• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 02/04/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 09/07/2008
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 04/2004/TT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 10 tháng 3 năm 2004

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 105/2003/NĐ-CP ngày 17/09/2003

của Chính phủ về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam


Thi hành Nghị định số 105/2003/NĐ-CP ngày 17/9/2003 của Chính phủ về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và Nghị quyết số 01/2004/NQ-CP ngày 12/01/2004 của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 2004, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 1 của Nghị định số 105/2003/NĐ-CP (sau đây gọi chung là người sử dụng lao động) gồm:

a) Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, gồm các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

b) Các nhà thầu (thầu chính, thầu phụ) là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam hoặc nước ngoài nhận thầu;

c) Các tổ chức kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính nhà nước, lực lượng vũ trang, đoàn thể nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội;

d) Văn phòng các dự án đầu tư nước ngoài, chi nhánh của công ty nước ngoài; văn phòng đại diện của các tổ chức kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế;

đ) Các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;

e) Các cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, thể thao, bao gồm:

- Các cơ sở thể thao được thành lập và hoạt động theo quy định tại Pháp lệnh Thể dục thể thao số 28/2000/PL-UBTVQH10 ngày 25/9/2000 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Các cơ sở giáo dục, đào tạo, các trường, cơ sở dạy nghề được thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật Giáo dục số 11/1998/QH10 ngày 02/12/1998 và Bộ Luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung;

- Các bệnh viện, viện có giường bệnh, trung tâm y tế, trạm y tế, trung tâm phòng chống bệnh xã hội, trung tâm y tế dự phòng, trại điều trị và các cơ sở y tế được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

- Các cơ sở văn hóa được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, kể cả các cơ sở văn hóa được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

g) Văn phòng dự án nước ngoài hoặc quốc tế tại Việt Nam;

h) Chi nhánh tổ chức luật sư nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam;

i) Hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

2. Người lao động nước ngoài theo quy định tại Điều 2 của Nghị định số 105/2003/NĐ-CP nói trên là người không có quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Luật Quốc tịch Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 20/5/1998.

II. TUYỂN DỤNG VÀ QUẢN LÝ LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM

1. Người sử dụng lao động được tuyển người lao động nước ngoài theo quy định tại Điều 3 của Nghị định số 105/2003/NĐ-CP và điểm 11 Mục I của Nghị quyết số 01/2004/NQ-CP, cụ thể:

a) Người sử dụng lao động nói tại tiết a điểm 1 Mục I của Thông tư này được tuyển lao động nước ngoài theo quy định như sau:

- Số lao động nước ngoài được tuyển tính theo công thức:

LNN = LDN x 0.03

Trong đó:

+ LNN là số lao động nước ngoài mà doanh nghiệp được tuyển theo quy định, bao gồm những người nước ngoài được người sử dụng lao động tuyển dụng theo hình thức hợp đồng lao động và những người nước ngoài do phía nước ngoài cử vào Việt Nam để làm việc tại doanh nghiệp. Kết quả LNN không vượt quá 50 người và ít nhất là 01 người.

Những người nước ngoài là thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc của doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam; trưởng văn phòng đại diện, trưởng chi nhánh tại Việt Nam, những người nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại doanh nghiệp để thực hiện các loại hợp đồng (trừ hợp đồng lao động) theo quy định tại khoản 5 Điều 6 của Nghị định số 105/2003/NĐ-CP thì không tính trong số lao động nước ngoài nêu trên của doanh nghiệp;

+ LDN là số lao động hiện có của doanh nghiệp (cả lao động Việt Nam và lao động nước ngoài) tại thời điểm tuyển dụng lao động nước ngoài bao gồm: số lao động hiện đang làm việc tại doanh nghiệp; số lao động của doanh nghiệp được cử đi làm việc hoặc đào tạo ở nước ngoài; số lao động đang nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (nghỉ ốm, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp); số lao động đang được doanh nghiệp đào tạo; số lao động đang nghỉ việc do tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Trường hợp kết quả LNN là số thập phân thì được làm tròn lên số trên liền kề.

