• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2022
HĐND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Số: 34/2021/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 10 tháng 12 năm 2021

NGHỊ QUYẾT

Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phân chia ngân sách giữa

các cấp chính quyền địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2025

__________________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

KHÓA VIII, KỲ HỌP LẦN THỨ 3

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số  77/2015/QH13">77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 47/2019/QH14">47/2019/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13"> 80/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 06 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước sô 83/2015/QH13">83/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước;

Xét Tờ trình số 11181/TTr-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phân chia ngân sách giữa các cấp chính quyền địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định về phân cấp nguồn thu và tỷ lệ phân chia ngân sách giữa các cấp chính quyền địa phương giai đoạn 2022 - 2025

1. Nguồn thu ngân sách tỉnh

a) Các khoản thu ngân sách tỉnh hưởng 100%, gồm:

- Thu từ doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập do Trung ương và Tỉnh quản lý, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

- Thu từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh do Cục Thuế tỉnh trực tiếp quản lý;

- Thuế thu nhập cá nhân từ tổ chức, doanh nghiệp do Cục Thuế tỉnh quản lý;

- Thuế tài nguyên, trừ thuế tài nguyên thu từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí;

- Tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

- Tiền sử dụng đất từ các dự án do Tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và thu từ quỹ đất do các cơ quan cấp tỉnh quản lý;

- Tiền cho thuê đất và mặt nước do các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh quản lý, cho thuê;

- Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, kể cả hoạt động xổ số điện toán;

- Các khoản thu hồi vốn của ngân sách tỉnh đầu tư tại các tổ chức kinh tế theo quy định; thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh đại diện chủ sở hữu; thu phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân tỉnh đại diện chủ sở hữu;

- Thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản trên đất của các cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý;

- Viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh;

- Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do các cơ quan nhà nước cấp tỉnh thực hiện, trừ khoản được cấp có thẩm quyền cho khấu trừ để khoán chi phí hoạt động; phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh và doanh nghiệp nhà nước thực hiện, sau khi trừ phần được trích lại để bù đắp chi phí theo quy định của pháp luật;

- Lệ phí (trừ lệ phí trước bạ) do các cơ quan nhà nước cấp tỉnh thu;

- Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do cơ quan nhà nước cấp tỉnh quyết định;

- Thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước do các cơ quan, đơn vị, tổ chức cấp tỉnh xử lý, sau khi trừ đi các chi phí theo quy định của pháp luật;

- Thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cấp quyền khai thác tài nguyên nước phần ngân sách tỉnh được hưởng theo quy định của pháp luật;

- Tiền sử dụng khu vực biển đối với khu vực biển thuộc thẩm quyền giao của tỉnh;

- Huy động đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp vào ngân sách tỉnh theo quy định của pháp luật;

- Thu từ quỹ dự trữ tài chính tỉnh;

- Thu kết dư ngân sách tỉnh;

- Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật (bao gồm cả thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa; thu tiền bồi thường cho nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; thu hồi các khoản chi năm trước của ngân sách tỉnh; thu ngân sách cấp dưới nộp lên).

 

b) Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ giữa ngân sách tỉnh và ngân sách huyện:

- Tiền sử dụng đất do cấp huyện, xã quyết định chủ trương đầu tư và quỹ đất do các cơ quan cấp huyện, xã quản lý trên địa bàn thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc phân chia ngân sách tỉnh hưởng 30%.

Tỷ lệ phân chia chi tiết nguồn thu tiền sử dụng đất giữa cấp tỉnh, cấp huyện được quy định theo Phụ lục I đính kèm.

c) Thu bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương.

d) Thu chuyển nguồn của ngân sách tỉnh từ năm trước chuyển sang.

2. Nguồn thu của ngân sách huyện

a) Các khoản thu ngân sách huyện hưởng 100%:

- Thu từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (trừ thu từ hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể) và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc huyện quản lý do Chi cục Thuế cấp huyện trực tiếp quản lý;

Trường hợp trong thời kỳ ổn định ngân sách, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh do cấp huyện quản lý thu mới thành lập có phát sinh số nộp ngân sách tăng đột biến, làm ngân sách huyện tăng thu lớn (doanh nghiệp có tiền nộp ngân sách nhà nước trên 20 tỷ đồng/năm), Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phương án xử lý theo đúng quy định tại khoản 7 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước.

