• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2018
CHÍNH PHỦ
Số: 67/2018/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 14 tháng 5 năm 2018

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi

 

 
  1/01/clip_image001.gif" width="156" />

 

 

 

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về phân loại, phân cấp công trình thủy lợi; năng lực của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi; thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động liên quan đến thủy lợi trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hệ thống công trình thủy lợi là hệ thống bao gồm các công trình thủy lợi có liên quan trực tiếp với nhau về mặt khai thác và bảo vệ trong một khu vực.

2. Hồ chứa nước là công trình được hình thành bởi đập dâng nước và các công trình có liên quan để tích trữ nước có nhiệm vụ điều tiết dòng chảy, cắt, giảm lũ, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh, phát điện và cải thiện môi trường.

3. Đập là công trình được xây dựng để dâng nước hoặc cùng các công trình có liên quan tạo hồ chứa nước.

4. Bờ bao thủy lợi là công trình phân vùng, ngăn nước để bảo vệ cho một khu vực.

5. Xả nước thải với quy mô nhỏ và không chứa chất độc hại, chất phóng xạ là xả nước thải sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình; xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 5m3/ngày đêm và không chứa chất độc hại, chất phóng xạ.

 

Chương II

PHÂN LOẠI VÀ PHÂN CẤP CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

 

Điều 4. Phân loại công trình thủy lợi

Loại công trình thủy lợi quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Thủy lợi được phân loại cụ thể như sau:

1. Đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đập có chiều cao từ 100m trở lên hoặc đập của hồ chứa nước quy định tại điểm b, điểm c khoản này;

b) Hồ chứa nước có dung tích toàn bộ từ 1.000.000.000 m3 trở lên;

c) Hồ chứa nước có dung tích từ 500.000.000 m3 đến dưới 1.000.000.000 m3 mà vùng hạ du đập bị ảnh hưởng là thành phố, thị xã hoặc có công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia;

d) Danh mục đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Đập, hồ chứa nước lớn thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đập có chiều cao từ 15m đến dưới 100m hoặc đập của hồ chứa nước quy định tại điểm c khoản này;

b) Đập có chiều cao từ 10m đến dưới 15m và chiều dài đập từ 500m trở lên hoặc đập có chiều cao từ 10m đến dưới 15m và có lưu lượng tràn xả lũ thiết kế trên 2.000 m3/s; 

c) Hồ chứa nước có dung tích toàn bộ từ 3.000.000 m3 đến dưới 1.000.000.000 m3, trừ hồ chứa quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

3. Đập, hồ chứa nước vừa thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đập có chiều cao từ 10m đến dưới 15m hoặc đập của hồ chứa nước quy định tại điểm b khoản này, trừ đập quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Hồ chứa nước có dung tích toàn bộ từ 500.000 m3 đến dưới 3.000.000 m3.

4. Đập, hồ chứa nước nhỏ là đập có chiều cao dưới 10m hoặc hồ chứa nước có dung tích toàn bộ dưới 500.000 m3­.

5. Trạm bơm:

a) Trạm bơm lớn là trạm bơm có tổng lưu lượng từ 72.000 m3/h trở lên;

b) Trạm bơm vừa là trạm bơm có tổng lưu lượng từ 3.600 m3/h đến dưới 72.000m3/h hoặc trạm bơm nhỏ nhưng có công suất động cơ mỗi tổ máy từ 150 KW trở lên;

c) Trạm bơm nhỏ là trạm bơm có tổng lưu lượng dưới 3.600 m3/h.

6. Cống:

a) Cống lớn là cống có tổng chiều rộng thoát nước:

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long từ 30m trở lên;

Đối với vùng còn lại từ 20m trở lên.

b) Cống vừa là cống có tổng chiều rộng thoát nước:

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long từ 10m đến dưới 30m;

Đối với các vùng còn lại từ 5m đến dưới 20m.

c) Cống nhỏ là cống có tổng chiều rộng thoát nước:

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long dưới 10m;

Đối với các vùng còn lại dưới 5 m.

