• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 07/09/2004
CHÍNH PHỦ
Số: 10/2004/NQ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 11 tháng 8 năm 2004

NGHỊ QUYẾT

Nghị quyết phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2004

_____________________

Trong hai ngày 04 và 05 tháng 8 năm 2004, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7, bàn và quyết nghị những vấn đề sau:

1. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình dự thảo Đề án Thành lập Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

Trong những năm qua, hoạt động của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đã góp phần quan trọng trong sản xuất và đời sống xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp còn thấp, chưa bảo đảm được việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, gây thất thoát lãng phí. Tình trạng trên có phần do cơ chế quản lý vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhằm từng bước khắc phục tình trạng này, việc thành lập Tổng công ty Đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước có tính độc lập, chuyên nghiệp để thực hiện các chức năng theo quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003, góp phần đẩy nhanh tiến độ đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, tiến tới đổi mới cơ bản phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp là hết sức cần thiết.

Chính phủ nhất trí thông qua Đề án Thành lập Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; giao Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Đồng thời, Bộ Tài chính khẩn trương dự thảo đồng bộ các văn bản liên quan đến việc hình thành Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, gồm: Quyết định thành lập, Điều lệ tổ chức và hoạt động, Quy chế tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu về đổi mới cơ chế quản lý vốn, nhân sự đối với các doanh nghiệp nhà nước mà theo đề án, không thuộc phạm vi đối tượng quản lý của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, trình Chính phủ xem xét.

2. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình dự án Bộ Luật Dân sự (sửa đổi); nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến của các thành viên Chính phủ về dự thảo Bộ Luật này.

Bộ luật Dân sự được ban hành ngày 28/10/1995 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/1996, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật nước ta. Bộ luật đã khẳng định và cụ thể hoá quyền của công dân và các chủ thể khác trong lĩnh vực dân sự, tạo hành lang pháp lý phát huy dân chủ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và lợi ích Nhà nước, lợi ích xã hội; bảo đảm an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Qua 8 năm thực hiện, Bộ luật Dân sự đã phát huy tác dụng trong đời sống xã hội, nhưng cũng bộc lộ những điểm hạn chế. Một số quy định trong Bộ luật chưa đầy đủ hoặc không còn phù hợp với thực tế; mối liên hệ giữa Bộ luật Dân sự với tư cách là một đạo luật chung với nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ cụ thể như hôn nhân và gia đình, thương mại, lao động... còn chưa rõ ràng; còn có những quy định thuộc quan hệ hành chính; một số vấn đề chưa đổi mới để phù hợp với đời sống xã hội và một số luật mới ban hành, cũng như chưa tương thích với một số thông lệ quốc tế và Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự là một việc làm rất cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay và trong tương lai.

Về cơ bản, Chính phủ nhất trí với nội dung dự án Luật Dân sự (sửa đổi), có lưu ý thêm một số vấn đề sau: Cần có các quy định chung về quyền sử dụng đất trong Bộ luật, nhưng không chồng chéo, trùng lắp với các quy định của Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; các quy định về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong Bộ luật chỉ nên dừng lại ở các nguyên tắc chung, còn các quy định cụ thể sẽ xây dựng dự án Luật riêng về lĩnh vực này; về mặt chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, nên quy định phù hợp với thông lệ quốc tế (không quy định về hộ gia đình và tổ hợp tác).

Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi); giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Bộ luật này.

3. Chính phủ nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước trình dự án Luật Kiểm toán Nhà nước; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến của các thành viên Chính phủ về dự thảo Luật này.

Kiểm toán Nhà nước là công cụ không thể thiếu của một nhà nước pháp quyền để kiểm tra, kiểm soát tài chính công. Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước là nhằm bảo đảm quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản công một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả. Cho đến nay, nước ta chưa có một văn bản luật về tổ chức và hoạt động của cơ quan Kiểm toán Nhà nước; địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước chưa tương xứng với chức năng và nhiệm vụ được giao; nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động Kiểm toán Nhà nước chưa được quy định đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý nguồn tài chính và tài sản công của Nhà nước.

Giao Kiểm toán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Luật, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

4. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình dự án Luật Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến của các thành viên Chính phủ về dự thảo Luật này.

