• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 02/10/2008
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 90/2008/TT-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 8 năm 2008

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu

_______________________

 

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP, ngày 3 tháng 1 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;

Căn cứ Nghị định số 159/2007/NĐ-CP, ngày 30 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản,

­­­­­­­­­­­­­­ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu trong các vụ vi phạm hành chính như sau:

A. HƯỚNG DẪN CHUNG

I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn trình tự, thủ tục, phương thức xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu của các vụ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

2. Đối tượng áp dụng: cá nhân, tổ chức trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cá nhân, tổ chức nước ngoài có hoạt động liên quan đến xử lý động vật rừng sau khi xử lý tịch thu trên lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.

II. GIẢI THÍCH MỘT SỐ THUẬT NGỮ

1. Động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trong nước gồm những loài động vật nhóm IB, IIB thuộc Danh mục các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm trong nước theo quy định hiện hành của Chính phủ. 

2. Động vật hoang dã nguy cấp nhập khẩu là những loài quy định tại các Phụ lục I, và II của Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã nguy cấp (sau đây viết tắt là Công ước CITES) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố.

3. Động vật rừng thông thường là những loài động vật không thuộc các khoản 1 và 2 mục này.

4. Nơi cư trú tự nhiên của động vật rừng là môi trường tự nhiên, nơi mà động vật rừng đó sinh sống trước khi bị săn bắt.

5. Tiêu huỷ là việc huỷ diệt toàn bộ hay một phần cơ thể của động vật rừng bằng cách thiêu đốt hoặc đào hố chôn lấp.

6. Bộ phận cơ thể của động vật rừng là các thành phần thuộc cơ thể của động vật rừng như chi, xương, sừng, da, lông, ngà, móng, vẩy, răng và các bộ phận khác của động vật rừng được tách rời từ cơ thể động vật rừng, chưa qua chế biến.

7. Sản phẩm từ động vật rừng là sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu là động vật rừng hoặc bộ phận cơ thể của động vật rừng.

8. Tang vật trong Thông tư này bao gồm động vật rừng còn sống, đã chết, bộ phận, sản phẩm của chúng đã có quyết định xử lý tịch thu trong các vụ xử phạt vi phạm hành chính.

B. CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ TANG VẬT SAU KHI XỬ LÝ TỊCH THU

Việc áp dụng các biện pháp xử lý tang vật được thực hiện theo nguyên tắc: áp dụng các biện pháp xử lý tang vật từ trên xuống dưới, khi không xử lý được bằng biện pháp trước mới xem xét áp dụng biện pháp kế tiếp; thực hiện các biện pháp xử lý tang vật phải đảm bảo các điều kiện của biện pháp xử lý đó theo hướng dẫn tại Mục II Phần C Thông tư này.

I. XỬ LÝ TANG VẬT LÀ ĐỘNG VẬT RỪNG CÒN SỐNG THUỘC LOÀI NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM TRONG NƯỚC

1. Tang vật là động vật rừng còn sống thuộc nhóm IB được xử lý bằng một trong những biện pháp dưới đây:

a) Thả lại nơi cư trú tự nhiên.

b) Trong trường hợp động vật rừng bị thương, ốm, yếu cần cứu hộ thì chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ động vật.

c) Chuyển giao cho các cơ sở nghiên cứu khoa học (bao gồm cả cơ sở nghiên cứu nhân giống), giáo dục môi trường.

d) Bán cho các vườn thú, đơn vị biểu diễn nghệ thuật, cơ sở gây nuôi động vật hợp pháp theo quy định của pháp luật.

đ) Tiêu huỷ các cá thể động vật rừng mang bệnh hoặc trong trường hợp không xử lý được bằng các biện pháp trên.

