• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 21/10/1993
BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
Số: 818/TCCP-VP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 21 tháng 10 năm 1993

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành Thanh tra Nhà nước

BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CỦA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30/9/1992;

Căn cứ Nghị định số 135/HĐBT ngày 7/5/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc quy định chức năng nhiệm vụ của Ban Tổ chức-Cán bộ chính phủ;

Căn cứ điều 14 Nghị định của Chính phủ số 25/CP ngày 23/5/1993 về ban hành tiêu chuẩn và quản lý các ngạch công chức - viên chức;

Theo đề nghị của Tổng Thanh tra Nhà nước tại công văn số 458/TTNN ngày 2/10/1993;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.- Nay ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ của các ngạch công chức ngành Thanh tra Nhà nước (có văn bản tiêu chuẩn kèm theo) bao gồm:

1/ Thanh tra viên cao cấp (Cấp III),

2/ Thanh tra viên chính (Cấp II),

3/ Thanh tra viên (Cấp I),

Điều 2.- Tiêu chuẩn nghiệp vụ của các ngạch trên là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc sử dụng, tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, nâng bậc lương và chuyển ngạch cho công chức ngành Thanh tra Nhà nước theo quy định của Nhà nước.

Điều 3.- Những quyết định trước về chức danh - tiêu chuẩn viên chức trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 4.- Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

TIÊU CHUẨN NGHIỆP VỤ CÔNG CHỨC
CÁC NGẠCH THANH TRA

I. THANH TRA VIÊN (CẤP I)

1) Chức trách:

Thanh tra viên (cấp I) là công chức chuyên môn, chuyên trách làm công tác thanh tra trong các tổ chức Thanh tra Nhà nước; được giao thực hiện quyết định thanh tra theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trực tiếp thanh tra các vụ việc có quy mô hẹp, độ phức tạp trung bình.

Nhiệm vụ cụ thể:

Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện các vụ việc thanh tra, xét khiếu nại, tố cáo;

Trực tiếp thực hiện hoặc tổ chức việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan và phân công các thành viên trong đoàn tiến hành thu thập chứng cứ, hồ sơ có liên quan đến vụ việc thanh tra, xét khiếu nại, tố cáo;

Lập biên bản và viết báo cáo kết luận rõ đúng, sai, nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị biện pháp giải quyết, chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận, kiến nghị của mình;

Tạm đình chỉ việc làm xét thấy đang hoặc sẽ gây tác hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân, chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định của mình đồng thời báo cáo ngay cơ quan có thẩm quyền giải quyết;

Áp dụng các quyền hạn quy định tại các khoản 1,2,3,4,8, Điều 9 của Pháp lệnh Thanh tra và các quyền hạn khác của Thanh tra viên được quy định trong các văn bản pháp luật;

Tổ chức rút kinh nghiệm thực hiện phần việc được giao; bàn giao hồ sơ, tài liệu của cuộc thanh tra theo quy định của cấp có thẩm quyền.

2) Hiểu biết:

Nắm được chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để vận dụng vào hoạt động thanh tra;

Nắm được nguyên tắc, chế độ, thể lệ trong quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội, quản lý Nhà nước, có kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành;

Am hiểu tình hình kinh tế - xã hội;

Nắm chắc quy trình nghiệp vụ thanh tra;

Có khả năng tổ chức và tập hợp quần chúng để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao;

Có năng lực phân tích, tổng hợp, đánh giá tình hình hoạt động quản lý ở cấp cơ sở.

3) Yêu cầu trình độ:

Tốt nghiệp đại học trở lên;

Qua bồi dưỡng kiến thức cơ bản về nghiệp vụ thanh tra;

Qua khóa đào tạo quản lý hành chính Nhà nước ngạch chuyên viên;

Trình độ chính trị trung cấp trở lên;

Biết một ngoại ngữ ở trình độ A, đọc, hiểu sách chuyên môn.

 

II. THANH TRA VIÊN CHÍNH (CẤP II)

1) Chức trách:

Thanh tra viên chính (cấp II) là công chức chuyên môn, chuyên trách làm công tác thanh tra trong các tổ chức Thanh tra Nhà nước; được giao thực hiện các quyết định thanh tra theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc chủ trì tổ chức thanh tra các vụ việc có quy mô rộng, tình tiết phức tạp cao, liên quan đến nhiều lĩnh vực.

Nhiệm vụ cụ thể:

Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện các vụ việc thanh tra, xét khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền;

Trực tiếp thực hiện hoặc tổ chức việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan và phân công các thành viên trong đoàn tiến hành thu thập chứng cứ, hồ sơ, tài liệu, có liên quan đến vụ việc thanh tra, xét khiếu naị, tố cáo;

Lập biên bản và viết báo cáo kết luận làm rõ đúng sai, nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị biện pháp giải quyết, chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận, kiến nghị của mình;

Được đình chỉ việc làm xét thấy đang hoặc sẽ gây tác hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân, chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định của mình đồng thời báo cáo ngay cơ quan có thẩm quyền giải quyết;

Áp dụng các quyền hạn quy định tại các khoản: 1,2,3,4,8 Điều 9 Pháp lệnh Thanh tra và các quyền hạn khác của Thanh tra viên được quy định trong các văn bản pháp luật;

Tham gia xây dựng các quy trình nghiệp vụ thanh tra, xét khiếu nại, khiếu tố;

Tổ chức tổng hợp, phân tích, tổng kết đúc rút kinh nghiệm trong hoạt động thanh tra, xét khiếu nại, tố cáo, nghiên cứu đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện về công tác quản lý của các ngành;

Trực tiếp phúc tra các vụ việc do thanh tra viên thực hiện và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết quả phúc tra;

Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho thanh tra viên.

