• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 18/12/2016
  • Ngày hết hiệu lực: 27/01/2022
HĐND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Số: 11/2016/NQ-HĐND.
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 8 tháng 12 năm 2016

NGHỊ QUYẾT

Về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phân chia ngân sách

giữa các cấp chính quyền địa phương giai đoạn 2017 - 2020

______________________

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 3

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 91/2016/TT-BTC ngày 24 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2017;

Xét Tờ trình số 7445/TTr-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phân chia ngân sách giữa các cấp chính quyền địa phương giai đoạn 2017 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành và thông qua các nội dung về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phân chia ngân sách giữa các cấp chính quyền địa phương giai đoạn 2017 - 2020 với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Nguồn thu ngân sách tỉnh

1.1. Các khoản thu ngân sách tỉnh hưởng 100%:

a) Các khoản thu ngân sách từ các doanh nghiệp trong nước có vốn nhà nước thuộc Trung ương và tỉnh quản lý (bao gồm doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước), doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài, các đơn vị sự nghiệp công lập do Trung ương và tỉnh quản lý có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ;

b) Thu từ các doanh nghiệp ngoài các doanh nghiệp ở Điểm a nêu trên; các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lĩnh vực thủy điện và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có số thu thực nộp ngân sách nhà nước (NSNN) bình quân trong hai năm liên tiếp trên 10 tỷ đồng. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh quy định danh mục chi tiết đối với các doanh nghiệp này để triển khai thực hiện;

c) Các khoản thu phí, lệ phí do các đơn vị cấp tỉnh thu phần nộp vào ngân sách cấp tỉnh theo quy định của pháp luật (không kể lệ phí trước bạ);

d) Tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất từ các khu đất do các cơ quan cấp tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức việc chuyển quyền sử dụng đất, các khu nhà, đất do các đơn vị cấp tỉnh trực tiếp quản lý;

đ) Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết;

e) Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;

g) Các khoản thu khác (bao gồm thu sự nghiệp, viện trợ, đóng góp, tiền phạt, tịch thu, thanh lý, đền bù, kết dư, chuyển nguồn và các khoản thu khác) nộp vào ngân sách tỉnh theo quy định của pháp luật.

1.2. Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ giữa ngân sách tỉnh với ngân sách huyện:

Các khoản thu ngân sách từ công ty cổ phần không có vốn nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp doanh (trừ các doanh nghiệp đã nêu tại tiết b điểm 1.1 khoản 1 Điều 1 nêu trên) phân chia như sau:

- Ngân sách tỉnh hưởng 40%, ngân sách thành phố Huế hưởng 60% đối với số thu phát sinh trên địa bàn thành phố Huế;

- Ngân sách tỉnh hưởng 30%, ngân sách huyện hưởng 70% đối với số thu phát sinh trên địa bàn thị xã Hương Trà, Hương Thủy, các huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc;

- Ngân sách huyện hưởng 100 % đối với số thu phát sinh trên địa bàn các huyện Quảng Điền, Nam Đông, A Lưới.

Trường hợp đặc biệt, trong thời kỳ ổn định ngân sách có phát sinh số nộp ngân sách đột biến làm ngân sách huyện tăng thu lớn, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phương án xử lý theo đúng quy định tại khoản 7 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

2. Nguồn thu ngân sách huyện, xã

2.1. Các khoản thu ngân sách huyện hưởng 100%:

a) Các khoản thu ngân sách từ doanh nghiệp tư nhân;

b) Thuế thu nhập cá nhân (trừ thuế thu nhập cá nhân của hộ sản xuất kinh doanh cá thể);

c) Các khoản thu phí, lệ phí, lệ phí trước bạ (không kể lệ phí trước bạ nhà, đất) nộp vào ngân sách huyện theo quy định của pháp luật;

d) Các khoản thu khác (bao gồm thu sự nghiệp, viện trợ, đóng góp, tiền phạt, thanh lý, đền bù, kết dư, chuyển nguồn và các khoản thu khác…) nộp vào ngân sách huyện theo quy định của pháp luật.

2.2. Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ giữa ngân sách tỉnh với ngân sách huyện: Theo quy định tại điểm 1.2 khoản 1 Điều này.

2.3. Các khoản thu ngân sách xã hưởng 100%:

a) Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp;

b) Các khoản phí, lệ phí, lệ phí trước bạ nhà, đất (đối với xã, thị trấn) phần thu nộp ngân sách xã theo quy định của pháp luật, trừ các khoản thu phí (bao gồm lệ phí môn bài), thu khác tại chợ đối với các chợ An Cựu thuộc phường Phú Hội, chợ Đông Ba thuộc phường Phú Hòa được phân chia ngân sách thành phố Huế hưởng 100%; chợ Tây Lộc thuộc phường Tây Lộc phân chia ngân sách thành phố Huế hưởng 50%, ngân sách phường hưởng 50%;

c) Các khoản thu khác (bao gồm thu sự nghiệp, hoa lợi công sản, viện trợ, đóng góp, tiền phạt, thanh lý, đền bù, kết dư, chuyển nguồn và các khoản thu khác) nộp vào ngân sách cấp xã theo quy định của pháp luật;

2.4. Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ giữa ngân sách huyện với ngân sách xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) đối với: thu từ hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể (kể cả hộ cá thể ở chợ); tiền sử dụng đất và tiền thuê đất do huyện, xã quản lý; thu phí, thu khác tại chợ thuộc huyện, xã quản lý được phân chia tỷ lệ theo Phụ lục đính kèm.

