• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 16/09/1993
  • Ngày hết hiệu lực: 24/11/2008
CHÍNH PHỦ
Số: 60-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 16 tháng 9 năm 1993

NGHỊ ĐỊNH

Ban hành quy chế trại giam.

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Điều 37 Pháp lệnh Thi hành án phạt tù;

Theo dề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế trại giam.

Điều 2.- Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 3.- Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

Điều 4.- Các Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quốc phòng, Tài chính, Lao động - Thương binh và xã hội, Y tế, Giáo dục và đào tạo và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung đưng chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

QUY CHẾ

TRẠI GIAM

(Ban hành kèm theo Nghị định số 60-CP ngày 16-9-1993 của Chính phủ)

 

CHƯƠNG I

TỔ CHỨC TRẠI GIAM

Điều 1.- Trại giam là nơi chấp hành hình phạt của người bị kết án tù có thời hạn và tù chung thân. Người đang chấp hành hình phạt tù gọi là "phạm nhân".

Điều 2.- Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng quản lý trực tiếp các trại giam. Các trại giam loại một, loại hai, loại ba được xây dựng theo thiết kế mẫu của Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng. Việc thành lập, giải thể các trại giam và các phân trại do Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.

Điều 3.- Quy mô giam giữ phạm nhân ở mỗi trại thuộc Bộ Nội vụ quản lý từ 500 phạm nhân đến 1.500 phạm nhân (trừ trường hợp đặc biệt). Mỗi trại giam có thể thành lập một số phân trại. Mỗi phân trại quản lý từ 300 đến 500 phạm nhân. Quy mô giam giữ phạm nhân ở mỗi trại giam thuộc Bộ Quốc phòng quản lý từ 100 đến 300 phạm nhân.

Điều 4.- Tổ chức của mỗi trại giam gồm có Giám thị, một số Phó Giám thị, quản giáo, chuyên viên, nhân viên, kỹ thuật viên, sĩ quan, chiến sĩ vũ trang bảo vệ. Mỗi phân trại có một phân trại trưởng (có thể là Phó Giám thị kiêm nhiệm). Chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Phó Giám thị, quản giáo, chuyên viên, nhân viên, kỹ thuật viên, sĩ quan, chiến sĩ cảnh sát (hoặc lực lượng quân đội ở các trại do Bộ Quốc phòng quản lý) làm nhiệm vụ vũ trang bảo vệ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng quy định.

Điều 5.- Giám thị trại giam có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

Điều hành và chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động của trại giam theo đúng quy định của pháp luật về thi hành án phạt tù.

Được quyết định những vấn đề thuộc hoạt động của trại giam trong khuôn khổ pháp luật hoặc do cấp trên giao cho và chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả thi hành những quyết định đó.

Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định.

Phó Giám thị giúp Giám thị làm nhiệm vụ theo sự phân công của Giám thị.

Điều 6.- Tiêu chuẩn của Giám thị, Phó Giám thị, quản giáo, chuyên viên, nhân viên, kỹ thuật viên, sĩ quan, chiến sĩ vũ trang bảo vệ:

Giám thị, Phó Giám thị, quản giáo, chuyên viên, nhân viên, kỹ thuật viên, sĩ quan, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phải là những người có phẩm chất chính trị tốt, trung thành với Đảng, với chế độ, có ý thức tổ chức, kỷ luật, nắm vững chính sách, hiểu biết và tôn trọng, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.

Giám thị và Phó Giám thị phải là người đã tốt nghiệp đại học cảnh sát hoặc đại học an ninh hoặc đại học luật hoặc có trình độ tương đương.

Quản giáo, chỉ huy lực lượng bảo vệ phải là người đã tốt nghiệp trung học cảnh sát hoặc trung học an ninh hoặc có trình độ tương đương.

Chuyên viên, nhân viên, kỹ thuật viên phải là người được đào tạo, nắm vững những kiến thức về lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhiệm.

Chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ phải là những người đã được huấn luyện về nghiệp vụ bảo vệ trại giam.

CHƯƠNG II

CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, GIAM GIỮ, DẪN GIẢI PHẠM NHÂN

Điều 7.- Trại giam phải tổ chức giam phạm nhân theo từng loại riêng đúng với quy định của Pháp lệnh Thi hành án phạt tù.

Phạm nhân là nữ hoặc là người chưa thành niên phải được giam ở khu vực riêng trong từng trại.

Điều 8.

1. Khi đưa phạm nhân vào trại trong hồ sơ phải có:

Bản án phạt tù hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Quyết định thi hành bản án.

Danh chỉ bản của phạm nhân.

Hồ sơ sức khoẻ.

Những tài liệu khác có liên quan đến nhân thân phạm nhân (nếu có).

Nhận xét thái độ chấp hành quyết định thi hành án, việc thi hành án tại nơi giam trước đây của phạm nhân (nếu là phạm nhân chuyển trại).

2. Phạm nhân chỉ được đưa vào buồng giam những đồ dùng cần cho cá nhân; nếu có tiền, tư trang (không dùng đến) phải gửi vào bộ phận lưu ký của trại. Những vật thuộc danh mục cấm không được mang vào buồng giam, nếu phải huỷ bỏ thì Giám thị tổ chức huỷ bỏ (có biên bản huỷ).

Sau khi mới vào trại, y tế của trại phải khám sức khoẻ của phạm nhân xác định tình trạng sức khoẻ, bệnh tật của họ để lập hồ sơ sức khoẻ phục vụ cho việc giam giữ, lao động.

Căn cứ vào đặc điểm nhân thân, tội trạng của phạm nhân, Giám thị trại giam ra quyết định giao phạm nhân về từng đội trong từng trại giam.

3. Phạm nhân phải học nội quy, quy chế trại giam và phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế đó.

Điều 9.- Việc trích xuất phạm nhân ra khỏi trại giam phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc trong những trường hợp đặc biệt khác chỉ được thực hiện theo lệnh trích xuất của cơ quan có thẩm quyền.

Lệnh trích xuất phạm nhân ra khỏi trại giam do Cục trưởng Cục Quản lý trại giam (Bộ Nội vụ) và Cục trưởng Cục điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) ký.

Lệnh trích xuất phạm nhân phải ghi rõ mục đích và thời hạn trích xuất; phải đưa phạm nhân về trại cũ đúng thời gian đã ghi trong lệnh trích xuất; nơi nhận phạm nhân có trách nhiệm đưa phạm nhân đi theo lệnh trích xuất và giao trả lại trại giam cũ. Phải lập biên bản giao nhận phạm nhân.

Thời gian trích xuất phạm nhân được tính vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Điều 10.- Trại giam phải được bảo vệ nghiêm ngặt và an toàn; các buồng giam phải chắc chắn để chống phạm nhân trốn, có đủ ánh sáng, bảo đảm vệ sinh, môi trường. Lực lượng bảo vệ phải tổ chức thường trực 24/24 giờ.

Tất cả phạm nhân đều phải ở trong buồng giam, khi ra khỏi buồng giam phải được phép của Giám thị trại giam.

Điều 11.- Trước khi phạm nhân vào buồng giam hoặc sau khi mở cửa buồng giam cho phạm nhân ra ngoài, quản giáo, sĩ quan, chiến sĩ vũ trang bảo vệ phải điểm danh, kiểm diện. Cán bộ, nhân viên trại giam không có nhiệm vụ và mọi người khác nếu không được phép của Giám thị không được vào khu vực buồng giam, không được tiếp xúc với phạm nhân.

Điều 12.- Phạm nhân không được sử dụng tiền mặt trong trại giam. Trại giam tổ chức cho phạm nhân dùng phiếu thay tiền mặt. Danh mục đồ vật cho phép hoặc cấm phạm nhân đem vào buồng giam và chế độ sử dụng phiếu thay tiền mặt do Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng quy định.