2. Tang vật là động vật rừng còn sống thuộc Nhóm IIB được xử lý bằng một trong những biện pháp dưới đây:

a) Thả lại nơi cư trú tự nhiên.

b) Trong trường hợp động vật rừng bị thương, ốm, yếu cần cứu hộ thì chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ động vật.

c) Chuyển giao cho các cơ sở nghiên cứu khoa học (bao gồm cả cơ sở nghiên cứu nhân giống), giáo dục môi trường.

d) Bán cho các vườn thú; đơn vị biểu diễn nghệ thuật; cơ sở gây nuôi sinh sản động vật; tổ chức, cá nhân kinh doanh động vật rừng hợp pháp theo quy định của pháp luật.

đ) Tiêu huỷ các cá thể động vật rừng mang bệnh hoặc trong trường hợp không xử lý được bằng các biện pháp trên.

II. XỬ LÝ TANG VẬT LÀ ĐỘNG VẬT RỪNG THUỘC LOÀI NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM TRONG NƯỚC ĐÃ CHẾT HOẶC BỘ PHẬN CƠ THỂ, SẢN PHẨM CỦA CHÚNG

1. Tang vật là động vật rừng đã chết hoặc bộ phận của chúng thuộc nhóm IB được xử lý bằng một trong những biện pháp dưới đây:

a) Chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành, trung tâm cứu hộ loài đó để làm tiêu bản hoặc chuyển giao cơ sở y tế để nghiên cứu, bào chế thuốc.

b) Tiêu huỷ trong trường hợp tang vật mang bệnh hoặc không xử lý được bằng biện pháp trên.

2. Tang vật là động vật rừng đã chết hoặc bộ phận của chúng thuộc nhóm IIB được xử lý bằng một trong những biện pháp dưới đây:

a) Chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành, trung tâm cứu hộ loài đó để làm tiêu bản hoặc chuyển giao cơ sở y tế để nghiên cứu, bào chế thuốc.

b) Bán cho các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.

c) Tiêu huỷ trong trường hợp tang vật mang bệnh hoặc không xử lý được bằng các biện pháp trên.

III. XỬ LÝ TANG VẬT LÀ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ CÒN SỐNG THUỘC LOÀI NGUY CẤP NHẬP KHẨU VÀO VIỆT NAM THUỘC PHỤ LỤC CỦA CÔNG ƯỚC CITES

1. Tang vật là động vật hoang dã còn sống thuộc Phụ lục I được xử lý như sau:

a) Trả lại nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu theo quy định của Công ước CITES.

b) Trong trường hợp bị thương, ốm, yếu cần cứu hộ thì chuyển cho Trung tâm cứu hộ động vật tại Việt Nam.

c) Chuyển giao cho các cơ sở nghiên cứu khoa học (bao gồm cả cơ sở nghiên cứu nhân giống), giáo dục môi trường trong và ngoài nước.

d) Bán cho các vườn thú; đơn vị biểu diễn nghệ thuật; cơ sở gây nuôi sinh sản động vật đã được thành lập theo quy định pháp luật hiện hành.

đ) Tiêu huỷ các cá thể động vật rừng mang bệnh hoặc trong trường hợp không xử lý được bằng các biện pháp trên.

2. Tang vật là động vật hoang dã còn sống thuộc Phụ lục II được xử lý như sau:

a) Trả lại nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu theo quy định của Công ước CITES.

b) Trong trường hợp bị thương, ốm, yếu cần cứu hộ thì chuyển cho Trung tâm cứu hộ động vật tại Việt Nam.

c) Chuyển giao cho các cơ sở nghiên cứu khoa học (bao gồm cả cơ sở nghiên cứu nhân giống), giáo dục môi trường trong và ngoài nước.

d) Bán cho các vườn thú; đơn vị biểu diễn nghệ thuật; cơ sở gây nuôi sinh sản động vật; tổ chức, cá nhân kinh doanh động vật rừng hợp pháp theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân mua để xuất khẩu, thì việc xuất khẩu phải thực hiện theo quy định của Công ước CITES.

đ) Tiêu huỷ các cá thể động vật rừng mang bệnh hoặc trong trường hợp không xử lý được bằng các biện pháp trên.

