• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 27/10/2004
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 178/2004/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 5 tháng 10 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Phê duyệt  "Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020"

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 3309/BKH-CLPT ngày 01 tháng 6 năm 2004,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 làm căn cứ cho việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của Đảo.

Đảo Phú Quốc ở vào vị trí tiền tiêu phía Tây Nam vừa có tiềm năng phát triển kinh tế to lớn, vừa có vị trí quân sự đặc biệt quan trọng trong chiến lược phòng thủ đất nước. Phát triển đảo Phú Quốc phải dựa trên các quan điểm  sau:

Ưu tiên cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với giữ gìn cảnh quan và môi trường sinh thái. Tập trung sức xây dựng và phát triển đảo Phú Quốc theo một kế hoạch và bước đi thích hợp thành Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại của Vùng đồng bằng sông Cửu Long, phía Tây Nam đất nước và từng bước hình thành một Trung tâm du lịch, giao thương mang tầm cỡ khu vực, quốc tế.

Phát triển đảo Phú Quốc phải gắn với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh của Đảo và cả nước.

Phát triển đảo Phú Quốc phải gắn kết và có sự phối hợp chặt chẽ với Vùng đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và trong mối quan hệ khu vực Đông Nam á. Phát triển đảo Phú Quốc cũng là để thúc đẩy sự phát triển của Vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như của cả nước.

Tập trung ưu tiên phát triển mạnh du lịch và từng bước tiếp tục phát triển du lịch với chất lượng cao theo quy hoạch; đồng thời, thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu phát huy thế mạnh của Đảo.

Huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế, kể cả trong nước và  nước ngoài cho phát triển đảo Phú Quốc. Ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng thiết yếu của Đảo.

Điều 2. Phấn đấu đạt những mục tiêu phát triển chủ yếu sau:

Tạo được bước phát triển nhanh về tiềm lực kinh tế, đóng góp vào phát triển chung của cả nước, tăng cường được an ninh, quốc phòng của đảo Phú Quốc. Từng bước xây dựng đảo Phú Quốc thành Trung tâm du lịch (du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển) tầm cỡ khu vực và quốc tế với các hình thức dịch vụ chất lượng cao, thu hút nhiều du khách quốc tế và đáp ứng yêu cầu của khách du lịch trong nước.

Đến năm 2010, phấn đấu hình thành được một số khu du lịch và vui chơi giải trí chất lượng cao, hàng năm thu hút khoảng 300 - 350 nghìn khách du lịch, góp phần đáng kể giải quyết việc làm, nâng cao đời sống văn hoá, xã hội cho nhân dân đảo Phú Quốc và các đảo nằm trong huyện đảo Phú Quốc.

Đến năm 2020, hoàn thành về cơ bản xây dựng đảo Phú Quốc thành Trung tâm du lịch và du lịch sinh thái biển phát triển ở trình độ cao, hàng năm thu hút khoảng 2 - 3 triệu lượt khách du lịch.

Điều 3. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực then chốt của đảo Phú Quốc:

1. Tập trung xây dựng đảo Phú Quốc trở thành Trung tâm du lịch, trước hết và chủ yếu là du lịch sinh thái đảo - biển chất lượng cao tiêu biểu cho Kiên Giang và cho cả nước.

Phát huy thế mạnh nhiều bãi cát trắng đẹp trên cả hai bờ phía Tây và phía Đông để hình thành các điểm và các tuyến du lịch ven biển, phát triển du lịch hải đảo mang sắc thái riêng, tạo ra sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, hoạt động quanh năm, lưu giữ du khách dài ngày và thu hút du khách đến nhiều lần...

Đồng thời, gắn phát triển du lịch của đảo Phú Quốc với phát triển du lịch của thành phố Hồ Chí Minh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tuyến du lịch của cả nước.

Xuất phát từ những đặc điểm và tiềm năng du lịch to lớn, phát triển du lịch Phú Quốc theo hướng đa dạng các loại hình và đưa đón khách bằng cả đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không, nổi bật là:

a) Du lịch tắm, nghỉ dưỡng biển gắn với trung tâm thể thao dưới nước (bơi lặn, chèo thuyền...); công viên hải dương (biểu diễn cá heo, thủy cung);

b) Du lịch sinh thái (tham quan du ngoạn quanh đảo và các đảo nhỏ, nghiên cứu về các giá trị tự nhiên và văn hoá bản địa) gắn với du lịch tuần trăng mật, câu cá, câu mực...;

c) Du lịch thể thao (bao gồm thể thao biển, thể thao núi và du lịch mạo hiểm leo núi);

d) Du lịch vui chơi giải trí, đặc biệt là một số hình thức vui chơi giải trí cao cấp và các dịch vụ thu hút nhiều khách du lịch;

