• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/05/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 20/02/2014
BỘ THƯƠNG MẠI
Số: 04/2006/TT-BTM
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 6 tháng 4 năm 2006

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số nội dung Quy định tại nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày

23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành luật thương

mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán,

gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài

_________________

 

Căn cứ Nghị định số 29/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thương mại;

Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài,

Bộ Thương mại hướng dẫn một số nội dung cụ thể để thực hiện Nghị định số 12/2006/NĐ-CP nêu trên của Chính phủ như sau:

I. QUYỀN KINH DOANH XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

1. Thương nhân không có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (dưới đây gọi tắt là thương nhân) bao gồm:

- Các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã.

- Các hộ kinh doanh cá thể được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 109/2004/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh.

Được xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, gia công, đại lý mua, bán hàng hóa theo quy định và trong phạm vi Nghị định số 12/2006/NĐ-CP không phụ thuộc vào ngành hàng, ngành nghề ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2. Trong khi chờ Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành hữu quan quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam và thương nhân có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, gia công, đại lý mua bán hàng hóa và dịch vụ quá cảnh hàng hóa theo các quy định hiện hành.

II. HÀNG HOÁ CẤM XUẤT KHẨU, CẤM NHẬP KHẨU

1. Hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu thực hiện theo công bố của các Bộ, ngành hữu quan hướng dẫn thực hiện Phụ lục số 01 về Danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP.

2. Bộ Thương mại công bố danh mục và ghi mã số HS hàng tiêu dùng và thiết bị y tế đã qua sử dụng cấm nhập khẩu tại Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư này.

III. HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THEO GIẤY PHÉP CỦA BỘ THƯƠNG MẠI

A. HÀNG XUẤT KHẨU

Hạn ngạch hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ (nếu có) thực hiện theo Thông tư liên tịch Bộ Thương mại - Công nghiệp.

Đối với thị trường khác hàng dệt may được xuất khẩu theo nhu cầu.

B. HÀNG NHẬP KHẨU

1. Hàng cần kiểm soát xuất khẩu theo quy định của điều ước quốc tế, hiệp định mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia

Việc cấp giấy phép nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn thuộc Phụ lục I Nghị định Montreal thực hiện theo các quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT-BTM-BTNMT ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Bộ Thương mại - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quản lý nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

2. Xe hai bánh, ba bánh gắn máy có dung tích động cơ từ 175 cm3 trở lên

Bộ Thương mại cấp giấy phép nhập khẩu xe hai bánh, ba bánh gắn máy có dung tích động cơ từ 175 cm3 trở lên cho các đối tượng trên cơ sở cho phép của Bộ Công an, phù hợp với các quy định hiện hành về thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu.

3. Súng đạn thể thao

Bộ Thương mại cấp phép nhập khẩu súng đạn thể thao theo quyết định phê duyệt của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao.

4.  Giấy phép nhập khẩu theo chế độ hạn ngạch thuế quan

4.1. Danh mục hàng nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan

 

MÔ TẢ HÀNG HOÁ

MÃ SỐ HS

1

Muối

2501

2

Thuốc lá nguyên liệu

2401

3

Trứng gia cầm

0407

4

Đường tinh luyện, đường thô

1701

Lượng hạn ngạch thuế quan do Bộ Thương mại công bố hàng năm.

4.2. Nguyên tắc giấy phép theo chế độ hạn ngạch thuế quan

a) Áp dụng giấy phép nhập khẩu để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng là muối, trứng gia cầm, thuốc lá nguyên liệu và đường (tinh luyện và đường thô).

b) Các mặt hàng thuộc danh mục áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu không có giấy phép của Bộ Thương mại được áp dụng mức thuế ngoài hạn ngạch thuế quan. Riêng thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc lá điếu ngoài hạn ngạch thuế quan theo hướng dẫn của Bộ Công nghiệp.

c) Số lượng, khối lượng, trị giá các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, để gia công hàng xuất khẩu, không tính vào lượng hạn ngạch thuế quan hàng năm do Bộ Thương mại công bố.

