Thông tư
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ
_______________
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó, sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông và Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ
1. Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 3 như sau:
“2a. Tình huống khẩn cấp về thiên tai trong lĩnh vực đường bộ là các tình huống thiên tai đã hoặc đang xảy ra gây ảnh hưởng hoặc có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cần tổ chức triển khai ngay các biện pháp ứng phó khẩn cấp để kịp thời ngăn chặn hậu quả và khắc phục nhanh hậu quả, được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền.”.
2. Sửa đổi khoản 3 Điều 3 như sau:
“3. Cơ quan quản lý đường bộ là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ; cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi là Sở Giao thông vận tải), Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã.”.
3. Sửa đổi tên điều và khoản 1 Điều 4 như sau:
a) Sửa đổi tên Điều 4 như sau:
“Điều 4. Nguyên tắc hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và cứu nạn trong lĩnh vực đường bộ”;
b) Sửa đổi khoản 1 Điều 4 như sau:
“1. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động phòng, chống thiên tai và cứu nạn được quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống thiên tai và Điều 4 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.”.
4. Sửa đổi khoản 1 Điều 9 như sau:
“1. Căn cứ vào bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, các văn bản chỉ đạo của cấp trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đối với hệ thống quốc lộ), Sở Giao thông vận tải (đối với các hệ thống đường địa phương; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ được giao quản lý), trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo, chỉ huy triển khai thực hiện biện pháp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong lĩnh vực giao thông đường bộ.”.
5. Bổ sung Điều 9a vào sau Điều 9 như sau:
“Điều 9a. Công bố quyết định tình huống khẩn cấp và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai
1. Thẩm quyền quyết định
a) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với hệ thống quốc lộ và đường bộ cao tốc; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Giao thông vận tải tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với các hệ thống đường bộ địa phương; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn về giao thông đường bộ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.
2. Nội dung quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai
a) Thời điểm bắt đầu, diễn biến, phạm vi ảnh hưởng của thiên tai hoặc sự cố; hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do ảnh hưởng của thiên tai; mức độ hư hỏng đối với công trình; thiệt hại hoặc nguy cơ gây thiệt hại có thể xảy ra;
b) Các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố công trình gây ra;
c) Phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện ứng phó và khắc phục hậu quả.
3. Công bố kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai
Căn cứ diễn biến thiên tai hoặc kết quả khắc phục sự cố, cơ quan tham mưu trình người có thẩm quyền tại khoản 1 Điều này ban hành quyết định công bố kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai.”.
6. Sửa đổi Điều 11 như sau:
“Điều 11. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông
1. Tìm kiếm, cứu người bị nạn; tìm kiếm, cứu hộ phương tiện, tài sản của nhà nước, của nhân dân bị chìm đắm, vùi lấp do tác động của thiên tai.
2. Tham gia việc cứu trợ, ổn định đời sống của người dân vùng bị thiên tai hoặc vùng bị cô lập giao thông đường bộ do thiên tai.
3. Xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông đường bộ.
4. Sửa chữa, khôi phục hoạt động của trang, thiết bị thi công thuộc tài sản công.
5. Thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của sự cố, thiên tai.”.
7. Bổ sung Điều 11a vào sau Điều 11 như sau:
“Điều 11a. Xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai
1. Xây dựng công trình khẩn cấp nhằm kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, từng bước bảo đảm giao thông đường bộ an toàn, thông suốt theo Điều 12 Thông tư này. Xây dựng công trình khẩn cấp phải được thực hiện bằng Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp của cấp có thẩm quyền.
2. Thẩm quyền quyết định Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp:
a) Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam quyết định đối với hệ thống quốc lộ, đường bộ cao tốc thuộc trách nhiệm quản lý, bảo trì của Bộ Giao thông vận tải (trừ trường hợp quy định tại điểm c, điểm d khoản này); Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam tham mưu cho Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam quyết định Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đối với hệ thống đường địa phương thuộc phạm vi quản lý;
c) Người đứng đầu Cơ quan chuyên môn về xây dựng của Bộ Giao thông vận tải quyết định đối với công trình đường bộ xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp do Bộ Giao thông vận tải là người quyết định đầu tư, là chủ đầu tư;
d) Người đứng đầu Cơ quan Trung ương Đại diện chủ sở hữu quyết định đối với công trình đường bộ do Doanh nghiệp được nhà nước giao đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình đường bộ quản lý.
3. Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp có các nội dung chính như sau:
a) Mục đích xây dựng, địa điểm xây dựng;
b) Người được giao quản lý thực hiện xây dựng công trình;
c) Thực hiện xây dựng công trình khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông theo quy định tại Điều 13 Thông tư này (đối với công trình đường bộ đang khai thác). Các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật về xây dựng, về phòng, chống thiên tai (đối với dự án đầu tư, xây dựng đường bộ mới hoặc nâng cấp, cải tạo);
d) Thời gian xây dựng công trình;
đ) Dự kiến chi phí, nguồn lực thực hiện và các yêu cầu cần thiết khác có liên quan.
4. Người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động xây dựng công trình khẩn cấp, gồm:
a) Giao tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế, giám sát, thi công xây dựng và các công việc cần thiết khác phục vụ xây dựng công trình khẩn cấp;
b) Sau khi kết thúc thi công xây dựng công trình khẩn cấp, lập và trình phê duyệt hồ sơ hoàn thành công trình theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.”.
8. Sửa đổi khoản 3 và bổ sung khoản 4, khoản 5, khoản 6 vào Điều 12 như sau:
“3. Khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông trong giai đoạn đang thi công đối với dự án đầu tư, xây dựng đường bộ mới hoặc nâng cấp, cải tạo
a) Trên tuyến hoặc đoạn tuyến đường bộ được giao để thực hiện dự án, Chủ đầu tư, Nhà đầu tư chịu trách nhiệm sửa chữa hư hỏng, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra đối với toàn bộ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ (bao gồm cả các hạng mục không là hạng mục dự án);
b) Khi có thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ đầu tư hoặc Nhà đầu tư thông báo cho chính quyền hoặc Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và các cơ quan liên quan kiểm tra hiện trường, xác định thiệt hại để tổ chức xử lý, khắc phục hậu quả thiệt hại theo quy định của pháp luật về xây dựng, về phòng, chống thiên tai và quy định tại Thông tư này;
c) Trường hợp thiệt hại lớn hoặc hư hỏng hạng mục không phải là hạng mục của dự án, Chủ đầu tư hoặc Nhà đầu tư báo cáo mức độ, ước tính kinh phí thiệt hại do thiên tai gây ra để người quyết định đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.
4. Khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông trong giai đoạn đang thi công đối với dự án bảo trì đường bộ
a) Theo phạm vi thi công được giao, nhà thầu thi công thông báo cho Chủ đầu tư hoặc Nhà đầu tư, cơ quan bảo hiểm, chính quyền hoặc Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai cấp huyện, các cơ quan liên quan kiểm tra hiện trường, xác định thiệt hại do thiên tai gây ra và lập phương án khắc phục làm cơ sở cho cơ quan bảo hiểm bồi thường (trường hợp mua bảo hiểm công trình);
b) Trường hợp không mua bảo hiểm hoặc mua bảo hiểm nhưng có hư hại lớn, vượt quá kinh phí bảo hiểm, Chủ đầu tư hoặc Nhà đầu tư báo cáo mức độ, ước tính kinh phí thiệt hại do thiên tai gây ra để người quyết định đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định;
c) Trường hợp xảy ra hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông trong phạm vi thi công được giao, nhưng hạng mục bị hư hỏng không phải là hạng mục của dự án, công trình đang thi công, Cơ quan quản lý đường bộ và Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ chịu trách nhiệm thực hiện theo quy định tại Điều 13, Điều 14 Thông tư này.
5. Khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông đối với dự án đường bộ đã bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng và đang trong thời gian bảo hành
a) Đối với kết cấu hạ tầng giao thông không là hạng mục của dự án đã bàn giao, bị hư hỏng khi thiên tai xảy ra, Cơ quan quản lý đường bộ, Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ chịu trách nhiệm thực hiện theo quy định tại Điều 13, Điều 14 Thông tư này;
b) Đối với kết cấu hạ tầng giao thông là hạng mục của dự án, bị hư hỏng khi thiên tai xảy ra, Cơ quan quản lý đường bộ thông báo cho Chủ đầu tư và đơn vị có liên quan có mặt ngay tại hiện trường, phối hợp xác định nguyên nhân và trách nhiệm sửa chữa hư hỏng; khi không thống nhất được nguyên nhân và trách nhiệm sửa chữa hư hỏng, Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức giám định nguyên nhân hư hỏng để xác định nguyên nhân, trách nhiệm sửa chữa, khắc phục hư hỏng;
Trường hợp nguyên nhân hư hỏng do thiên tai gây ra, Cơ quan quản lý đường bộ và Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ chịu trách nhiệm thực hiện theo quy định tại Điều 13, Điều 14 Thông tư này; trường hợp xác định nguyên nhân hư hỏng do chất lượng công trình thuộc trách nhiệm bảo hành của dự án, Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức ngay việc sửa chữa hư hỏng, khắc phục hậu quả và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không sửa chữa hoặc sửa chữa hư hỏng không bảo đảm chất lượng gây mất an toàn giao thông.
6. Khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông đối với dự án đường bộ đầu tư theo phương thức đối tác công tư đang trong thời gian bảo hành
a) Đối với kết cấu hạ tầng giao thông không là hạng mục của dự án, bị hư hỏng khi thiên tai xảy ra, Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án PPP có trách nhiệm khắc phục, sửa chữa ngay các thiệt hại theo quy định tại Điều 13, Điều 14 Thông tư này;
b) Đối với kết cấu hạ tầng giao thông là hạng mục của dự án, bị hư hỏng khi thiên tai xảy ra, Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án PPP thông báo cho Cơ quan quản lý đường bộ có mặt ngay tại hiện trường, phối hợp xác định nguyên nhân gây hư hỏng; khi không thống nhất được nguyên nhân hư hỏng, Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án PPP có trách nhiệm tổ chức giám định nguyên nhân hư hỏng để xác định nguồn kinh phí thực hiện sửa chữa, khắc phục hư hỏng;
Trường hợp nguyên nhân hư hỏng do thiên tai gây ra, Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thực hiện theo quy định tại Điều 13, Điều 14 Thông tư này; trường hợp xác định nguyên nhân hư hỏng do chất lượng công trình thuộc trách nhiệm bảo hành của dự án, Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm tổ chức ngay việc sửa chữa hư hỏng, khắc phục hậu quả và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không sửa chữa hoặc sửa chữa hư hỏng không bảo đảm chất lượng gây mất an toàn giao thông.”.
9. Sửa đổi Điều 13 như sau:
“Điều 13. Các hạng mục thi công khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1
1. Khắc phục, xử lý ùn tắc giao thông
Ngay sau khi cấp có thẩm quyền công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, theo phạm vi trách nhiệm được giao, Cơ quan quản lý đường bộ; Ban Quản lý dự án; Nhà đầu tư; Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác công trình đường bộ; Nhà thầu thi công dự án; Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ phải chủ động triển khai, thực hiện ngay các nhiệm vụ sau:
a) Khi thiên tai gây hư hại làm gián đoạn giao thông đường bộ: căng dây, rào chắn, cắm biển báo hiệu tạm hai đầu đoạn tuyến bị hư hại; thu dọn, san sửa ngay ít nhất một làn xe để phương tiện đi lại an toàn; những đoạn tuyến hay công trình bị hư hại nặng phải làm rào chắn, có người gác chỉ huy, điều khiển giao thông, tổ chức phân luồng bảo đảm giao thông và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; trường hợp chiều sâu ngập nước lớn, lưu tốc dòng chảy mạnh phải cắm cọc tiêu, cắm phao tiêu, cột thủy chí, kết hợp chính quyền địa phương làm rào chắn, phân luồng hoặc cấm phương tiện qua lại hoặc điều tiết giao thông và cảnh báo khác nếu cần;
b) Cột điện, cây đổ, sạt lở ta luy âm bề rộng mặt đường còn lại ≤ 3m; sạt lở đất, đá ta luy dương xuống nền, mặt đường mỗi vị trí không quá 100 m3; bùn, đất, đá, cây, rác lấp, tắc hệ thống thoát nước gây cản trở dòng chảy của cống, dưới cầu: tập trung hót dọn, khơi thông lòng cống, rãnh; lấp rãnh tạm thời hoặc xén vào chân ta luy dương đạt bề rộng mặt đường ≥ 4 m để thông xe tạm, sau đó hoàn thiện cho thông xe bình thường;
c) Hệ thống báo hiệu đường bộ, an toàn giao thông bị đổ, hư hỏng: khôi phục ngay, thay thế, bổ sung hệ thống an toàn giao thông để hướng dẫn, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn;
d) Sụt ta luy dương tràn lấp kín nền, mặt đường: cắm biển báo hiệu tạm hai đầu đoạn tuyến, phân luồng bảo đảm giao thông, tiến hành hót sụt ngay để thông tuyến.