đ) Du lịch mua sắm và các loại hình du lịch hấp dẫn khác để thu hút khách;

e) Tổ chức hội nghị, hội thảo (tại một số khách sạn lớn có Trung tâm hội nghị, Trung tâm thương mại và ẩm thực);

Nhà nước hỗ trợ vốn ngân sách cho công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng. Huy động vốn của các thành phần kinh tế và cho phép thu hút đầu tư ngoài nước với các hình thức đầu tư hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng du lịch và các lĩnh vực trọng điểm.

g) Từ nay đến năm 2005, tập trung đầu tư xây dựng Trung tâm du lịch Phú Quốc và phát triển tuyến du lịch Phú Quốc - Hà Tiên - Côn Đảo; huy động nguồn vốn trong nước và hợp tác liên doanh với nước ngoài mở tuyến du lịch từ đảo Phú Quốc đi các nước Thái Lan, Cam-pu-chia, Ma-lai-xi-a. Đầu tư khai thác tuyến du lịch lễ hội văn hoá khu Núi Sam - An Giang - Phú Quốc. Đầu tư tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch.

2. Phát triển các ngành dịch vụ.

a) Trước hết, các ngành dịch vụ phải có sự ưu tiên và đi trước một bước (dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin, hàng không, hàng hải, thương mại, y tế, thể thao, giải trí ...), vừa đảm bảo đủ điều kiện thực hiện các mục tiêu phát triển của Đảo, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hoá;

b) Trong giai đoạn trước mắt tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ hướng vào mục tiêu phát triển du lịch của Đảo. Ngoài việc trung chuyển khách du lịch sẽ phát triển một số loại hình dịch vụ có ý nghĩa khu vực để nối Phú Quốc và Vùng đồng bằng sông Cửu Long với các khu vực khác trong nước và ngoài nước;

c) Về lâu dài sẽ xây dựng các Trung tâm thương mại Dương Đông, Dương Tơ, An Thới; xây dựng các chợ Cửa Cạn, Hàm Ninh, Gành Dầu, Bãi Thơm, Thổ Châu và Dương Tơ. Phát triển mạnh các loại dịch vụ hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế gắn với phát triển du lịch.

3. Phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp theo hướng đa dạng sinh học, tạo cảnh quan, môi trường phục vụ phát triển du lịch, đáp ứng một phần nhu cầu dân sinh tại chỗ và khách vãng lai.

a) Phát triển nông, lâm nghiệp của đảo Phú Quốc theo hướng bảo vệ tài nguyên rừng phục vụ du lịch sinh thái; phát triển nông nghiệp chủ yếu theo hướng sạch, chất lượng cao phục vụ du lịch;

b) Bảo vệ nghiêm ngặt rừng nguyên sinh quý của đảo Phú Quốc, phát triển đa dạng sinh học. Nhiệm vụ chính của lâm nghiệp là bảo vệ, quản lý tốt khu bảo tồn quốc gia và trồng rừng trên các đồi trọc, đưa diện tích rừng trồng từ 4.344 ha hiện nay lên khoảng 6500 - 7000 ha vào năm 2010. Diện tích rừng của đảo Phú Quốc sẽ ổn định khoảng 38.000 - 39.000 ha (chiếm 68 - 69% diện tích tự nhiên);

c) Nghiên cứu di thực các loài cây có giá trị tạo cảnh từ các miền đất nước và từ nước ngoài để tăng thêm giá trị cảnh quan của các điểm du lịch và trong đô thị của đảo Phú Quốc; lập những khu bảo vệ trầm hương trên núi tạo thành điểm tham quan trầm hương độc đáo;

d) Hình thành những vườn hoa lan, vườn chim, vườn xương rồng, vườn thú chăn thả hươu sao, đà điểu để tạo thành những sản phẩm du lịch đa dạng và hấp dẫn, kinh doanh cây cảnh (Bonsai) cỡ nhỏ và siêu nhỏ, tiện cho khách du lịch làm lưu niệm;

đ) Nông nghiệp của Phú Quốc sẽ phát triển chủ yếu theo hướng nông nghiệp sạch chất lượng cao, trên cơ sở ổn định diện tích đất nông nghiệp khoảng 6.600 ha (trong đó đất trồng các loại cây ăn trái 1.000 ha, rau đậu 300 ha; trồng hoa, cây cảnh; ổn định diện tích cây tiêu khoảng 1.200 ha, cây điều khoảng 3.000 ha, cây dừa khoảng 270 ha) và hình thành một số trang trại phục vụ du lịch.