7. Hệ thống dẫn, chuyển nước:

a) Kênh, mương, rạch, tuynel, xi phông, cầu máng lớn là công trình có các thông số:

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long có lưu lượng từ 100 m3/s trở lên hoặc có chiều rộng đáy kênh từ 50m trở lên;

Đối với các vùng khác có lưu lượng từ 50 m3/s trở lên hoặc có chiều rộng đáy kênh từ 25m trở lên.

b) Kênh, mương, rạch, tuynel, xi phông, cầu máng vừa là công trình có thông số:

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long có lưu lượng từ 10m3/s đến dưới 100m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh từ 10m đến dưới 50m;

Đối với các vùng khác có lưu lượng từ 5 m3/s đến dưới 50 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh từ 5m đến dưới 25m.

c) Kênh, mương, rạch, tuynel, xi phông, cầu máng nhỏ là công trình có các thông số:

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long có lưu lượng dưới 10 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh dưới 10m;

Đối với các vùng khác có lưu lượng dưới 5 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh dưới 5m.

8. Đường ống:

a) Đường ống lớn là đường ống dẫn lưu lượng từ 3 m3/s trở lên hoặc có đường kính trong từ 1500mm trở lên;

b) Đường ống vừa là đường ống dẫn lưu lượng từ 0,25m3/s đến dưới 3 m3/s hoặc có đường kính trong từ 500mm đến dưới 1500mm;

c) Đường ống nhỏ là đường ống dẫn lưu lượng dưới 0,25 m3/s hoặc có đường kính trong dưới 500mm.

9. Bờ bao thủy lợi:

a) Bờ bao lớn là bờ bao bảo vệ cho khu vực có diện tích từ 10.000 ha trở lên;

b) Bờ bao vừa là bờ bao bảo vệ cho khu vực có diện tích từ 500 ha đến dưới 10.000 ha;

c) Bờ bao nhỏ là bờ bao bảo vệ cho khu vực có diện tích dưới 500 ha.

10. Hệ thống công trình thủy lợi:

a) Hệ thống công trình thủy lợi lớn là hệ thống có nhiệm vụ tưới cho diện tích đất canh tác hoặc tiêu, thoát nước cho diện tích tự nhiên từ 20.000 ha trở lên;

b) Hệ thống công trình thủy lợi vừa là hệ thống có nhiệm vụ tưới cho diện tích đất canh tác hoặc tiêu, thoát nước cho diện tích tự nhiên từ 2.000 ha đến dưới 20.000 ha;

c) Hệ thống công trình thủy lợi nhỏ là hệ thống có nhiệm vụ tưới cho diện tích đất canh tác hoặc tiêu, thoát cho diện tích tự nhiên dưới 2.000 ha.

11. Căn cứ quy mô, nhiệm vụ, tầm quan trọng, mức độ rủi ro vùng hạ du, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có đập, hồ chứa nước trên địa bàn, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung danh mục đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt.

Điều 5. Phân cấp công trình thủy lợi

Phân cấp công trình thủy lợi để thiết kế công trình và để quản lý các nội dung khác được quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy định của pháp luật có liên quan.

1. Cấp công trình thủy lợi được xác định theo nguyên tắc sau:

a) Xác định cấp công trình theo năng lực phục vụ, khả năng trữ nước của hồ chứa, đặc tính kỹ thuật và điều kiện địa chất nền của các công trình trong cụm đầu mối. Cấp công trình thủy lợi là cấp cao nhất trong số các cấp xác định theo từng tiêu chí trên;

b) Cấp của công trình đầu mối được xác địnhlà cấp của công trình thủy lợi. Cấp của hệ thống dẫn, chuyển nước nhỏ hơn hoặc bằng cấp công trình đầu mối và nhỏ dần theo sự thu hẹp phạm vi phục vụ. Cấp của hệ thống dẫn, chuyển nước cấp dưới nhỏ hơn 01 cấp so với cấp của hệ thống dẫn, chuyển nước cấp trên.

2. Cấp của công trình thủy lợi được quy định cụ thể tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

 

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ NĂNG LỰC CỦA TỔ CHỨC,

CÁ NHÂN KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

 

Điều 6. Yêu cầu chung đối với tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi

1. Doanh nghiệp phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2. Tổ chức thủy lợi cơ sở phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Có nội quy hoặc quy chế được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo quy định của Luật Hợp tác xã, Bộ luật Dân sự và các quy định khác có liên quan;

b) Có tổ chức bộ máy, người vận hành có chuyên môn đáp ứng theo quy định của Nghị định này, phù hợp yêu cầu kỹ thuật, quy mô công trình thủy lợi được giao khai thác.

