• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/01/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 01/10/2012
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 38/2004/QĐ-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 24 tháng 12 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Ban hành Quy định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân

khi vi phạm trong quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

 

Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 23/6/1994 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 12/4/2002;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29/6/2001;

Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, Công chức ngày 26/02/1998 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, Công chức ngày 28/4/2000;

Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân khi vi phạm trong quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 1510/2003/QĐ-BGTVT ngày 27/5/2003 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án thuộc Bộ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính), Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ ĐỐI VỚI TỔ CHỨC,

 

CÁ NHÂN KHI VI PHẠM TRONG QUẢN LÝ, BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG

GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 38/2004/QĐ-BGTVT ngày 24/12/2004

của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Quy định này xác định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc hệ thống quốc lộ do Nhà nước đầu tư.

2. Việc xác định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý bảo trì các hệ thống đường địa phương (đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã), hệ thống đường chuyên dùng, đường xây dựng theo phương thức BOT (đường BOT) thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và Chủ đầu tư căn cứ vào bản quy định này để quy định cụ thể phù hợp với đặc điểm quản lý của từng địa phương hoặc tổ chức có đường chuyên dùng, đường BOT.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức quy định tại Khoản 1 Điều 1 của Quy định này gồm:

a) Cục Đường bộ Việt Nam, Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính (sau đây gọi chung là Sở Giao thông vận tải), các đơn vị quản lý và sửa chữa đường bộ, Cụm phà, Bến phà, Cầu phao, Hạt Quản lý đường bộ;

b) Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông, Ban Quản lý dự án, Nhà thầu xây lắp.

2. Cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 1 của Quy định này gồm:

a) Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam; Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ; Giám đốc Sở giao thông vận tải; Giám đốc đơn vị quản lý và sửa chữa đường bộ; Giám đốc Cụm phà, Bến trưởng bến phà (cầu phao); Hạt trưởng Hạt Quản lý đường bộ, công nhân bảo dưỡng đường bộ, nhân viên tuần đường;

b) Cục trưởng Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án, người đứng đầu các nhà thầu.

Điều 3. Ngoài quy định này, các tổ chức, cá nhân nêu trong Điều 2 phải chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

A. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC

Điều 4. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

1. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phát triển giao thông đường bộ; xây dựng và chỉ đạo thực hiện chương trình quốc gia về an toàn giao thông và các biện pháp đảm bảo giao thông đường bộ thông suốt, an toàn.

2. Chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng các văn bản pháp luật về giao thông đường bộ trình Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền.

3. Phối hợp với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ.

4. Hướng dẫn việc quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi toàn quốc và trực tiếp tổ chức quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông hệ thống quốc lộ.

5. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Điều 5. Trách nhiệm của Cục Đường bộ Việt Nam

1. Xây dựng kế hoạch quản lý, bảo trì đường bộ dài hạn và hàng năm đối với hệ thống quốc lộ trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt.

2. Nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý, bảo trì; định mức kinh tế kỹ thuật bảo trì đường bộ trình Bộ Giao thông vận tải. Tổ chức hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về giao thông vận tải đường bộ.

3. Thanh tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền đối với việc thực hiện quản lý bảo trì của các đơn vị quản lý và sửa chữa đường bộ, công tác đảm bảo giao thông của các nhà thầu thi công trên đường bộ đang khai thác.

4. Theo dõi, tổng hợp tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phân loại hàng năm, tổ chức kiểm tra, kiểm định cầu, cống đường bộ đối với hệ thống quốc lộ.

5. Phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện việc bảo vệ công trình và hành lang hệ thống quốc lộ.

6. Tổ chức thực hiện cấp phép thi công, giấy lưu hành đặc biệt.

7. Xây dựng kế hoạch phòng chống bão lụt và tổ chức khắc phục kịp thời các sự cố cầu đường.

Điều 6. Trách nhiệm của Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải

1. Xây dựng kế hoạch quản lý, bảo trì đường bộ hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo trì đường bộ trong phạm vi được giao quản lý.

2. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị quản lý đường bộ trực thuộc thực hiện các quy định trong công tác quản lý, bảo trì đường bộ .

3. Phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện việc bảo vệ công trình và hành lang đường bộ theo phân cấp quản lý.

4. Kiểm tra, thanh tra và xử lý theo thẩm quyền đối với việc thực hiện quản lý, bảo trì ở các đơn vị quản lý và sửa chữa đường bộ, công tác đảm bảo giao thông của các nhà thầu thi công trên đường bộ đang khai thác thuộc phạm vi được giao quản lý.

5. Thực hiện công tác phòng chống và khắc phục thiệt hại do bão lụt, ứng cứu đảm bảo giao thông kịp thời, thông suốt, an toàn.

