• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 22/07/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 16/10/2008
CHÍNH PHỦ
Số: 101/2007/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 13 tháng 6 năm 2007

NGHỊ ĐỊNH

Về việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng

dữ liệu tài nguyên, môi trường biển

__________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 05 năm 1998;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 03 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 06 năm 2005;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Dầu khí năm 1993 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí ngày 28 tháng 06 năm 2000;

Căn cứ Pháp lệnh Khai khác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn ngày 10 tháng 12 năm 1994;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu tài nguyên, môi trường biển; trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu tài nguyên, môi trường biển.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) trong việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu tài nguyên, môi trường biển.

Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Dữ liệu tài nguyên, môi trường biển

1. Dữ liệu tài nguyên, môi trường biển là các tài liệu, số liệu về biển thuộc các lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, địa chất, khoáng sản, khí tượng thuỷ văn, môi trường, đa dạng sinh học, đo đạc và bản đồ (sau đây gọi chung là dữ liệu biển).

2. Dữ liệu biển bao gồm:

a) Dữ liệu về đất có mặt nước biển.

b) Dữ liệu về địa hình đáy biển.

c) Dữ liệu về tính chất cơ lý của nước biển.

d) Dữ liệu về địa chất biển, địa vật lý biển, khoáng sản biển.

đ) Dữ liệu về dầu khí biển.

e) Dữ liệu về sinh vật biển.

g) Dữ liệu về chất lượng môi trường biển.

h) Dữ liệu về khí tượng, thuỷ văn biển.

i) Dữ liệu khác liên quan đến tài nguyên, môi trường biển.

Điều 4. Quản lý nhà nước về dữ liệu biển

1. Chính phủ thống nhất quản lý dữ liệu biển.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dữ liệu biển.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi có biển trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm quản lý và công bố các dữ liệu biển do mình thu thập được.

Điều 5. Hợp tác quốc tế về dữ liệu biển

Nhà nước có chính sách phát triển hợp tác với các nước, các tổ chức nước ngoài, các tổ chức quốc tế trong việc điều tra, khảo sát, nghiên cứu, chia sẻ, cung cấp các dữ liệu biển; khuyến khích chia sẻ thông tin liên quan đến dữ liệu biển quốc tế; phối hợp nghiên cứu, điều tra các dữ liệu biển quốc tế, tạo thuận lợi cho việc quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả các dữ liệu biển quốc tế.

Chương II

THU THẬP, QUẢN LÝ DỮ LIỆU BIỂN

Điều 6. Nguyên tắc thu thập, quản lý dữ liệu biển

Việc thu thập, quản lý dữ liệu biển phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:

1. Bảo đảm tính chính xác, trung thực, khách quan.

2. Bảo đảm tính khoa học, thuận tiện cho khai thác, sử dụng.

3. Bảo đảm tính kịp thời, thường xuyên, đầy đủ và có hệ thống.

4. Tuân theo các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 7. Nguồn dữ liệu biển

Dữ liệu biển được hình thành từ các nguồn sau:

1. Điều tra, nghiên cứu, khảo sát, quan trắc, đo đạc, dự báo.

2. Cung cấp, trao đổi dữ liệu.

3. Các nguồn khác.

Điều 8. Quy hoạch điều tra dữ liệu biển

1. Việc điều tra dữ liệu biển phải theo quy hoạch, kế hoạch điều tra đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Căn cứ vào nhu cầu dữ liệu biển trong từng thời kỳ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biển xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch điều tra dữ liệu biển trong cả nước.

3. Trên cơ sở quy hoạch điều tra dữ liệu biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biển có kế hoạch và dự án điều tra dữ liệu biển theo phạm vi điều tra được giao.

Điều 9. Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân thu thập dữ liệu biển

Tổ chức, cá nhân thu thập dữ liệu biển có trách nhiệm sau đây:

1. Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm trong việc thu thập, lưu trữ và cung cấp dữ liệu biển.

