• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/12/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 03/08/2009
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 55/2007/QĐ-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 7 tháng 11 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy chế quản lý đào tạo lái xe cơ giới đường bộ

______________________

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 06 năm 2001;

Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 04 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý đào tạo lái xe cơ giới đường bộ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và bãi bỏ Quyết định số 4353/2001/QĐ-BGTVT ngày 18 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chế quản lý đào tạo lái xe cơ giới đường bộ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trư­ởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đư­ờng bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính, Thủ tr­ưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY CHẾ

Quản lý đào tạo lái xe cơ giới đường bộ

______________________
(Ban hành kèm theo Quyết định số 55/2007/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định cơ sở đào tạo lái xe; cơ quan quản lý đào tạo lái xe cơ giới đường bộ.

Điều 2.Đối tượng áp dụng

1. Quy chế này áp dụng thống nhất đối với các cơ quan quản lý công tác đào tạo lái xe, các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác đào tạo lái xe cơ giới đường bộ trong phạm vi cả nước.

2. Quy chế này không áp dụng đối với công tác đào tạo lái xe của ngành Công an và Quân đội làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.

Chương II

CƠ SỞ ĐÀO TẠO LÁI XE

Điều 3. Cơ sở đào tạo lái xe

Cơ sở đào tạo lái xe là cơ sở dạy nghề do cơ quan có thẩm quyền thành lập, có chức năng đào tạo lái xe, có đủ các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở đào tạo lái xe

1. Tổ chức tuyển sinh theo hạng giấy phép lái xe được phép đào tạo và bảo đảm các quy định sau:

a) Các điều kiện quy định đối với người học về độ tuổi, sức khoẻ, thâm niên lái xe và số km lái xe an toàn đối với đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe;

b) Ký và thanh lý hợp đồng đào tạo với người học theo hạng giấy phép lái xe ôtô. Nội dung hợp đồng phải thể hiện rõ nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo; kỹ năng lái xe đạt được; thời gian hoàn thành khoá học; mức học phí và phương thức thanh toán học phí. Ngoài các nội dung chủ yếu trên, hai bên có thể thỏa thuận các nội dung khác phù hợp với điều kiện thực tế nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội;

c) Công khai quy chế tuyển sinh và quản lý đào tạo để cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ sở đào tạo và người học biết, thực hiện.

2. Tổ chức đào tạo mới và đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe theo lưu lượng, địa điểm, hạng đào tạo ghi trong giấy phép đào tạo lái xe; thời hạn, chương trình và giáo trình theo quy định.

3. Tổ chức kiểm tra, cấp chứng chỉ nghề, giấy chứng nhận tốt nghiệp cho học viên và lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến khoá đào tạo theo quy chế quản lý dạy nghề của Nhà nước và các quy định của Bộ Giao thông vận tải về đào tạo lái xe.

4. Thu và sử dụng học phí đào tạo lái xe theo quy định hiện hành.

5. Duy trì và thường xuyên chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập của cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe.

6. Tuyển dụng, quản lý đội ngũ giáo viên:

a) Bảo đảm tiêu chuẩn quy định tại khoản 10, 11, 12 Điều 5 Quy chế này.

b) Có kế hoạch định kỳ hàng năm bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên.

7. Thực hiện đăng ký sát hạch và đề nghị tổ chức kỳ sát hạch theo quy định của cơ quan quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

8. Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định. 

Điều 5. Tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe

1. Yêu cầu chung đối với hệ thống phòng học:

a) Cơ sở đào tạo lái xe ô tô và máy kéo có trọng tải đến 1000 kg phải có đủ các phòng học chuyên môn: Luật Giao thông đường bộ (có thể dạy chung với môn học đạo đức người lái xe), Cấu tạo ôtô, Kỹ thuật lái xe, Nghiệp vụ vận tải và được bố trí liên hoàn, tập trung; phòng học thực tập bảo dưỡng sửa chữa bố trí ở khu vực riêng. Số lượng các phòng học phải đáp ứng lưu lượng đào tạo ghi trong giấy phép đào tạo lái xe.

Cơ sở đào tạo lái xe mô tô hai, ba bánh phải có phòng học Luật Giao thông đường bộ;

b) Phòng học chuyên môn bảo đảm diện tích tối thiểu 50m2 cho lớp học không quá 35 học sinh;

c) Được chiếu sáng tự nhiên trực tiếp theo tiêu chuẩn về ánh sáng, xa tiếng ồn, bảo đảm môi trường sư phạm.

