấp giấy phép sử dụng đất đai trong phạm vị bảo vệ công trình giao thông, trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, trong việc quản lý, bảo vệ công trình giao thông hoặc có các quyết định trái pháp luật khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 36

Người nào có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình giao thông, gây thiệt hại cho tổ chức hoặc cá nhân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định tại Điều 34 và Điều 35 của Pháp lệnh này còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

 

CHƯƠNG VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 37

Chính phủ quy định cụ thể việc xử lý đối với nhà ở và các công trình khác đã được xây dựng trong phạm vị bảo vệ công trình giao thông trước ngày ban hành Pháp lệnh này.

Điều 38

Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày ban hành.

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Điều 39

Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này./.

 

TM. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nông Đức Mạnh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.