6. Lưu trữ và bảo quản hồ sơ quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo phân cấp.

Điều 7. Trách nhiệm của các đơn vị quản lý, sửa chữa đường bộ trực thuộc Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải

1. Lập kế hoạch quản lý, bảo trì đường bộ, hành lang an toàn đường bộ do đơn vị quản lý để Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải tổng hợp trình Cục Đường bộ Việt Nam (đối với quốc lộ); trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với hệ thống đường tỉnh, đường địa phương).

2. Chỉ đạo, điều hành công tác tuần đường; sửa chữa kịp thời các hư hỏng cầu, cống, đường; tổ chức phân luồng đảm bảo giao thông. Trường hợp hư hỏng nặng quá vượt quá khả năng thì vừa tổ chức đảm bảo giao thông vừa báo cáo kịp thời cấp trên trực tiếp quản lý.

Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thanh tra giao thông đường bộ để bảo vệ công trình giao thông và hành lang an toàn đường bộ.

3. Lập kế hoạch, phương án phòng chống bão lụt; tổ chức ứng cứu, khắc phục kịp thời khi có sự cố.

4. Tham gia kiểm tra an toàn giao thông đối với các công trình đang hoàn thiện chuẩn bị bàn giao đưa vào khai thác sử dụng.

5. Tổ chức đếm xe, phân loại cầu đường cập nhật tình trạng cầu đường và báo cáo theo quy định.

6. Lập hồ sơ quản lý, lưu giữ, bảo quản và thường xuyên bổ sung đầy đủ diễn biến và biện pháp khắc phục hư hỏng cầu đường. Quản lý hồ sơ bằng cả văn bản và phần mềm vi tính.

7. Kiến nghị và đề xuất cấp trên giải quyết những vướng mắc trong nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường bộ.

Điều 8. Trách nhiệm của Hạt Quản lý đường bộ

1. Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường bộ. Kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ đã giao cho các tổ, nhân viên của Hạt.

2. Tổ chức tuần đường, đếm xe, cập nhật tình hình cầu đường và báo cáo cấp trên theo quy định.

3. Kiểm tra, xử lý và báo cáo kịp thời khi có thông tin về sự cố cầu đường, tai nạn giao thông. Trường hợp vượt quá khả năng xử lý, phải vừa tổ chức đảm bảo giao thông vừa phải báo cáo kịp thời cho cơ quan đường bộ cấp trên.

4. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, công an, thanh tra giao thông trong việc tuyên truyền, vận động chống lấn chiếm và giải toả các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ.

5. Lưu giữ và bảo quản hồ sơ quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo phân cấp.

6. Phản ánh kịp thời với cấp trên những vướng mắc về chế độ, chính sách trong công tác bảo trì đường bộ.

Điều 9. Trách nhiệm của Cụm phà, Bến phà (Cầu phao)

1. Thực hiện kế hoạch bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ đường ra vào bến, cầu dẫn, Ponton, bến hoặc lưỡi bến, báo hiệu đường sông, báo hiệu đường bộ đảm bảo an toàn cho người, phương tiện qua sông.

2. Đảm bảo các trang thiết bị cứu sinh cần thiết. Các phương tiện nổi phục vụ cho vượt sông như Ponton, phà, phao, ca nô phải được đăng kiểm theo đúng định kỳ và luôn đảm bảo ở trạng thái đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.

3. Tổ chức, hướng dẫn Bến trưởng, thuyền trưởng, thuỷ thủ và nhân viên của bến thực hiện đúng quy trình chạy phà và các văn bản của Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam về đảm bảo an toàn giao thông ở các bến phà và trên sông. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời các hư hỏng để xử lý theo khả năng hoặc báo cáo cấp trên xử lý.

 

Điều 10. Trách nhiệm của Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông đối với các dự án xây dựng cơ bản trên đường bộ đang khai thác

1. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo an toàn thi công và vệ sinh môi trường.

2. Khi thẩm định dự án phải thẩm định về an toàn giao thông trong các giai đoạn lập dự án, thiết kế, thi công.

3. Chỉ đạo các Ban Quản lý dự án lập hồ sơ tổ chức đảm bảo giao thông và tiến hành các bước thoả thuận, xin phép thi công với cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền.

4. Thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông trong thi công đối với các Ban Quản lý dự án, Nhà thầu thi công theo đúng quy định của pháp luật và quy định trong dự án.

5. Phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam xử lý vi phạm quy định về đảm bảo an toàn giao thông đối với Ban Quản lý dự án, các nhà thầu, nếu nhà thầu vi phạm nhiều lần thì báo cáo Bộ Giao thông vận tải xử lý.

Điều 11. Trách nhiệm của các Ban Quản lý dự án (đại diện chủ đầu tư) trong quản lý các dự án xây dựng cơ bản, sửa chữa đường bộ trên đường bộ đang khai thác

1. Khi lập hồ sơ mời thầu phải có đầy đủ yêu cầu, tiêu chuẩn đánh giá phương án tổ chức đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện tham gia giao thông.

2. Không xét thầu đối với các hồ sơ dự thầu không có phương án tổ chức đảm bảo giao thông, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.

