• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 27/08/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 25/07/2007
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 61/2005/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 4 tháng 8 năm 2005

THÔNG TƯ

Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 49/2003/TT-BTC

ngày 16 tháng 5 năm 2003 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn

Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ Bảo hiểm y tế;

Căn cứ Quyết định số 144/2005/QĐ-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 02/2003/QĐ-TTg ngày 02 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ;

Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung, sửa đổi Thông tư số 49/2003/TT-BTC ngày 16 tháng 5 năm 2003 về việc hướng dẫn Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam như sau:

 

I. CÁC NỘI DUNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

1. Tiết 1.3, điểm 1, Mục II, Phần I sửa lại như sau:

"Hàng năm, căn cứ vào dự toán chi bảo hiểm xã hội được Chính phủ duyệt, Bộ Tài chính thông báo cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam để phân bổ và giao nhiệm vụ chi cho các đơn vị trực thuộc. Việc phân bổ và giao dự toán chi bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước."

2. Tiết 3.4, điểm 3, Mục II, Phần I sửa lại như sau:

"Kinh phí từ ngân sách trung ương cấp trả Quỹ Bảo hiểm xã hội phải đảm bảo đúng chế độ, chính sách và không vượt quá dự toán năm được giao. Sau khi Bộ Tài chính thông báo số quyết toán năm trước, trường hợp còn kinh phí dư chưa quyết toán thì tính giảm trừ số cấp trả Quỹ BHXH năm sau; trường hợp kinh phí ngân sách nhà nước cấp thiếu so với số quyết toán thì bố trí vào dự toán của năm liền kề với năm Bộ Tài chính ký thông báo duyệt quyết toán để hoàn trả."

3. Điểm 2, Mục I, Phần II sửa lại như sau:

"2. Quỹ khám, chữa bệnh bắt buộc được hình thành từ các nguồn:

2.1. Tiền đóng bảo hiểm y tế của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc làm việc trong các đơn vị sản xuất kinh doanh, các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, xã hội, xã hội nghề nghiệp. Mức đóng bằng 3% tổng quỹ tiền lương, trong đó người sử dụng lao động đóng 2%, người lao động đóng 1%.

2.2. Đóng BHYT cho người là đại biểu Hội đồng nhân dân đương nhiệm các cấp, không thuộc biên chế Nhà nước hoặc không hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng. Mức đóng bằng 3% tiền lương tối thiểu chung.

2.3. Tiền đóng BHYT cho người hưởng lương hưu (kể cả cán bộ xã, phường, thị trấn nghỉ hưu), trợ cấp mất sức lao động. Mức đóng bằng 3% mức lương hưu, trợ cấp.

2.4. Tiền đóng BHYT cho người bị tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; công nhân cao su; người hưởng trợ cấp theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04/05/2000 của Thủ tướng Chính phủ; người có công với cách mạng; người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đang hưởng trợ cấp hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn già yếu nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111/HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng; thân nhân sĩ quan Quân đội nhân dân đang tại ngũ, thân nhân sĩ quan nghiệp vụ đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân; các đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Mức đóng hàng tháng bằng 3% tiền lương tối thiểu chung.

2.5. Tiền đóng BHYT cho người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên và người cao tuổi theo quy định tại Điều 6 của Nghị định số 30/2002/NĐ-CP ngày 26/3/2002 của Chính phủ về quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Người cao tuổi; các đối tượng được khám, chữa bệnh theo quy định tại Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo. Mức đóng là 50.000đ/người/năm.

2.6. Tiền đóng BHYT cho lưu học sinh nước ngoài học tập tại Việt Nam. Mức đóng bằng 3% xuất học bổng.

2.7. Lãi từ hoạt động đầu tư Quỹ khám, chữa bệnh bắt buộc.

2.8. Hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

2.9. Các khoản khác (nếu có).

Tiền lương của người lao động làm căn cứ đóng BHXH, BHYT theo tiết 1.1, 1.2, 2.1 nêu trên bao gồm: tiền lương ngạch, bậc, cấp hàm, chức vụ, hợp đồng, hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có); các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực (nếu có). Tổng Quỹ tiền lương đóng BHXH, BHYT là tổng số tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT của tất cả người lao động trong đơn vị thuộc diện phải tham gia đóng BHXH, BHYT bắt buộc".

4. Điểm 2, mục III, phần II sửa lại như sau:

"2. Quỹ khám, chữa bệnh bắt buộc dùng để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho những người có thẻ, phiếu khám, chữa bệnh theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, bao gồm:

2.1. Khám bệnh, chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng trong thời gian điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh.

2.2. Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng.

2.3. Thuốc trong danh mục theo quy định của Bộ Y tế.

2.4. Máu, dịch truyền.

2.5. Các thủ thuật, phẫu thuật.

2.6. Sử dụng vật tư, thiết bị y tế và giường bệnh.

2.7. Chi phí khám thai, sinh con.

2.8. Chi phí vận chuyển trong trường hợp phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế đối với một số đối tượng là người nghèo, người thuộc diện chính sách xã hội, người sinh sống hay công tác ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa".

5. Mục IV, Phần II sửa lại như sau:

"IV. KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

1. Kinh phí hoạt động của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam lấy từ nguồn tiền sinh lời do thực hiện biện pháp đầu tư bảo toàn tăng trưởng Quỹ bảo hiểm xã hội theo tỷ lệ phần trăm trên số thực thu bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế hàng năm (phần do người sử dụng lao động và đối tượng tham gia bảo hiểm đóng).