3. Cá nhân khai thác công trình thủy lợi phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm về các công việc mình thực hiện;

b) Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của công trình thủy lợi mà cá nhân đó thực hiện khai thác.

4. Việc bố trí, sử dụng lao động, trang thiết bị phục vụ quản lý vận hành công trình thủy lợi nhỏ phải đảm bảo an toàn, hiệu quả và theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 7. Yêu cầu về các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ của doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi

1. Doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi phải có các bộ phận sau:

a) Bộ phận chuyên trách về quản lý công trình;

b) Bộ phận chuyên trách về quản lý nước;

c) Bộ phận chuyên trách về quản lý kinh tế.

2. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, đối với các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ khác, phải có đơn vị chuyên trách để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ đó.

3. Các bộ phận chuyên môn quy định tại khoản 1 Điều này, phải bố trí 70% số lượng cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành phù hợp trở lên.

Điều 8. Yêu cầu về năng lực tối thiểu đối với tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước

1. Đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt, phải có 07 kỹ sư có chuyên ngành thủy lợi, trong đó có ít nhất 02 người có thâm niên quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước từ 05 năm trở lên, có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập.

2. Đập, hồ chứa nước lớn:

a) Hồ chứa có dung tích trữ từ 50.000.000 m3 trở lên, phải có 05 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, trong đó có ít nhất 02 người có thâm niên quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước từ 05 năm trở lên, có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập;

b) Hồ chứa có dung tích trữ từ 10.000.000 m3 đến dưới 50.000.000 m3, phải có 03 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, trong đó có ít nhất 01 người có thâm niên quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước từ 05 năm trở lên, có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập;

c) Hồ chứa có dung tích trữ từ 3.000.000 m3 đến dưới 10.000.000 m3, phải có 02 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, trong đó 01 người có thâm niên quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước từ 03 năm trở lên, có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập.

3. Đập, hồ chứa nước vừa:

a) Hồ chứa có dung tích trữ từ 1.000.000 m3 đến dưới 3.000.000 m3, phải có 01 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, 01 cao đẳng chuyên ngành thủy lợi có thâm niên quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước từ 01 năm trở lên, có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập;

b) Hồ chứa có dung tích trữ từ 500.000 m3 đến dưới 1.000.000 m3, phải có 01 cao đẳng chuyên ngành thủy lợi, có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập.

4. Đập, hồ chứa nước nhỏ:

a) Hồ chứa có dung tích trữ từ 200.000 m3 đến dưới 500.000 m3, phải có  01 cán bộ có trình độ tối thiểu từ trung cấp thủy lợi trở lên, có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập;

b) Hồ chứa có dung tích trữ từ 50.000 m3 đến dưới 200.000 m3, phải có 01 cán bộ có trình độ từ trung học phổ thông hoặc công nhân bậc 2 trở lên, có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập.

5. Cửa van cống lấy nước, tràn xả lũ, công nhân vận hành phải có chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý cống, tràn do cơ quan chuyên môn, đơn vị đào tạo có chức năng tổ chức.

6. Tràn xả lũ của hồ chứa có cửa van vận hành bằng điện, trong thời gian vận hành xả lũ phải có công nhân chuyên ngành điện bậc 4 do tổ chức khai thác công trình thủy lợi quản lý tại khu vực công trình đầu mối.

Điều 9. Yêu cầu về năng lực tối thiểu đối với tổ chức, cá nhân khai thác trạm bơm điện cố định

1. Trạm bơm điện có loại máy bơm công suất từ 11.000 m3/h trở lên:

a) Trạm bơm có từ 09 máy trở lên, bố trí 03 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, 01 kỹ sư cơ điện, 10 trung cấp cơ điện hoặc thủy lợi có thâm niên quản lý, vận hành từ 05 năm trở lên;

b) Trạm bơm có từ 04 đến 09 máy, bố trí 01 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, 01 kỹ sư cơ điện, 06 trung cấp cơ điện hoặc chuyên ngành thủy lợi có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở lên;

c) Trạm bơm có từ 03 máy trở xuống, bố trí 01 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện, 03 trung cấp cơ điện hoặc chuyên ngành thủy lợi có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở lên.