4.3. Đối tượng cấp phép theo hạn ngạch thuế quan

Bộ Thương mại cấp giấy phép nhập khẩu cho thương nhân đủ điều kiện nhập khẩu hàng hoá thuộc danh mục hạn ngạch thuế quan, cụ thể như sau:

a) Muối

Thương nhân có nhu cầu sử dụng muối trong sản xuất phù hợp với quy định của Bộ quản lý chuyên ngành.

b) Thuốc lá nguyên liệu

Thương nhân có giấy phép sản xuất thuốc lá điếu do Bộ Công nghiệp cấp và có nhu cầu sử dụng cho sản xuất thuốc lá điếu một tỷ lệ nhất định thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu do Bộ Công nghiệp xác nhận.

Tổng công ty ngành hàng là đầu mối nhận hạn ngạch cho các công ty thành viên.

c) Trứng gia cầm

Thương nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng trên.

d) Đường

Thực hiện theo hướng dẫn hàng năm của Bộ Thương mại sau khi thống nhất với các Bộ, ngành hữu quan.

4.4. Thủ tục cấp phép theo hạn ngạch thuế quan

a) Căn cứ vào lượng hạn ngạch thuế quan hàng năm và trên cơ sở cân đối kết quả nhập khẩu và nhu cầu đăng ký hạn ngạch thuế quan của thương nhân, Bộ Thương mại sẽ xem xét cấp giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan cho thương nhân nêu tại mục 4.3 nêu trên. Hồ sơ gửi về Bộ Thương mại gồm:

- Đơn đăng ký theo mẫu tại Phụ lục số 02 kèm theo Thông tư này;

- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

b) Thương nhân xuất trình giấy phép nhập khẩu hàng hoá theo hạn ngạch thuế quan của Bộ Thương mại với Hải quan cửa khẩu khi làm thủ tục nhập khẩu và số lượng hàng hoá nhập khẩu trong giấy phép được hưởng mức thuế nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan.

c) Cuối mỗi quý thương nhân báo cáo tình hình nhập khẩu về Bộ Thương mại (theo mẫu tại Phụ lục số 03 kèm theo Thông tư này).

Trước ngày 30 tháng 9 hàng năm, thương nhân có báo cáo (thay cho báo cáo quý III) gửi về Bộ Thương mại đánh giá khả năng nhập khẩu cả năm đó, đề nghị điều chỉnh tăng, giảm hạn ngạch được cấp hoặc báo cáo số lượng hàng hoá không có khả năng nhập khẩu để Bộ Thương mại phân giao cho thương nhân khác.

IV. HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THEO QUY ĐỊNH RIÊNG

Thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định 12/2006/NĐ-CP Bộ Thương mại hướng dẫn cụ thể một số điểm như sau:

1. Nhập khẩu xăng, dầu nhiên liệu

Việc nhập khẩu xăng, dầu nhiên liệu thực hiện theo Quyết định số 187/2003/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu và các văn bản liên quan.

2. Nhập khẩu ô tô các loại đã qua sử dụng

a) Ô tô các loại đã qua sử dụng bao gồm ô tô chở người, ô tô chở hàng hoá, ô tô vừa chở người vừa chở hàng, ô tô chuyên dùng được nhập khẩu phải bảo đảm điều kiện sau: loại đã qua sử dụng không quá 5 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu (ví dụ: năm 2006 chỉ được nhập khẩu ô tô loại sản xuất từ năm 2001 trở lại đây). Các quy định khác thực hiện theo hướng dẫn của các Bộ quản lý chuyên ngành. Riêng loại xe ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi thực hiện theo Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thương mại - Bộ Giao thông Vận tải - Bộ Tài chính - Bộ Công an.

b) Cấm nhập khẩu phương tiện vận tải tay lái bên phải (tay lái nghịch), kể cả dạng tháo rời và dạng đã được chuyển đổi tay lái trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, trừ các loại phương tiện chuyên dùng có tay lái bên phải hoạt động trong phạm vi hẹp gồm: xe cần cẩu; máy đào kênh rãnh; xe quét đường, tưới đường; xe chở rác và chất thải sinh hoạt; xe thi công mặt đường; xe chở khách trong sân bay và xe nâng hàng trong kho, cảng; xe bơm bê tông; xe chỉ di chuyển trong sân gol, công viên.

c) Cấm nhập khẩu ô tô các các loại đã thay đổi kết cấu, chuyển đổi công năng so với thiết kế ban đầu, bị đục sửa số khung, số máy trong mọi trường hợp và dưới mọi hình thức.

d) Cấm tháo rời ô tô khi vận chuyển và khi nhập khẩu.