2. Phòng học Luật Giao thông đường bộ:

a) Có thiết bị nghe nhìn (màn hình, đèn chiếu), tranh vẽ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, sa hình, sa bàn dạy các tình huống giao thông;

b) Phòng học Luật trên máy tính bố trí riêng biệt gồm: máy chủ, máy in và ít nhất 10 máy tính được nối mạng, cài đặt phần mềm học lý thuyết do Cục Đường bộ Việt Nam chuyển giao. Cơ sở đào tạo có lưu lượng 500 học viên trở lên phải có ít nhất 20 máy tính để học sinh ôn luyện phần lý thuyết và phải bố trí thêm một phòng học chung bảo đảm đủ chỗ ngồi cho ít nhất 100 học viên.

3. Phòng học cấu tạo ô tô:

a) Có hình vẽ hoặc tranh vẽ cấu tạo các hệ thống của ô tô, mô hình cắt bổ động cơ, hệ thống truyền lực (ly hợp, hộp số, truyền động các đăng, vi sai và các bán trục), hệ thống treo, hệ thống điện, hệ thống phanh, hệ thống lái; có các cụm chi tiết tháo rời của ô tô;

b) Có hình hoặc tranh vẽ sơ đồ mô tả nguyên lý hoạt động của động cơ, hệ thống truyền lực, hệ thống treo, hệ thống phanh, hệ thống lái.

4. Phòng học kỹ thuật lái xe:

a) Có ô tô được kê kích bảo đảm an toàn để tập số nóng, số nguội;

b) Có hình hoặc tranh vẽ các thao tác lái xe cơ bản (điều chỉnh ghế ngồi lái, tư thế ngồi lái, vị trí giữ vô lăng...);

c) Có phương tiện nghe nhìn như mô hình, băng đĩa, đèn chiếu... phục vụ giảng dạy.

5. Phòng học nghiệp vụ vận tải:

a) Có hệ thống bảng, biểu phục vụ giảng dạy nghiệp vụ chuyên môn về vận tải hàng hoá, hành khách;

b) Có các tranh vẽ ký hiệu trên kiện hàng, biểu trưng hàng nguy hiểm.

6. Phòng học thực tập bảo dưỡng sửa chữa:

a) Có hệ thống thông gió và chiếu sáng bảo đảm các yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động;

b) Nền nhà đủ cứng vững, phẳng, không gây bụi, không bị rạn nứt, chống được trơn trượt;

c) Bảo đảm cho lớp học ít nhất 18 học viên, được trang bị đồ nghề chuyên dùng với mức tối thiểu là 8-10 người/bộ và có tủ đựng đồ nghề;

d) Có các cụm chi tiết và tổng thành chủ yếu của ô tô như: động cơ tổng thành hoạt động tốt, hệ thống truyền động (cầu, các đăng, visai), hệ thống lái (vô lăng, trục lái, cơ cấu lái, thanh và cần dẫn động, khớp cầu và khớp chuyển trợ lực lái), hệ thống điện (ắc quy, các loại đèn, còi....);

đ) Có bàn tháo lắp, bảng, bàn ghế cho giảng dạy và học tập.

7. Phòng điều hành giảng dạy: có bảng chương trình đào tạo, tiến độ đào tạo năm học theo quy định, bàn ghế và các trang thiết bị cần thiết cho cán bộ quản lý đào tạo.

8. Phòng chuẩn bị giảng dạy của giáo viên có bàn, ghế, tủ đựng tài liệu, đồ dùng dạy học cần thiết.

9. Tài liệu phục vụ đào tạo và quản lý đào tạo lái xe:

a) Đủ giáo trình giảng dạy lái xe hiện hành theo các hạng giấy phép lái xe được phép đào tạo do Bộ Giao thông vận tải quy định;

b) Có tài liệu hướng dẫn ôn luyện, kiểm tra, thi và các tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, học tập;

c) Có sổ sách, biểu mẫu phục vụ quản lý quá trình giảng dạy, học tập theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giao thông vận tải;

d) Giáo viên dạy lý thuyết và thực hành phải có đầy đủ hồ sơ giáo viên (giáo án, sổ tay giáo viên, bài soạn giảng, sổ theo dõi thực hành lái xe), giảng dạy theo chương trình đào tạo do Bộ Giao thông vận tải ban hành.

10. Tiêu chuẩn chung của giáo viên:

a) Phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt;

b) Có đủ sức khỏe theo quy định;

c) Lý lịch bản thân rõ ràng;

d) Có chứng chỉ sư phạm.