2. Trạm bơm điện có loại máy bơm công suất từ 8.000 m3/h đến dưới 11.000 m3/h:

a) Trạm bơm có từ 09 máy trở lên, bố trí 01 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, 01 kỹ sư cơ điện, 07 trung cấp cơ điện hoặc chuyên ngành thủy lợi có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở lên.

Cứ tăng thêm 04 máy thì bố trí tăng thêm 01 cán bộ trung cấp; tăng thêm 05 máy thì bố trí tăng thêm 01 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi;

b) Trạm bơm có từ 04 đến 09 máy, bố trí 01 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện, 05 trung cấp cơ điện hoặc chuyên ngành thủy lợi có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở lên;

c) Trạm bơm có 3 máy trở xuống bố trí 01 cán bộ có trình độ cao đẳng chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện, 03 trung cấp cơ điện hoặc chuyên ngành thủy lợi có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở lên.

3. Trạm bơm điện có loại máy bơm công suất từ 4.000 m3/h đến dưới 8.000 m3/h:

a) Trạm bơm có từ 09 máy trở lên, bố trí 01 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện, 02 cán bộ có trình độ từ cao đẳng trở lên và 05 trung cấp cơ điện hoặc chuyên ngành thủy lợi có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở lên.

Cứ tăng thêm 05 máy thì bố trí tăng thêm 01 trung cấp cơ điện; tăng thêm 10 máy thì bố trí tăng thêm 01 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi hoặc kỹ sư cơ điện;

b) Trạm bơm có từ 04 đến 09 máy, bố trí 01 cao đẳng chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện trở lên, 03 trung cấp cơ điện hoặc thủy lợi, trong đó có ít nhất 01 trung cấp cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở lên;

c) Trạm bơm có từ 03 máy trở xuống, bố trí 02 trung cấp chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện, trong đó có ít nhất 01 trung cấp cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở lên.

4. Trạm bơm điện có loại máy bơm có công suất từ 1.000 m3/h đến dưới 4.000 m3/h.

a) Trạm bơm có từ 15 máy trở lên, bố trí 01 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi hoặc kỹ sư cơ điện; 03 cán bộ có trình độ trung cấp cơ điện hoặc chuyên ngành thủy lợi, trong đó có ít nhất 02 trung cấp cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở lên.

Cứ tăng thêm 5 máy thì bố trí tăng thêm 01 trung cấp cơ điện; tăng thêm 10 máy thì bố trí tăng thêm 01 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi hoặc kỹ sư cơ điện;

b) Trạm bơm có từ 10 đến 15 máy, bố trí 01 cao đẳng chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện trở lên, 02 cán bộ có trình độ từ trung cấp trở lên có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở lên;

c) Trạm bơm có từ 04 đến 10 máy, bố trí 02 trung cấp cơ điện hoặc thủy lợi, trong đó ít nhất 01 trung cấp cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở lên;

d) Trạm bơm có từ 03 máy bơm trở xuống, bố trí 01 trung cấp chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở lên.

5. Trạm bơm điện có loại máy bơm công suất từ 540 m3/h đến dưới 1.000 m3/h:

a) Trạm bơm có từ 02 đến 05 máy, bố trí 01 công nhân vận hành có trình độ trung học phổ thông và phải tham gia 01 lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở lên;

b) Trạm bơm có trên 05 máy, bố trí 01 công nhân vận hành bơm điện đã qua đào tạo công nhân kỹ thuật từ 03 đến 06 tháng. Đối với các trạm bơm có số lượng từ 07 máy bơm trở lên bố trí thêm 01 cán bộ trung cấp chuyên ngành thủy lợi hoặc cơ điện có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở lên.

