• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 11/04/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 26/06/2008
BỘ Y TẾ
Số: 04/2006/TT-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 10 tháng 3 năm 2006

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn tuyển sinh đại học Y, Dược hệ tập trung 4 năm

__________________________

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 27 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 243/2005/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn tuyển sinh đại học Y - Dược hệ tập trung 4 năm (hệ chuyên tu) như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Cùng với hình thức đào tạo chính quy, đào tạo Bác sỹ, Dược sỹ hệ tập trung 4 năm (hệ chuyên tu) là hình thức đào tạo nhằm tăng cường Bác sỹ, Dược sỹ làm việc ở tuyến y tế cơ sở. Đối với hình thức đào tạo này, Bộ Y tế chủ trương tuyển sinh dưới các hình thức thi tuyển, cử tuyển, tuyển sinh theo địa chỉ, tạo điều kiện thuận lợi cho Y sỹ đang công tác tại Trạm Y tế xã, Dược sỹ trung cấp đang công tác tại cơ sở y tế huyện xã, huyện được đào tạo lên bậc đại học để sau khi tốt nghiệp trở về địa phương nơi đã cử đi học tiếp tục làm việc tốt hơn.

2. Đối với các xã, huyện miền núi, vùng cao, vùng sâu và các xã đặc biệt khó khăn, Bộ Y tế áp dụng hình thức đào tạo theo chế độ cử tuyển và hợp đồng đào tạo theo địa chỉ sử dụng để đáp ứng nhu cầu về nhân lực y tế. Trước khi vào học chính thức, các học viên này được bồi dưỡng văn hóa và chuyên môn 01 năm theo chương trình do Bộ Y tế quy định.

 3. Chỉ tiêu đào tạo Bác sỹ, Dược sỹ hệ tập trung 4 năm được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho từng Trường đại học Y, Dược. Các tỉnh có khó khăn đặc biệt về nhân lực y tế và có nhu cầu đào tạo theo địa chỉ sử dụng phải làm việc với Bộ Y tế và các Trường đại học trước tháng 8 hàng năm để thẩm định nhu cầu và khả năng của cơ sở dự kiến giao chỉ tiêu đào tạo. Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh và cấp có thẩm quyền, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét để xây dựng kế hoạch tuyển sinh.

4. Kết thúc khóa đào tạo, các Trường đại học Y, Dược bàn giao học viên kèm theo hồ sơ cho các tỉnh hoặc cơ quan cử người đi học để bố trí công tác tại tuyến y tế cơ sở. Những học viên không tốt nghiệp hoặc phải ngừng học tập trước khi tốt nghiệp cũng sẽ được trả về tỉnh hoặc cơ quan cử đi học để giải quyết.

Cơ sở đào tạo không giao hồ sơ và cấp giấy tờ cho học viên để tự liên hệ công tác.

5. Các khu vực tuyển sinh: Bao gồm Khu vực 1 (KV1), Khu vực 2 (KV2), Khu vực 2 nông thôn (KV2-NT), Khu vực 3 (KV3), được phân chia theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khu vực dự thi của mỗi thí sinh được xác định dựa vào địa chỉ cơ quan nơi thí sinh đang làm việc.

6. Một số quy định khác:

a) Tuyến Y tế cơ sở được hiểu là tuyến y tế huyện và xã.

b) Hợp đồng lao động dài hạn được hiểu là hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 năm trở lên và người lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, sau đây gọi tắt là hợp đồng lao động.

c) Hợp đồng trong định biên được hiểu là hợp đồng ký theo quy định tại Thông tư Liên bộ số 08/TT-LB ngày 20/4/1995 của Liên Bộ Y tế - Tài chính - Lao động Thương binh và Xã hội - Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ. Hợp đồng trong định biên được coi là một hình thức của hợp đồng lao động dài hạn.

II. ĐỐI TƯỢNG TUYỂN SINH

Thí sinh phải là công dân Việt Nam đang làm việc đúng chuyên ngành và trình độ đào tạo tại các cơ sở y tế.