3. Kiểm tra nhà thầu trong suốt quá trình thi công về công tác đảm bảo giao thông, an toàn giao thông, trường hợp nhà thầu thực hiện không đạt yêu cầu thì xem xét xử phạt theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp trên xử lý.

4. Chỉ đạo tư vấn giám sát, tư vấn điều hành thực hiện đúng yêu cầu đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Điều 12. Trách nhiệm của các nhà thầu thi công trên đường bộ khai thác

1. Lập hồ sơ đảm bảo an toàn giao thông và trình cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền để cấp phép thi công sau khi có sự thống nhất với Ban Quản lý dự án.

Sau khi đã được cấp phép thi công phải đến đơn vị quản lý đường bộ để nhận bàn giao mặt bằng thi công và triển khai các bước tiếp theo. Kể từ ngày nhận bàn giao mặt bằng thi công phải chịu trách nhiệm quản lý và đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Cán bộ chỉ huy thi công của nhà thầu phải thường xuyên có mặt trên hiện trường để giải quyết theo thẩm quyền hoặc phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Quản lý dự án, cơ quan quản lý đường bộ và cơ quan liên quan khác để giải quyết kịp thời sự cố do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan gây ra làm giảm chất lượng công trình hoặc mất an toàn giao thông.

2. Triển khai công tác đảm bảo giao thông trước khi thi công công trình chính. Trong suốt quá trình thi công phải thực hiện đúng phương án, biện pháp, thời gian thi công đã được thống nhất và không được gây hư hại các công trình đường bộ hiện có; phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý đường bộ và thanh tra giao thông đường bộ trong việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn giao thông trong khi thi công theo quy định của giấy phép và của pháp luật.

3. Chịu trách nhiệm sửa chữa cầu đường đảm bảo giao thông trong khi thi công. Khi thi công xong phải thu dọn vật liệu thừa, thiết bị ra khỏi công trình và lập hồ sơ hoàn công kịp thời để bàn giao cho đơn vị quản lý.

B. TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN

Điều 13. Trách nhiệm của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam

1. Chỉ đạo các cơ quan tham mưu, nghiệp vụ hoàn thành trách nhiệm của Cục Đường bộ Việt Nam đã quy định tại Điều 5 của Quy định này.

2. Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất từng mặt hoặc toàn bộ hoạt động quản lý, bảo trì đường bộ do các Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ thực hiện; xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

3. Chịu trách nhiệm trực tiếp và liên đới chịu trách nhiệm về tình trạng hư hỏng cầu đường.

4. Phó Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng về nhiệm vụ được phân công.

Điều 14. Trách nhiệm của Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ

1. Chỉ đạo cơ quan tham mưu, nghiệp vụ hoàn thành tốt nhiệm vụ của Khu Quản lý đường bộ được quy định tại Điều 6 của Quy định này và chịu trách nhiệm trực tiếp trước Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam về kết quả quản lý, bảo trì đường bộ.

2. Căn cứ nguồn vốn được giao và các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức bảo dưỡng thường xuyên và các văn bản pháp luật liên quan để hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị quản lý, sửa chữa đường bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì.

3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất việc thực hiện quản lý, bảo trì đường bộ của các đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ và việc thực hiện phương án đảm bảo giao thông của các Ban Quản lý dự án, nhà thầu; xử lý các vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp trên xử lý.

Phó Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ về nhiệm vụ được phân công.

Điều 15. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Giao thông vận tải

1. Chỉ đạo cơ quan tham mưu, nghiệp vụ hoàn thành tốt nhiệm vụ của Sở Giao thông vận tải đã quy định tại Điều 6 của Quy định này và chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố và Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam về kết quả quản lý, bảo trì đường bộ được giao.

2. Căn cứ nguồn vốn được giao và các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức bảo dưỡng thường xuyên và các văn bản pháp luật liên quan để hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị quản lý, sửa chữa đường bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì.

3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất việc thực hiện quản lý bảo trì đường bộ của các đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ; việc thực hiện phương án đảm bảo giao thông của Ban Quản lý dự án, nhà thầu; xử lý các vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp trên xử lý.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở về nhiệm vụ được phân công.

Điều 16. Trách nhiệm của Giám đốc đơn vị quản lý, sửa chữa đường bộ

1. Tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ của các Hạt quản lý đường bộ trực thuộc; thực hiện trách nhiệm của đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ đã quy định tại Điều 7 của Quy định này.

2. Kiểm tra thường xuyên, đột xuất công tác đảm bảo giao thông của các Ban Quản lý dự án, nhà thầu trong quá trình thi công trên đường được giao quản lý; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp trên xử lý.

3. Đảm bảo trang thiết bị cho hoạt động quản lý, bảo dưỡng thường xuyên của các Hạt Quản lý đường bộ và thực hiện quản lý tài sản theo quy định.

Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về nhiệm vụ được giao hoặc liên đới chịu trách nhiệm về các vi phạm xảy ra mất an toàn giao thông trong phạm vi cầu đường do đơn vị phụ trách.

Phó Giám đốc chịu trách nhiệm trước Giám đốc về nhiệm vụ được phân công.

Điều 17. Trách nhiệm của Hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ

1. Tổ chức điều hành, giám sát cán bộ, công nhân viên của Hạt thực hiện trách nhiệm của Hạt quản lý đường bộ đã quy định tại Điều 8 của Quy định này.

2. Chịu trách nhiệm trước giám đốc đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ về nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới về việc để hư hỏng công trình đường bộ, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi được giao quản lý.

3. Chịu trách nhiệm khi xảy ra mất an toàn giao thông trong hoạt động quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ của Hạt quản lý đường bộ do thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc điều hành, giám sát.

4. Chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tiêu cực trong quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cũng như thi công sửa chữa cầu đường không đạt yêu cầu chất lượng trong phạm vi phụ trách.

Hạt phó chịu trách nhiệm trước Hạt trưởng về nhiệm vụ được phân công.

Điều 18. Trách nhiệm của Giám đốc Cụm phà, Bến trưởng Bến phà (Cầu phao)

1. Tổ chức điều hành thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông qua sông đã quy định tại Điều 9 của Quy định này.

2. Kiểm tra thường xuyên, đột xuất công tác đảm bảo giao thông của các Ban Quản lý dự án, nhà thầu thực hiện dự án sửa chữa, nâng cấp công trình bến trong trường hợp vừa thi công vừa đảm bảo giao thông; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp trên xử lý.

3. Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về nhiệm vụ được giao quản lý hoặc liên đới chịu trách nhiệm về mất an toàn giao thông do nguyên nhân đường dẫn, bến phà, phà, phao không đảm bảo an toàn.

4. Chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tiêu cực trong tổ chức điều hành người, phương tiện qua sông cũng như trong quản lý, sửa chữa thường xuyên không đảm bảo chất lượng thuộc phạm vi phụ trách.

Phó Giám đốc, Bến phó chịu trách nhiệm trước Giám đốc, Bến trưởng về nhiệm vụ được phân công.

Điều 19. Trách nhiệm của nhân viên tuần đường

1. Nghiêm chỉnh thực hiện Quy chế tuần đường và theo các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình giao thông đường bộ.

2. Tuần tra, kiểm tra theo đúng quy định và phân công của Hạt trưởng, phát hiện hư hỏng công trình đường bộ, lấn chiếm hành lang; tình trạng gây mất an toàn giao thông của nhà thầu khi thi công và ghi chép đầy đủ vào sổ tuần đường, báo cáo cấp trên theo quy định.

3. Phối hợp với cảnh sát giao thông, cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, thanh tra giao thông, chính quyền địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc chống lấn chiếm, xử lý tai nạn giao thông và cập nhật thống kê đầy đủ các vụ tai nạn giao thông.

4. Khi phát hiện sự cố công trình giao thông dẫn đến ùn tắc, mất an toàn giao thông phải có biện pháp tạm thời báo hiệu nguy hiểm, phân luồng và kịp thời báo cáo cấp trên. Chịu trách nhiệm về việc mất an toàn giao thông do không phát hiện được hư hỏng của công trình giao thông.

Điều 20. Trách nhiệm của công nhân bảo dưỡng thường xuyên

1. Thực hiện nhiệm vụ do Hạt trưởng hoặc Hạt phó phân công

2. Sửa chữa gọn, nhanh công việc được giao, không làm việc khác khi chưa hoàn thành nhiệm vụ.

3. Phải đặt biển báo công trường, rào chắn báo hiệu khu vực thi công trong suốt quá trình sửa chữa và chỉ được di chuyển đi nơi khác khi đã sửa chữa xong. Khi phát hiện hư hỏng nhỏ như san sửa lề đường, khơi nước rãnh ngang, vét rãnh dọc hoặc các công việc tương tự, phải sửa chữa ngay, sửa chữa đúng yêu cầu kỹ thuật. Trường hợp hư hỏng lớn hơn vượt khả năng phải báo cáo ngay cho Hạt trưởng hoặc Hạt phó.

Điều 21. Trách nhiệm của Cục trưởng Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông

Chỉ đạo cán bộ, công nhân viên trong Cục thực hiện các nội dung đã quy định tại Điều 10 của Quy định này.

Điều 22. Trách nhiệm của Tổng giám đốc các Ban Quản lý dự án

Chỉ đạo cán bộ, công nhân viên trong thực hiện các nội dung đã quy định tại Điều 11 của Quy định này.