- Thuế thu nhập cá nhân từ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (trừ thuế thu nhập cá nhân từ hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh cá thể) do Chi cục Thuế cấp huyện quản lý;

- Tiền cho thuê đất và mặt nước do các cơ quan, đơn vị cấp huyện, xã quản lý, cho thuê;

- Viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị cấp huyện;

- Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do các cơ quan nhà nước cấp huyện thực hiện, trừ khoản được cấp có thẩm quyền cho khấu trừ để khoán chi phí hoạt động; phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện, sau khi trừ phần được trích lại để bù đắp chi phí theo quy định của pháp luật.

- Lệ phí do cơ quan nhà nước cấp huyện thu (trừ lệ phí môn bài thu từ cá nhân, hộ kinh doanh);

- Lệ phí trước bạ (trừ lệ phí trước bạ nhà, đất xã và thị trấn);

- Các khoản thu phí, thu khác tại các chợ thuộc huyện quản lý, phần nộp vào ngân sách huyện theo quy định của pháp luật;

- Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các đơn vị cấp huyện quyết định;

- Thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước do các cơ quan, đơn vị thuộc cấp huyện xử lý, sau khi trừ đi các chi phí theo quy định của pháp luật;

- Huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân nộp vào ngân sách huyện theo quy định của pháp luật;

- Thu kết dư ngân sách huyện;

- Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật (bao gồm cả thu hồi các khoản chi năm trước của ngân sách huyện; thu ngân sách cấp dưới nộp lên).

b) Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách tỉnh và ngân sách cấp huyện:

- Tiền sử dụng đất từ các dự án do cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư và thu từ quỹ đất, tiền cho thuê đất do các cơ quan cấp huyện quản lý được phân chia tỷ lệ theo Phụ lục I kèm theo.

c) Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ (%) giữa ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã:

- Tiền sử dụng đất từ các dự án do cấp huyện, xã quyết định chủ trương đầu tư đất và thu từ quỹ đất do cấp huyện, xã quản lý giữa cấp huyện và cấp xã được phân chia theo tỷ lệ quy định chi tiết tại Phụ lục I kèm theo.

- Các khoản thu từ hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh cá thể (trừ lệ phí môn bài hộ kinh doanh cá thể) được phân chia theo tỷ lệ chi tiết tại Phụ lục II kèm theo.

d) Thu bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách tỉnh.

đ) Thu chuyển nguồn của ngân sách huyện từ năm trước chuyển sang.

3. Nguồn thu của ngân sách cấp xã

a) Các khoản thu ngân sách cấp xã hưởng 100%:

- Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp;

- Lệ phí môn bài thu từ cá nhân, hộ kinh doanh;

- Lệ phí trước bạ nhà đất (đối với xã, thị trấn);

- Lệ phí do cơ quan nhà nước cấp xã thu;

- Các khoản thu phí, thu khác tại các chợ thuộc cấp xã quản lý, phần nộp vào ngân sách xã theo quy định của pháp luật;

- Thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản khác;

- Viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị cấp xã;

- Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do các cơ quan nhà nước cấp xã thực hiện, trừ khoản được cấp có thẩm quyền cho khấu trừ để khoản chi phí hoạt động; phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập cấp xã, sau khi trừ phần được trích lại để bù đắp chi phí theo quy định của pháp luật;

- Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các đơn vị cấp xã quyết định;

- Huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân nộp vào ngân sách xã theo quy định của pháp luật;

- Thu kết dư ngân sách xã;

- Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật (bao gồm cả thu hồi các khoản chi năm trước của ngân sách xã).

b) Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ (%) giữa ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã chi tiết tại Phụ lục I và Phụ lục II đính kèm.

c) Thu bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách huyện.

d) Thu chuyển nguồn của ngân sách xã từ năm trước chuyển sang.

(Các khoản thu phân chia tỉnh, huyện, xã quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này bao gồm cả khoản tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế).

Điều 2. Quy định nhiệm vụ chi ngân sách các cấp chính quyền địa phương giai đoạn 2022 – 2025

1. Chi ngân sách tỉnh

a) Chi đầu tư phát triển:

- Chi đầu tư các dự án do tỉnh quản lý theo các lĩnh vực được quy định tại điểm b khoản này;

- Chi đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của địa phương theo quy định của pháp luật;

- Chi bổ sung vốn điều lệ cho các Quỹ do Tỉnh thành lập theo quy định của pháp luật.