2. Cung cấp dữ liệu thu thập được cho cơ quan quản lý dữ liệu biển đối với trường hợp thu thập dữ liệu biển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi cung cấp dữ liệu biển không chính xác, gây thiệt hại cho người khai thác dữ liệu.

4. Không được lợi dụng việc cung cấp dữ liệu biển để sách nhiễu, trục lợi, phát tán các dữ liệu trái với các quy định của pháp luật.

5. Được quyền từ chối yêu cầu trái pháp luật về cung cấp dữ liệu biển đã thu thập.

Điều 10. Kinh phí điều tra, thu thập dữ liệu biển

Kinh phí điều tra, thu thập, xử lý dữ liệu biển và xây dựng Cơ sở dữ liệu biển quốc gia, cơ sở dữ liệu biển của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biển do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Chương III

KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG DỮ LIỆU BIỂN

Điều 11. Nguyên tắc khai thác và sử dụng dữ liệu biển

Việc khai thác và sử dụng dữ liệu biển phải bảo đảm các nguyên tắc sau:

1. Phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

2. Sử dụng dữ liệu đúng mục đích.

3. Tuân theo các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 12. Công bố danh mục dữ liệu biển

1. Danh mục dữ liệu biển được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Internet, trang web của các cơ quan Trung ương và địa phương nhằm phục vụ cho cộng đồng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Việc công bố danh mục dữ liệu biển phải tuân theo các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điều 13. Hình thức, thủ tục khai thác dữ liệu biển

1. Việc khai thác dữ liệu biển thực hiện theo quy định sau đây:

a) Khai thác dữ liệu biển trên mạng Internet, trang web do cơ quan quản lý dữ liệu biển quy định;

b) Khai thác dữ liệu biển bằng hình thức hợp đồng do các bên thoả thuận theo quy định của pháp luật;

c) Khai thác dữ liệu biển thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu.

2. Việc khai thác dữ liệu biển theo hình thức phiếu hoặc văn bản yêu cầu được thực hiện theo quy định sau:

a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu biển nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu cho các cơ quan quản lý dữ liệu biển quy định tại Điều 4 của Nghị định này;

Trường hợp cá nhân, tổ chức có tư cách pháp nhân của nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam thì phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu phải được cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự tại Việt Nam của nước mà cá nhân, tổ chức đó mang quốc tịch ký xác nhận, đóng dấu;

b) Trong thời hạn không quá ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu hợp lệ, cơ quan quản lý dữ liệu biển phải cung cấp dữ liệu biển cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu khai thác dữ liệu biển. Trường hợp nội dung yêu cầu phức tạp, khối lượng lớn thì cơ quan quản lý dữ liệu biển được gia hạn thời gian cung cấp nhưng không quá mười lăm (15) ngày kể từ ngày gia hạn. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu biển thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Điều 14. Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng dữ liệu biển

Tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng dữ liệu biển có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:

1. Tuân thủ các nguyên tắc khai thác và sử dụng dữ liệu biển quy định tại Điều 11 của Nghị định này.

2. Không được cung cấp cho bên thứ ba dữ liệu biển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp cho mình để khai thác, sử dụng.

3. Trả phí khai thác dữ liệu biển đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 15 của Nghị định này.

4. Thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý dữ liệu biển về những sai sót của dữ liệu đã cung cấp.

5. Được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật khi bị vi phạm quyền khai thác, sử dụng dữ liệu của mình.

Điều 15. Phí khai thác dữ liệu biển

1. Việc khai thác dữ liệu biển được thu thập bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để phục vụ cho các mục đích sau đây thì không phải trả phí:

a) Phục vụ cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, địa phương và cho việc lập các dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước;

b) Phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng;

c) Phục vụ yêu cầu trực tiếp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước hoặc trong tình trạng khẩn cấp;

d) Trao đổi dữ liệu biển với tổ chức, cá nhân nước ngoài theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng dữ liệu biển không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này phải nộp phí. Mức thu, chế độ thu, nộp đối với phí khai thác, sử dụng dữ liệu biển thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác dữ liệu biển.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN

CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ DỮ LIỆU BIỂN

Điều 16. Trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường

1. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, quy trình, quy phạm về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu biển quốc gia.