2. Các trường hợp hư hỏng, thiệt hại nhỏ và vừa
a) Mặt đường sụt, lún lõm cục bộ, ổ gà, bong tróc, lề đường bị xói trôi; mặt đường hư hỏng do triều cường; lún sụt, xói trôi đường cứu nạn, hốc cứu nạn: san gạt, bảo đảm êm thuận, kết hợp cắm biển báo báo tạm thời; sau khi thời tiết cho phép khắc phục ngay bằng vật liệu phù hợp hoặc hoàn trả lại kết cấu cũ hoặc kết cấu tương đương và hệ thống an toàn giao thông nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình, phù hợp với điều kiện khai thác;
b) Đối với cầu nhỏ (bao gồm xói lở tứ nón, chân khay, đường đầu cầu, chân mố trụ, sân tiêu năng) gây mất an toàn giao thông và an toàn công trình: khắc phục hư hỏng bằng bê tông xi măng hoặc bê tông cốt thép hoặc kè rọ thép nhồi đá hộc bảo đảm an toàn công trình;
c) Đối với cống (bao gồm xói trôi thượng hạ lưu, tường đầu, tường cánh, sân tiêu năng): khắc phục hư hỏng bằng bê tông xi măng hoặc bê tông cốt thép, kết hợp kè rọ thép nhồi đá hộc, bảo đảm tiêu thoát nước;
d) Hệ thống thoát nước (bao gồm rãnh dọc, rãnh đỉnh, bậc nước, mương) xói trôi, bong bật, ngâp úng cục bộ: khơi thông, vét bùn, đất, đá bảo đảm thoát nước; gia cố, bổ sung rãnh bị hư hỏng hoặc bổ sung rãnh mới để dẫn nước đi nơi khác bảo đảm tiêu thoát nước;
đ) Đường tràn, ngầm (bao gồm xói trôi mặt, ta luy, sân tiêu năng thượng lưu, hạ lưu; hư hỏng báo hiệu, cọc tiêu, cột thủy chí): khắc phục hư hỏng bằng bê tông xi măng hoặc bê tông cốt thép kết hoặc kè rọ thép nhồi đá hộc hoặc hoàn trả theo kết cấu ban đầu hoặc kết cấu tương đương;
e) Công trình phụ trợ lán trại, nhà làm việc, nhà hạt quản lý đường bộ, kho bãi, nhà xưởng, kho bảo quản vật tư dự phòng bị đổ, hư hỏng: khôi phục, thay thế, bổ sung các công trình phụ trợ bảo đảm trạng thái tiêu chuẩn kỹ thuật đủ điều kiện hoạt động.