1. Đối tượng thi tuyển

a) Đối tượng tuyển sinh Bác sỹ đa khoa

- Y sỹ đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập sau:

+ Các đơn vị thuộc tuyến y tế cơ sở đóng trên địa bàn KV1;

+ Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thuộc KV2, KV2-NT;

+ Trung tâm Y tế dự phòng, Phòng khám đa khoa khu vực, Đội Y tế của các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố thuộc KV2, KV2-NT;

+ Trạm Y tế và Bệnh xá của các Bộ, Ngành khác đóng trên địa bàn KV1, KV2, KV2-NT;

+ Bệnh viện Phong - Da liễu, Khu điều trị Phong, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội đóng trên địa bàn KV1, KV2, KV2-NT;

- Y sỹ đang làm việc tại Phòng khám đa khoa tư nhân đóng trên địa bàn KV1, KV2, KV2-NT.

- Y sỹ đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự hoặc đã công tác liên tục tại KV1 ít nhất 24 tháng, hiện đang làm việc tại các cơ sở y tế sau đóng trên địa bàn KV3:

+ Cơ sở y tế công lập: Trạm Y tế phường, Phòng khám đa khoa khu vực, Trung tâm Y tế dự phòng, Đội Y tế của các Trung tâm Y tế quận, Bệnh viện Phong - Da liễu, Khu điều trị Phong, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội; Trạm Y tế và Bệnh xá của các Bộ, Ngành khác.

+ Cơ sơ y tế ngoài công lập: Phòng khám đa khoa tư nhân.

- Y sỹ đang trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân AIDS, khám nghiệm tử thi và đã làm công tác này liên tục ít nhất 24 tháng.

b) Đối tượng tuyển sinh Bác sỹ y học cổ truyền (YHCT)

+ Y sỹ YHCT đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đóng trên địa bàn KV1, KV2, KV2-NT.

+ Y sỹ YHCT đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự hoặc đã công tác liên tục tại KV1 ít nhất 24 tháng, hiện nay đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đóng trên địa bàn KV3.

c) Đối tượng tuyển sinh Dược sỹ đại học

+ Dược sỹ trung cấp đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đóng trên địa bàn KV1, KV2, KV2-NT.

+ Dược sỹ trung cấp đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự hoặc đã làm việc liên tục tại KV1 ít nhất 24 tháng, hiện nay đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đóng trên địa bàn KV3.

+ Dược sỹ trung cấp đang trực tiếp sản xuất, pha chế dược phẩm, vắc-xin, sinh phẩm và đã làm công tác này liên tục ít nhất 24 tháng.

2. Đối tượng tuyển sinh Bác sỹ đa khoa và Dược sỹ đào tạo theo hình thức cử tuyển

Y sỹ, Dược sỹ trung cấp đáp ứng yêu cầu về đối tượng tuyển sinh quy định tại Thông tư liên tịch Hướng dẫn tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp theo chế độ cử tuyển số 04/2001/TTLT-BGD&ĐT-BTCCBCP-UBDT&MN ngày 26/02/2001 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ - Ủy ban Dân tộc và Miền núi (dưới đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 04/2001/TTLT-BGD&ĐT-BTCCBCP-UBDT&MN)

3. Đối tượng tuyển sinh Bác sỹ đa khoa và Dược sỹ hình thức đào tạo hợp đồng theo địa chỉ sử dụng

a) Y sỹ là người dân tộc thiểu số đang công tác, có biên chế hay hợp đồng lao động tại tuyến y tế cơ sở các huyện thuộc KV1 hoặc Trạm Y tế xã; nếu là người Kinh phải có hộ khẩu thường trú và đã công tác liên tục ở khu vực nói trên ít nhất 24 tháng.

b) Dược sỹ trung cấp là người dân tộc thiểu số, có biên chế hoặc hợp đồng lao động tại các cơ sở y tế thuộc KV1 hoặc tuyến y tế cơ sở thuộc KV2, KV2-NT; nếu là người Kinh phải có hộ khẩu thường trú và đã công tác liên tục tại khu vực nói trên ít nhất 24 tháng.