Định kỳ hoặc bất thường, Giám thị có thể kiểm tra người, tư trang, chỗ ở của phạm nhân nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam.

Điều 13.- Giám thị trại giam căn cứ vào số lượng phạm nhân, mức án, loại tội, đặc điểm nhân thân của phạm nhân và tính chất của từng loại lao động để bố trí lực lượng canh gác, quản lý và dẫn giải phạm nhân.

Khi cho phạm nhân đi chữa bệnh, điều trị tại bệnh viện ngoài phạm vi trại thì Giám thị trại giam phải tổ chức lực lượng giải và bảo vệ an toàn.

Điều 14.

1. Đúng ngày hết hạn chấp hành hình phạt tù, người chấp hành xong hình phạt tù phải được trả tự do. Giám thị trại giam ký giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù.

Trại giam giao giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù cho người đó về Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, đơn vị nơi họ sẽ về cư trú và cấp tiền tàu xe, tiền đi đường và một bộ quần áo thường (nếu người chấp hành xong hình phạt tù không có) để họ trở về nơi cư trú.

2. Người chấp hành xong hình phạt tù được trả lại đầy đủ những đồ vật, tiền đã gửi lưu ký tại trại và tiền thưởng lao động trong thời gian chấp hành án (nếu có).

3. Hai tháng trước khi phạm nhân hết hạn chấp hành hình phạt tù, Giám thị trại giam thông báo trước (bằng văn bản hoặc cử cán bộ làm việc trực tiếp) về kết quả thi hành án, những hình phạt bổ sung phải chấp hành (nếu có) và những thông tin cần thiết khác về phạm nhân cho chính quyền địa phương hoặc đơn vị nơi phạm nhân trở về sinh sống để có điều kiện sắp xếp tạo lập cuộc sống bình thường cho họ.

Trường hợp người chấp hành xong hình phạt tù không rõ quê quán, không còn người thân thích hoặc cơ quan, đơn vị cũ không tiếp nhận và bản thân họ cũng không có chỗ ở khác thì Giám thị liên hệ với chính quyền địa phương, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội... hoặc trại có thể tiếp nhận họ sinh sống và lao động theo nguyện vọng.

 

CHƯƠNG III

CHẾ ĐỘ ĂN, MẶC, Ở, SINH HOẠT VÀ CHỮA BỆNH CỦA PHẠM NHÂN

Điều 15.- Trừ những phạm nhân bị phạt giam ở buồng kỷ luật, còn các phạm nhân khác được ở theo buồng tập thể, chỗ nằm tối thiều của mỗi phạm nhân là 2 m2, có bệ gạch men, ván sàn hay giường.

Điều 16.

1. Tiêu chuẩn mức ăn tối thiểu của phạm nhân trong 1 tháng quy định như sau:

Gạo 15 kg; thịt, cá 800 gam; đường 300 gam; muối 800 gam; rau xanh 15 kg; nước chấm 1/2 lít; chất đốt tương đương 12 kg củi. Định lượng này do Nhà nước cấp và quy ra tiền theo thời giá thị trường ở từng địa phương.

Đối với phạm nhân lao động nặng, độc hại, định lượng ăn trong tháng có thể được tăng thêm từ 1,2 đến 2 lần tiêu chuẩn định lượng chung.

Ngày lễ, Tết (theo quy định của Nhà nước) phạm nhân được ăn thêm, nhưng không quá 5 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

2. Phạm nhân được ăn theo khẩu phần, uống nước đun sôi, được sử dụng quà của gia đình và tiền được thưởng trong lao động để ăn thêm, nhưng không được quá 3 lần định lượng trung bình hàng tháng mà Nhà nước quy định cho mỗi phạm nhân; cấm phạm nhân không được uống rượu, bia và các chất kích thích khác. Việc nấu ăn cho phạm nhân do phạm nhân đảm nhiệm dưới sự giám sát, kiểm tra của trại.