Điều 23. Trách nhiệm người đứng đầu nhà thầu

Chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung đã quy định tại Điều 12 của Quy định này và nội dung bản quy định thi công công trình trên đường bộ đang khai thác ban hành theo Quyết định số 2525/2003/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Chương III

HÀNH VI VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ

MỤC A

HÌNH THỨC XỬ LÝ ĐỐI VỚI LÃNH ĐẠO CẤP TRÊN DO TRÁCH NHIỆM LIÊN ĐỚI

Điều 24. Hình thức xử lý đối với lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam

1. Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, lãnh đạo cơ quan tham mưu của Cục phải đồng chịu trách nhiệm gián tiếp và bị xử lý tuỳ theo trách nhiệm cá nhân được giao và mức độ bị xử lý của cấp dưới trong công tác quản lý, điều hành công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

2. Cục trưởng, Phó Cục trưởng bị phê bình, khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch hoặc cách chức tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm.

3. Lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Cục Đường bộ Việt Nam được giao nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch hoặc cách chức tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm.

Điều 25. Hình thức xử lý đối với Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ

Không hoàn thành nhiệm vụ quy định tại Điều 14 của Quy định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm liên đới trong các trường hợp sau:

1. Bị khiển trách khi:

a) Để 2 Hạt trưởng, Bến trưởng thuộc quyền quản lý bị buộc thôi việc;

b) Để 1 Giám đốc đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ, cụm phà bị cảnh cáo liên quan đến bảo trì đường bộ, bến phà (cầu phao).

2. Bị cảnh cáo khi:

a) Để 2 Hạt trưởng, Bến trưởng thuộc quyền quản lý bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội liên quan đến quản lý bảo trì đường bộ, bến phà (cầu phao);

b) Để 1 Giám đốc đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ, cụm phà bị cách chức liên quan đến quản lý, bảo trì đường bộ, bến phà (cầu phao).

3. Bị hạ bậc lương khi:

a) Để 3 Hạt trưởng trở lên thuộc quyền quản lý bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội liên quan đến quản lý, bảo trì đường bộ, bến phà (cầu phao);

b) Để một Giám đốc đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ, cụm phà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội liên quan đến quản lý, bảo trì đường bộ, bến phà (cầu phao).

4. Bị cách chức khi:

a) Để 4 Hạt trưởng hoặc Bến trưởng trở lên thuộc quyền quản lý bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội liên quan đến quản lý, bảo trì đường bộ, bến phà (cầu phao);

b) Để 2 Giám đốc đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ, cụm phà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội liên quan đến quản lý, bảo trì đường bộ, bến phà (cầu phao).

Phó Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ chịu trách nhiệm và bị xử lý như Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ trong lĩnh vực được phân công.

Điều 26. Hình thức xử lý đối với Giám đốc Sở Giao thông vận tải

Không hoàn thành nhiệm vụ quy định tại Điều 15 của Quy định này thì tuỳ theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm liên đới trong các trường hợp sau:

1. Bị khiển trách khi:

a) Để 2 Hạt trưởng thuộc quyền quản lý bị buộc thôi việc;

b) Để 1 Giám đốc đơn vị Quản lý sửa chữa đường bộ, Bến trưởng bến phà thuộc quyền quản lý bị cảnh cáo liên quan đến quản lý, bảo trì đường bộ, bến phà (cầu phao).

2. Bị cảnh cáo khi:

a) Để 2 Hạt trưởng thuộc quyền quản lý bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội liên quan đến quản lý, bảo trì đường bộ;

b) Để 1 Giám đốc đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ, Bến trưởng bến phà thuộc quyền quản lý bị cách chức liên quan đến quản lý, bảo trì đường bộ, bến phà (cầu phao).

3. Bị hạ bậc lương khi:

a) Để 3 Hạt trưởng trở lên thuộc quyền quản lý bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội liên quan đến quản lý, bảo trì đường bộ, bến phà (cầu phao);

b) Để 1 Giám đốc đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ, bến phà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội liên quan đến quản lý bảo trì đường bộ, bến phà (cầu phao).

4. Bị cách chức khi:

a) Để 4 Hạt trưởng hoặc Bến trưởng trở lên thuộc quyền quản lý bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội liên quan đến quản lý, bảo trì đường bộ, bến phà (cầu phao);

b) Để 2 Giám đốc đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ, bến phà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội liên quan đến quản lý, bảo trì đường bộ, bến phà (cầu phao).

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm và bị xử lý như Giám đốc Sở Giao thông vận tải trong lĩnh vực được phân công.

Điều 27. Hình thức xử lý đối với lãnh đạo cơ quan tham mưu nghiệp vụ của Khu Quản lý đường bộ

Lãnh đạo các cơ quan tham mưu không hoàn thành nhiệm được giao thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm liên đới đối với các vi phạm của nhân viên và giám đốc đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ, cụm phà, bến phà (cầu phao), bị xử lý với mức thấp hơn 1 bậc so với giám đốc đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ, cụm phà.

Điều 28. Hình thức xử lý đối với lãnh đạo cơ quan tham mưu nghiệp vụ của Sở Giao thông vận tải

Lãnh đạo các cơ quan tham mưu không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm liên đới đối với các vi phạm của nhân viên và giám đốc đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ, cụm phà, bến phà (cầu phao), bị xử lý với mức thấp hơn 1 bậc so với giám đốc đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ, bến trưởng bến phà (cầu phao).