11) Tiêu chuẩn giáo viên dạy lý thuyết: ngoài tiêu chuẩn quy định tại khoản 10 Điều này, còn phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau:

a) Trình độ: phải có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên, chuyên ngành tương ứng với môn học được phân công giảng dạy;

b) Giáo viên dạy môn học Luật Giao thông đường bộ phải có giấy phép lái xe ôtô. Giáo viên dạy môn học Kỹ thuật lái xe phải có giấy phép lái xe thấp nhất bằng hạng giấy phép lái xe đào tạo.     

12) Tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe: ngoài tiêu chuẩn quy định tại khoản 10 Điều này, còn phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau:

a) Có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên hoặc có tay nghề cao;

b) Thuộc biên chế hoặc hợp đồng ít nhất 02 năm với cơ sở đào tạo lái xe;

c) Có giấy phép lái xe tương ứng hoặc cao hơn hạng giấy phép lái xe đào tạo, nhưng không thấp hơn giấy phép lái xe hạng B2;

d) Giáo viên được phân công dạy các hạng giấy phép lái xe B1, B2 phải có thâm niên lái xe từ 03 năm trở lên; dạy các hạng giấy phép lái xe C, D, E, F phải có thâm niên lái xe từ 05 năm trở lên;

đ) Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo hướng dẫn của Cục Đường bộ Việt Nam và được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe;

e) Khi dạy lái xe phải đeo phù hiệu "Giáo viên dạy lái xe" có tên và dán ảnh, ghi rõ tên cơ sở đào tạo, các hạng giấy phép lái xe được phép dạy lái. Phù hiệu do Thủ trưởng cơ sở đào tạo lái xe cấp, quản lý và được ép plastic.

13. Xe tập lái:

a) Có đủ xe tập lái các hạng tương ứng với lưu lượng đào tạo ghi trong giấy phép đào tạo lái xe;

b) Phải là xe thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo lái xe, có thể hợp đồng xe với thời hạn thuê ít nhất là 01 năm trở lên và số lượng xe này không vượt quá 30% số lượng xe cùng hạng tương ứng thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo lái xe;

c) Có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;

d) Có đủ hệ thống phanh phụ có hiệu lực;

đ) Thùng xe phải có mui che mưa, nắng và có ghế chắc chắn cho học sinh ngồi;

e) Tên cơ sở đào tạo và điện thoại liên lạc được kẻ bằng sơn ở hai bên cánh cửa hoặc hai bên thành xe;

g) Có giấy phép xe tập lái do Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính cấp khi có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 13 Điều này (trừ các điểm a, k), thời hạn tương ứng với thời gian được phép lưu hành của xe tập lái;

h) Ô tô tập lái phải gắn biển xe "TậP lái" bằng kim loại nền xanh, chữ màu trắng gắn chắc chắn trên thanh cản phía trước và phía sau bên trái. Biển có kích thước chung 10cm x 25cm đối với các hạng xe, riêng biển sau kích thước 35cm x 35cm đối với xe các hạng C, D, E, F gắn ở vị trí giữa thành sau không trùng với vị trí lắp đặt biển số đăng ký và không được dán lên kính sau xe;

i) Xe tập lái các hạng B1, B2 thực hiện lộ trình đổi mới theo quy định của Bộ Giao thông vận tải và hướng dẫn của Cục Đường bộ Việt Nam; xe tập lái các hạng C, D và E có niên hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định số 23/2004/NĐ-CP ngày 13 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ;

k) Môtô ba bánh, máy kéo có trọng tải đến 1000 kg tập lái phải gắn 02 biển xe "TậP lái" làm bằng kim loại nền xanh, chữ màu trắng ở phía trước và phía sau với kích thước: 15cm x 20cm đối với mô tô, 20cm x 25cm đối với máy kéo.

14. Sân bãi tập lái xe :

a) Thuộc quyền sử dụng của cơ sở đào tạo lái xe. Nếu là sân bãi hợp đồng phải có hợp đồng dài hạn, thời hạn hợp đồng phù hợp với thời hạn giấy phép đào tạo lái xe; trường hợp sử dụng sân bãi hợp đồng chung với cơ sở đào tạo lái xe khác phải kèm theo kế hoạch sử dụng sân của chủ hợp đồng cho thuê;

b) Có diện tích tối thiểu:

Đào tạo các hạng A1, A2, A3 và  A4: 1.000m2.

Đào tạo các hạng B1 và B2: 8.000m2.

Đào tạo các hạng C, D, E và F:14.000m2.

