• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/12/2019
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 16/2019/TT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 30 tháng 10 năm 2019

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra và Nghị định số 92/2014/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16 Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra;  

Căn cứ Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành;

Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; 

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;   

Căn cứ Nghị định số 110/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2017 quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ;

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2005/TT-BLĐTBXH ngày 30/3/2015 quy định về thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.

 

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2015/TT-BLĐTBXH ngày 30/3/2015 quy định về thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội

1. Điều 5 được sửa đổi như sau:

 

“Điều 5. Bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành

1. Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động - xã hội chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ và các cơ quan có liên quan biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành Lao động – Thương binh và Xã hội. Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động - xã hội xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.    

2. Cán bộ, công chức tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành được cấp chứng chỉ theo mẫu quy định.

3. Kinh phí tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm.

4. Kinh phí cho cán bộ, công chức tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành thuộc cơ quan nào thì cơ quan đó chi trả”.

2. Điều 6 được sửa đổi như sau:

Điều 6. Điều kiện đảm bảo hoạt động đối với thanh tra viên

1. Thanh tra viên được trang bị thiết bị và phương tiện làm việc tại cơ quan theo quy định của pháp luật. Khi đi công tác, thanh tra viên tiến hành thanh tra độc lập hoặc theo đoàn thanh tra được trang bị các phương tiện làm việc và thiết bị sau để phục vụ hoạt động thanh tra: 

a) Máy tính xách tay, máy in;

b) Thiết bị chụp ảnh, ghi âm, ghi hình;

c) Các thiết bị kỹ thuật chuyên dùng;  

d) Các thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho hoạt động của thanh tra.

2. Ngoài những phương tiện, thiết bị kỹ thuật nêu tại Khoản 1 Điều này, khi tiến hành thanh tra và trong trường hợp cần thiết, cơ quan thanh tra được sử dụng phương tiện, kỹ thuật khác theo quy định của pháp luật. Thanh tra Bộ lập danh mục thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác thanh tra trình Bộ trưởng phê duyệt.

3. Phương tiện thông tin, liên lạc; báo cáo, trao đổi nghiệp vụ

a) Thanh tra viên đi công tác độc lập hoặc theo đoàn thanh tra được đảm bảo sử dụng internet trong quá trình thực thi nhiệm vụ công vụ.

b) Thanh tra viên, các cơ quan thanh tra thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo, trao đổi nghiệp vụ thông qua hình thức: điện thoại, fax, thư điện tử, gửi công văn qua bưu điện và thông qua các phương tiện thông tin khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị.  

4. Thanh tra viên được giao nhiệm vụ thanh tra đột xuất vào ban đêm hoặc ngoài giờ hành chính được hưởng chế độ làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật Lao động.

5. Kinh phí thực hiện các nội dung quy định tại Điều này được đảm bảo từ dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của Thanh tra Bộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nguồn kinh phí được trích từ xử phạt vi phạm hành chính qua thanh tra, kiểm tra, các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật”.

3. Điều 7 được bổ sung như sau:

“Điều 7. Công chức thanh tra chuyên ngành

1. Công chức thanh tra chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là công chức thuộc biên chế của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cục An toàn lao động được phân công nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục trưởng Cục An toàn lao động. 

2. Số lượng công chức thanh tra chuyên ngành do Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục trưởng Cục An toàn lao động quyết định theo yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với vị trí việc làm và trong tổng số biên chế công chức của từng cơ quan, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền giao”. 

4. Điểm b Khoản 2 Điều 8 được sửa đổi như sau:

“b) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành”.

5. Điều 9 được sửa đổi như sau:  

“Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của công chức thanh tra chuyên ngành

Công chức thanh tra chuyên ngành là trưởng đoàn thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 53 Luật Thanh tra. Công chức thanh tra chuyên ngành là thành viên đoàn thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 54 Luật Thanh tra và các quy định khác của pháp luật chuyên ngành”.

