• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 04/01/1992
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2006
QUỐC HỘI
Số: 64-LTC/HĐNN8
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 26 tháng 12 năm 1991

 

LUẬT

THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU

Để quản lý các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại; nâng cao hiệu quả của hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; góp phần phát triển và bảo vệ sản xuất, hướng dẫn tiêu dùng trong nước và góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước;

Căn cứ vào Điều 83 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Luật này quy định về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

 

CHƯƠNG I

ĐỐI TƯỢNG CHỊU THUẾ VÀ ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ

Điều 1

Hàng hoá được phép xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam, kể cả hàng hoá từ thị trường trong nước đưa vào khu chế xuất và từ khu chế xuất đưa ra thị trường trong nước, đều là đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Điều 2

Hàng hoá trong các trường hợp sau đây không thuộc diện chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, sau khi làm đầy đủ thủ tục hải quan:

1- Hàng vận chuyển quá cảnh hoặc mượn đường qua biên giới Việt Nam;

2- Hàng chuyển khẩu;

3- Hàng viện trợ nhân đạo.

Điều 3

Tổ chức, cá nhân có hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế (dưới đây gọi chung là đối tượng nộp thuế), khi xuất khẩu, nhập khẩu đều phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Điều 4

Hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thì thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thực hiện theo điều ước quốc tế.

Điều 5

Căn cứ Luật này, Hội đồng bộ trưởng quy định thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tiểu ngạch phù hợp với quy chế về xuất khẩu, nhập khẩu tiểu ngạch biên giới và đặc điểm của từng khu vực biên giới.

 

CHƯƠNG II

CĂN CỨ TÍNH THUẾ

Điều 6

Căn cứ tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:

1- Số lượng từng mặt hàng ghi trong tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu;

2- Giá tính thuế;

3- Thuế suất của mặt hàng.

Điều 7

Cơ sở định giá tính thuế:

1- Đối với hàng xuất khẩu, là giá bán tại cửa khẩu xuất, theo hợp đồng;

2- Đối với hàng nhập khẩu, là giá mua tại cửa khẩu nhập, kể cả phí vận tải, phí bảo hiểm, theo hợp đồng.

Trong trường hợp hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo phương thức khác hoặc giá ghi trên hợp đồng quá thấp so với giá mua, bán thực tế tại cửa khẩu thì giá tính thuế là giá do Hội đồng bộ trưởng quy định;

3- Tỷ giá giữa đồng Việt Nam với tiền nước ngoài dùng để xác định giá tính thuế là tỷ giá mua vào do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm tính thuế.

CHƯƠNG III

BIỂU THUẾ

Điều 8

Căn cứ vào chính sách xuất khẩu, nhập khẩu trong từng thời kỳ, Hội đồng Nhà nước quy định Biểu thuế theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất đối với từng nhóm hàng.

Căn cứ vào Biểu thuế do Hội đồng Nhà nước ban hành, Hội đồng bộ trưởng quy định Biểu thuế cụ thể theo danh mục mặt hàng và thuế suất đối với từng mặt hàng.

Điều 9

Thuế suất đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu gồm thuế suất thông thường và thuế suất ưu đãi:

1- Thuế suất thông thường là thuế suất được quy định tại Biểu thuế;

2- Thuế suất ưu đãi là thuế suất áp dụng đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu với các nước có ký kết điều khoản ưu đãi trong quan hệ buôn bán với Việt Nam và những trường hợp khác do Hội đồng bộ trưởng quyết định.

Thuế suất ưu đãi được quy định thấp hơn, nhưng không quá 50% so với thuế suất thông thường của từng mặt hàng. Hội đồng bộ trưởng quyết định mức thuế suất ưu đãi cụ thể của từng mặt hàng với từng nước.

CHƯƠNG IV

MIỄN THUẾ, GIẢM THUẾ, HOÀN LẠI THUẾ

Điều 10

Được miễn thuế trong các trường hợp:

1- Hàng viện trợ không hoàn lại;

2- Hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để dự hội chợ triển lãm;

3- Hàng là tài sản di chuyển, hàng của công dân Việt Nam đi hợp tác lao động, hợp tác chuyên gia, công tác và học tập ở nước ngoài mang theo hoặc gửi về nước trong mức quy định của Hội đồng bộ trưởng;

4- Hàng xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng tiêu chuẩn miễn trừ do Hội đồng bộ trưởng quy định phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia;

5- Hàng xuất khẩu để trả nợ nước ngoài của Chính phủ.

Điều 11

Được xét miễn thuế trong các trường hợp:

1- Hàng nhập khẩu chuyên dùng cho an ninh, quốc phòng, nghiên cứu khoa học và giáo dục, đào tạo;

2- Hàng là vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để gia công cho nước ngoài rồi xuất khẩu, theo hợp đồng đã ký kết;

3- Hàng xuất khẩu, nhập khẩu của xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và của bên nước ngoài hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh trong các trường hợp cần khuyến khích đầu tư theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

4- Hàng là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tổ chức, cá nhân của Việt Nam và ngược lại, trong mức quy định của Hội đồng bộ trưởng.

Điều 12

Được xét giảm thuế trong các trường hợp hàng hoá trong quá trình vận chuyển, bốc xếp bị hư hỏng hoặc bị mất mát có lý do xác đáng được cơ quan giám định Nhà nước về hàng xuất khẩu, nhập khẩu chứng nhận.

Mức giảm thuế được xét tương ứng với tỷ lệ tổn thất của hàng hoá.

Điều 13

Hàng hoá được miễn thuế, xét miễn thuế, xét giảm thuế quy định tại các Điều 10, 11 và 12 của Luật này, nhưng sau đó lý do miễn, giảm có thay đổi, thì phải thu đủ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Hội đồng bộ trưởng quy định thẩm quyền, thủ tục miễn thuế, xét miễn thuế, xét giảm thuế, thu đủ thuế ghi tại các Điều 10, 11, 12, và 13 của Luật này.