3. Các trường hợp hư hỏng, thiệt hại lớn
a) Sạt lở ta luy dương xuất hiện vết nứt cung trượt nguy cơ tiếp tục sạt lở và tiếp tục trôi, trượt: tiến hành cắt cơ hạ tải giảm bớt một phần hoặc toàn bộ cung trượt, hoặc mở đường tránh cục bộ để thông xe tạm (đối với những nơi không có tuyến tránh);
b) Sạt ta luy dương xuất hiện tình trạng đá bị nứt, đá rơi, đá lăn rơi xuống lòng đường và có nguy cơ tiếp tục rơi, trượt, nguy cơ mất an toàn giao thông cao: xử lý theo hướng đào, cậy phá các tảng đá kém ổn định, hoặc giảm tải ta luy dương (bằng phương pháp thủ công, hoặc thủ công kết hợp máy và bột nở, hoặc sử dụng phương án nổ mìn) khi điều kiện địa hình phức tạp; tùy thuộc địa hình và kết cấu mái đá, để áp dụng phủ lưới thép có các neo ghim vào mái ta luy đá; tùy thuộc địa hình chân mái ta luy dương để xếp kè rọ thép đá hộc phòng đất đá rơi xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông;
c) Sụt, lở ta luy âm ăn sâu vào mặt đường một phần, nguy cơ đứt đường: tùy thuộc địa hình và địa chất dùng cọc bằng thép hình đóng tạo tường chắn chống sụt, kết hợp kè rọ thép đá hộc hoặc kè bằng bê tông cốt thép, hoặc mở đường vào phía ta luy dương (tùy theo địa hình nếu có thể được) hoặc sử dụng phương án khắc phục, sửa chữa với vật liệu phù hợp điều kiện thực tế của địa bàn;
d) Sụt, lở ta luy âm dọc sông, suối, kênh rạch, bờ biển, nguy cơ lún sụt lấn sâu vào nền đường: tùy theo địa hình chỉnh tuyến vào ta luy dương, hoặc mở đường lấn vào bên trong, hoặc xếp kè rọ thép, hoặc dùng cọc bằng thép hình hoặc (cọc cừ) đóng tạo tường chắn chống sụt, hoặc kè bằng bê tông cốt thép, hoặc sử dụng phương án khắc phục, sửa chữa với vật liệu phù hợp điều kiện thực tế của địa hình, bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả. Đối với trường hợp sông, suối có thay đổi dòng chảy, chảy thẳng vào ta luy âm: tiến hành chỉnh nắn dòng chảy và gia cố ta luy âm cho phù hợp với địa hình;
đ) Sập hoặc hư hỏng cầu nhỏ, mất an toàn giao thông: tiến hành căng dây, rào chắn, cắm biển báo tạm, phân luồng giao thông; sửa chữa, gia cường hoặc mở đường tránh cục bộ để thông xe tạm, hoặc bắc cầu tạm để thông xe tuyến chính;
e) Cống bị hư hỏng, đứt, trôi, cống bị chìm sâu, khẩu độ không đảm bảo thoát nước: sửa chữa hư hỏng, hoặc thay thế, bổ sung cống, bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả;
g) Trên một đoạn đường bị rạn nứt, đẩy trồi nhựa, dồn nhựa thành vệt dọc hoặc vệt ngang đường, lún vệt bánh xe; nứt, vỡ mặt đường; đoạn đường thường xuyên bị ngập nước: san gạt, bảo đảm êm thuận, kết hợp cắm biển báo tạm thời và biển báo khác; sau khi thời tiết cho phép khắc phục ngay hoàn trả lại kết cấu cũ, hoặc kết cấu tương đương nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình phù hợp với điều kiện khai thác;
h) Hệ nổi, cầu phao, ca nô, phà (bao gồm Hệ thống báo hiệu bị thiệt hại; sự cố công trình, chìm đắm phương tiện, va trôi): tiến hành sửa chữa hoặc sản xuất, lắp dựng bổ sung báo hiệu để bảo đảm cho các phương tiện hoạt động trên tuyến an toàn; tiến hành biện pháp điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông, chống va trôi để tổ chức công tác trục vớt, thanh thải vật chướng ngại do phương tiện chìm đắm gây ra; sửa chữa phương tiện bị hư hỏng.
4. Các trường hợp hư hỏng, thiệt hại rất lớn, kỹ thuật phức tạp
Sập hầm, trôi sập cầu trung trở lên: căng dây, rào chắn, cắm biển báo hiệu tạm hai đầu, có người gác chỉ huy, điều khiển giao thông, tổ chức phân luồng từ xa hoặc khu vực để bảo đảm giao thông và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc xây dựng đường tránh cục bộ để thông xe tạm hoặc giải pháp tạm thời khác phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Theo phạm vi quản lý, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đối với quốc lộ), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đường địa phương) quyết định chủ trương xử lý, khắc phục, gia cố nhằm bảo đảm giao thông an toàn thông suốt.”.