III. TIÊU CHUẨN TUYỂN SINH

1. Tiêu chuẩn chính trị

Lý lịch bản thân và gia đình rõ ràng, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, phẩm chất đạo đức tốt, chấp hành đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những người đang trong thời gian thi hành kỷ luật (từ khiển trách trở lên) không được dự tuyển.

2. Tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và văn hóa

a) Về trình độ chuyên môn

- Thí sinh dự thi và cử tuyển vào các lớp Bác sỹ đa khoa phải có bằng tốt nghiệp Y sỹ trung cấp đào tạo theo chương trình của Bộ Y tế.

- Thí sinh dự thi vào lớp Bác sỹ YHCT phải có bằng tốt nghiệp Y sỹ YHCT hoặc Y sỹ định hướng YHCT đào tạo theo chương trình của Bộ Y tế.

- Thí sinh dự thi và cử tuyển vào các lớp Dược sỹ đại học phải có bằng tốt nghiệp Dược sỹ trung cấp đào tạo theo chương trình của Bộ Y tế.

- Các thí sinh đã được đào tạo trong quân đội phải có bằng tốt nghiệp Trung cấp Y, Dược do Trường Trung học Quân Y 1 (nay là Học viện Quân Y), Trường Trung học Quân Y 2 cấp; hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp Y, Dược do các Trường Trung cấp Quân Y thuộc Quân khu, Quân chủng, Binh chủng, Tổng cục và tương đương cấp từ năm 1994 trở về trước và thời gian đào tạo ít nhất là 2 năm học.

b) Về trình độ văn hóa

Các đối tượng tuyển sinh đều phải có trình độ văn hóa tốt nghiệp trung học phổ thông, bổ túc văn hóa hoặc đã tốt nghiệp các môn văn hóa trong chương trình đào tạo trung cấp Y, Dược, được cơ sở đào tạo xác nhận.

3. Tiêu chuẩn về thâm niên chuyên môn

Yêu cầu thâm niên chuyên môn ít nhất là 2 năm (đủ 24 tháng) đối với người có hộ khẩu và đang làm việc tại KV1 và 3 năm (đủ 36 tháng) đối với các đối tượng còn lại.

Thâm niên chuyên môn là thời gian làm việc liên tục đúng chuyên ngành đào tạo sau khi tốt nghiệp trung cấp Y, Dược, tính từ khi có Quyết định tuyển dụng công chức, viên chức của cấp có thẩm quyền, hợp đồng làm việc đúng chuyên môn đào tạo trong các cơ sở y tế công lập hoặc tư nhân hợp pháp hoặc bản thân được phép hành nghề Y, Dược tư nhân đến ngày 31 tháng 10 năm dự thi.

4. Tiêu chuẩn sức khỏe

Phải có đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành của liên Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo.

IV. CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN

Điểm tuyển vào trường được xét ưu tiên theo khu vực và trong mỗi khu vực có các ưu tiên cho các đối tượng theo chính sách.

1. Ưu tiên về khu vực

Theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Ưu tiên về chính sách

a) Nhóm ưu tiên 1

- Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, chiến sỹ thi đua toàn quốc.

- Người dân tộc thiểu số đang làm việc tại KV1.

- Thương binh, bệnh binh, người được hưởng chính sách như thương binh.

b) Nhóm ưu tiên 2

- Người được thưởng huân chương, huy chương kháng chiến, chiến thắng, huân chương lao động hoặc là chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 2 năm liền.

- Con liệt sỹ, con thương binh, con bệnh binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh.

- Con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, con của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, con của Anh hùng lao động.

- Con của người hoạt động cách mạng trước ngày Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945.

- Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (là người được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, học tập do hậu quả của chất độc hóa học).

- Người dân tộc thiểu số đang làm việc tại KV2, KV2-NT.