3. Chi ngân sách tỉnh

3.1. Chi đầu tư phát triển:

a) Đầu tư cho các dự án do tỉnh quản lý theo các lĩnh vực được quy định tại khoản 3.2 Điều này;

b) Đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của địa phương theo quy định của pháp luật;

c) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

3.2. Chi thường xuyên:

a) Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề;

b) Sự nghiệp khoa học và công nghệ;

c) Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội do tỉnh quản lý;

d) Sự nghiệp y tế, dân số và gia đình;

đ) Sự nghiệp văn hóa thông tin;

e) Sự nghiệp phát thanh, truyền hình;

g) Sự nghiệp thể dục thể thao;

h) Sự nghiệp bảo vệ môi trường;

i) Các hoạt động kinh tế;

k) Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định của pháp luật;

l) Chi bảo đảm xã hội, bao gồm cả chi thực hiện các chính sách xã hội theo quy định của pháp luật;

m) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

3.3. Chi trả nợ lãi các khoản do tỉnh vay.

3.4. Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính tỉnh.

3.5. Chi chuyển nguồn sang năm sau của ngân sách tỉnh.

3.6. Chi bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới.

3.7. Chi hỗ trợ thực hiện một số nhiệm vụ quy định tại các điểm a, b và c khoản 9 Điều 9 của Luật Ngân sách nhà nước.

4. Chi ngân sách huyện

4.1. Chi đầu tư phát triển:

a) Đầu tư cho các dự án do cấp huyện quản lý theo các lĩnh vực được quy định tại khoản 4.2 Điều này;

b) Đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của địa phương theo quy định của pháp luật;

c) Chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất phân chia cho ngân sách huyện, xã hưởng: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm cân đối, điều hòa nguồn thu tiền sử dụng đất giữa các xã để tập trung nguồn lực đầu tư cho một số xã có khả năng hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 đảm bảo ngân sách xã được hưởng mức tối thiểu 80% số thu tiền sử dụng đất trên địa bàn xã (không bao gồm phường, thị trấn) để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới quy định tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

d) Phân cấp cấp vốn xây dựng cơ bản tập trung cho ngân sách thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà trong cân đối ngân sách cấp huyện để thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng các trường phổ thông công lập các cấp, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, giao thông đô thị, vệ sinh đô thị và các công trình phúc lợi công cộng khác theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

đ) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

4.2. Chi thường xuyên

a) Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề;

b) Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội do huyện quản lý;

c) Sự nghiệp y tế, dân số và gia đình;

d) Sự nghiệp văn hóa thông tin;

đ) Sự nghiệp phát thanh, truyền hình;

e) Sự nghiệp thể dục thể thao;

g) Sự nghiệp bảo vệ môi trường;

h) Các hoạt động kinh tế;

i) Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định của pháp luật;

k) Chi bảo đảm xã hội, bao gồm cả chi thực hiện các chính sách xã hội theo quy định của pháp luật;

l) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

4.3. Chi chuyển nguồn sang năm sau của ngân sách cấp huyện.

4.4. Chi bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới.

4.5. Chi hỗ trợ thực hiện một số nhiệm vụ quy định tại các điểm a, b và c khoản 9 Điều 9 của Luật Ngân sách nhà nước.

5. Chi ngân sách xã

5.1. Chi đầu tư phát triển:

a) Đầu tư cho các dự án do cấp xã quản lý theo các lĩnh vực được quy định tại khoản 5.2 Điều này;

b) Đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của địa phương theo quy định của pháp luật;

c) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

5.2. Chi thường xuyên:

a) Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề;

b) Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội do xã quản lý;

c) Sự nghiệp y tế, dân số và gia đình;

d) Sự nghiệp văn hóa thông tin;

đ) Sự nghiệp phát thanh, truyền hình;

e) Sự nghiệp thể dục thể thao;

g) Sự nghiệp bảo vệ môi trường;

h) Các hoạt động kinh tế;

i) Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định của pháp luật;

k) Chi bảo đảm xã hội, bao gồm cả chi thực hiện các chính sách xã hội theo quy định của pháp luật;

l) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

5.3. Chi chuyển nguồn sang năm sau của ngân sách cấp xã.

5.4. Chi hỗ trợ thực hiện một số nhiệm vụ quy định tại các điểm a, b và c khoản 9 Điều 9 của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 15e/2010/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phân chia giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương từ năm 2011 đến năm 2015.

2. Nghị quyết này áp dụng từ năm ngân sách 2017 và thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức, chỉ đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, các địa phương và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có những vấn đề lớn phát sinh, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh giải quyết và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và các  đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.

   Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII, kỳ họp lần thứ 3 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 18 tháng 12 năm 2016./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Trường Lưu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.