- Các khoản chi đầu tư khác theo quy định của pháp luật.

b) Chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh được phân cấp trong các lĩnh vực:

- Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề;

- Sự nghiệp khoa học và công nghệ;

- Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội phần giao tỉnh quản lý;

- Sự nghiệp y tế, dân số và gia đình;

- Sự nghiệp văn hóa thông tin;

- Sự nghiệp phát thanh, truyền hình;

- Sự nghiệp thể dục thể thao;

- Sự nghiệp bảo vệ môi trường (bao gồm nhiệm vụ chi xử lý nước thải, rác thải tại các nhà máy xử lý theo yêu cầu quản lý tập trung của tỉnh – nếu có);

- Các hoạt động kinh tế, gồm: Sự nghiệp giao thông; sự nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và phát triển nông thôn; xây dựng nông thôn mới và hoạt động phát triển nông thôn khác; sự nghiệp tài nguyên; quy hoạch; xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; duy tu, bảo dưỡng hệ thống đèn chiếu sáng, vỉa hè, hệ thống cấp nước, thoát nước, công viên và các hoạt động kiến thiết thị chính khác; các hoạt động kinh tế khác;

- Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội;

- Hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định của pháp luật ở cấp tỉnh;

- Chi bảo đảm xã hội, bao gồm cả chi thực hiện các chính sách xã hội theo quy định của pháp luật;

- Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

c) Chi trả nợ lãi các khoản do tỉnh vay.

d) Chi bổ sung Quỹ dự trữ tài chính tỉnh.

đ) Chi chuyển nguồn sang năm sau của ngân sách tỉnh.

e) Chi bổ sung cân đối cho ngân sách cấp huyện.

g) Chi bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện để thực hiện:

- Các chính sách, chế độ do Trung ương và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhưng chưa được bố trí hoặc bố trí chưa đủ trong dự toán ngân sách huyện của năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách; mức hỗ trợ cụ thể được xác định trên cơ sở nhu cầu chi theo chế độ, chính sách và khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, huyện;

- Các nhiệm vụ chi do Trung ương quy định, kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác do Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương; các nhiệm vụ chi do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chưa được dự toán trong định mức các lĩnh vực chi;

- Hỗ trợ kinh phí để thực hiện một số dự án về đầu tư phát triển và tăng cường cơ sở vật chất của các ngành, lĩnh vực thuộc huyện quản lý;

- Hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng các dự án để bán đấu giá thu tiền sử dụng đất tương ứng với tỷ lệ ngân phân chia ngân sách tỉnh hưởng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết này;

- Hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án phát triển kinh tế và đô thị từ nguồn thu tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước của các dự án có vốn đầu tư ngoài ngân sách do cấp huyện kêu gọi đầu tư nhưng tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

- Các nhiệm vụ chi hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ khác.

h) Chi hỗ trợ thực hiện một số nhiệm vụ quy định tại các điểm a, b và c khoản 9 Điều 9 của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Chi ngân sách huyện

a) Chi đầu tư phát triển:

Chi đầu tư các dự án do cấp huyện quản lý theo các lĩnh vực được quy định tại điểm b Khoản này, từ các nguồn:

- Chi đầu tư từ nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung của ngân sách tỉnh phân cấp cho ngân sách thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà để đầu tư xây dựng các trường phổ thông công lập các cấp, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, giao thông đô thị, vệ sinh đô thị, các công trình phúc lợi công cộng khác theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 39 Luật Ngân sách nhà nước và các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển khác;

- Chi đầu tư từ nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung của ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện;

- Chi đầu tư từ nguồn thu cân đối ngân sách huyện;

- Các khoản chi đầu tư khác theo quy định của pháp luật.

b) Chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị cấp huyện được phân cấp trong các lĩnh vực:

- Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề;

- Sự nghiệp ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ;

- Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội phần giao huyện quản lý;

- Sự nghiệp y tế, dân số và gia đình;

- Sự nghiệp văn hóa thông tin;

- Sự nghiệp phát thanh, truyền hình;