Ví dụ 1: Doanh nghiệp A có số lao động tại thời điểm tuyển lao động nước ngoài là 76 người thì số lao động nước ngoài được tuyển theo quy định là:

LNN = 76 x 0.03 = 2.28

Như vậy số lao động nước ngoài doanh nghiệp A được tuyển theo quy định là 03 người.

Ví dụ 2: Doanh nghiệp B có số lao động tại thời điểm tuyển lao động nước ngoài là 1767 người thì số lao động nước ngoài được tuyển theo quy định là:

LNN = 1767 x 0.03 = 53.01

Như vậy số lao động nước ngoài doanh nghiệp B được tuyển theo quy định là 50 người.

- Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động nước ngoài vào vị trí công việc mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được vượt số lượng quy định, thì được tuyển thêm không quá 50% so với số lao động được phép tuyển và phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính. Văn bản đề nghị tuyển thêm lao động nước ngoài của người sử dụng lao động theo Mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

- Đối với các dự án đầu tư nước ngoài đã được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt trước ngày Nghị định số 105/2003/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì việc tuyển lao động nước ngoài thực hiện theo kế hoạch nhân sự đã được phê duyệt trong dự án.

- Đối với các doanh nghiệp đã tuyển lao động nước ngoài trước ngày Nghị định số 105/2003/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì người sử dụng lao động được tiếp tục sử dụng số lao động nước ngoài đã tuyển cho đến hết thời hạn hợp đồng lao động đã giao kết hoặc thời hạn trong giấy phép lao động đã được cấp. Trường hợp hết thời hạn sử dụng số lao động đã tuyển nêu trên mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động nước ngoài vượt quá tỷ lệ theo quy định thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

b) Người sử dụng lao động theo quy định tại tiết b, c, d, đ, e, g, h, i điểm 1 Mục I của Thông tư này, trước khi tuyển lao động nước ngoài phải gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đóng trụ sở chính văn bản đề nghị tuyển dụng lao động nước ngoài theo Mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này và sau khi có văn bản chấp thuận của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì mới được tuyển dụng lao động nước ngoài.

Trường hợp người sử dụng lao động đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam xác định số lượng người lao động nước ngoài được sử dụng hàng năm khi cho phép thành lập và hoạt động ở Việt Nam thì không phải thực hiện quy định trên.

2. Người nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có nhiều kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, quản lý theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định số 105/2003/NĐ-CP được quy định như sau:

a) Người nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao bao gồm: kỹ sư; người có trình độ tương đương kỹ sư trở lên có văn bằng chứng nhận tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với chuyên môn, công việc theo yêu cầu của người tuyển dụng;

b) Người nước ngoài là nghệ nhân những ngành nghề truyền thống phải được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước mà người đó mang quốc tịch xác nhận bằng văn bản;

c) Người nước ngoài có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, quản lý là người đã có ít nhất 5 (năm) năm kinh nghiệm, có khả năng đảm nhiệm công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động và phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài.

3. Hồ sơ xin làm việc theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 105/2003/NĐ-CP được quy định như sau:

Người lao động nước ngoài muốn vào Việt Nam làm việc phải nộp 02 (hai) bộ hồ sơ xin làm việc cho người sử dụng lao động. Mỗi bộ hồ sơ gồm có:

a) Đơn xin làm việc theo Mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người lao động cư trú cấp. Trường hợp người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam từ 06 (sáu) tháng trở lên thì còn phải có phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp của Việt Nam nơi người nước ngoài đang cư trú cấp.

c) Bản lý lịch tự thuật của người nước ngoài quy định tại tiết c khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 105/2003/NĐ-CP thực hiện theo Mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư này và có dán ảnh của người nước ngoài.

d) Giấy chứng nhận sức khỏe được cấp ở nước ngoài. Trường hợp người nước ngoài đang cư trú ở Việt Nam thì giấy chứng nhận sức khỏe cấp theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam;

đ) Bản sao chứng chỉ về trình độ chuyên môn, tay nghề của người nước ngoài bao gồm: bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ hoặc giấy chứng nhận về trình độ chuyên môn tay nghề của người lao động nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của nước đó.