Điều 29. Hình thức xử lý đối với Giám đốc đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ, Giám đốc cụm phà

1. Bị khiển trách khi:

a) Không hoàn thành 1 trong những nhiệm vụ quy định ở Điều 16 của Quy định này (đối với đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ) hoặc Điều 18 của Quy định này (đối với cụm phà);

b) Hạt trưởng, Bến trưởng thuộc quyền quản lý bị xử lý với hình thức buộc thôi việc.

2. Bị cảnh cáo khi:

a) Không hoàn thành 2 trong những nhiệm vụ đã quy định ở Điều 16 của Quy định này (đối với đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ) hoặc Điều 18 của Quy định này (đối với cụm phà);

b) Hạt trưởng, bến trưởng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội liên quan đến bảo trì đường bộ, bến phà (cầu phao).

3. Bị cách chức khi:

a) Không hoàn thành những nhiệm vụ đã quy định ở Điều 7 của Quy định này (đối với đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ) hoặc Điều 9 của Quy định này (đối với cụm phà);

b) Để 2 Hạt trưởng, Bến trưởng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội liên quan đến quản lý, bảo trì đường bộ, bến phà (cầu phao).

4. Bị buộc thôi việc khi:

a) Để 3 Hạt trưởng, bến trưởng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội liên quan đến quản lý bảo trì đường bộ, bến phà (cầu phao);

b) Bị xử phạt theo quyết định của Toà án.

Điều 30. Xử lý đối với lãnh đạo Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông

Với chức năng quản lý Nhà nước đối với các dự án xây dựng cơ bản trên đường bộ đang khai thác, lãnh đạo Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông và lãnh đạo cơ quan tham mưu của Cục phải đồng thời chịu trách nhiệm gián tiếp và bị xử lý tuỳ theo trách nhiệm cá nhân và mức độ bị xử lý của cấp dưới và các Ban Quản lý dự án, nhà thầu trong công tác quản lý, điều hành các dự án xây dựng cơ bản trên đường bộ đang khai thác. Mức độ xử lý như sau:

1. Cục trưởng (Phó Cục trưởng), Trưởng phòng (Phó Trưởng phòng) bị khiển trách, cảnh cáo, hạ ngạch, hạ bậc lương hoặc bị cách chức;

2. Chuyên viên phụ trách, theo dõi trực tiếp bị khiển trách, cảnh cáo hạ ngạch hoặc chuyển đi làm công tác khác có mức lương thấp hơn. Trường hợp thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bị buộc thôi việc.

Điều 31. Xử lý đối với lãnh đạo Ban Quản lý dự án

Với chức năng được giao đại diện chủ đầu tư quản lý các dự án xây dựng cơ bản, sửa chữa đường bộ trên đường bộ đang khai thác, lãnh đạo Ban Quản lý dự án và lãnh đạo các phòng, ban tham mưu của Ban Quản lý dự án phải đồng thời chịu trách nhiệm gián tiếp và bị xử lý tuỳ theo trách nhiệm cá nhân và mức độ bị xử lý của các nhà thầu trong thi công các dự án xây dựng cơ bản, sửa chữa đường bộ trên đường bộ đang khai thác. Mức độ xử lý như sau:

1. Tổng giám đốc (Phó Tổng giám đốc), Trưởng phòng (Phó Trưởng phòng) bị khiển trách, cảnh cáo, hạ ngạch, hạ bậc lương hoặc bị cách chức;

2. Chuyên viên phụ trách trực tiếp bị khiển trách, cảnh cáo, hạ ngạch, chuyển công tác khác có bậc lương thấp hơn hoặc bị buộc thôi việc.

Điều 32. Hình thức xử lý đối với người đứng đầu nhà thầu xây lắp.

Các nhà thầu chính, nhà thầu phụ khi thi công các dự án xây dựng cơ bản, sửa chữa đường bộ trên đường bộ đang khai thác:

1. Bị cảnh cáo khi không thực hiện Khoản 1 và Khoản 3 Điều 12 của Quy định này và bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản lần đầu, trong trường hợp bị lập biên bản lần 2 thì không được tham gia đấu thầu, thi công các dự án tiếp theo trong thời gian 1 năm; đồng thời vẫn phải thực hiện các Khoản 1 và Khoản 3 Điều 12 của Quy định này;

2. Bị đình chỉ thi công khi không thực hiện Khoản 2 Điều 12 của Quy định này và không được tham gia đấu thầu, thi công các dự án tiếp theo trong thời gian 1 năm, đồng thời vẫn phải thực hiện Khoản 2 Điều 12 của Quy định này;

3. Phải bồi thường thiệt hại và không được tham gia đấu thầu, thi công các dự án tiếp theo khi không thực hiện Khoản 2 Điều 12 của Quy định này dẫn đến xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.