Điều 10. Yêu cầu về năng lực tối thiểu đối với tổ chức, cá nhân khai thác cống đầu mối, hệ thống dẫn, chuyển nước

1. Đối với cống dưới đê sông cấp đặc biệt, cấp I, cấp II; các cống ngăn sông lớn vận hành bằng điện:

a) Cống dưới đê sông cấp đặc biệt, cấp I, cấp II; cống ngăn sông lớn vận hành bằng điện bố trí 01 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, 01 kỹ sư cơ điện; 01 cán bộ có trình độ trung cấp cơ điện tại công trình đầu mối có thâm niên quản lý, vận hành từ 03 năm trở lên;

b) Thực hiện theo quy định của pháp luật về đê điều.

2. Đối với cống khác có chiều rộng thoát nước từ 0,5 m trở lên; kênh, mương, rạch, tuynel, cầu máng có lưu lượng từ 0,3 m3/s trở lên hoặc chiều rộng đáy kênh từ 0,5m trở lên; đường ống có lưu lượng từ 0,02 m3/s trở lên hoặc đường kính ống từ 150mm trở lên, việc bố trí cán bộ, công nhân tùy thuộc quy mô và mục tiêu hoạt động của công trình để bố trí cán bộ, công nhân có chuyên môn phù hợp, tối thiểu phải tốt nghiệp trung học phổ thông và có chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Điều 11. Đào tạo về quản lý, khai thác công trình thủy lợi

1. Các cơ sở đào tạo có chức năng, nhiệm vụ, năng lực phù hợp được tổ chức các khóa đào tạo, đào tạo lại nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho các đối tượng làm công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, quản lý đập.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, ban hành khung kế hoạch và khung chương trình, tài liệu đào tạo quản lý, khai thác công trình thủy lợi làm cơ sở để các trường, cơ sở đào tạo và địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 12. Trách nhiệm tuân thủ yêu cầu năng lực trong khai thác công trình thủy lợi

1. Tổ chức, cá nhân tham gia khai thác công trình thủy lợi phải có năng lực phù hợp với quy mô, yêu cầu kỹ thuật của công trình theo quy định của Nghị định này; chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hậu quả, thiệt hại do việc không bảo đảm các yêu cầu về năng lực gây ra.

2. Định kỳ 05 năm, cá nhân trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình thủy lợi, quản lý vận hành đập, hồ chứa nước phải tham gia lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao năng lực quản lý, vận hành công trình thủy lợi, quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước.

3. Đối với các tổ chức được giao khai thác nhiều loại hình công trình đầu mối, số lượng cán bộ, công nhân khai thác công trình thủy lợi theo yêu cầu quy định về đảm bảo năng lực phải tăng lên tương ứng.

4. Ngoài việc đáp ứng yêu cầu năng lực quy định tại Nghị định này, tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có sản xuất, kinh doanh hoạt động khác phải bảo đảm yêu cầu năng lực đối với ngành nghề kinh doanh đó theo quy định của pháp luật có liên quan.

5. Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về thủy lợi kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về năng lực đối với các tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi quy định tại Nghị định này.

 

Chương IV

CẤP GIẤY PHÉP CHO CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG PHẠM VI

BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

 

Điều 13. Giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi

Giấy phép cấp cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, gồm:

1. Xây dựng công trình mới.

2. Lập bến, bãi tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện.

3. Khoan, đào khảo sát địa chất; thăm dò, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, khai thác nước dưới đất.

4. Xả nước thải vào công trình thủy lợi, trừ xả nước thải với quy mô nhỏ và không chứa chất độc hại, chất phóng xạ.

5. Trồng cây lâu năm.

6. Hoạt động du lịch, thể thao, nghiên cứu khoa học, kinh doanh, dịch vụ.

7. Hoạt động của phương tiện thủy nội địa, phương tiện cơ giới, trừ xe mô tô, xe gắn máy, phương tiện thủy nội địa thô sơ.

8. Nuôi trồng thủy sản.

9. Nổ mìn và các hoạt động gây nổ khác.

10. Xây dựng công trình ngầm.

Điều 14. Nguyên tắc cấp phép

1. Bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, bảo vệ chất lượng nước; bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Đúng thẩm quyền, đúng đối tượng và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

3. Phù hợp với quy hoạch thủy lợi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp chưa có quy hoạch thủy lợi được duyệt thì căn cứ vào thiết kế, nhiệm vụ của công trình thủy lợi và bảo đảm an toàn, vận hành công trình thủy lợi.