- Người đang trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân AIDS, khám nghiệm tử thi và đã làm công tác này liên tục từ 24 tháng trở lên.

- Người đang làm việc tại Trạm Y tế xã thuộc KV1, Bệnh viện Phong - Da liễu, Khu điều trị Phong, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, đã công tác liên tục tại đó từ 24 tháng trở lên tính đến ngày 31 tháng 10 của năm dự thi.

Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một tiêu chuẩn ưu tiên cao nhất về chính sách.

V. HỒ SƠ DỰ TUYỂN

Hồ sơ dự tuyển gồm có:

1. Một phiếu dự tuyển do cơ quan sử dụng người lao động cử đi dự tuyển và có ý kiến phê duyệt của Sở Y tế tỉnh, thành phố. Các thí sinh đang làm việc trong các đơn vị không thuộc Ngành Y tế phải có ý kiến đề nghị của cơ quan chủ quản cấp Sở hoặc tương đương.

2. Bản sao hợp pháp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bổ túc văn hóa tương đương, khi nhập học phải xuất trình bản chính. Những trường hợp cần thiết, nhà trường yêu cầu thí sinh xuất trình học bạ khóa đào tạo trung cấp Y tế.

3. Bản sao hợp pháp giấy khai sinh.

4. Bản sao hợp pháp các giấy tờ liên quan tới quá trình làm việc như sau (khi nhập học phải xuất trình bản chính):

- Quyết định tuyển dụng công chức, viên chức của cấp có thẩm quyền hoặc hợp đồng làm việc trong các cơ sở y tế công lập.

- Chứng chỉ hành nghề Y, Dược tư nhân, giấy xác nhận thời gian đã hành nghề do Sở Y tế xác nhận (đối với người hành nghề Y, Dược tư nhân).

- Hợp đồng lao động, sổ bảo hiểm xã hội (đối với các đối tượng khác).

Thí sinh đang làm việc tại KV3 phải có bản sao hợp pháp Quyết định phân công công tác và giấy xác nhận thời gian làm việc tại KV1 hoặc giấy xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Người đang trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân AIDS, khám nghiệm tử thi phải có giấy xác nhận thời gian đã trực tiếp chăm sóc và điều trị bệnh nhân AIDS, khám nghiệm tử thi của Sở Y tế hay cơ quan chủ quản cấp Sở hoặc tương đương.

Người đang trực tiếp sản xuất, pha chế dược phẩm, vắc-xin, sinh phẩm phải có giấy xác nhận thời gian đã trực tiếp sản xuất, pha chế dược phẩm, vắc-xin, sinh phẩm của Sở Y tế hay cơ quan chủ quản cấp Sở hoặc tương đương.

5. Giấy chứng nhận đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên tuyển sinh (như quy định tại phần IV) của cơ quan sử dụng người lao động và được Sở Y tế tỉnh, thành phố hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

6. Một bản cam kết của thí sinh sau khi kết thúc học tập sẽ trở về công tác tại tuyến y tế cơ sở theo sự phân công của tỉnh.

7. Bốn ảnh mới chụp không quá 6 tháng cỡ 4 x 6 (một ảnh dán vào phiếu dự tuyển, đóng dấu giáp lai của đơn vị cử đi học).

8. Khi nhập học, thí sinh trúng tuyển phải nộp thêm quyết định cử đi học của Sở Y tế tỉnh, thành phố; thí sinh không thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố quản lý phải có quyết định cử đi học của cơ quan quản lý Nhà nước cấp Sở hoặc tương đương thuộc Bộ, Ngành hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi quản lý người lao động.

Thí sinh diện cử tuyển và diện hợp đồng đào tạo theo địa chỉ phải có quyết định cử đi học của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Các giấy tờ khác: Theo quy định của trường.

Thí sinh phải nộp đầy đủ hồ sơ dự thi về Ban tuyển sinh của các trường theo vùng tuyển sinh đúng thời hạn quy định của từng trường.