IV. XỬ LÝ TANG VẬT LÀ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ THUỘC LOÀI NGUY CẤP ĐÃ CHẾT, BỘ PHẬN CƠ THỂ, SẢN PHẨM CỦA CHÚNG NHẬP KHẨU VÀO VIỆT NAM THUỘC PHỤ LỤC CỦA CÔNG ƯỚC CITES

1. Tang vật thuộc Phụ lục I được xử lý như sau:

a) Trả lại nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu theo quy định của Công ước CITES.

b) Chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành, trung tâm cứu hộ loài đó để làm tiêu bản.

c) Tiêu huỷ trong trường hợp tang vật mang bệnh hoặc không xử lý được bằng các biện pháp trên.

2. Tang vật thuộc Phụ lục II được xử lý như sau:

a) Trả lại nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu theo quy định của Công ước CITES.

b) Chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành, trung tâm cứu hộ loài đó để làm tiêu bản hoặc chuyển giao cho cơ sở y tế để nghiên cứu, bào chế thuốc.

c) Bán cho các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân mua để xuất khẩu, thì việc xuất khẩu phải thực hiện theo quy định của Công ước CITES.

d) Tiêu huỷ trong trường hợp tang vật mang bệnh hoặc không xử lý được bằng các biện pháp trên.

V. XỬ LÝ TANG VẬT LÀ ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG

1. Tang vật là động vật rừng thông thường còn sống được xử lý bằng một trong những biện pháp sau:

a) Thả lại nơi cư trú tự nhiên.

b) Bán cho các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.

c) Tiêu huỷ trong trường hợp tang vật mang bệnh hoặc không xử lý được bằng các biện pháp trên.

2. Tang vật là động vật rừng thông thường đã chết hoặc bộ phận cơ thể của chúng

a) Bán cho các tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.

b) Tiêu huỷ trong trường hợp tang vật mang bệnh hoặc không xử lý được bằng biện pháp trên.

C. THẨM QUYỀN, ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC, KINH PHÍ XỬ LÝ TANG VẬT

I. THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH XỬ LÝ TANG VẬT

1. Người có thẩm quyền quyết định xử lý tang vật là người có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính tịch thu tang vật đó theo quy định hiện hành của pháp luật.

Người có thẩm quyền quyết định xử lý tang vật, ra quyết định áp dụng bằng một trong các biện pháp xử lý tang vật sau đây:

a) Thả lại nơi cư trú tự nhiên.

b) Chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ động vật.

c) Chuyển giao cho các cơ sở nghiên cứu khoa học (bao gồm cả cơ sở nghiên cứu nhân giống), giáo dục môi trường.

d) Tiêu huỷ.

đ) Bán ngay tang vật dễ bị hư hỏng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Trường hợp tang vật quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a, khoản 2, Mục III, Phần B của Thông tư này; điểm a, khoản 1 và điểm a, khoản 2, Mục IV, Phần B của Thông tư này, người có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính tịch thu tang vật phải có văn bản đề nghị Giám đốc cơ quan quản lý CITES Việt Nam trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày ra quyết định tịch thu để xem xét quyết định việc trả tang vật cho nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu theo quy định của Công ước CITES.

2. Các trường hợp bán tang vật khác (trừ trường hợp quy định tại điểm đ, khoản 1, mục này) thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam quyết định trả tang vật cho nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu theo quy định của Công ước CITES.

II. ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC XỬ LÝ TANG VẬT

1. Thả động vật rừng lại nơi cư trú tự nhiên

a) Thả động vật rừng lại tự nhiên phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Xác định được nơi cư trú tự nhiên của các cá thể động vật đó;

- Động vật khoẻ mạnh, có thể tái hoà nhập trong môi trường tự nhiên;

- Được sự đồng ý của chủ rừng nơi thả.

b) Thủ tục

- Xác nhận của cơ quan thú y xác định không mang mầm bệnh và hoàn toàn khoẻ mạnh;

- Quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền xử lý tang vật thả động vật rừng lại nơi cư trú tự nhiên hướng dẫn tại khoản 1, Mục I, Phần C Thông tư này;

- Người có thẩm quyền xử lý tang vật là động vật rừng tổ chức thả động vật rừng lại nơi cư trú tự nhiên với sự tham gia của đại diện cơ quan ra quyết định xử lý tang vật, chủ rừng, chính quyền địa phương cấp xã nơi thả. Khi thả lại nơi cư trú tự nhiên phải lập biên bản ghi rõ thành phần tham gia, người chứng kiến (nếu có), địa điểm thả, số lượng cá thể từng loài.

2. Chuyển giao

a) Điều kiện

Cơ quan, đơn vị muốn được chuyển giao động vật rừng có văn bản đề nghị tiếp nhận và đảm bảo các tiêu chuẩn về chuồng, trại và các điều kiện khác về chuyên môn, chuyên ngành theo quy định của pháp luật;

b) Thủ tục

- Quyết định chuyển giao tang vật của người có thẩm quyền hướng dẫn tại khoản 1, Mục I, Phần C Thông tư này;

- Lập biên bản chuyển giao và bảng kê động vật rừng kèm theo;

- Giấy phép vận chuyển theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức bán tang vật

a) Điều kiện

Trước khi quyết định bán đấu giá tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu phải có xác nhận của cơ quan thú y về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường của động vật rừng đó.

b) Thủ tục

Việc bán tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này và quy định của pháp luật về bán tài sản tịch thu sung công quỹ nhà nước.

4. Tiêu huỷ

a) Tiêu huỷ tang vật phải đảm bảo đủ các điều kiện sau:

- Tiêu huỷ được áp dụng khi không thực hiện được các biện pháp xử lý khác, nếu để lại tang vật đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường;

- Việc tiêu huỷ phải đảm bản an toàn vệ sinh môi trường theo các quy định của pháp luật.

b) Thủ tục

- Quyết định xử lý tang vật sau khi xử lý tịch thu của người có thẩm quyền hướng dẫn tại khoản 1, Mục I, Phần C Thông tư này. Quyết định này xác định rõ tiêu huỷ 100% hoặc tiêu huỷ một phần tang vật. Trong mọi trường hợp tang vật bị bệnh phải tiêu huỷ 100%. Phần tang vật không tiêu huỷ phải xác định rõ biện pháp xử lý theo quy định tại Mục II hoặc Mục IV hoặc Mục V Phần B của Thông tư này;

- Người có thẩm quyền xử lý tiêu huỷ tang vật quyết định thành lập Hội đồng để xử lý tiêu huỷ với thành phần gồm: đại diện cơ quan ra quyết định xử lý tang vật, chính quyền địa phương cấp xã nơi tiêu huỷ, cơ quan thú y. Việc tiêu huỷ tang vật phải được lập biên bản ghi rõ thành phần Hội đồng, địa điểm tiêu huỷ, số lượng từng loại tang vật, có chữ ký của các thành viên Hội đồng xử lý.

5. Trả lại nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu

a) Trả tang vật lại nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu phải đảm bảo đủ các điều kiện sau:  

- Xác định chính xác nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu tang vật đó;

- Nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu đồng ý tiếp nhận và chi trả toàn bộ chi phí cho hoạt động chuyển giao tang vật đó.

b) Thủ tục

Quyết định trả lại tang vật của Giám đốc cơ quan Quản lý CITES Việt Nam theo đề nghị của người có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính tịch thu tang vật đó.

6. Kinh phí xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu

Chi phí xử lý tang vật (trừ quy định tại khoản 5, Mục II, Phần C của Thông tư này) được thanh toán từ nguồn thu xử lý tang vật đó theo quy định tại Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04 tháng 7 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; trường hợp nguồn thu không đủ thì Ngân sách Nhà nước đảm bảo theo quy định hiện hành.

D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để sửa đổi, bổ sung./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Hứa Đức Nhị

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.