Điều 15. Căn cứ cấp phép

1. Việc cấp giấy phép đối với các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải căn cứ:

a) Nhiệm vụ công trình thủy lợi;

b) Hồ sơ thiết kế và hiện trạng của công trình thủy lợi;

c) Quy hoạch thủy lợi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp chưa có quy hoạch thủy lợi được duyệt thì căn cứ vào thiết kế của công trình thủy lợi và bảo đảm không ảnh hưởng đến an toàn và vận hành công trình thủy lợi.

2. Trường hợp cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, ngoài các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này còn phải căn cứ các quy định sau:

a) Khả năng tiếp nhận nước thải của hệ thống công trình thủy lợi;

b) Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước thải; các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hoạt động xả nước thải đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 16. Thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép cho các hoạt động quy định tại Điều 13 Nghị định này

1. Đối với công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi mà việc khai thác, bảo vệ liên quan từ hai tỉnh trở lên:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với hoạt động xả nước thải; giấy phép đối với các hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 6, khoản 9, khoản 10 Điều 13 Nghị định này trong phạm vi bảo vệ công trình do Bộ quản lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động quy định tại Điều 13 Nghị định này, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

2. Đối với công trình thủy lợi khác:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động quy định tại Điều 13 Nghị định này.

Điều 17. Cơ quan tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép

1. Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận và quản lý hồ sơ, giấy phép thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 18. Thời hạn của giấy phép

1. Giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi có thời hạn tối đa là 05 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa là 03 năm.

2. Cơ quan cấp giấy phép quyết định việc thay đổi thời hạn của giấy phép trong trường hợp công trình thủy lợi có nguy cơ mất an toàn; hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình ảnh hưởng đến vận hành công trình; công trình thủy lợi không còn khả năng tiếp nhận nước thải.

Điều 19. Nội dung giấy phép

Giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bao gồm các nội dung sau:

1. Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép.

2. Tên hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

3. Phạm vi đề nghị cấp phép cho hoạt động; vị trí xả nước thải vào công trình thủy lợi.

4. Quy mô, công suất, thông số chủ yếu của các hoạt động đề nghị cấp phép; lưu lượng, phương thức, chế độ xả nước thải vào công trình thủy lợi.

5. Thời hạn của giấy phép.

6. Các yêu cầu đối với hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để bảo đảm an toàn công trình, bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan;

7. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép.

Điều 20. Điều chỉnh nội dung giấy phép

1. Các nội dung quy định trong giấy phép được điều chỉnh, gồm:

a) Phạm vi hoạt động;

b) Quy mô, công suất, thông số chủ yếu của các hoạt động đề nghị cấp phép;

c) Vị trí, lưu lượng, phương thức, chế độ xả nước thải vào công trình thủy lợi.

2. Thủ tục điều chỉnh:

Trong thời hạn sử dụng giấy phép, tổ chức, cá nhân đề nghị điều chỉnh nội dung giấy phép cho hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi lập hồ sơ điều chỉnh và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 16 Nghị định này.

Điều 21. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

2. Thời hạn cấp giấy phép:

a) Đối với các hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 10 Điều 13 Nghị định này:

Trong thời hạn 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện thì thông báo lý do không cấp giấy phép.

b) Đối với hoạt động quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định này:

Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện thì thông báo lý do không cấp giấy phép.

c) Đối với hoạt động quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định này:

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện thì thông báo lý do không cấp giấy phép.

d) Đối với hoạt động quy định tại khoản 6, khoản 8, khoản 9 Điều 13 Nghị định này:

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện thì thông báo lý do không cấp giấy phép.

đ) Đối với hoạt động quy định tại khoản 7 Điều 13 Nghị định này:

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện thì thông báo lý do không cấp giấy phép.

Điều 22. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 8, khoản 10 Điều 13 Nghị định này

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Nghị định này. Hồ sơ bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Bản vẽ thiết kế thi công đối với trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản10 Điều 13 Nghị định này.