Cơ sở đào tạo lái xe có lưu lượng 1.000 học viên trở lên phải có ít nhất 02 sân bãi tập lái xe;

c) Sân tập lái ôtô phải có đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, đủ tình huống các bài học theo nội dung chương trình đào tạo quy định. Kích thước các hình tập lái phù hợp tiêu chuẩn Trung tâm sát hạch lái xe đối với từng hạng xe tương ứng;

d) Mặt sân có cao độ và hệ thống thoát nước bảo đảm không bị ngập nước; các làn đường và hình tập lái trong sân phải có mặt trải nhựa hoặc bê tông, có đầy đủ vạch sơn kẻ đường;

đ) Có diện tích dành cho cây xanh, có nhà chờ cho học viên học thực hành.

15. Đường tập lái xe:

Đường giao thông công cộng được chọn để tập lái xe phải có đủ các tình huống giao thông (giao cắt đồng mức, chỗ rộng, chỗ hẹp, có dốc hoặc đèo; mặt đường có đoạn tốt, xấu; mật độ giao thông vừa phải) phù hợp với nội dung chương trình đào tạo, được Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính hoặc Cục Đường bộ Việt Nam ghi trong giấy phép xe tập lái.

Chương III

CƠ QUAN QUẢN LÝ ĐÀO TẠO LÁI XE

Điều 6. Cơ quan quản lý đào tạo lái xe

1. Cục Đường bộ Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ quản lý thống nhất về đào tạo lái xe trong phạm vi cả nước.

2. Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính chịu trách nhiệm quản lý đào tạo lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 7. Trách nhiệm của Cục Đường bộ Việt Nam đối với công tác quản lý đào tạo lái xe

1. Nghiên cứu xây dựng nội dung chương trình, giáo trình đào tạo lái xe trình Bộ Giao thông vận tải ban hành và hướng dẫn thực hiện.

2. Xây dựng hệ thống văn bản, biểu mẫu, sổ sách quản lý nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý đào tạo lái xe, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Bộ Giao thông vận tải ban hành và hướng dẫn thực hiện.

3. Xây dựng quy hoạch định hướng hệ thống cơ sở đào tạo lái xe toàn quốc.

4. Cấp mới, cấp lại giấy phép đào tạo lái xe ô tô theo định kỳ 05 năm; điều chỉnh hạng đào tạo, lưu lượng đào tạo lái xe ô tô trên 20% so với lưu lượng giấy phép đào tạo lái xe được cấp cho các cơ sở đào tạo lái xe theo quy định.

5. Hướng dẫn nội dung, chương trình dạy thực hành lái xe và tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy thực hành lái xe trong cả nước.

6.  Hướng dẫn, kiểm tra các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính về nghiệp vụ công tác quản lý đào tạo lái xe.

7. Thực hiện công tác quản lý đào tạo lái xe đối với các cơ sở đào tạo lái xe thuộc các Bộ, Ngành được Bộ Giao thông vận tải giao và tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái xe.   

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính đối với công tác quản lý đào tạo lái xe

1. Phối hợp với cơ quan quản lý dạy nghề của địa phương quản lý công tác đào tạo lái xe; chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo lái xe của các cơ sở đào tạo; tổ chức giám sát, kiểm tra cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận tốt nghiệp đối với học viên thuộc các cơ sở đào tạo lái xe do Sở quản lý theo quy định.

2. Chủ trì và phối hợp với cơ quan quản lý dạy nghề của địa phương kiểm tra tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của các cơ sở đào tạo lái xe do Sở quản lý để đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam thẩm định, cấp giấy phép đào tạo lái xe ô tô.

3. Cấp giấy phép đào tạo lái xe mô tô hai, ba bánh, máy kéo có trọng tải đến 1000kg và điều chỉnh lưu lượng đào tạo lái xe ô tô (bằng văn bản) trong phạm vi 20% so với lưu lượng giấy phép đào tạo lái xe được cấp cho các cơ sở đào tạo lái xe do Sở quản lý theo quy định.

Điều 9. Trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ sở đào tạo lái xe

1. Cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ sở đào tạo lái xe có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý đào tạo lái xe của Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính trong việc quản lý các cơ sở đào tạo lái xe trực thuộc.

2. Tạo điều kiện để cơ sở đào tạo lái xe đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập; bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nâng cao nghiệp vụ công tác quản lý đào tạo cho cơ sở; thường xuyên chỉ đạo cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định về đào tạo lái xe.

Điều 10. Cấp phép đào tạo lái xe

1. Hồ sơ cấp phép mới đào tạo lái xe ô tô bao gồm:

a) Văn bản đề nghị của cơ sở đào tạo;

b) Văn bản đề nghị của Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính;

c) Văn bản chấp thuận của Cục Đường bộ Việt Nam;

d) Báo cáo của cơ sở đào tạo bao gồm: Quyết định thành lập cơ sở đào tạo của cơ quan có thẩm quyền, tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này;

đ) Biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra giữa Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính và cơ quan quản lý dạy nghề địa phương về tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe;

e) Thẩm định của Đoàn kiểm tra do Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện.