6. Điều 10 được sửa đổi như sau:

Điều 10. Thẩm quyền quyết định phân công công chức thanh tra chuyên ngành

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục trưởng Cục An toàn lao động quyết định phân công công chức thuộc quyền quản lý trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành”.

7. Điều 11 được sửa đổi như sau:

“Điều 11. Trình tự, thủ tục phân công công chức thanh tra chuyên ngành

Công chức thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục An toàn lao động có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này được Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục trưởng Cục An toàn lao động xem xét, lựa chọn phân công công chức thanh tra chuyên ngành theo trình tự thủ tục sau:

1. Bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ lập hồ sơ trình Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục trưởng Cục An toàn lao động quyết định phân công công chức thanh tra chuyên ngành.

2. Hồ sơ trình bao gồm:

a) Tờ trình;

b) Danh sách công chức được lựa chọn xem xét để phân công là công chức thanh tra chuyên ngành;

c) Bằng tốt nghiệp đại học trở lên (bản sao);

d) Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra (bản sao);

đ) Quyết định bổ nhiệm vào ngạch công chức (bản sao);

e) Sơ yếu lý lịch theo Mẫu 2C-BNV/2008 ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV">02/2008/QĐ-BNV ngày 06/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý công chức.

3. Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục trưởng Cục An toàn lao động căn cứ tờ trình và hồ sơ nêu trên để ban hành quyết định phân công công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành”.  

8. Khoản 2 Điều 12 được sửa đổi như sau:

“2. Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục trưởng Cục An toàn lao động có trách nhiệm cử công chức thanh tra chuyên ngành tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra”.

9. Điều 13 được sửa đổi như sau:

“Điều 13. Điều kiện đảm bảo hoạt động đối với công chức thanh tra chuyên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Công chức thanh tra chuyên ngành được trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

2. Công chức thanh tra chuyên ngành được cấp trang phục như đối với thanh tra viên, không có cấp hiệu, cầu vai, cấp hàm.

3. Kinh phí thực hiện các nội dung quy định tại Điều này được đảm bảo từ dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, nguồn kinh phí được trích từ xử phạt vi phạm hành chính qua thanh tra, kiểm tra, các khoản thu hồi được phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật”.

10. Khoản 3 Điều 14 được sửa đổi như sau:

“3. Mã số thẻ:

Mỗi công chức thanh tra chuyên ngành được cấp một mã số thẻ. Mã số thẻ gồm:

a) Nhóm ký tự đầu: A09 là mã số của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

b) Nhóm ký tự tiếp theo là ký hiệu phần chữ viết tắt tên của từng đơn vị:

- Cục Quản lý lao động ngoài nước viết tắt là: QLLĐNN;

- Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp viết tắt là: TCGDNN;

- Cục An toàn lao động viết tắt là: ATLĐ.

Ví dụ: A09-QLLĐNN.01, trong đó: A09 là mã số của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; QLLĐNN là Cục Quản lý lao động ngoài nước; 01 là số thứ tự công chức thanh tra chuyên ngành được cấp thẻ”.

11. Điểm a Khoản 1 Điều 16 được sửa đổi như sau:

“1. Các hình thức cấp thẻ

a) Cấp mới: khi công chức thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục An toàn lao động được phân công là công chức thanh tra chuyên ngành”.   

12. Khoản 2 Điều 17 được sửa đổi như sau:

“2. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục An toàn lao động có trách nhiệm:

a) Tiếp nhận thẻ, trực tiếp phát thẻ và giám sát quá trình sử dụng thẻ của công chức thanh tra chuyên ngành thuộc đơn vị quản lý.

b) Thu hồi, nộp về Bộ (qua Thanh tra Bộ) khi thẻ của công chức thanh tra chuyên ngành bị thu hồi theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 16 Thông tư này.

c) Đề nghị cấp mới, cấp lại, đổi thẻ theo quy định tại Thông tư này”.

Điều 2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Chánh Thanh tra Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, Cục trưởng Cục An toàn lao động và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở, Chánh thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 12 năm 2019.

2. Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo quy định của các văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đào Ngọc Dung

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.