Thành lập Trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống cây ăn trái và các loại cây quý hiếm.

4. Phát triển thủy sản kết hợp phục vụ tham quan, du lịch.

Thực hiện phương châm: phát triển thuỷ sản, nhưng không làm ảnh hưởng xấu mà còn góp phần phát triển du lịch.

Phát triển khu sản xuất giống hải sản công nghiệp tập trung với diện tích khoảng 30 ha tại An Thới, sản xuất giống các loại tôm, bào ngư, cá cảnh (bao gồm cả việc sản xuất và lưu giữ các loại giống gốc bố mẹ)... cung cấp cho Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển nuôi trồng các loại thuỷ đặc sản như trai ngọc, đồi mồi, tôm hùm, cá lồng,... vừa phục vụ du lịch (thực phẩm, đồ lưu niệm, điểm tham quan) vừa có sản phẩm xuất khẩu.

Phát triển nuôi cá cảnh xuất khẩu.

Phát triển nghề đánh cá nổi gắn với công nghiệp chế biến nước mắm đặc sản Phú Quốc, chế biến mực cao cấp tại Dương Đông và An Thới.

Trong khu vực cảng An Thới đầu tư xây dựng chợ thuỷ sản với diện tích khoảng 20.000 m2.

Nâng cấp các cảng cá An Thới, cảng cá Dương Đông và hệ thống khu neo đậu tránh trú bão cho tàu, thuyền tại An Thới với quy mô 600 chiếc tàu công suất 600 CV/chiếc.

5. Phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Phát triển những ngành công nghiệp sạch, giải quyết việc làm và sản xuất hàng hoá phục vụ khách du lịch không gây ô nhiễm, không xâm hại đến môi trường du lịch của Đảo.

Định hướng phát triển công nghiệp dài hạn của đảo Phú Quốc là: công nghiệp thực phẩm và đồ uống, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp đồ trang sức và đồ lưu niệm, công nghiệp phục vụ vận tải thủy và đánh bắt thuỷ sản, công nghiệp chế biến nước mắm đặc sản (không làm ảnh hưởng đến du lịch). Công nghiệp, thủ công nghiệp và chế biến thuỷ sản cần duy trì và nâng cao chất lượng, kiểu dáng mẫu mã các sản phẩm truyền thống và sản phẩm mới nhằm phục vụ khách du lịch tham quan mua tặng phẩm lưu niệm (như nước mắm Phú Quốc, hàng đồ gỗ, thuỷ sản chế biến...).

Hướng bố trí công nghiệp tập trung thành các cụm công nghiệp nhỏ, gắn với các điểm dân cư với quy mô diện tích khoảng 2 - 5 ha mỗi cụm; trong đó, đặc biệt quan tâm tới yêu cầu xử lý nước thải, không gây ô nhiễm.

6. Phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội huyện Đảo mà trọng tâm là phục vụ tốt phát triển du lịch và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và bằng mọi biện pháp nhanh chóng hiện đại hoá kết cấu hạ tầng theo hướng ưu tiên đảm bảo cho sự phát triển của du lịch và dịch vụ trình độ cao, đồng thời phù hợp với yêu cầu của khách.

a) Phát triển mạng lưới giao thông bao gồm cả đường bộ, đường sắt trên cao, cáp treo, đường hàng không, đường thuỷ và hệ thống cảng.

Phát triển hệ thống đường bộ chất lượng cao, không lớn nhưng đảm bảo tốc độ nhanh, cảnh quan hai bên đường đẹp và sạch sẽ.

Trọng tâm phát triển là cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện có, xây dựng mới một số tuyến đường nhằm đảm bảo đi lại thuận lợi giữa các trung tâm kinh tế, các khu dân cư và các địa danh tham quan du lịch trên Đảo.

Trước hết cải tạo và xây dựng mới tuyến đường quanh Đảo qua các địa danh: An Thới đi dọc bờ biển phía Tây của Đảo đến Dương Đông; qua Cửa Cạn, qua Gành Dầu, đi theo bờ biển phía Bắc của Đảo đến Bãi Thơm và đi theo bờ biển phía Đông của Đảo đến Hàm Ninh để nối với đường Hàm Ninh - Dương Đông - An Thới. Chiều dài tuyến đường 125 km.