- Sự nghiệp thể dục thể thao;

- Sự nghiệp bảo vệ môi trường (bao gồm nhiệm vụ chi xử lý nước thải, rác thải tại các nhà máy xử lý khi chưa thực hiện yêu cầu quản lý tập trung của tỉnh);

- Các hoạt động kinh tế, gồm: Sự nghiệp giao thông; sự nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và phát triển nông thôn; sự nghiệp tài nguyên; quy hoạch; xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; duy tu, bảo dưỡng hệ thống đèn chiếu sáng, vỉa hè, hệ thống cấp nước, thoát nước, công viên và các hoạt động kiến thiết thị chính khác; các hoạt động kinh tế khác;

- Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội;

- Hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định của pháp luật ở cấp huyện;

- Chi bảo đảm xã hội, bao gồm cả chi thực hiện các chính sách xã hội theo quy định của pháp luật;

- Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

c) Chi chuyển nguồn sang năm sau của ngân sách cấp huyện.

d) Chi bổ sung cân đối ngân sách cho ngân sách cấp xã.

đ) Chi bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp xã để thưc hiện:

- Các chính sách, chế độ do Trung ương và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhưng chưa được bố trí hoặc bố trí chưa đủ trong dự toán ngân sách huyện của năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách; mức hỗ trợ cụ thể được xác định trên cơ sở nhu cầu chi theo chế độ, chính sách và khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, huyện, xã;

- Các nhiệm vụ chi do Trung ương quy định, kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác do Trung ương, Tỉnh bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương; các nhiệm vụ chi do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chưa được dự toán trong định mức các lĩnh vực chi;

- Hỗ trợ kinh phí để thực hiện một số dự án về đầu tư phát triển và tăng cường cơ sở vật chất của các lĩnh vực thuộc cấp xã quản lý;

- Các nhiệm vụ chi hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ khác.

e) Chi hỗ trợ thực hiện một số nhiệm vụ quy định tại các điểm a, b và c khoản 9 Điều 9 của Luật Ngân sách nhà nước.

3. Chi ngân sách xã

a) Chi đầu tư phát triển:

- Chi đầu tư các dự án do cấp xã quản lý theo các lĩnh vực được quy định tại điểm b Khoản này;

- Các khoản chi đầu tư khác theo quy định của pháp luật.

b) Chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị cấp xã được phân cấp trong các lĩnh vực

- Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề;

- Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội phần giao xã quản lý;

- Sự nghiệp y tế, dân số và gia đình;

- Sự nghiệp văn hóa thông tin;

- Sự nghiệp phát thanh, truyền hình;

- Sự nghiệp thể dục thể thao;

- Sự nghiệp bảo vệ môi trường (không bao gồm nhiệm vụ chi xử lý nước thải, rác thải tại các nhà máy xử lý tập trung);

- Các hoạt động kinh tế, gồm: sự nghiệp giao thông; sự nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và phát triển nông thôn; lưu trữ hồ sơ địa chính và hoạt động quản lý tài nguyên khác; duy tu, bảo dưỡng hệ thống đèn chiếu sáng, vỉa hè, hệ thống cấp nước, thoát nước, công viên và các hoạt động kiến thiết thị chính khác; các hoạt động kinh tế khác;

- Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội;

- Hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định của pháp luật ở cấp xã;

- Chi bảo đảm xã hội, bao gồm cả chi thực hiện các chính sách xã hội theo quy định của pháp luật ở cấp xã;

- Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

c) Chi chuyển nguồn sang năm sau của ngân sách cấp xã.

d) Chi hỗ trợ thực hiện một số nhiệm vụ quy định tại các điểm a, b và c khoản 9 Điều 9 của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 3. Điều khoản thi hành

Nghị quyết này thay thế các Nghị quyết sau:

Nghị quyết số 11/2016/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phân chia ngân sách giữa các cấp chính quyền địa phương giai đoạn 2017 - 2020;

Nghị quyết số 15/2020/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách địa phương giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021;

Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế sửa đổi, bổ sung một số quy định tại nghị quyết số 11/2016/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phân chia ngân sách giữa các cấp chính quyền địa phương giai đoạn 2017 - 2020.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, Kỳ họp lần thứ 3 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022./.

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Trường Lưu

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.