Kinh phí hoạt động của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam nói trên bao gồm cả kinh phí sửa chữa lớn, mua sắm tài sản cố định và chi nghiên cứu khoa học, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức; không kể chi đầu tư xây dựng cơ bản và thực hiện đề án công nghệ thông tin được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tỷ lệ trích kinh phí hoạt động hàng năm là 3,6% và ổn định trong 3 năm từ 2005 - 2007.

Ví dụ:

Năm 2005 tổng số thực thu quỹ BHXH, BHYT là 18.400 tỷ đồng, trong đó:

- Thu từ đóng góp của chủ sử dụng lao động, người lao động và cơ quan quản lý đối tượng là 16.400 tỷ đồng;

- Tiền sinh lợi từ hoạt động đầu tư tăng trưởng các quỹ, tiền tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân và các khoản thu khác (nếu có) là 2.000 tỷ đồng.

Kinh phí hoạt động bộ máy Bảo hiểm xã hội Việt Nam được trích năm 2005 là:

3,6% x 16.400 tỷ đồng = 590,4 tỷ đồng

2. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2005, kinh phí hoạt động trích theo quy định trên đây được sử dụng chi cho các nội dung quy định chi tiết ở phụ lục đính kèm Thông tư này.

3. Trên cơ sở vận dụng định mức, chế độ Nhà nước quy định và trong phạm vi mức kinh phí được giao khoán trên đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng định mức, chế độ chi tiêu phù hợp với ngành, trình Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua để thực hiện công khai trong toàn ngành.

4. Căn cứ vào kế hoạch thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và định mức, chế độ chi tiêu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam lập dự toán kinh phí hoạt động tương ứng với nguồn kinh phí được trích theo kế hoạch thu để trình Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam phê duyệt. Dự toán kinh phí hoạt động sau khi được Hội đồng quản lý phê duyệt được gửi 01 bản cho Bộ Tài chính để theo dõi, kiểm tra.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tạm ứng từ Quỹ bảo hiểm xã hội để cấp kinh phí hoạt động cho các đơn vị. Cuối năm, căn cứ vào số thực thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn ngành để xác định tổng số được trích chi phí hoạt động toàn ngành; đồng thời Bảo hiểm xã hội Việt Nam dùng nguồn tiền sinh lợi từ hoạt động đầu tư tăng trưởng các Quỹ trong năm để hoàn trả kinh phí chi hoạt động đã tạm ứng từ Quỹ bảo hiểm xã hội.

Trong quá trình thực hiện nếu số thu không đảm bảo dự toán đầu năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam điều hành trong hệ thống để thực hiện giảm chi tương ứng, trường hợp không điều chỉnh giảm được trong năm phải giảm dự toán chi của năm tiếp theo.

5. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2005, trong phạm vi kinh phí được khoán chi hoạt động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được lập dự toán tổng quỹ lương toàn ngành tối đa bằng 2,0 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức (do Nhà nước quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang) và tiền lương, tiền công cho lao động hợp đồng theo quy định hiện hành.

Trong phạm vi tổng quỹ lương nêu trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được quyết định mức chi lương cho cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm xây dựng quy chế trả lương trong toàn ngành, gắn với kết quả, chất lượng hoàn thành công việc của từng cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo công bằng, hợp lý.

6. Trường hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thành kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao, tăng thu, tiết kiệm chi phí hoạt động, thì số kinh phí dôi ra (số được trích trừ số chi thực tế) được sử dụng để chi các nội dung sau:

6.1. Trích lập Quỹ khen thưởng và phúc lợi không quá 3 tháng lương thực tế bình quân toàn ngành.

6.2. Hỗ trợ thêm ngoài chính sách chung của Nhà nước cho người lao động trong hệ thống khi thực hiện chính sách sắp xếp lao động, tinh giản biên chế; trích lập Quỹ dự phòng ổn định thu nhập.

Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam phê duyệt quy chế, mức trợ cấp thêm cho người lao động nghỉ việc khi thực hiện chính sách sắp xếp lao động, tinh giản biên chế và mức trích lập Quỹ dự phòng ổn định thu nhập để Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện công khai trong toàn ngành.

6.3. Phần còn lại sau khi chi các nội dung trên được bổ sung vào các Quỹ bảo hiểm.

7. Nhà nước quản lý biên chế đối với số cán bộ, công chức trong bộ máy quản lý khung của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bảo hiểm xã hội Việt Nam được chủ động sắp xếp, tổ chức và hợp đồng lao động theo quy định của Bộ Luật lao động để đáp ứng nhu cầu công việc.

8. Việc đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của cán bộ, công chức ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn tính theo hệ số mức lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hoặc tiền lương ghi trên hợp đồng lao động đối với lao động hợp đồng không trả lương theo thang, bảng lương nhà nước".

6. Điểm 4, Mục V, Phần II sửa lại như sau:

"4. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2005, tiền sinh lợi do thực hiện các biện pháp bảo toàn, tăng trưởng Quỹ (là toàn bộ số tiền lãi phát sinh) được sử dụng như sau:

4.1. Trích kinh phí hoạt động của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định.

4.2. Trích vốn đầu tư xây dựng cơ bản; thực hiện Đề án công nghệ thông tin theo dự án, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo kế hoạch thực hiện hàng năm.

4.3. Phần còn lại bổ sung vào các Quỹ bảo hiểm xã hội để bảo toàn và tăng trưởng".

II. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo; những quy định trước đây trái với nội dung quy định trong Thông tư này đều hết hiệu lực thi hành.

2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp thực hiện đúng các nội dung quy định tại Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Huỳnh Thị Nhân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.