3. Sơ họa vị trí khu vực tiến hành các hoạt động đề nghị cấp phép.

4. Đánh giá ảnh hưởng của hoạt động đến việc vận hành và an toàn công trình thủy lợi.

5. Văn bản thỏa thuận của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi.

6. Văn bản thỏa thuận về sử dụng đất lâu dài hoặc có thời hạn với chủ sử dụng đất hợp pháp.

Điều 23. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định này

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Nghị định này. Hồ sơ bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Bản đồ tỉ lệ 1/5.000 khu vực xử lý nước thải, vị trí xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi.

3. Văn bản thỏa thuận của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi.

4. Bản vẽ thiết kế thi công, quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải.

5.  Kết quả phân tích chất lượng nước của công trình thủy lợi tại vị trí xả nước thải; kết quả phân tích chất lượng nước thải trước và sau khi xử lý đối với trường hợp đang xả nước thải vào công trình thủy lợi.

6. Đề án xả nước thải vào công trình thủy lợi đối với trường hợp chưa xả nước thải; báo cáo hiện trạng xả nước thải đối với trường hợp đang xả nước thải vào công trình thủy lợi.

7. Bản sao giấy tờ quyền sử dụng đất khu vực đặt hệ thống xử lý nước thải.

Điều 24. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định này

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Nghị định này. Hồ sơ bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Sơ họa vị trí khu vực tiến hành các hoạt động đề nghị cấp phép.

3. Đánh giá ảnh hưởng của hoạt động đến việc vận hành và an toàn công trình thủy lợi.

4. Văn bản thỏa thuận của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi.

Điều 25. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quy định tại khoản 6 Điều 13 Nghị định này

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Nghị định này. Hồ sơ bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Dự án đầu tư được phê duyệt.

3. Sơ họa vị trí khu vực tiến hành các hoạt động đề nghị cấp phép.

4. Đánh giá ảnh hưởng của hoạt động đến việc vận hành và an toàn công trình thủy lợi.

5. Văn bản thỏa thuận của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi.

Điều 26. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quy định tại khoản 7 Điều 13 Nghị định này

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Nghị định này. Hồ sơ bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký phương tiện cơ giới đường bộ; phương tiện đường thủy nội địa.

3. Sơ họa vị trí khu vực tiến hành các hoạt động đề nghị cấp phép.

4. Đánh giá ảnh hưởng của hoạt động đến việc vận hành và an toàn công trình thủy lợi.

5. Văn bản thỏa thuận của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi.

Điều 27. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định này

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Nghị định này. Hồ sơ bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Bản sao hộ chiếu nổ mìn.

3. Sơ họa vị trí khu vực tiến hành các hoạt động đề nghị cấp phép.

4. Đánh giá ảnh hưởng của hoạt động đến việc vận hành và an toàn công trình thủy lợi.

5. Văn bản thỏa thuận của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi.

Điều 28. Hồ sơ đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép

Tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Nghị định này. Hồ sơ bao gồm:

1. Đơn đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Bản vẽ thiết kế thi công bổ sung hoặc Dự án đầu tư bổ sung đối với trường hợp đề nghị điều chỉnh nội dung giấy phép quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 6 và khoản 10 Điều 13 Nghị định này; báo cáo phân tích chất lượng nước thải đối với trường hợp đề nghị điều chỉnh nội dung giấy phép quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định này.

3. Báo cáo tình hình thực hiện giấy phép được cấp.

4. Văn bản thỏa thuận của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi.

Điều 29. Trình tự, thủ tục cấp gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép

1. Tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Nghị định này. Trường hợp đề nghị gia hạn giấy phép phải nộp hồ sơ trước thời điểm giấy phép hết hiệu lực ít nhất 45 ngày.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ; trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

3. Thời hạn cấp giấy phép gia hạn, điều chỉnh nội dung:

a) Đối với hoạt động quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 10 Điều 13 Nghị định này:

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì cấp giấy phép gia hạn, điều chỉnh nội dung; trường hợp không đủ điều kiện thì thông báo lý do không cấp giấy phép.

b) Đối với hoạt động quy định tại khoản 5, khoản 7 Điều 13 Nghị định này:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì cấp giấy phép gia hạn, điều chỉnh nội dung; trường hợp không đủ điều kiện thì thông báo lý do không cấp giấy phép.

c) Đối với hoạt động quy định tại khoản 6, khoản 8, khoản 9 Điều 13 Nghị định này:

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì cấp giấy phép gia hạn, điều chỉnh nội dung; trường hợp không đủ điều kiện thì thông báo lý do không cấp giấy phép.