MỤC B

 ĐỐI VỚI HẠT TRƯỞNG

Điều 33. Hành vi vi phạm

1. Không thu thập, cập nhật số liệu, tình trạng cầu đường theo quy định về quản lý và báo cáo theo biểu mẫu, không kiểm tra, đôn đốc tuần đường thực hiện đúng nhiệm vụ phân công và ghi chép báo cáo.

2. Thiếu kiểm tra, đôn đốc để công nhân duy tu vi phạm các quy tắc an toàn lao động, an toàn giao thông khi thi công.

3. Không làm tốt nhiệm vụ quản lý, lưu trữ hồ sơ đã phân cấp cho Hạt.

4. Không kiểm tra, xử lý ngay các hư hỏng, các vi phạm mất an toàn giao thông theo quy định khi nhận được thông tin từ tổ chức, cá nhân hoặc từ báo cáo của tuần đường.

5. Không thực hiện 1 (một) trong 4 (bốn) trách nhiệm của Hạt trưởng Hạt quản lý đường bộ quy định tại Điều 17 của Quy định này.

6. Để từ 3 công nhân trở lên bị khiển trách vì vi phạm quy định bị xử lý theo Khoản 1 Điều 40 của Quy định này.

7. Để từ 3 công nhân trở lên bị chuyển công việc khác có bậc lương thấp hơn vì vi phạm quy định bị xử lý theo Khoản 2 Điều 40 của Quy định này.

8. Để từ 3 công nhân trở lên bị buộc thôi việc đối với công chức hoặc bị sa thải đối với nhân viên hợp đồng vì vi phạm quy định bị xử lý theo Khoản 3 Điều 40 của Quy định này.

9. Không kiểm tra, đôn đốc thực hiện phòng vệ khi sửa chữa công trình dẫn đến tai nạn giao thông nguy hiểm.

Điều 34. Hình thức xử lý

1. Bị khiển trách khi:

a) Vi phạm 2 lần một trong các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 33;

b) Vi phạm lần 1 Khoản 6 Điều 33.

2. Bị cách chức chuyển đi làm việc khác có mức lương thấp hơn khi:

a) Vi phạm 3 lần một trong các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 33;

b) Vi phạm lần 2 Khoản 6 Điều 33;

c) Vi phạm lần đầu các khoản 7, 8 và 9 Điều 33.

3. Bị buộc thôi việc khi:

a) Để 3 cán bộ nhân viên dưới quyền bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội liên quan đến quản lý, bảo trì đường bộ trong phạm vi phụ trách;

b) Bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hạt phó chịu trách nhiệm và bị xử lý như Hạt trưởng trong lĩnh vực được phân công.

MỤC C

ĐỐI VỚI BẾN TRƯỞNG BẾN PHÀ (CẦU PHAO)

Điều 35. Hành vi vi phạm

1. Không thực hiện một trong các trách nhiệm của Bến trưởng bến phà (cầu phao) quy định tại Điều 18 của Quy định này.

2. Không đôn đốc nhân viên, thuỷ thủ, thuyền trưởng thực hiện đúng nội quy, quy trình chạy phà, lắp ráp, tháo dỡ cầu phao.

3. Không kiểm tra, đôn đốc các nhân viên làm việc trên bờ thực hiện việc điều hành giao thông dẫn đến ùn tắc hai đầu đường xuống bến.

4. Không thực hiện công tác quản lý cơ sở hạ tầng bến; cập nhật, phân loại lưu lượng xe; chế độ thuỷ triều; tình trạng mưa bão; tình trạng đường dẫn xuống bến phà, cầu phao và báo cáo theo quy định.

5. Thiếu kiểm tra, đôn đốc lực lượng bảo dưỡng thường xuyên công trình bến hoặc để thuyền trưởng, thuỷ thủ vận hành sai quy trình chạy phà dẫn đến hư hỏng phà, công trình bến, mất mát báo hiệu đường sông, đường bộ.

Điều 36. Hình thức xử lý

1. Bị cảnh cáo khi:

a) Vi phạm lần 2 một trong các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 35;

b) Vi phạm lần đầu Khoản 5 Điều 35.

2. Bị cách chức và chuyển công tác khác có bậc lương thấp hơn khi:

a) Vi phạm lần 3 một trong các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 35;

b) Vi phạm lần 2 Khoản 5 Điều 35.

3. Bị buộc thôi việc khi:

a) Để 3 cán bộ, nhân viên dưới quyền bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội liên quan đến quản lý bảo đảm an toàn vượt sông trong phạm vi phụ trách;

b) Bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bến phó chịu trách nhiệm và bị xử lý như Bến trưởng trong lĩnh vực được phân công.