đ) Cấm nhập khẩu ô tô cứu thương đã qua sử dụng.

3. Nhập khẩu gỗ các loại từ các nước có chung đường biên giới

Thương nhân được nhập khẩu gỗ các loại từ các nước và các nước có chung đường biên giới không phải xin giấy phép của Bộ Thương mại; riêng đối với gỗ nguyên liệu bao gồm gỗ tròn, gỗ xẻ nhập khẩu từ Campuchia được quy định như sau:

a) Thương nhân có hợp đồng nhập khẩu hoặc hợp đồng tạm nhập tái xuất gỗ ký với thương nhân Campuchia được Bộ Thương mại Campuchia cấp giấy phép xuất khẩu gỗ nguyên liệu gửi văn bản và hợp đồng kèm theo về Bộ Thương mại xin phép nhập khẩu hoặc giấy phép tạm nhập tái xuất gỗ. Bộ Thương mại sẽ cấp giấy phép nhập khẩu, tạm nhập tái xuất cho thương nhân sau khi nhận được giấy phép xuất khẩu gỗ nguyên liệu của Bộ Thương mại Campuchia gửi đến Bộ Thương mại Việt Nam qua Đại sứ quán hoặc cơ quan Thương vụ của Việt Nam tại Campuchia hoặc của Campuchia tại Việt Nam.

b) Việc vận chuyển, giao nhận gỗ nhập khẩu được thực hiện qua các cửa khẩu sau:

1. Lệ Thanh (đường số 19)

8. Vĩnh Xương-Thường Phước (sông Tiền)

2. Bu Pờ-răng (đường số 14)

9. Khánh Bình (An Giang)

3. Bô-nuê (đường số 13)

10. Bắc Đai (An Giang)

4. Xa Mát (đường số 22B)

11. Vĩnh Hội đông (An Giang)

5. Mộc Bài (đường số 22A)

12. Mỹ Quý Tây (Long An)

6. Tịnh Biên (đường số 2)

13. Vàm Đồn (Long An)

7. Xà Xía (đường số 17)

14. Các cửa khẩu quốc gia và quốc tế bằng đường biển

4. Xuất khẩu phân bón và xăng, dầu nhiên liệu nhập khẩu chủ yếu do nhà nước bảo đảm cân đối ngoại tệ để nhập khẩu

a) Thương nhân có nhu cầu xuất khẩu phân bón có nguồn gốc nhập khẩu gửi văn bản về Bộ Thương mại để được xem xét giải quyết. Giám đốc doanh nghiệp chịu trách nhiệm bảo đảm hàng xuất khẩu được thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.

b) Thương nhân có giấy phép kinh doanh nhập khẩu xăng dầu được xuất khẩu xăng, dầu đã nhập khẩu theo giấy phép cho xuất khẩu của Bộ Thương mại và phải chịu trách nhiệm thực hiện quy định: Xăng dầu xuất khẩu phải bán theo giá đủ bù đắp toàn bộ chi phí nhập khẩu và thu ngoại tệ tự do chuyển đổi qua ngân hàng.

5. Nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà

a) Nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà để tiêu thụ ở thị trường trong nước theo hướng dẫn của liên Bộ Thương mại - Công nghiệp.

b) Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà để bán trong cửa hàng miễn thuế thực hiện theo Thông tư số 21/1998/TT-BTM ngày 24 tháng 02 năm 1998 của Bộ Thương mại hướng dẫn thi hành Quy chế về cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 205/1998/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ.