Điều 30. Cấp lại giấy phép

1. Giấy phép được cấp lại thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy phép bị mất, bị rách, hư hỏng;

b) Tên của chủ giấy phép đã được cấp bị thay đổi do chuyển nhượng, sáp nhập, chia tách, cơ cấu lại tổ chức.

2. Trình tự, thủ tục cấp lại giấy phép:

a) Trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này: Tổ chức, cá nhân nộp đơn đề nghị cấp lại giấy phép trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Nghị định này;

b) Trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này: Tổ chức, cá nhân nộp đơn đề nghị và tài liệu chứng minh việc thay đổi tên chủ giấy phép trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Nghị định này;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì cấp lại giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện để cấp giấy phép thì thông báo lý do không cấp lại giấy phép.

3. Thời hạn ghi trong giấy phép cấp lại là thời hạn còn lại của giấy phép đã cấp.

Điều 31. Quyền của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép

Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi có các quyền sau:

1. Thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi tại vị trí, thời hạn, quy mô theo quy định của giấy phép.

2. Được Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp quy định trong giấy phép.

3. Được Nhà nước bồi thường thiệt hại trong trường hợp giấy phép bị thu hồi hoặc thay đổi thời hạn vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định của pháp luật.

4. Đề nghị cơ quan cấp giấy phép gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép theo quy định.

Điều 32. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép

Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi có các nghĩa vụ sau:

1. Chấp hành các quy định của Luật Thủy lợi và pháp luật khác có liên quan.

2. Chấp hành các quy định về vị trí, thời hạn, quy mô các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi ghi trong giấy phép đã được cấp.

3. Thực hiện nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật.

4. Khi tiến hành các hoạt động phải bảo đảm an toàn cho công trình thủy lợi, khắc phục ngay sự cố và bồi thường thiệt hại do hoạt động của mình gây ra.

5. Không làm cản trở hoặc gây thiệt hại đến việc khai thác tổng hợp công trình thủy lợi.

6. Cung cấp đầy đủ, trung thực các dữ liệu, thông tin về các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Điều 33. Đình chỉ hiệu lực của giấy phép

1. Giấy phép bị đình chỉ hiệu lực khi tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép có một trong những vi phạm sau đây:

a) Vi phạm nội dung quy định trong giấy phép;

b) Lợi dụng giấy phép để tổ chức hoạt động trái quy định của pháp luật. 

2. Thời hạn đình chỉ giấy phép: Không quá 03 tháng.

3. Trong thời gian giấy phép bị đình chỉ hiệu lực, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép không được thực hiện các quyền liên quan đến giấy phép và phải có biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Điều 34. Thu hồi giấy phép

1. Giấy phép được thu hồi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nội dung kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bị phát hiện không đúng sự thật;

b) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép bị giải thể hoặc bị tòa án tuyên bố phá sản; bị chết, bị tòa án tuyên bố là đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị tuyên bố mất tích;

c) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép vi phạm quyết định đình chỉ hiệu lực của giấy phép;

d) Trường hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

2. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 16 Nghị định này có quyền quyết định thu hồi giấy phép.

Điều 35. Kiểm tra, thanh tra

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc cấp và thực hiện giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trong phạm vi cả nước.

2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc cấp và thực hiện giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi tại địa phương.

 

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 36. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.

Điều 37. Quy định chuyển tiếp

1. Các loại giấy phép cho các hoạt động phải có phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đã được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà chưa hết thời hạn thì vẫn có giá trị sử dụng cho đến khi hết thời hạn.

2. Tổ chức, cá nhân đã nộp đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị cấp giấy phép cho hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi cho cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì việc cấp giấy phép thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

3. Chậm nhất sau thời gian 03 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi phải bảo đảm năng lực quy định tại Nghị định này.

Điều 38. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị định này.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

 

Nguyễn Xuân Phúc

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.