10. Sửa đổi tên điều và khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 14 như sau:
a) Sửa đổi tên Điều 14 như sau:
“Điều 14. Quy định về Hồ sơ hoàn thành công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1”;
b) Sửa đổi khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 14 như sau:
“1. Tổ chức lập, soát xét Hồ sơ hoàn thành công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1
a) Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải đối với quốc lộ được giao quản lý;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đối với hệ thống đường bộ địa phương;
c) Doanh nghiệp được nhà nước giao đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình đường bộ đối với công trình đường bộ được giao quản lý;
d) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành thi công trên hiện trường, các cơ quan quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản này có trách nhiệm trình Hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này để thẩm định, phê duyệt.
2. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Hồ sơ hoàn thành công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1
a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam đối với hệ thống quốc lộ;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đối với hệ thống đường địa phương;
c) Người đứng đầu Cơ quan Trung ương Đại diện chủ sở hữu quyết định đối với công trình đường bộ do Doanh nghiệp được nhà nước giao đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình đường bộ quản lý;
d) Thời gian thẩm định hồ sơ và thông báo kết quả là 30 ngày, kể từ ngày cơ quan thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
3. Hồ sơ công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1, gồm:
a) Tờ trình của Cơ quan lập Hồ sơ;
b) Thuyết minh phương án khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông;
c) Các quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp, công điện (nếu có), lệnh điều động, văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc khắc phục hậu quả thiên tai đối với thiệt hại, hư hỏng trình trong Hồ sơ;
d) Báo cáo ban đầu của Cơ quan lập Hồ sơ, cơ quan, đơn vị khác có liên quan về tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra, kèm theo ảnh chụp;
đ) Bản vẽ hoàn công; Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng giữa chủ đầu tư, nhà thầu và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, kèm theo bản kê chi tiết;
e) Dự toán kinh phí cho công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1 đã thực hiện, kèm các bản thuyết minh tính toán chi tiết;
g) Biên bản xác minh thiệt hại lập tại hiện trường với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xảy ra thiệt hại;
h) Các bản vẽ kỹ thuật thi công thể hiện khối lượng, kết cấu công trình tạm (áp dụng đối với trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 13 Thông tư này);
i) Nhật ký thi công xây dựng công trình và các hình ảnh ghi nhận quá trình thi công xây dựng công trình, bảng chấm công trực điều tiết, phân luồng bảo đảm giao thông.”.
11. Sửa đổi điểm c khoản 3 và điểm a, điểm b khoản 4 Điều 15 như sau:
a) Sửa đổi điểm c khoản 3 Điều 15 như sau:
“c) Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện điều động vật tư, phương tiện, trang thiết bị dự phòng thuộc thẩm quyền quản lý để kịp thời ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên các hệ thống đường địa phương;”.
b) Sửa đổi điểm a, điểm b khoản 4 Điều 15 như sau:
“a) Đối với hệ thống quốc lộ
Hàng năm, các Cục Quản lý đường bộ có trách nhiệm quản lý, trông coi, bảo dưỡng trang thiết bị, vật tư dự phòng; lập dự toán kinh phí thực hiện trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát, lập nhu cầu sản xuất, mua sắm, sửa chữa, dự trữ trang thiết bị, vật tư dự phòng và dự toán cho công tác bảo trì, bảo vệ các kho chứa trang thiết bị, vật tư dự phòng, trình Bộ Giao thông vận tải chấp thuận trước ngày 30 tháng 6 hàng năm.
b) Đối với các hệ thống đường địa phương
Việc quản lý, trông coi, bảo dưỡng trang thiết bị, vật tư dự phòng theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”.
Điều 2. Bãi bỏ khoản 1 Điều 6 Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ.
Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp
Đối với các công trình khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1 đã thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì việc lập, soát xét và thẩm định, phê duyệt tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 03/2021/TT-BGTVT ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2022.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Giao thông vận tải – Xây dựng Lào Cai, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.