2) Hiểu biết:

Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nắm được thực tiễn hoạt động quản lý Nhà nước và quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội, đề xuất nội dung cần thanh tra; tổ chức thực hiện có hiệu quả;

Nắm vững nguyên tắc, chế độ, thể lệ trong quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội;

Có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành theo lĩnh vực được phân công đảm nhận. Hướng dẫn, điều hành được thanh tra viên, cộng tác viên trong đoàn thanh tra;

Có năng lực phân tích, tổng hợp, nghiên cứu những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của một ngành, một lĩnh vực hoặc một cấp quản lý như: quận, huyện, sở, tổng công ty, liên hiệp xí nghiệp...;

Am hiểu sâu tình hình kinh tế - xã hội;

3) Yêu cầu trình độ:

Tốt nghiệp đại học trở lên, có thâm niên ở ngạch thanh tra viên (cấp I) hoặc chuyên viên tối thiểu là 9 năm;

Qua bồi dưỡng chương trình nâng cao về nghiệp vụ thanh tra;

Qua khóa đào tạo quản lý hành chính Nhà nước ngạch chuyên viên chính;

Trình độ chính trị trung cấp trở lên;

Biết một ngoại ngữ ở trình độ B, đọc, dịch thông thường.

 

III. THANH TRA VIÊN CAO CẤP (CẤP III)

1) Chức trách:

Thanh tra viên cao cấp (cấp III) là công chức chuyên môn, chuyên trách làm công tác thanh tra Nhà nước; chủ trì tổ chức và trực tiếp thực hiện các quyết định thanh tra theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm thanh tra các vụ việc có quy mô lớn, tình tiết rất phức tạp, có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Nhiệm vụ cụ thể:

Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện các vụ việc thanh tra, xét khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền được giao;

Trực tiếp thực hiện tổ chức việc phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc các cấp, các ngành, các đơn vị hữu quan và sử dụng được các cộng tác viên để thu thập, phân tích, thiết lập được hồ sơ, tài liệu chứng cứ rõ ràng, kết luận được việc đúng, sai, tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị biện pháp giải quyết và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận, kiến nghị của mình về vụ việc thanh tra. Phát hiện những sơ hở trong quản lý của các ngành, lĩnh vực hoặc một cấp quản lý để đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về quản lý của Nhà nước;

Được đình chỉ việc làm xét thấy đang hoặc sẽ gây tác hại đến lợi ích của Nhà nước và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân, hoặc gây cản trở đến cuộc thanh tra, chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định của mình đồng thời báo cáo ngay cơ quan có thẩm quyền giải quyết;

Thực hiện các quyền hạn quy định tại khoản 1,2,3,4 và 8 Điều 9 Pháp lệnh Thanh tra và các quyền hạn khác của Thanh tra viên được quy định trong các văn bản pháp luật;

Chủ trì tổ chức hoặc tham gia xây dựng các quy trình nghiệp vụ về thanh tra, khiếu nại, tố cáo...;

Trực tiếp phúc tra vụ việc thuộc thanh tra viên cấp dưới giải quyết và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết quả phúc tra;

Chủ trì tổ chức được việc tổng kết, đánh giá đúc rút kinh nghiệm về công tác thanh tra Nhà nước và nghiên cứu đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, nhằm hoàn thiện các văn bản pháp luật của Nhà nước về công tác thanh tra, xét giải quyết khiếu nại, tố cáo;

Chủ trì tổ chức xây dựng nội dung, chương trình và biên soạn các tài liệu để bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các ngạch thanh tra viên cấp dưới và tham gia giảng dạy cho các lớp theo yêu cầu.

2) Hiểu biết:

Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trong từng thời kỳ;

Nắm vững các nguyên tắc, chế độ, thể lệ trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội;

Am hiểu sâu, rộng và tích luỹ nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thanh tra, xét khiếu nại, tố cáo. Có khả năng tổng kết, nghiên cứu lý luận về chuyên môn nghiệp vụ;

Am hiểu sâu rộng về kinh tế - xã hội trong nước và ngoài nước;

Có khả năng phân tích, khái quát, tổng hợp được tình hình hoạt động quản lý của nhiều lĩnh vực;

Có khả năng tổ chức và tập hợp các thanh tra viên, thanh tra viên chính, cộng tác viên thanh tra và quần chúng trong quá trình thanh tra;

3) Yêu cầu trình độ:

Tốt nghiệp đại học trở lên; có thâm niên ở ngạch thanh tra viên chính hoặc chuyên viên chính tối thiểu là 6 năm;

Qua khóa đào tạo về quản lý hành chính Nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp của Học viện Hành chính Quốc gia;

Trình độ chính trị cao cấp;

Có một ngoại ngữ trình độ C, đọc, dịch, nói thông thạo./.

 

Bộ trưởng (Trưởng ban)

(Đã ký)

 

Phan Ngọc Tường

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.