Điều 14

Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được xét hoàn lại cho các đối tượng nộp thuế trong các trường hợp sau đây:

1- Hàng nhập khẩu đã nộp thuế mà còn lưu kho, lưu bãi ở cửa khẩu, nhưng được phép tái xuất;

2- Hàng đã nộp thuế xuất khẩu, nhưng không xuất khẩu nữa;

3- Hàng đã nộp thuế theo tờ khai, nhưng thực tế xuất khẩu hoặc thực tế nhập khẩu ít hơn;

4- Hàng là vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu;

5- Hàng tạm nhập để tái xuất khẩu, hàng tạm xuất để tái nhập khẩu, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

CHƯƠNG V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 15

Hội đồng bộ trưởng thống nhất quản lý công tác thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong cả nước.

Tổng cục Hải quan có trách nhiệm tổ chức thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới có trách nhiệm phối hợp với cơ quan hải quan và cơ quan thuế tổ chức thu thuế đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu tiểu ngạch biên giới theo quy định của Hội đồng bộ trưởng.

Điều 16

Tổ chức, cá nhân mỗi lần có hàng hoá được phép xuất khẩu, nhập khẩu phải lập tờ khai và nộp thuế.

Cơ quan thu thuế có trách nhiệm kiểm tra, làm thủ tục và thu thuế.

Điều 17

1- Thời điểm tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là ngày đăng ký tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu;

2- Trong thời hạn 8 giờ, kể từ khi đăng ký tờ khai hàng xuất khẩu, nhập khẩu, cơ quan thu thuế thông báo chính thức cho đối tượng nộp thuế số thuế phải nộp;

3- Thời hạn đối tượng nộp thuế phải nộp xong thuế quy định như sau:

a) Mười lăm ngày, kể từ ngày đối tượng nộp thuế nhận được thông báo chính thức số thuế phải nộp của cơ quan thu thuế, đối với hàng xuất khẩu mậu dịch;

b) Ba mươi ngày, kể từ ngày đối tượng nộp thuế nhận được thông báo chính thức số thuế phải nộp của cơ quan thu thuế, đối với hàng nhập khẩu mậu dịch;

c) Nộp ngay khi xuất khẩu hàng ra nước ngoài hoặc nhập khẩu hàng vào Việt Nam, đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch và tiểu ngạch biên giới.

Điều 18

Trong trường hợp đối tượng nộp thuế không đồng ý với số thuế đã được thông báo chính thức, thì vẫn phải nộp đủ số thuế đó, đồng thời có quyền khiếu nại lên cơ quan thu thuế trung ương giải quyết; nếu vẫn không đồng ý thì khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ tài chính. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính là quyết định cuối cùng.

Điều 19

1- Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin hoàn thuế của đối tượng nộp thuế có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Điều 14 của Luật này, Bộ tài chính phải hoàn xong số thuế được hoàn cho đối tượng nộp thuế đó.

2- Quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, ngoài số tiền thuế phải hoàn lại, Bộ tài chính phải trả cho đối tượng được hoàn thuế tiền lãi theo mức lãi suất tiền gửi ngân hàng tại thời điểm hoàn thuế, kể từ ngày chậm hoàn thuế.

CHƯƠNG VI

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 20

1- Quá thời hạn nộp thuế quy định tại Điều 17 của Luật này, thì mỗi ngày chậm nộp, đối tượng nộp thuế bị phạt 5 phần nghìn (0,5%) số thuế nộp chậm.

2- Trong trường hợp đối tượng nộp thuế chậm nộp thuế quá chín mươi ngày, thì cơ quan hải quan không được làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu cho chuyến hàng tiếp theo của đối tượng nộp thuế và Bộ thương mại và du lịch không được cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá cho đến khi đối tượng đó nộp đủ thuế.

3- Đối tượng nộp thuế có hành vi gian lậu trong việc nộp thuế, thì bị phạt tiền từ 2 đến 5 lần số thuế gian lậu.

Cơ quan thu thuế được quyền áp dụng các biện pháp xử phạt theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 của Điều này.

4- Cá nhân trốn thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử lý hành chính theo khoản 3 Điều này mà còn vi phạm hoặc trốn thuế với số lượng rất lớn hoặc phạm tội trong các trường hợp nghiêm trọng khác, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật hình sự.

Điều 21

Trong trường hợp đối tượng nộp thuế không đồng ý với quyết định xử phạt của cơ quan thu thuế, thì vẫn phải chấp hành biện pháp xử phạt đó, đồng thời có quyền khiếu nại lên cơ quan thu thuế trung ương; nếu vẫn không đồng ý thì khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ tài chính.

Quyết định của Bộ trưởng Bộ tài chính là quyết định cuối cùng.

 

Điều 22

Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm dụng, tham ô tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thì phải bồi thường cho Nhà nước toàn bộ số thuế đã chiếm dụng, tham ô, và tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn bao che cho người vi phạm hoặc cố ý làm trái quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc thi hành Luật này, thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Cán bộ thuế, do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố tình xử lý sai, gây thiệt hại cho người nộp thuế hoặc người bị xử lý, thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

 

CHƯƠNG VII

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 23

Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3 năm 1992.

Điều 24

Luật này thay thế Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch ngày 29-12-1987 và bãi bỏ Điều 32 của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt ngày 30-6-1990.

Điều 25

Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Luật này.

 

-------------------------------

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 26 tháng 12 năm 1991.

 

 

 

 

Chủ tịch Quốc hội

(Đã ký)

 

Lê Quang Đạo

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.