• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 21/04/1994
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 35/TT-LB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 21 tháng 4 năm 1994

THÔNG TƯ

LIÊN BỘ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO - TÀI CHÍNH

Hướng dẫn quản lý ngân sách Giáo dục và Đào tạo

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ; thực hiện Chỉ thị số 207/CT ngày 30-7-1990 và Chỉ thị số 287/CT ngày 4-8-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ); Chỉ thị số 132/TTg ngày 27-3-1993 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý ngân sách Nhà nước và Quyết định số 60-TTg ngày 8-2-1994 của Thủ tướng Chính phủ về một số chủ trương và biện pháp điều hành kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội năm 1994; Liên Bộ Tài chính - Giáo dục và đào tạo hướng dẫn quản lý ngân sách giáo dục và đào tạo như sau.

 

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Bộ Giáo dục và đào tạo chủ động phối hợp với Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước trong việc xây dựng, tổng hợp và dự kiến phân phối ngân sách toàn ngành. Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước căn cứ vào các đề xuất của Bộ giáo dục và Đào tạo xem xét, cân đối ngân sách trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt.

2. Bộ giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý và điều hành ngân sách được giao bao gồm ngân sách của các đơn vị trực thuộc, ngân sách đào tạo bồi dưỡng sau đại học và ngân sách chi cho các chương trình mục tiêu Giáo dục - Đào tạo.

Sở giáo dục - Đào tạo chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý và điều hành ngân sách giáo dục - đào tạo kể cả ngân sách các chương trình mục tiêu do địa phương thực hiện trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là tỉnh).

3. Ngành Tài chính, thông qua hệ thống Kho bạc bảo đảm việc cấp phát kinh phí giáo dục - đào tạo kịp thời, đầy đủ theo đúng nội dung, tiến độ và mục lục ngân sách Nhà nước.

4. Các cơ sở Giáo dục - Đào tạo có trách nhiệm báo cáo quyết toán ngân sách giáo dục - Đào tạo chính xác, đầy đủ và đúng tiến độ.

5. Cơ quan tài chính các cấp phối hợp với cơ quan quản lý Giáo dục - Đào tạo các cấp kiểm tra việc chi tiêu, sử dụng ngân sách Giáo dục - Đào tạo để bảo đảm đúng mục đích, đúng các chế độ tài chính hiện hành.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Công tác lập kế hoạch.

Hàng năm, căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Chính phủ (hoặc cơ quan tổng hợp được Chính phủ uỷ quyền), Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với Bộ Tài chính và Uỷ ban kế hoạch Nhà nước lập kế hoạch thu, chi ngân sách giáo dục và đào tạo toàn ngành; Dự kiến phân bổ các chỉ tiêu đó cho từng Bộ, cơ quan ngang Bộ (dưới đây gọi là Bộ chủ quản) và các tỉnh gửi Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước để thống nhất trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định. Công việc đó được thực hiện theo trình tự sau:

a) Các trường, các cơ sở Giáo dục - Đào tạo do các Bộ, ngành ở Trung ương quản lý lập dự toán thu, chi ngân sách của đơn vị mình gửi lên Bộ chủ quản tổng hợp và dự toán thu, chi của Bộ, đồng thời gửi Bộ giáo dục và Đào tạo để tổng hợp xây dựng kế hoạch thu, chi ngân sách toàn ngành.

b) Các nhà trẻ, trường mẫu giáo, các trường phổ thông, các cơ sở đào tạo do các sở, ban ngành ở tỉnh quản lý lập dự toán thu, chi của đơn vị mình gửi Sở chủ quản đồng thời gửi Sở giáo dục - Đào tạo và Sở Tài chính - Vật giá. Dự toán thu, chi được lập theo mục lục Ngân sách Nhà nước hiện hành.