Điều 17.- Một năm, phạm nhân được phát 2 bộ quần áo dài theo mẫu thống nhất, 2 bộ quần áo lót, 2 khăn mặt, 1 đôi dép. Hàng tháng phạm nhân được cấp 0,2 kg xà phòng giặt (phạm nhân nữ được cấp thêm những đồ dùng cần thiết cho vệ sinh của nữ), một năm phạm nhân được cấp 1 chiếu, 4 năm được cấp 1 màn, 1 chăn. Đối với những vùng rét phạm nhân được phát áo ấm dùng trong 5 năm; mẫu, màu quần áo và vùng được cấp phát áo ấm do Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng quy định.

Căn cứ vào điều kiện, môi trường và công việc cụ thể, khi lao động phạm nhân được cấp những phương tiện bảo hộ lao động cần thiết.

Điều 18.- Phạm nhân được hoạt động thể dục thể thao, văn hoá, văn nghệ phù hợp với quy định của trại giam.

Phạm nhân được đọc sách, báo theo quy định của Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng; nghe Đài tiếng nói Việt Nam, đài địa phương và được xem truyền hình vào những thời gian nhất định.

Điều 19.

1. Trong thời gian ở trại, phạm nhân được khám sức khoẻ định kỳ ít nhất một năm một lần.

Giám thị trại giam dựa vào kết luận phân loại sức khoẻ để quy định chế độ lao động, học tập đối với từng phạm nhân cho phù hợp.

2. Đối với phạm nhân nghi mắc bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, Giám thị trại giam đề nghị cơ quan quản lý thi hành án phạt tù trưng cầu giám định pháp y. Sau khi Hội đồng giám định pháp y kết luận người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác tới mức mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình, thì Giám thị trại giam đề nghị Toà án cấp tỉnh nơi trại đóng ra quyết định đưa người đó vào cơ sở chuyên khoa y tế để chữa bệnh bắt buộc, Bộ Y tế tổ chức các cơ sở chuyên khoa y tế để chữa bệnh bắt buộc cho phạm nhân, Bộ Y tế cùng với Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính thống nhất việc tổ chức cơ sở chuyên khoa chữa bệnh bắt buộc, quy định tiêu chuẩn ăn uống, nuôi dưỡng, chữa bệnh, quản lý, canh giữ, các thủ tục nhập viện, ra viện.

3. Khi phạm nhân bị ốm đau thì căn cứ vào mức độ tính chất của từng loại bệnh và chỉ định của thầy thuốc, Giám thị trại giam xét cho nghỉ hoặc hạn chế thời gian, cường độ lao động, cho điều trị tập trung tại bệnh xá của trại, nếu bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị của trại thì chuyển đến các bệnh viện của Nhà nước, Giám thị phải thông báo những trường hợp này cho thân nhân người đó biết.

Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Y tế quy định chế độ phòng, khám và chữa bệnh và kinh phí cho việc phòng, khám, chữa bệnh cho phạm nhân.

Điều 20.

1. Khi có phạm nhân chết, Giám thị trại giam phải báo ngay cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và cơ quan y tế gần nhất đến lập biên bản xác nhận nguyên nhân chết, có chứng kiến của những phạm nhân khác; đồng thời thông báo cho thân nhân người chết và Toà án cấp tỉnh hoặc Toà án quân sự cấp quân khu nơi có trại giam biết trước khi làm thủ tục khai tử và chôn cất. Sau 24 giờ kể từ khi báo cho các cơ quan nói trên và thân nhân người chết, Giám thị trại giam có trách nhiệm tổ chức chôn cất.

Trường hợp phạm nhân chết hoặc bị thương do tai nạn lao động, Giám thị trại giam phải làm các thủ tục cần thiết như trên và bảo đảm chế độ trợ cấp theo quy định của Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.