MỤC D

ĐỐI VỚI NHÂN VIÊN TUẦN ĐƯỜNG

Điều 37. Hành vi vi phạm

1. Hơi thở có mùi rượu bia hoặc sử dụng chất kích thích mà pháp luật cấm khi đang làm nhiệm vụ.

2. Có thái độ hách dịch, cửa quyền trong giao tiếp khi làm việc.

3. Tự ý bỏ nhiệm vụ được phân công hoặc làm trái nhiệm vụ được giao.

4. Không phát hiện ra những hư hỏng cầu đường và các hành vi xâm phạm phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ.

5. Phát hiện ra các hư hỏng công trình nhưng không báo cáo kịp thời theo quy định.

6. Không ghi chép các nội dung tuần đường vào sổ tuần đường theo quy định.

7. Khi phát hiện ra các hư hỏng công trình giao thông mà không có biện pháp báo hiệu hoặc phân luồng dẫn đến mất an toàn giao thông.

8. Phát hiện ra các hành vi vi phạm công trình giao thông mà không xử lý theo thẩm quyền.

9. Tiếp tay cho hành vi vi phạm công trình giao thông.

Điều 38. Hình thức xử lý

1. Bị khiển trách khi:

a) Vi phạm lần 2 một trong các khoản 1, 2 và 3 Điều 37;

b) Vi phạm lần đầu một trong các khoản 4, 5 và 6 Điều 37.

2. Chuyển làm công tác khác có mức lương thấp hơn khi:

a) Vi phạm lần 3 một trong các khoản 1, 2 và 3 Điều 37;

b) Vi phạm lần 2 một trong các khoản 4, 5 và 6 Điều 37;

c) Vi phạm lần đầu một trong các khoản 7 và khoản 8 Điều 37.

3. Bị buộc thôi việc đối với cán bộ công chức hoặc bị sa thải đối với nhân viên hợp đồng khi:

a) Vi phạm lần 4 một trong các khoản 1, 2 và 3 Điều 37;

b) Vi phạm lần 3 một trong các khoản 4, 5 và 6 Điều 37;

c) Vi phạm lần 2 một trong các Khoản 7 và Khoản 8 Điều 37;

d) Vi phạm lần đầu Khoản 9 Điều 37;

đ) Bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

MỤC E

ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN BẢO DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN

Điều 39. Hành vi vi phạm

1. Sửa chữa không đúng trình tự công việc quy định.

2. Không thực hiện nhiệm vụ theo đúng phân công.

3. Bỏ đi nơi khác khi công việc giao chưa hoàn thành.

4. Phát hiện ra hư hỏng không báo cáo.

5. Phạm vi thi công không có biển báo hiệu, rào chắn, đèn báo ban đêm theo quy định.

Điều 40. Hình thức xử lý

1. Bị khiển trách khi:

a) Vi phạm lần đầu khoản 1, 2 và 3 Điều 39;

b) Vi phạm lần 2 Khoản 4 Điều 39.

2. Bị chuyển công việc khác có mức lương thấp hơn khi:

a) Vi phạm lần 2 khoản 1, 2 và 3 Điều 39;

b) Vi phạm lần 3 Khoản 4 Điều 39;

c) Vi phạm lần đầu khoản 5 Điều 39.

3. Bị buộc thôi việc đối với cán bộ công chức hoặc bị sa thải đối với nhân viên hợp đồng khi:

a) Vi phạm lần 3 khoản 1, 2 và 3 Điều 39;

b) Vi phạm lần 4 Khoản 4 Điều 39;

c) Vi phạm lần 2 Khoản 5 Điều 39;

d) Bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

MỤC G

THẨM QUYỀN XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 41. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xử lý kỷ luật Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông; Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ; Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ.

Điều 42. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý kỷ luật Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ và các chức danh khác theo thẩm quyền trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam.

Điều 43. Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam xử lý kỷ luật:

1. Cán bộ nhân viên các cơ quan tham mưu của Cục.

2. Phó Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ, Tổng giám đốc (Phó Tổng giám đốc) Ban Quản lý dự án trực thuộc Cục.

3. Giám đốc đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ, Giám đốc cụm phà thuộc quyền quản lý của Cục.

Điều 44. Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ xử lý kỷ luật:

1. Cán bộ nhân viên các cơ quan tham mưu của Khu Quản lý đường bộ.

2. Phó Giám đốc đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ, Phó Giám đốc cụm phà thuộc quyền quản lý của Khu.

Điều 45. Giám đốc Sở Giao thông vận tải xử lý kỷ luật:

1. Cán bộ nhân viên các cơ quan tham mưu của Sở Giao thông vận tải.

2. Phó giám đốc đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ và các chức danh thuộc thẩm quyền.

Điều 46. Giám đốc đơn vị quản lý sửa chữa đường bộ, Giám đốc cụm phà; Bến trưởng bến phà xử lý kỷ luật cán bộ nhân viên thuộc quyền quản lý.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 47. Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án, Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ có trách nhiệm phổ biến và hướng dẫn quy định này tới các đơn vị trực thuộc để thực hiện.

Điều 48. Các Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế có trách nhiệm kiểm tra và tổ chức thực hiện quy định này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời bằng văn bản về Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đào Đình Bình

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.