Cán bộ ký quyết định cử người đi học phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của hồ sơ của người xin đi học.

VI. THI TUYỂN VÀ CỬ TUYỂN

1. Thi tuyển

a) Các môn thi

Thí sinh trong diện thi tuyển phải thi 3 môn: Toán, Hóa và Chuyên môn.

- Môn Toán và môn Hóa: Trình độ trung học phổ thông (hay bổ túc văn hóa tương đương) theo chương trình hiện hành.

- Môn chuyên môn: Theo chương trình đào tạo Y sỹ trung cấp (Y sỹ đa khoa hoặc Y sỹ YHCT) hoặc Dược sỹ trung cấp hiện hành của Bộ Y tế.

b) Tổ chức thi

Các trường tổ chức thi tuyển theo các quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngày thi tuyển sinh do các trường quy định (nên tổ chức cùng ngày với thi tuyển sinh đại học hệ chính quy) và đăng ký với Bộ Y tế (Vụ Khoa học và Đào tạo), Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời thông báo cho thí sinh.

Các Sở Y tế cần có kế hoạch bồi dưỡng văn hóa và chuyên môn cho người được cử đi học để bảo đảm đào tạo.

Bộ Y tế khuyến khích các trường có cùng ngày thi tổ chức làm đề và sử dụng đề chung để tiết kiệm và đảm bảo mặt bằng kiến thức.

c) Điều kiện trúng tuyển

Thí sinh đúng đối tượng, có đủ các tiêu chuẩn tuyển sinh, điểm thi môn chuyên môn không dưới 5 điểm và các môn văn hóa không có điểm 0, đạt mức điểm tuyển của trường sẽ được xét trúng tuyển.

2. Đào tạo hợp đồng theo địa chỉ

Sau một năm học tập theo chương trình do Bộ Y tế quy định, các thí sinh diện đào tạo hợp đồng theo địa chỉ phải tham dự kỳ thi tuyển sinh chung cùng với các thí sinh diện thi tuyển và được xét trúng tuyển theo điểm chuẩn riêng dành cho các đối tượng này.

3. Cử tuyển

Việc tuyển chọn học viên cử tuyển được thực hiện theo quy trình tuyển chọn quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2001/TTLT-BGD&ĐT-BTCCBCP-UBDT&MN.

Sau khi kết thúc một năm bồi dưỡng kiến thức văn hóa và chuyên môn, các thí sinh diện cử tuyển phải kiểm tra các môn học thêm, nếu đạt yêu cầu sẽ được xét vào học chính thức.

Các trường phải báo cáo điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển, danh sách sinh viên nhập học về Bộ Y tế và thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

VII. CHẾ ĐỘ SINH HOẠT PHÍ VÀ HỌC PHÍ

1. Học viên trúng tuyển (do thi tuyển và cử tuyển) thuộc chỉ tiêu Nhà nước cấp ngân sách phải đóng học phí theo đúng các quy định hiện hành; đối với học viên diện đào tạo theo địa chỉ, các địa phương ký hợp đồng trực tiếp với cơ sở đào tạo.

2. Trong thời gian học tập, lương và mọi chế độ của học viên do cơ quan cử người đi học giải quyết theo chế độ hiện hành.

3. Học viên trúng tuyển không thuộc diện Nhà nước cấp ngân sách phải đóng học phí và các khoản phí, lệ phí khác (nếu có) theo đúng các quy định hiện hành.

VIII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Các đơn vị, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện, xét cử cán bộ tham dự kỳ thi tuyển sinh và đi học theo đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn quy định tại Thông tư này.

Các trường đại học thông báo rộng rãi cho thí sinh và thực hiện công tác tuyển sinh theo đúng quy định hiện hành để đảm bảo chất lượng đào tạo và công bằng xã hội.

Trong quá trình thực hiện, nếu đơn vị, địa phương có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo Bộ Y tế (Vụ Khoa học và Đào tạo) để xem xét, giải quyết kịp thời./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Ngọc Trọng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.