2. Kinh phí về cấp phát thuốc, khám chữa bệnh cho phạm nhân; về trợ cấp tai nạn lao động, khám nghiệm, mai táng phạm nhân chết do ngân sách Nhà nước cấp theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng.

 

CHƯƠNG IV

CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG, HỌC TẬP CỦA PHẠM NHÂN

Điều 21.

1. Phạm nhân lao động ngày 8 giờ, được nghỉ các ngày lễ, chủ nhật, Tết theo quy định chung của Nhà nước.

Trong trường hợp có công việc đột xuất, Giám thị có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ, nhưng không được quá 2 giờ/ngày và sẽ được nghỉ bù.

2. Ngoài giờ lao động hàng ngày theo quy định, trại có thể tổ chức cho phạm nhân tự lao động cải thiện thêm cho bữa ăn theo nguyện vọng của cá nhân, nhưng phải tuân thủ mọi nội quy, quy chế trại giam.

3. Nữ phạm nhân có thai được nghỉ trước và sau khi đẻ theo quy định chung của Nhà nước. Trong thời gian nghỉ đẻ được hưởng các chế độ theo quy định của Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính.

Nữ phạm nhân có con nhỏ dưới 2 tuổi ở chung một buồng, nếu con trên 2 tuổi phải gửi con về gia đình hoặc người thân nuôi. Trường hợp họ không có người thân thì Ban Giám thị trại liên hệ gửi con của phạm nhân vào các trại xã hội; các tiêu chuẩn ăn, mặc, sinh hoạt ở trại được Nhà nước cấp theo quy định của Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính, nơi có đông trẻ nhỏ, trại phải tổ chức nhà trẻ trong giờ phạm nhân đi lao động.

Điều 22.- Phạm nhân được chia thành các đội, tổ để lao động, học tập và sinh hoạt. Số lượng phạm nhân của từng đội, tổ trong các loại trại do Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng quy định.

Điều 23.

1. Kết quả lao động do phạm nhân làm ra đều nộp vào ngân sách Nhà nước để đầu tư trở lại mở rộng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất của trại, thưởng cho cán bộ, chiến sĩ của trại có thành tích trong việc tổ chức và quản lý sản xuất; thưởng cho phạm nhân vượt chỉ tiêu, kế hoạch, tăng năng suất lao động; bồi dưỡng thêm cho những phạm nhân làm các công việc nặng nhọc. Trong trường hợp sản xuất của trại không bảo đảm các yêu cầu xây dựng, nuôi dưỡng và các khoản chi cần thiết khác cho phạm nhân, Nhà nước sẽ cấp bổ sung số kinh phí còn thiếu.

2. Phạm nhân sản xuất vượt chỉ tiêu, kế hoạch thì trại sẽ sử dụng số vượt chỉ tiêu, kế hoạch này để thưởng cho phạm nhân trực tiếp lao động, cán bộ trực tiếp quản lý và bổ sung một phần vào quỹ phúc lợi của trại. Phạm nhân được sử dụng số tiền thưởng này để ăn thêm, mua các vật dụng sinh hoạt, giúp đỡ gia đình hoặc gửi lưu ký tại trại và nhận lại khi ra trại.

3. Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc quản lý, sử dụng kết quả lao động của phạm nhân.

Điều 24.

1. Phạm nhân được học văn hoá để xoá mù chữ, phạm nhân là người chưa thành niên được phổ cập tiểu học.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể của trại giam. Giám thị sắp xếp thời gian học văn hoá cho phạm nhân là đối tượng xoá mù chữ và người chưa thành niên, mỗi tuần học 3 buổi, mỗi buổi học 4 giờ trong thời gian làm việc.

2. Tất cả phạm nhân đều được nghe phổ biến thời sự, chính sách, được học các chương trình giáo dục công dân vào thời gian thích hợp (mỗi tuần học 2 buổi, mỗi buổi học 2 giờ).