2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biển lập quy hoạch điều tra dữ liệu biển trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

3. Hướng dẫn các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biển thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu biển.

4. Xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu biển quốc gia; cung cấp dữ liệu biển cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức xây dựng hệ thống quan trắc quốc gia về tài nguyên và môi trường biển.

6. Biên tập và phát hành Niên giám dữ liệu biển 5 năm một lần.

Điều 17. Trách nhiệm và quyền hạn của các Bộ, ngành

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là các Bộ, ngành) trong phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực của mình có trách nhiệm:

1. Ban hành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu biển theo quy định của pháp luật.

2. Đề xuất nhu cầu điều tra dữ liệu biển, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc lập quy hoạch điều tra dữ liệu biển và xây dựng kế hoạch điều tra sau khi được phê duyệt.

3. Kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu sản phẩm đã được điều tra.

4. Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu biển do Bộ, ngành mình thu thập được.

5. Cung cấp dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu biển quốc gia và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng dữ liệu biển theo quy định của pháp luật; trao đổi dữ liệu biển do Bộ, ngành mình quản lý với các Bộ, ngành khác có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biển.

6. Lưu trữ, bảo quản các dữ liệu biển đã thu thập được.

Điều 18. Trách nhiệm và quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biển có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:

1. Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu biển do cơ quan mình thu thập được.

2. Đề xuất nhu cầu điều tra dữ liệu biển; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc lập quy hoạch điều tra dữ liệu biển trong phạm vi được giao quản lý và xây dựng kế hoạch điều tra sau khi được phê duyệt.

3. Kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu sản phẩm đã được điều tra.

4. Cung cấp dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu biển quốc gia và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng dữ liệu biển theo quy định của pháp luật; trao đổi dữ liệu biển với các Bộ, ngành, địa phương khác theo quy định của pháp luật.

5. Lưu trữ, bảo quản các dữ liệu biển đã thu thập được.

Điều 19. Cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biển

Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biển có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc điều tra, thu thập, quản lý dữ liệu biển để khai thác, sử dụng có hiệu quả dữ liệu biển.

Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu biển giữa các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biển.

Chương V

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM,

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 20. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc điều tra, thu thập, quản lý, lưu giữ, bảo quản dữ liệu biển; giao, nộp, tặng, cho dữ liệu biển có giá trị cho Nhà nước thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Xử lý vi phạm

1. Cá nhân chiếm giữ, tiêu huỷ trái phép, làm hư hại dữ liệu biển; sử dụng dữ liệu biển trái với quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm hư hỏng, thất thoát dữ liệu biển, cản trở việc khai thác, sử dụng dữ liệu biển thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.

Điều 22. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biển theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết các tranh chấp trong thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu biển.

2. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thu thập, quản lý, khai thác dữ liệu biển thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Xử lý dữ liệu biển đã được điều tra, thu thập trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành

Các dữ liệu biển đã được điều tra, thu thập bằng ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được xử lý theo quy định sau đây:

1. Đối với những dữ liệu biển đã được nghiệm thu, đánh giá thì các cơ quan, tổ chức đang quản lý dữ liệu biển có trách nhiệm cung cấp toàn bộ dữ liệu đó cho Cơ sở dữ liệu biển quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thời hạn cung cấp dữ liệu biển hoàn thành chậm nhất là 6 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

2. Đối với những dữ liệu biển chưa được nghiệm thu, đánh giá, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức đã được Nhà nước cấp kinh phí để điều tra, thu thập dữ liệu biển có trách nhiệm tổ chức thẩm định, nghiệm thu, đánh giá các dữ liệu và đưa vào sử dụng theo quy định của Nghị định này. Thời hạn hoàn thành việc nghiệm thu, đánh giá các tài liệu đã được điều tra, thu thập và nộp vào Cơ sở dữ liệu biển quốc gia chậm nhất là 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Điều 24. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 25. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.