Sở giáo dục - Đào tạo có nhiệm vụ chủ động phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xây dựng kế hoạch thu, chi ngân sách giáo dục - đào tạo trong tỉnh gửi Sở Tài chính - Vật giá và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước tỉnh tổng hợp vào kế hoạch Nhà nước về thu, chi ngân sách của tỉnh. Sau khi được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, Sở giáo dục - Đào tạo gửi kế hoạch này lên Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp xây dựng kế hoạch ngân sách toàn ngành.

c) Đối với các chương trình mục tiêu, Sở Giáo dục - Đào tạo lập kế hoạch chung và danh mục các đơn vị thực hiện với nội dung công việc cụ thể cho từng chương trình mục tiêu trên địa bàn tỉnh, thống nhất với Sở Tài chính - Vật giá trình Uỷ ban nhân dân tỉnh duyệt rồi gửi lên Bộ giáo dục và Đào tạo để xét duyệt và tổng hợp thành kế hoạch chi toàn ngành gửi Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.

d) Bộ giáo dục và đào tạo căn cứ vào dự toán thu, chi ngân sách Giáo dục - Đào tạo của các tỉnh và các Bộ chủ quản chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xem xét tổng hợp vào kế hoạch ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách cho các Bộ, cơ quan Nhà nước và các địa phương (bao gồm chi thường xuyên và chi chương trình mục tiêu); Cùng Bộ Tài chính xây dựng định mức chỉ tiêu cho từng cấp học và từng vùng phù hợp với kế hoạch ngân sách được giao.

2. Điều hành và cấp phát kinh phí.

a) ở Trung ương:

- Căn cứ vào nghị quyết về dự toán ngân sách hàng năm của Quốc hội, Chính phủ (hoặc Chính phủ uỷ quyền cho Bộ Tài chính) giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước cho các Bộ, các địa phương. Đồng thời Bộ Tài chính thông báo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ tiêu ngân sách giáo dục - đào tạo của các Bộ, ngành và địa phương. Bộ giáo dục và đào tạo giao kế hoạch chi ngân sách chính thức cả năm và hàng quý cho từng đơn vị trực thuộc và các đơn vị đào tạo và bồi dưỡng sau đại học, đồng thời hướng dẫn các Bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương quản lý và sử dụng ngân sách giáo dục và đào tạo có hiệu quả.

- Đối với kinh phí thường xuyên : Bộ Tài chính cấp phát qua hệ thống kho bạc Nhà nước cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để chi cho các cơ sở đào tạo trực thuộc, các cơ sở đào tạo bồi dưỡng sau đại học và cấp phát cho các Bộ, cơ quan khác có trường để chi cho các trường thuộc Bộ, ngành đó.

- Đối với kinh phí dành cho chương trình mục tiêu : Căn cứ vào kế hoạch cả năm, danh mục các đơn vị với nội dung công việc cụ thể, số vốn được duyệt và quyết định chuẩn chi hàng quý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phần kinh phí do các cơ sở trực thuộc Bộ thực hiện, cấp cho các Bộ chủ quản phần kinh phí do các trường, các cơ sở Đào tạo thuộc Bộ, ngành đó sử dụng, và cấp uỷ quyền qua Sở Tài chính - Vật giá phần kinh phí do các địa phương thực hiện để Sở Tài chính - Vật giá cấp cho Sở Giáo dục - Đào tạo quản lý và điều hành theo tiến độ trên địa bàn tỉnh.

b) ở địa phương:

Hàng năm, căn cứ vào quyết định của Chính phủ hoặc Bộ Tài chính (trong trường hợp được Chính phủ uỷ quyền) giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước trong đó có ngân sách giáo dục - Đào tạo. Sở Giáo dục - đào tạo phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước tỉnh phân bổ kế hoạch chi ngân sách giáo dục - Đào tạo trình UBND tỉnh Quyết định giao kế hoạch chi ngân sách cả năm cho các đơn vị thuộc ngành giáo dục - Đào tạo. Căn cứ vào kế hoạch ngân sách được giao chính thức và dự toán hàng quý của Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Tài chính - Vật giá cấp phát kinh phí qua hệ thống kho bạc cho Sở giáo dục - Đào tạo. Còn đối với các cơ sở đào tạo thuộc các Sở, ngành khác quản lý thì Sở tài chính - Vật giá cấp phát trực tiếp cho các Sở, ngành theo kế hoạch ngân sách đã giao.