3. Phạm nhân được học nghề phù hợp với điều kiện cụ thể của trại giam. Việc dạy nghề với người chưa thành niên là bắt buộc.

4. Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội quy định chương trình đào tạo, bố trí giáo viên và các khoản chi phí cho việc dạy văn hoá và dạy nghề cho phạm nhân.

Điều 25.- Trong từng nhà giam có thể tổ chức ban tự quản của phạm nhân. Ban tự quản do Hội nghị hàng năm của phạm nhân bầu và được Giám thị ra quyết định công nhận.

Ban tự quản hỗ trợ Giám thị trại giam trong việc giữ gìn trật tự, vệ sinh, nội quy, nếp sống văn hoá trong trại giam và trong từng nhà giam. Đề đạt kiến nghị, yêu cầu, nguyện vọng của phạm nhân với Ban Giám thị và phải chịu sự theo dõi giám sát của Giám thị trại giam.

 

CHƯƠNG V

CHẾ ĐỘ THĂM GẶP, NHẬN, GỬI THƯ, QUÀ, KHIẾU TỐ

Điều 26.

1. Phạm nhân được gặp thân nhân 1 tháng 1 lần (trừ trường hợp đang bị thi hành kỷ luật), tại nhà tiếp đón của trại giam và phải chấp hàn đúng những quy định về thăm gặp.

Mỗi lần gặp thân nhân không quá một giờ, trừ những lần Giám thị đồng ý thì có thể được gặp lâu hơn, nhưng cũng không quá 3 giờ.

Phạm nhân ở trại loại 2, loại 3 có nhiều cố gắng trong lao động, nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy chế, nội quy của trại giam được gặp gỡ thân nhân (là vợ hoặc chồng) từ 24 giờ đến 48 giờ. Đối với phạm nhân thuộc trại loại 1, nếu có thành tích đặc biệt cũng được Giám thị trại xét cho phép gặp thân nhân (là vợ hoặc chồng) đến 24 giờ.

2. Khi gặp gỡ thân nhân, phạm nhân được nhận quà, thư và tiền. Riêng tiền mặt, phạm nhân phải nộp vào bộ phận lưu ký của trại và sử dụng theo quy định tại Điều 12 Quy chế này. Đối với phạm nhân được gặp gỡ thân nhân từ 24 giờ trở lên thì được ở lại buồng riêng trong phạm vi nhà tiếp đón của trại.

3. Thân nhân của phạm nhân đến thăm phạm nhân phải có đơn xin thăm (có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc đơn vị cư trú hoặc công tác).

Điều 27.- Phạm nhân ở các trại loại 2, loại 3 được gửi mỗi tháng 2 lá thư, phạm nhân ở trại loại 1 mỗi tháng được gửi 1 lá thư; các thư gửi và nhận đều phải qua kiểm duyệt.

Phạm nhân ở trại loại 2, loại 3 mỗi tháng được nhận 1 gói quà (không quá 7 kg). Phạm nhân ở trại loại 1 mỗi tháng được nhận 1 gói quà (không quá 5 kg). Trước khi phạm nhân nhận quà, cán bộ trại giam phải kiểm tra.

Điều 28.- Đơn, thư khiếu nại, tố cáo của phạm nhân phải gửi đến các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án, cơ quan cấp trên của trại giam.

Các cơ quan, đơn vị khi nhận được đơn, thư khiếu nại, tố cáo của phạm nhân phải xác minh, làm rõ sự việc và trả lời cho phạm nhân theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

 

CHƯƠNG VI

THỦ TỤC TIẾP NHẬN PHẠM NHÂN ĐẦU THÚ, GIẢM THỜI HẠN

TẠM ĐÌNH CHỈ THI HÀNH HÌNH PHẠT TÙ

Điều 29.