Đối với người lao động nước ngoài là nghệ nhân những ngành nghề truyền thống hoặc người có kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, quản lý mà không có chứng chỉ thì phải có văn bản nhận xét về trình độ chuyên môn, tay nghề và trình độ quản lý được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận;

e) Ba ảnh mầu (kích thước 3 cm x 4 cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính), ảnh chụp không quá 01 (một) năm.

Các giấy tờ trong hồ sơ xin làm việc nêu trên do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp hoặc công chứng, chứng thực phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và dịch ra tiếng Việt Nam; bản dịch, bản sao phải được công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

III. CẤP PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM

1. Giấy phép lao động theo quy định tại Điều 6 của Nghị định số 105/2003/NĐ-CP được quy định như sau:

a) Hình thức của giấy phép lao động:

Giấy phép lao động có kích thước 13 cm x 17 cm, gồm 4 trang; trang 1 và trang 4 có mầu xanh hòa bình, tráng nhựa; trang 2 và trang 3 có nền mầu trắng, hoa văn mầu xanh nhạt, ở giữa có hình ngôi sao.

b) Nội dung của giấy phép lao động:

- Trang 1: Từ trên xuống dưới được thể hiện ở trên là Quốc hiệu; dưới là hình Quốc huy; tiếp theo là dòng chữ "Giấy phép lao động", dưới cùng là dòng chữ "Số" của giấy phép lao động bằng tiếng Việt Nam và tiếng Anh;

- Trang 2: từ trên xuống dưới được thể hiện ở góc trên bên trái là khung để dán ảnh mầu cỡ 3 cm x 4cm; ở chính giữa là dòng chữ "Giấy phép lao động"; ở giữa trang là các thông tin của người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động bao gồm: họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quốc tịch hiện nay, số hộ chiếu, trình độ chuyên môn (tay nghề), được làm việc tại, chức danh công việc, thời hạn làm việc từ ngày .... tháng .... năm .... đến ngày .... tháng .... năm .... bằng tiếng Việt Nam và tiếng Anh, tiếp theo là ngày .... tháng .... năm .... Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội .... ký tên, đóng dấu;

- Trang 3: Từ trên xuống dưới được thể hiện ở chính giữa là dòng chữ "Gia hạn giấy phép lao động lần thứ ...", dòng tiếp theo là "Gia hạn từ ngày .... tháng .... năm .... đến ngày .... tháng .... năm ...." bằng tiếng Việt Nam và tiếng Anh, tiếp theo là "ngày .... tháng .... năm .... Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ...." ký tên, đóng dấu;

- Trang 4: Quy định "Những điều cần lưu ý" bằng tiếng Việt Nam và tiếng Anh.

Trang trí và nội dung cụ thể của giấy phép lao động theo Mẫu số 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Giấy phép lao động do Nhà xuất bản Lao động - Xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội in ấn và phát hành thống nhất.

2. Hồ sơ, trình tự và thủ tục xin cấp giấy phép lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 105/2003/NĐ-CP được quy định như sau:

a) Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, gồm có:

- Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo Mẫu số 6 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Hồ sơ xin làm việc của người lao động nước ngoài theo quy định tại điểm 3 mục II của Thông tư này. Đối với người lao động nước ngoài do phía nước ngoài cử vào Việt Nam để làm việc thì trong hồ sơ xin cấp giấy phép lao động không cần phải có đơn xin làm việc, mà có thêm văn bản của phía nước ngoài cử vào Việt Nam để làm việc.

b) Người sử dụng lao động có trách nhiệm gửi 01 (một) hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương sở tại nơi doanh nghiệp, tổ chức đóng trụ sở chính để xin cấp giấy phép lao động.

c) Người sử dụng lao động có trách nhiệm nhận giấy phép lao động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp và có trách nhiệm giao cho người lao động nước ngoài.

d) Sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động, người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài có trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động theo mẫu quy định tại Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ về hợp đồng lao động. Trong thời hạn 5 ngày (năm) kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm gửi một bản sao hợp đồng lao động đã giao kết về cơ quan đã cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài đó.