V. TẠM NHẬP TÁI XUẤT, TẠM XUẤT TÁI NHẬP, CHUYỂN KHẨU HÀNG HOÁ

Thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định 12/2006/NĐ-CP, Bộ Thương mại hướng dẫn cụ thể một số điểm sau:

1. Thương nhân có nhu cầu tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu các loại hàng phải có giấy phép của Bộ Thương mại gửi văn bản đề nghị về Bộ Thương mại theo mẫu (Phụ lục số 04), báo cáo tình hình thực hiện tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu theo mẫu (Phụ lục số 05) kèm theo Thông tư này.

2. Hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu được làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu nơi có cơ quan Hải quan theo quy định hiện hành. Riêng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu những mặt hàng thuộc Danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu chỉ được làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu quốc tế, trừ trường hợp đuợc Uỷ ban nhân dân nơi có Khu Kinh tế cửa khẩu cho phép làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu trong Khu Kinh tế cửa khẩu.

3. Tạm nhập tái xuất xăng dầu thực hiện theo Quyết định số 1752/2003/QĐ-BTM ngày 15 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

4. Tạm nhập tái xuất các chất suy giảm tầng ô-dôn thực hiện theo Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT-BTM-BTNMT ngày 11 ngày 7 năm 2005 của Bộ Thương mại - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quản lý nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

5. Hàng tạm nhập, tái xuất nếu tiêu thụ tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện nghĩa vụ thuế theo luật định.

VI. GIA CÔNG HÀNG HOÁ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Thực hiện theo quy định tại Chương VI Nghị định 12/2006/NĐ-CP, Bộ Thương mại hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Đối với hàng hoá nhập khẩu theo giấy phép khảo nghiệm và hàng hoá nhập khẩu theo hình thức chỉ định thương nhân nhập khẩu của các Bộ quản lý chuyên ngành quy định tại Phụ lục số 03 của Nghị định số 12/2006/NĐ-CP, không được thực hiện gia công xuất khẩu cho nước ngoài. Riêng việc gia công những mặt hàng theo giấy phép khảo nghiệm của Bộ Y tế thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

2. Đối với hàng hoá thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện của các Bộ quản lý chuyên ngành chỉ các thương nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định chuyên ngành về sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó mới được gia công xuất khẩu cho nước ngoài.

3. Đối với việc gia công hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường có hạn ngạch thực hiện theo hướng dẫn của liên Bộ Thương mại - Công nghiệp.

VII. QUÁ CẢNH HÀNG HOÁ QUA LÃNH THỔ VIỆT NAM

Thực hiện theo quy định tại Chương VII Nghị định 12/2006/NĐ-CP, Bộ Thương mại hướng dẫn cụ thể một số điểm sau:

1. Danh mục hàng hóa có độ nguy hiểm cao quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo Quyết định riêng của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

2. Hàng hóa quá cảnh của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia thực hiện theo:

- Quyết định số 0305/2001/QĐ-BTM ngày 26 tháng 3 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành Quy chế về hàng hóa của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quá cảnh lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Quyết định số 0938/2000/QĐ-BTM ngày 30 tháng 6 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành Quy chế về hàng hóa của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào quá cảnh lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Quyết định số 1732/2000/QĐ-BTM ngày 13 tháng 12 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành Quy chế về hàng hóa của Vương quốc Campuchia quá cảnh lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

VIII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Các loại giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá được cấp trước khi Nghị định 12/2006/NĐ-CP và Thông tư này có hiệu lực, thực hiện theo thời hạn hiệu lực ghi trong giấy phép hoặc gia hạn của giấy phép đó của cơ quan có thẩm quyền.

2. Bãi bỏ Thông tư số 11/2001/TT-BTM ngày 18 tháng 4 năm 2001 của Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001 - 2005.

3. Bãi bỏ Quyết định số 1311/1998/QĐ-BTM ngày 31/10/1998 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về ban hành Quy chế kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu và Quy chế kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất và Quyết định số 2504/2005/QĐ-BTM ngày 10/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu hàng hoá cấm nhập khẩu và tạm ngừng nhập khẩu.

4. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với những quy định trong Thông tư này.

5. Thông tư này có hiệu lực thực hiện từ ngày 01 tháng 5 năm 2006./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phan Thế Ruệ

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.