Nâng cấp tuyến đường trục Nam - Bắc xuyên Đảo (An Thới - Dương Đông - Bãi Thơm) đạt tiêu chuẩn chất lượng cao qua các địa danh: An Thới (đi phía trong Đảo qua khu nhà tù Phú Quốc) qua Dương Đông đến Suối Cái rẽ về Gành Dầu và rẽ về Bãi Thơm. Chiều dài khoảng 70 km.

Xây mới tuyến từ Cửa Lấp đến Khe Tào Rũ, dài khoảng 12 km.

Xây dựng các tuyến đường nhánh nối từ đường trục xuyên Đảo và tuyến quanh Đảo đến các điểm du lịch, các trung tâm kinh tế và các khu dân cư trên Đảo; đường du ngoạn quanh Đảo dẫn đến các điểm du lịch bờ biển; đường du ngoạn lên núi đến các điểm ngắm cảnh; đường đến các trang trại, đường nội thị.

Ngoài ra, sẽ phát triển các đường mòn xuyên rừng núi dành cho khách thám hiểm và xây dựng một số tuyến cáp treo khi có nhu cầu đưa du khách lên một số đỉnh núi song vẫn giữ gìn được cảnh quan môi trường thiên nhiên. Nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt trên cao đi ven biển quanh Đảo, có đoạn chen vào rừng già, có đoạn đi qua rừng ngập nước, dọc đường có nhiều điểm ngắm cảnh hoặc tham quan.

Trước mắt, có kế hoạch đầu tư nâng cấp các tuyến: Dương Đông - Cửa Cạn dài 12,6 km, Suối Cái - Gành Dầu dài 19,7 km, Dương Đông - An Thới  dài 24 km (điều chỉnh tuyến không đi sát ven biển ảnh hướng đến phát triển du lịch), Dương Đông - Bãi Thơm dài 30 km, Hàm Ninh - Bãi Thơm dài 38 km, Gành Dầu - Cửa Cạn dài 15 km.

Xây dựng mới tuyến Bãi Thơm - Gành Dầu dài 33 km. Sớm nhựa hoá các tuyến đường liên xã, rải cấp phối tất cả các tuyến đường từ đường liên xã đến các ấp và đảm bảo xe ô tô lưu thông dễ dàng.

Phát triển hệ thống cảng.

Giai đoạn trước mắt: tập trung đầu tư xây dựng cảng An Thới với quy mô hàng hoá thông qua cảng 300 nghìn tấn, hành khách thông qua cảng 450 nghìn lượt người. Từng bước nghiên cứu xây dựng 1 bến cho tàu trọng tải 3.000 DWT; các bến cho tàu khách ven biển có sức chở 200 - 300 khách và 1 bến nổi để neo tàu 30.000 DWT hoặc tàu khách chở 1000 - 2000 hành khách.

Giai đoạn tiếp theo: phát triển cảng hành khách đường biển kết hợp với hàng hoá tại Vịnh Đầm cho tàu chở khách đến 2000 hành khách, tàu chở hàng đến 30.000 DWT, quy mô cảng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đảo Phú Quốc. Xây dựng vị trí neo đậu tàu tại Dương Đông cho tàu chở khách đến 2.000 hành khách neo đậu; cải tạo tuyến luồng trên sông Dương Đông và xây dựng cảng tàu khách ven biển tại sông Dương Đông. Các vị trí Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh quy hoạch xây dựng các cảng đưa đón du thuyền đi du ngoạn trên các tuyến dọc theo bờ Đảo.

Cần tách cảng cá với cảng hành khách.

Sân bay: trước mắt hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng sân bay hiện có bảo đảm cho máy bay tầm trung, hạ và cất cánh để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của Đảo; tổ chức các tuyến bay, các đội bay nhỏ phục vụ du lịch.

b) Phát triển mạng lưới cấp nước sạch, cấp điện, viễn thông, bệnh viện và các cơ sở giáo dục đào tạo nghề.

Cấp điện và năng lượng: xây dựng hệ thống lưới điện thống nhất toàn Đảo với khoảng 372 km đường dây trung thế và 669 km đường dây hạ thế. Tổng công suất các trạm biến áp đạt 3720 KVA. Xây dựng một Nhà máy phát điện trung tâm mà công suất đợt đầu đủ đáp ứng nhu cầu đến năm 2010 dự tính là 50 MW. Dự kiến sẽ xây dựng 3 cụm phát điện Điezen ở Dương Đông, An Thới và ngã ba Suối Cái (Bãi Thơm). Nghiên cứu khả năng cung cấp điện cho Đảo theo phương án kéo lưới điện quốc gia từ đất liền ra bằng hệ thống cáp ngầm.

Nghiên cứu phát minh điện gió, điện mặt trời.