3. Gia hạn giấy phép lao động:

a) Trường hợp cần gia hạn giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ xin gia hạn. Hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị gia hạn giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo Mẫu số 7 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bản sao hợp đồng lao động hoặc văn bản của phía nước ngoài cử người nước ngoài tiếp tục làm việc ở Việt Nam (có xác nhận của người sử dụng lao động);

- Giấy phép lao động đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho người lao động nước ngoài.

b) Người sử dụng lao động có trách nhiệm gửi 01 (một) hồ sơ xin gia hạn giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp, tổ chức đóng trụ sở chính để xin gia hạn cấp giấy phép lao động.

c) Người sử dụng lao động có trách nhiệm nhận giấy phép lao động do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gia hạn và có trách nhiệm giao cho người lao động nước ngoài.

d) Những trường hợp có nhu cầu gia hạn từ lần thứ 2 (hai) cho người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính văn bản đề nghị chấp thuận để gia hạn giấy phép lao động theo Mẫu số 8 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Cấp lại giấy phép lao động:

Đối với người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động nhưng bị mất, bị hỏng theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 105/2003/NĐ-CP thì phải làm đơn xin cấp lại giấy phép lao động theo Mẫu số 9 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động, kèm theo giấy phép lao động bị hỏng. Người sử dụng lao động có trách nhiệm xác nhận lý do mất hoặc hỏng giấy phép lao động và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài trong đơn xin cấp lại giấy phép lao động của người lao động nước ngoài.

5. Đối với người lao động nước ngoài không phải cấp giấy phép lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 6 của Nghị định số 105/2003/NĐ-CP thì người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo danh sách trích ngang về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính theo Mẫu số 10 ban hành kèm theo Thông tư này.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

1. Trách nhiệm của người sử dụng lao động:

a) Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam về tuyển chọn và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

b) Định kỳ hàng năm trước ngày 05 tháng 7 và ngày 05 tháng 01, người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài 6 tháng đầu năm và cả năm trước về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi đóng trụ sở chính theo Mẫu số 11 ban hành kèm theo Thông tư này. Đồng thời thực hiện các báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về lao động về tình hình sử dụng lao động nước ngoài.

c) Nộp lệ phí cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động, cấp lại giấy phép lao động theo quy định của Bộ Tài chính.

2. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động, cấp lại giấy phép lao động theo quy định của pháp luật.

b) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện; định kỳ hàng năm trước ngày 15 tháng 7 và 15 tháng 01 báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tình hình cấp giấy phép và sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn quản lý theo Mẫu số 12 ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển chọn, quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

3. Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị chấp thuận tuyển lao động nước ngoài của người sử dụng lao động theo quy định tại tiết a điểm 1 Mục II của Thông tư này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xem xét, chấp thuận việc tuyển lao động nước ngoài. Trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị chấp thuận việc tuyển lao động nước ngoài vượt quá số lượng quy định của người sử dụng lao động theo quy định tại tiết b điểm 1 Mục II của Thông tư này, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xem xét, chấp thuận việc tuyển lao động nước ngoài vượt quá số lượng theo quy định. Trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị chấp thuận để gia hạn giấy phép lao động theo quy định tại tiết d điểm 3 Mục III của Thông tư này, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xem xét, chấp thuận để gia hạn giấy phép lao động từ lần thứ hai theo đề nghị của người sử dụng lao động. Trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Thông tư số 08/2000/TT-BLĐTBXH ngày 29/3/2000 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc cấp giấy phép lao động và Quyết định số 311/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 29/3/2000 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành mẫu giấy phép lao động, in và phát hành, quản lý giấy phép lao động cấp cho người lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam.

5. Đối với các Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trước đây đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội uỷ quyền cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài thì nay việc uỷ quyền cấp giấy phép lao động thuộc thẩm quyền của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Hằng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.