1. Đối với phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam đã bỏ trốn nay đến đầu thú thì Giám thị trại giam sau khi kiểm tra căn cước, đặc điểm của họ, tiếp nhận họ vào trại giam, lập biên bản về việc họ đến đầu thú, sau đó báo cho cơ quan điều tra hữu quan biết. Phạm nhân phải tiếp tục chấp hành án chờ quyết định của cơ quan điều tra.

2. Đối với phạm nhân chấp hành án tại một trại giam đã bỏ trốn nay đến đầu thú tại một trại giam khác, sau khi lập biên bản về việc đầu thú, Giám thị trại giam phải báo ngay cho cơ quan điều tra hữu quan và trại giam nơi phạm nhân bỏ trốn để nhận họ về trại cho tiếp tục thi hành án và chờ quyết định của cơ quan điều tra.

Điều 30.- Khi phạm nhân có đủ điều kiện để được tạm đình chỉ hoặc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, Giám thị trại giam có trách nhiệm làm các thủ tục đề nghị tạm đình chỉ hoặc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho họ.

Việc xét đề nghị tạm đình chỉ hoặc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù được tiến hành thường xuyên hoặc đột xuất đối với mỗi phạm nhân, nếu họ có đủ điều kiện.

 

CHƯƠNG VII

CHẾ ĐỘ KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT ĐỐI VỚI PHẠM NHÂN

Điều 31.- Trong thời gian chấp hành án phạt tù nếu phạm nhân thực sự ăn năn hối lỗi, chấp hành tốt nội quy, quy chế trại giam, lao động vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch, lập công... Giám thị trại giam xét và quyết định khen thưởng theo các hình thức sau:

Biểu dương;

Thưởng tiền hoặc hiện vật;

Tăng số lần và thời gian gặp gỡ thân nhân, tăng số lần và số lượng quà được nhận;

Được đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật;

Các quyết định khen thưởng phải bằng văn bản lưu vào hồ sơ của phạm nhân.

Điều 32.

1. Trong thời gian ở trại, nếu phạm nhân vi phạm quy chế, nội quy trại giam, lao động chây lười, Giám thị trại giam xét và quyết định kỷ luật các hình thức sau:

Cảnh cáo;

Hạn chế số lần và lượng quà, thư được nhận, hạn chế số lần và thời gian gặp thân nhân;

Bị giam tại buồng kỷ luật đến 7 ngày và có thể bị gia hạn đến 15 ngày. Phạm nhân bị giam tại buồng kỷ luật phải lao động trong khu vực rào vây do Giám thị quy định. Trong thời gian này nếu phạm nhân có tiến bộ sẽ được Giám thị quyết định giảm thời gian phạt giam tại buồng kỷ luật;

Nếu họ vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì đề nghị truy tố.

2. Phạm nhân phải bồi thường nếu họ làm hư hỏng, mất mát tài sản của trại giam hoặc của phạm nhân khác.

3. Các quyết định kỷ luật phải bằng văn bản lưu vào hồ sơ của phạm nhân.

Điều 33.- Buồng kỷ luật phải được xây dựng kiên cố. Trong thời gian bị kỷ luật phạm nhân có thể bị cùm (trừ phạm nhân là nữ hoặc là người chưa thành niên).

 

CHƯƠNG VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 34.- Phạm nhân là người nước ngoài được giam ở khu vực riêng trong trại giam.

Các tiêu chuẩn về ăn, mặc, ở, chế độ lao động, học tập, nhận gửi thư, gửi quà, việc khiếu nại, tố cáo, việc xét giảm, tạm đình chỉ thi hành án, khen thưởng, kỷ luật đối với phạm nhân là người nước ngoài đều thực hiện theo các quy định của Pháp lệnh Thi hành án phạt tù và Quy chế này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết và tham gia có quy định khác.

Điều 35.- Việc xây dựng, sửa chữa trại giam, bố trí trang thiết bị cần thiết cho việc giam giữ, lao động, học tập của phạm nhân do ngân sách Nhà nước cấp riêng theo đề nghị của Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.