• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 22/07/1992
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 264-CT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 22 tháng 7 năm 1992

QUYẾT ĐỊNHCỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Về chính sách khuyến khích đầu tư phát triển rừng.

 

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;

Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ban hành ngày 19 tháng 8 năm 1991;

Căn cứ nghị định số 385/HĐBT ngày 7 tháng 11 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng và điều lệ quản lý xây dựng cơ bản ban hành kèm theo;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp và ý kiến của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.- Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát huy tiềm năng lao động đất đai, vật tư, tiền vốn... vào việc bảo vệ và phát triển rừng.

Căn cứ vào quỹ đất để trồng rừng, quy hoạch và kế hoạch chung về trông rừng, mục đích trồng rừng, đặc điểm của từng loại cây trồng, và khả năng của chủ rừng (tổ chức, cá nhân), cấp có thẩm quyền của Nhà nước giao đất cho chủ rừng để trồng rừng và cấp vốn từ ngân sách hoặc cho vay vốn tín dụng trong nước và tạo điều kiện cho họ vay vốn hoặc hợp tác kinh doanh với nước ngoài.

Điều 2.- Chủ rừng được vay vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước trong chu kỳ sản xuất đầu, với lãi suất ưu đãi bằng 30- 50% lãi suất bình thường (tùy theo loài cây và đặc điểm sinh thái từng vùng) đối với đất trồng rừng để trồng các loài cây có chu kỳ sản xuất dưới 20 năm được quy hoạch để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp giấy gỗ chống lò, ván dăm, nhựa thông, ván nhân tạo... Sau chu kỳ khai thác đầu, chủ rừng phải hoàn trả ngân hàng cả vốn và lãi, không tính lãi gộp. Từ chu kỳ sản xuất thứ hai trở đi, chủ rừng sử dụng một phần lợi nhuận thu được của chu kỳ đầu để đầu tư tiếp tục, nếu thiếu vốn thì được vay vốn ngân hàng với lãi suất bình thường có ưu đãi áp dụng cho miền núi, hải đảo.

Các doanh nghiệp Nhà nước đã được đầu tư bằng vốn ngân sách để trồng rừng sản xuất gỗ nguyên liệu giấy, gỗ chống lò nếu cần thiết phải đầu tư tiếp để chăm sóc, bảo vệ, sẽ được vay vốn tín dụng đầu tư như quy định đối với chu kỳ đầu đã nói ở trên và phải hoàn trả vốn và lãi ngay sau khi khai thác sản phẩm.

Điều 3.- Nhà nước đầu tư vốn ngân sách theo luận chứng kinh tế - kỹ thuật được cấp có thẩm quyền duyệt (bao gồm cả vốn viện trợ của nước ngoài và của các tổ chức quốc tế) cho các công trình bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng (trừ những hạng mục thuộc công trình du lịch), rừng phòng hộ thuộc vùng xung yếu, rừng giống quốc gia và rừng sản xuất gỗ lớn, gỗ quý có chu kỳ sản xuất trên 20 năm do đơn vị kinh tế lâm nghiệp quốc doanh quản lý.

- Vốn viện trợ của nước ngoài và của các tổ chức quốc tế là nguồn vốn ngân sách Nhà nước, được thực hiện theo sự cam kết của Chính phủ Việt Nam với nước ngoài và các tổ chức quốc tế theo quy chế về quản lý và vay vốn nước ngoài.

- Đối với rừng sản xuất gỗ lớn, gỗ quý được đầu tư bằng vốn ngân sách, ngay sau khi khai thác sản phẩm, chủ rừng phải hoàn trả vốn cho Nhà nước đã đầu tư nộp thuế theo quy định của luật thuế.

- Nhà nước hỗ trợ cây giống cho chủ rừng trồng rừng, trồng cây đặc sản... ở những vùng có nhiều khó khăn (vùng cao, vùng đồi núi trọc), các hộ gia đình cư trú ở vùng đầu nguồn xung yếu lập vườn rừng.

- Nếu có nhu cầu vay vốn tín dụng đầu tư, chủ rừng ở những vùng phát triển kinh tế lâm nông kết hợp, sử dụng đất lâm nghiệp để trồng cây công nghiệp trên đất dốc kết hợp với chống xói mòn đất đai, được hưởng lãi suất ưu đãi áp dụng cho miền núi, hải đảo.

- Ngoài chính sách hiện hành của Nhà nước, những hộ gia đình tham gia trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất ở những vùng định canh định cư, còn được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn không lấy lãi.

Điều 4. - Chủ rừng được hưởng toàn bộ sản phẩm thực vật rừng, động vật rừng theo Luật bảo vệ và phát triển rừng, được miễn thuế sử dụng đất trong chu kỳ sản xuất đầu đối với các trường hợp:

- Chủ rừng dùng vốn tự có để trồng rừng;

- Chủ rừng đã hoàn trả các khoản nợ (cả gốc và lãi) trong và ngoài nước.

Điều 5.- Bộ Lâm nghiệp có trách nhiệm xác định danh mục các loài cây rừng thuộc đối tượng đầu tư quy định tại Điều 2, Điều 3 của Quyết định này để làm căn cứ đầu tư. Bộ Lâm nghiệp chủ trì, cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 6.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành, các quy định trước đây trái với Quyết định đều bãi bỏ.

Điều 7.- Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.