Xây dựng mạng lưới sử dụng điện và gas cho nhu cầu sinh hoạt của Đảo, từng bước hạn chế và tiến tới không dùng củi làm  chất đốt.

Cấp nước: theo tài liệu quan trắc, hàng năm Phú Quốc nhận được lượng nước mưa khoảng 1,6 tỷ m3, trong đó có 900 triệu m3 đổ vào sông suối (lượng mưa phân bổ không đều trong năm, tập trung 80% vào mùa mưa). Phú Quốc có 3 rạch chính và nhiều rạch nhỏ, phần lớn bắt nguồn từ dãy Hàm Ninh, có tổng diện tích lưu vực khoảng 456 km2 (78% diện tích toàn Đảo). Các sông rạch này có độ dốc lớn, không tích được nước mưa, mùa lũ gây xói mòn lớn. Xây dựng các hồ chứa và các công trình cấp nước sạch để có thể cung cấp được khoảng 200 nghìn m3/ngày/đêm. Vào năm 2020, dự kiến trên Đảo hàng năm có khoảng 50 - 55 vạn người sinh hoạt, cần xây dựng hệ thống cấp nước có tổng công suất khoảng 100 nghìn m3/ngày/đêm, nếu kể cả công suất dự trữ thì vào khoảng 120 nghìn m3/ngày/đêm.

Từ nay đến năm 2005 xây dựng các hồ Dương Đông (10 triệu m3),  hồ Suối Lớn, sau 2005 xây dựng các hồ Cửa Cạn (35 triệu m3), Rạch Cá và Cửa Lấp và các cơ sở xử lý nước sạch.

Trước mắt, củng cố 721 giếng khoan hiện đang cung cấp nước cho 75 nghìn người. Trong tương lai có thể xây dựng một số hồ chứa nước ở những nơi có điều kiện đảm bảo nguồn nước mặt cung cấp cho nhu cầu của Đảo, từng bước thay thế việc khai thác nước ngầm hiện nay.

Xây dựng thêm 2 hồ chứa (với tổng dung lượng 20 triệu m3) và một nhà máy nước công suất khoảng 100.000 m3/ngày/ đêm.

Nước thải: nước thải nhất thiết phải qua xử lý đạt yêu cầu trước khi thải xuống sông rạch hoặc ra biển; hoặc đưa vào tái sử dụng để rửa đường, tưới cây, chữa cháy...

Trước mắt, đầu tư chỉnh trang các rạch để thoát nước tốt hơn, khi có nhu cầu sẽ xây dựng cơ sở xử lý nước thải ở những đô thị và những nơi tập trung du khách.

Bưu chính, viễn thông: xây dựng mạng lưới bưu chính, viễn thông hiện đại có khả năng làm các dịch vụ viễn thông quốc tế (được đặt tại đô thị mới Dương Tơ). Xây dựng Trung tâm viễn thông; Đài phát thanh và truyền hình; Trung tâm điện thoại trên Đảo sử dụng hệ thống di động và hệ thống cáp quang để bảo đảm thông tin ổn định, bảo mật kinh tế và quốc phòng an ninh. Dưới biển gần Phú Quốc đã có tuyến cáp quang quốc tế đi qua, có thể kết nối với Phú Quốc để mở tuyến truyền tin chất lượng cao từ Phú Quốc về đất liền và ra quốc tế. Đến năm 2005 phủ sóng điện thoại di động và sóng phát thanh, truyền hình toàn Đảo.

Chiếu sáng công cộng: chiếu sáng công cộng trong đô thị, tại các điểm du lịch và dọc các tuyến đường bộ chủ yếu là để phục vụ du lịch, cho phép kéo dài thời gian hoạt động hàng ngày của du khách, tạo ra bộ mặt bên ngoài của công trình kiến trúc về đêm và góp phần tôn tạo phong cảnh. Do vậy chiếu sáng công cộng tại Phú Quốc cần quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ và chú ý sử dụng các giải pháp công nghệ chiếu sáng hiện đại để tiết kiệm năng lượng điện. Tại Quảng trường trung tâm, khu đô thị mới Dương Tơ sẽ sử dụng công nghệ chiếu sáng lazer để tạo thêm hấp dẫn.

Văn hóa, giáo dục, y tế:

Nâng cấp Bệnh viện huyện và Trung tâm y tế đa năng đủ năng lực phục vụ nhân dân tại chỗ và du khách với quy mô khoảng 500 - 1.000 giường.

Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giáo dục phổ thông các cấp, các trung tâm dạy nghề, giáo dục, văn hóa, du lịch trong các trường phổ thông tại Phú Quốc.