Đối với những địa phương mà ngân sách quận, huyện vẫn còn đảm đương việc chi tiêu cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo thì trong năm 1994 phòng tài chính quận, huyện chuyển kinh phí qua hệ thống kho bạc cho phòng giáo dục - đào tạo theo quyết định giao chỉ tiêu ngân sách của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trên cơ sở đề nghị của Sở giáo dục - Đào tạo, và chuẩn bị các điều kiện cần thiết có thể, để từ năm 1995 trở đi thực hiện theo cơ chế: Sở Giáo dục - Đào tạo quản lý ngân sách giáo dục - đào tạo thống nhất trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Cơ quan tài chính và Kho bạc các cấp có quyền từ chối cấp phát kinh phí cho các cơ sở giáo dục - đào tạo trong trường hợp cơ sở đó được các cơ quan quản lý giáo dục - đào tạo chuẩn chi sai chế độ, sai mục đích hoặc vượt quá dự toán.

3. Công tác kiểm tra

Căn cứ vào quyết định chuẩn chi của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Tài chính - Vật giá phối hợp với các cơ quan quản lý Giáo dục tăng cường kiểm tra việc sử dụng kinh phí Giáo dục - Đào tạo để bảo đảm sử dụng kinh phí đúng chế độ, đúng mục tiêu chương trình đã được duyệt, đạt hiệu quả và tiết kiệm. Trong trường hợp chi sai chế độ, nội dung đã được chuẩn chi, các cơ quan Tài chính và Kho bạc các cấp có quyền đình chỉ cấp phát kinh phí đối với cơ sở có sai trái đồng thời báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để xem xét xử lý. Nếu việc cấp phát không đúng tiến độ và chỉ tiêu hạn mức, các trường và các cơ sở đào tạo cần báo cáo cơ quan quản lý cấp trên của hai ngành để xem xét xử lý.

4. Công tác quyết toán.

a) Hàng quý và hàng năm, các trường, các đơn vị có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán gửi cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý Giáo dục - Đào tạo cấp trên để xét duyệt, tổng hợp quyết toán gửi cho cơ quan Tài chính đồng cấp tiến hành tổng hợp vào quyết toán ngân sách Nhà nước.

Riêng khoản chi phí cho các chương trình mục tiêu Giáo dục - Đào tạo do ngân sách Trung ương chuyển cho địa phương, phải thực hiện chế độ báo cáo quyết toán theo quy định tại Thông tư số 80-TC/NSNN ngày 24-9-1993 của Bộ Tài chính.

b) Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ chủ quản ở Trung ương; Sở Tài chính - Vật giá phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo và các Sở, ngành chủ quản ở địa phương kiểm tra xét duyệt quyết toán hàng năm của Bộ, các trường và các đơn vị Giáo dục - Đào tạo ở Trung ương và địa phương theo quy định tại Thông tư số 14-TC/HCVX ngày 28-2-1994 của Bộ Tài chính.

c) Các cơ quan quản lý Giáo dục - Đào tạo, các trường học và cơ sở Giáo dục - Đào tạo có trách nhiệm chấp hành nghiêm túc các chế độ, chính sách Nhà nước đã quy định về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tài chính và hạch toán kế toán, lập các báo cáo kế toán hàng quý và hàng năm theo Quyết định số 257-TC/CĐKT ngày 1-6-1990 của Bộ Tài chính.

5. Sở Giáo dục - Đào tạo chủ trì phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá tỉnh tổ chức bộ máy tài chính kế toán của ngành Giáo dục - Đào tạo ở địa phương, sao cho gọn nhẹ, tuyển chọn những cán bộ có nghiệp vụ tài chính - kế toán, nhằm quản lý ngân sách giáo dục - đào tạo chặt chẽ, có hiệu quả. Sở Tài chính - Vật giá phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho bộ máy kế toán của ngành Giáo dục - Đào tạo.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký.

Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, các địa phương, các trường phản ánh về liên Bộ để giải thích, bổ sung, sửa đổi kịp thời.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Giáo dục và Đào tạo
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trần Chí Đáo

Tào Hữu Phùng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.