2. Hồ sơ cấp phép lại, điều chỉnh lưu lượng đào tạo ô tô trên 20% bao gồm:

a) Văn bản đề nghị của cơ sở đào tạo;

b) Văn bản đề nghị của Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính;

c) Báo cáo của cơ sở đào tạo về kết quả đào tạo, tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe;

d) Biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành giữa Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính và cơ quan quản lý dạy nghề địa phương về quá trình quản lý đào tạo, thực hiện chương trình đào tạo, củng cố đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe.

3. Hồ sơ điều chỉnh đào tạo hạng giấy phép lái xe bao gồm:

a) Văn bản đề nghị của cơ sở đào tạo;

b) Văn bản đề nghị của Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính;

c) Giấy tờ xe liên quan gồm: Đăng ký xe ô tô, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy phép xe tập lái (bản photocopy);

d) Danh sách trích ngang giáo viên dạy lý thuyết và thực hành lái xe.

4. Hồ sơ điều chỉnh lưu lượng đào tạo lái xe ô tô trong phạm vi 20%:

a) Công văn đề nghị và báo cáo của cơ sở đào tạo về đầu tư cơ sở vật chất (phòng học, trang thiết bị giảng dạy, sân bãi tập lái, xe tập lái) và đội ngũ giáo viên;

b) Biên bản kiểm tra của Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính về công tác quản lý, giảng dạy, thực hiện chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung đội ngũ giáo viên và xe tập lái.

5. Hồ sơ cấp phép đào tạo lái xe mô tô hai, ba bánh và máy kéo có trọng tải đến 1000kg:

a) Công văn đề nghị và báo cáo của cơ sở đào tạo về kết quả đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, xe tập lái;

b) Biên bản kiểm tra của Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính về tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo lái xe.

6. Lưu lượng đào tạo lái xe ô tô:

a) Lưu lượng đào tạo lái xe ô tô là số lượng học sinh đào tạo lớn nhất được xác định bằng tổng lưu lượng số học viên học các hạng xe (bao gồm cả học lý thuyết và thực hành) ở một thời điểm;

b) Trên cơ sở bảo đảm các điều kiện về phòng học, sân tập lái, đội ngũ giáo viên và bộ máy quản lý, lưu lượng đào tạo mỗi hạng xe bằng tích ba tham số: số lượng xe từng hạng đào tạo, số học viên quy định trên một xe hạng tương ứng và tỉ số giữa thời gian khóa đào tạo và thời gian thực hành quy định đối với hạng xe đó. Trường hợp cơ sở đào tạo có kế hoạch và quy chế tăng thời gian học trong ngày, trong tuần, nhưng bảo đảm số giờ làm thêm của giáo viên trong năm học không vượt quá số giờ quy định của cơ quan quản lý dạy nghề và có số giáo viên dạy thực hành lái xe lớn hơn số xe tập lái từ 1,2 lần trở lên thì lưu lượng trên được nhân thêm hệ số tương ứng, nhưng không được quá 1,3.

7. Thời hạn của giấy phép đào tạo lái xe: 05 năm.

Điều 11. Báo cáo về công tác đào tạo lái xe

Hàng năm, vào tháng 1 và tháng 7, Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính sơ kết, tổng kết công tác đào tạo lái xe, báo cáo về Cục Đường bộ Việt Nam để tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải.

Điều 12. Thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo lái xe

1. Vụ Tổ chức cán bộ và Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe, xử  lý vi phạm theo quy định.

2. Thanh tra Bộ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thanh tra công tác đào tạo lái xe.

3. Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính chủ trì và phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát công tác đào tạo lái xe đối với các cơ sở đào tạo do Sở quản lý, xử lý vi phạm theo quy định.

4. Việc thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo lái xe phải theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra. Trường hợp phát hiện có sai phạm, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Nội dung điểm b khoản 14 Điều 5 áp dụng đối với cơ sở đào tạo lái xe được thành lập sau khi Quyết định này có hiệu lực; các cơ sở đã có giấy phép đào tạo lái xe có diện tích sân tập lái nhỏ hơn quy định tại Quy chế này, thực hiện chuyển đổi sau 3 năm.

Điều 14. Cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này.

Điều 15. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Cục Đường bộ Việt Nam để tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hồ Nghĩa Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.