Xây dựng hệ thống nhà văn hoá, thư viện và bảo tàng sinh vật và sinh vật biển.

7. Phát triển công viên cây xanh: xây dựng các công viên không chỉ có quy mô lớn mà còn có cả các công viên nhỏ khắp nơi và công viên tuyến, đặc biệt dọc theo tuyến đường cao tốc xuyên Đảo với các cây luân phiên nở hoa quanh năm như phượng vĩ, bằng lăng, hoàng lan, bông bụt, hoa gạo, hoa giấy... và các cây có dáng lạ được di thực từ các nước nhiệt đới khác.

Phát triển một số công viên văn hóa thể thao, vui chơi giải trí trên Đảo vừa bảo đảm yêu cầu sinh thái, vừa bảo đảm phục vụ khách du lịch.

Điều 4. Về tổ chức không gian phát triển Đảo:

Phương hướng chung về bố trí không gian phát triển đảo Phú Quốc phải đảm bảo nguyên tắc là không gian xanh, đẹp gắn với cảnh quan biển và có đô thị Đảo hiện đại với phương châm không gian du lịch và không gian đô thị trở thành nhân tố quyết định không gian của Đảo.

Bảo đảm mật độ xây dựng thêm, dành không gian thỏa đáng cho cây xanh công viên.

Phát triển hệ thống các điểm đô thị, các điểm dân cư tập trung gắn với các hoạt động du lịch và các hoạt động dịch vụ trên Đảo.

Phương hướng bảo vệ môi trường. Đảm bảo nghiêm ngặt nguyên tắc: mọi phát triển trên Đảo không được xâm hại đến môi trường tự nhiên của Đảo, không làm suy giảm diện tích rừng, chất lượng nước và chất lượng không khí của Đảo. Phát triển sản xuất trên Đảo phải đảm bảo là nền sản xuất sạch, không gây ô nhiễm (kể cả trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và công nghiệp). Mọi chất thải trong quá trình sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt (kể cả chất thải rắn, nước thải) nhất thiết phải qua xử lý đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường, xuống sông rạch hoặc ra biển.

Điều 5. Quy hoạch củng cố quốc phòng, an ninh:

Tiến hành quy hoạch đất cho quốc phòng, an ninh gắn với quy hoạch hệ thống công trình quốc phòng, an ninh, chủ yếu là điểm cao và vị trí xung yếu, có tính đến yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, du lịch.

Xây dựng hệ thống các công trình phòng thủ bảo đảm vai trò tiền đồn và làm lá chắn phía biển Tây Nam của Tổ quốc và đảm bảo phục vụ cho phát triển kinh tế có hiệu quả.

Bố trí phù hợp các lực lượng quốc phòng, an ninh để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ giữ vững chủ quyền quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Xây dựng vững thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên Đảo.

Xây dựng, củng cố, bổ sung các phương án đảm bảo an ninh, trật tự vùng Đảo.

Điều 6. Các giai đoạn phát triển đảo Phú Quốc:

1. Từ nay đến năm 2010:

Hoàn thành việc nâng cấp sân bay Phú Quốc hiện có; khởi công xây dựng các công trình hạ tầng chính (đường ô tô xuyên Đảo và cảng biển cho tàu khách), công trình cấp nước và một số công trình hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu trước mắt cho xây dựng Đảo.

Hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển; các quy hoạch xây dựng thành phố Phú Quốc, quy hoạch các khu du lịch và các quy hoạch chuyên ngành. Lập các dự án kêu gọi và thu hút đầu tư.

Tập trung đầu tư (cả vốn ngân sách và ngoài ngân sách) để hình thành những đường nét chủ yếu của một đảo du lịch. Xây dựng các khu du lịch, vui chơi giải trí, khách sạn cao cấp, trung tâm thương mại, các công trình dịch vụ tài chính, tàu biển, hàng hải, hải quan, xuất nhập cảnh. Nghiên cứu lập xong Dự án xây dựng sân bay Quốc tế mới, cảng, đường cao tốc.

2. Giai đoạn 2011- 2020:

Hoàn thiện phát triển Đảo theo quy hoạch, bảo đảm yêu cầu du lịch chất lượng cao, đồng thời phát triển các loại dịch vụ và sản xuất khác để đưa kinh tế - xã hội của Đảo lên trình độ phát triển mới.

Xây dựng xong những hạng mục quan trọng của thành phố Phú Quốc.

Hoàn thành các cảng biển, các công trình cấp nước và các công trình dịch vụ công cộng cao cấp khác.

Hoàn thành các khu du lịch chất lượng cao, các trung tâm thương mại, giao dịch quốc tế...

Điều 7. Biện pháp và cơ chế, chính sách cho đảo Phú Quốc:

1. Tạo vốn đầu tư:

Vốn ngân sách: Chính phủ ưu tiên đầu tư vốn ngân sách cho xây dựng kết cấu hạ tầng Phú Quốc. Ngân sách nhà nước đầu tư ở giai đoạn đầu nhằm tạo hạ tầng chủ yếu và tạo mặt bằng để các doanh nghiệp tới Đảo đầu tư. Đặc biệt ưu tiên xây dựng sân bay, cảng, đường xuyên Đảo, đường quanh Đảo, công trình cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải, công trình chiếu sáng.

Vốn đầu tư bên ngoài: ban hành cơ chế hấp dẫn thu hút vốn đầu tư từ các nơi khác trong nước và từ nước ngoài (kể cả để kinh doanh kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất).

2. Cơ chế, chính sách:

Về chính sách đầu tư: tập trung ngân sách nhà nước để tiến hành xây dựng trước các công trình hạ tầng (đường, điện, nước, cảng, sân bay...) và tu bổ, bảo tồn di tích lịch sử... hoàn thành trong 3 - 5 năm đầu. Có chính sách ưu đãi về mức thuế, giá thuê đất,... và thủ tục hành chính thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế (kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và nhân dân đầu tư theo mục tiêu được xác định. Có phân biệt mức độ khác nhau giữa đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đầu tư vào kinh doanh (đầu tư hạ tầng được ưu đãi hơn).

Cho phép Phú Quốc được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất mà Nhà nước ta ban hành về đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, đầu tư cho khu công nghiệp, khu chế xuất; cho các khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế thương mại tự do, khu kinh tế mở.

Phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc cổ phiếu công trình đối với những dự án hạ tầng có quy mô lớn và có vai trò then chốt đối với sự phát triển của Đảo.

Huy động vốn theo các hình thức BOT, BT, BTO với ưu đãi cao hơn khung ưu đãi trong các quy định hiện hành.

Áp dụng cơ chế thông thoáng về xuất, nhập cảnh.

Thực hiện chế độ cấp thị thực nhập cảnh tại cửa khẩu cho các nhà đầu tư, kinh doanh, khách du lịch nước ngoài.

Nhà đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền cùng gia đình vào cư trú tại Phú Quốc và được hưởng các quyền lợi và nghĩa vụ về cư trú theo luật pháp Việt Nam.

Về chính sách phát triển nguồn nhân lực: áp dụng chế độ khuyến khích cán bộ có trình độ, năng lực đến Đảo làm việc; không khuyến khích dân cư ra quá đông mà phải có chọn lọc, không để ảnh hưởng môi trường được xác định lâu dài là phát triển du lịch.

Điều 8. Tổ chức thực hiện:

1. Trách nhiệm của ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc:

Giao ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc có biện pháp quản lý chặt chẽ đất đai trên đảo Phú Quốc, ngăn chặn bằng được tình trạng phân chia, bao chiếm, mua bán đất đang diễn ra nghiêm trọng trên Đảo và xử lý kiên quyết các trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất trái pháp luật, sai mục đích và tình trạng phá rừng đang gia tăng tại Đảo. Tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho nhân dân.

Có các biện pháp khắc phục tình trạng di dân tự phát ra Đảo tăng nhanh, làm ảnh hưởng xấu đến phát triển du lịch, đến môi trường tự nhiên và xã hội. 

Giao ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang làm chủ đề án, chọn tổ chức làm chủ đầu tư để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao về phát triển đảo Phú Quốc; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh quy hoạch kinh tế - xã hội của Tỉnh phù hợp với mục tiêu phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Cho phép ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang mời các công ty tư vấn ngoài nước có trình độ cao tham gia quy hoạch không gian phát triển trên Đảo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương triển khai các công việc tiếp theo để nhanh chóng tổ chức thực hiện Đề án phát triển Phú Quốc có hiệu quả.

Phát triển du lịch đảo Phú Quốc phải có sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của thành phố Hồ Chí Minh và Phú Quốc cũng là địa bàn để đầu tư phát triển du lịch của thành phố Hồ Chí Minh; do đó, ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cần bàn bạc thống nhất xây dựng phương án, kế hoạch hợp tác phát triển một cách cụ thể, thiết thực và hiệu quả.

2. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan Trung ương:

Các Bộ, cơ quan Trung ương cùng với ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch và các cơ chế, chính sách cần thiết, phù hợp với mô hình phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc; tăng cường và phối hợp với địa phương trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

a) Bộ Xây dựng phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, các Bộ, cơ quan liên quan và các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước lập Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc kể cả các thị trấn và tỉnh Kiên Giang đến năm 2020; trong đó, xác định chức năng du lịch dịch vụ, kết hợp phát triển công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế có lợi khác, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai các quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch phát triển ngành, các dự án đầu tư và tổ chức quản lý đầu tư theo quy hoạch được duyệt.

b) Tổng cục Du lịch phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, các Bộ, cơ quan liên quan và các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước lập quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch Phú Quốc theo hướng chủ yếu là du lịch sinh thái với chất lượng cao và mang tính đặc thù và phấn đấu xây dựng Phú Quốc trở thành Trung tâm du lịch hấp dẫn trong nước và khu vực với các sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao, góp phần tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng.

c) Bộ Giao thông vận tải phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, các Bộ, cơ quan liên quan và các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước lập quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông, vận tải trên Đảo phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển; các dự án phải phù hợp với quy hoạch chung phát triển Phú Quốc và có kế hoạch đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trước mắt, triển khai ngay việc thi công xây dựng tuyến đường ven biển từ Dương Đông đi An Thới, quy hoạch hệ thống cảng biển. Cục Hàng không Việt Nam xây dựng dự án mở rộng sân bay hiện có để bảo đảm cho máy bay lớn có thể hạ cánh và cất cánh được.

d) Bộ Quốc phòng tiến hành rà soát, điều chỉnh lại phương án phòng thủ, đảm bảo quốc phòng, gắn với nhiệm vụ ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội phục vụ thiết thực cho phát triển du lịch của Đảo; rà soát và quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, xác định rõ các khu vực và diện tích đất nhất thiết phải bố trí sử dụng cho mục đích quốc phòng thời gian sớm nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; diện tích đất dôi ra giao cho địa phương quản lý, khai thác, sử dụng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Để đáp ứng yêu cầu phòng thủ, Bộ Quốc phòng phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án, công trình đã đầu tư; xem xét bố trí hợp lý các công trình phòng thủ phía Bắc Đảo.

đ) Bộ Công an tiến hành rà soát, điều chỉnh phương án bảo vệ, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội phục vụ cho mục tiêu phát triển Đảo; phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và với chính quyền địa phương, lực lượng quân đội, Bộ đội Biên phòng, Hải quan có cơ chế quản lý phù hợp theo hướng đơn giản hoá thủ tục việc tiếp nhận, quản lý khách du lịch, nhưng phải bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự trên Đảo.

e) Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an, các Bộ, cơ quan liên quan và tỉnh Kiên Giang xây dựng Đề án về việc cấp thị thực xuất, nhập cảnh; định cư tại Đảo.

g) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, các Bộ, cơ quan liên quan và các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước lập quy hoạch và có biện pháp bảo vệ tốt rừng nguyên sinh hiện có, vườn quốc gia Phú Quốc; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo sát xây dựng các hồ chứa nước, các công trình thuỷ lợi trên Đảo để tạo nguồn nước phục vụ phát triển các ngành kinh tế và phục vụ cho nhu cầu đời sống của nhân dân.

h) Bộ Tài chính xây dựng cơ chế huy động vốn để tạo vốn phát triển.

i) Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, các Bộ, cơ quan liên quan và các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước lập quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn nước.

k) Bộ Thuỷ sản phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, các Bộ, cơ quan liên quan và các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước lập quy hoạch phát triển thuỷ sản cho khu vực đảo Phú Quốc gắn với phát triển du lịch.

l) Bộ Bưu chính, Viễn thông phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, các Bộ, cơ quan liên quan và các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước lập quy hoạch mạng lưới bưu chính, viễn thông.

m) Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thông tin phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc nâng cấp bệnh viện huyện, trung tâm y tế đa năng và tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ y tế; tổ chức hệ thống giáo dục đào tạo nhằm từng bước nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống nhà văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, dịch vụ trong những năm tới. 

n) Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục cùng với ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang theo dõi và giám sát thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên Đảo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Xây dựng, Tổng cục Du lịch phối hợp với ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch mời các công ty tư vấn trong nước và công ty tư vấn nước ngoài có đủ năng lực triển khai xây dựng các quy hoạch tổng thể không gian và quy hoạch chi tiết cho Đảo.

Điều 9. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.