Trong tiến trình hội nhập với thế giới, điều ước quốc tế đã thực sự trở thành công cụ pháp lý quan trọng của Nhà nước nhằm thiết lập và thúc đẩy các quan hệ quốc tế trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, văn hoá, giáo dục, y tế, xã hội... Pháp lệnh về Ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế được ban hành ngày 20/8/1998 đã tạo cơ sở pháp lý cơ bản để các cơ quan nhà nước thực hiện quy trình thống nhất ký kết và thực hiện điều ước quốc tế. Tuy nhiên, đến nay, một số quy định của Pháp lệnh đã bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung và nâng cao tính pháp lý để phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Luật Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế; giao Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này.

5. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình dự án Luật Quốc phòng; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến của các thành viên Chính phủ về dự thảo Luật này.

Xây dựng và bảo vệ tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước ta đặt lên hàng đầu trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Thời gian qua, bên cạnh việc tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, Đảng, Nhà nước luôn chú trọng xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, các văn bản đó chủ yếu mới điều chỉnh từng lĩnh vực cụ thể, nhiều vấn đề có tính nguyên tắc bảo đảm cho tăng cường quốc phòng mà Hiến pháp và các nghị quyết của Đảng quy định chưa được thể chế hóa, do đó, chưa tạo được cơ sở pháp lý cao. Việc ban hành Luật Quốc phòng là cần thiết để hoàn thiện khung pháp luật cho nhiệm vụ quốc phòng và xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giữ vững ổn định chính trị, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.

Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Quốc phòng và tiến hành các thủ tục cần thiết để trình ủy ban Thường vụ Quốc hội.

6. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Công an trình dự án Luật Công an nhân dân; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến của các thành viên Chính phủ về dự thảo Luật này.

Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, trải qua các giai đoạn cách mạng, Công an nhân dân luôn là lực lượng nòng cốt trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, góp phần quan trọng ổn định và phát triển đất nước. Để từng bước xây dựng và củng cố lực lượng Công an nhân dân, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của lực lượng này. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật đã ban hành chủ yếu là văn bản dưới luật, còn phân tán, chưa điều chỉnh hết các quan hệ xã hội liên quan đến tổ chức và hoạt động của lực lượng Công an nhân dân; nhiều quan điểm chỉ đạo, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực này chưa được thể chế hóa đầy đủ. Việc ban hành Luật Công an nhân dân, một văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, là cần thiết để tạo điều kiện cho lực lượng Công an nhân dân thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang trong thời kỳ đổi mới.

Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Công an nhân dân và tiến hành các thủ tục cần thiết để trình ủy ban Thường vụ Quốc hội.

7. Chính phủ nghe Trưởng ban Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương báo cáo tình hình thiên tai những tháng đầu năm, nhiệm vụ công tác phòng chống bão, lụt những tháng cuối năm 2004.

Chính phủ cũng đã xem xét các báo cáo: Kết quả giao ban sản xuất, dịch vụ, đầu tư tháng 7 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2004 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình; Tình hình thương mại tháng 7 năm 2004 do Bộ Thương mại trình; Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo quý II và 6 tháng đầu năm 2004 do Thanh tra Nhà nước trình.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới, đặc biệt là giá phôi thép, phân bón và xăng dầu tăng cao; thiên tai xảy ra nhiều; dịch sốt xuất huyết lan rộng; dịch cúm gia cầm có khả năng tái phát ở một số địa phương, nhưng tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2004 về cơ bản tiếp tục phát triển theo hướng tích cực. Sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá; nông nghiệp và các lĩnh vực dịch vụ duy trì sự phát triển ổn định; xuất khẩu tăng trưởng mạnh, nhập siêu giảm so với cùng kỳ năm trước; chính sách tiền tệ từng bước được điều chỉnh phù hợp; giá cả thị trường có xu hướng tăng chậm lại. Các hoạt động xã hội tiếp tục phát triển. Ngành giáo dục đã tổ chức tốt công tác tuyển sinh đại học và cao đẳng, được dư luận đánh giá cao. Công tác xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm đã có những chuyển biến rất tích cực. Các biện pháp giám sát, phát hiện kịp thời, bao vây dập tắt dịch sốt xuất huyết được tăng cường trên cả nước. Công tác phòng chống thiên tai và cứu trợ xã hội được tích cực triển khai. Tình hình trật tự an toàn giao thông cũng có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông trong tháng 7 giảm đáng kể; ý thức thực hiện những quy định pháp luật của nhân dân khi tham gia giao thông có chuyển biến tốt, nhất là trong việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.

Chính phủ nhận định, trong những tháng cuối năm, tình hình có thể còn diễn biến phức tạp trong khi nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề. Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát được chỉ số giá hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng, giữ vững cân đối kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định chính trị - xã hội, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh việc thực hiện những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra trong Nghị quyết 01/2004/NQ-CP và Quyết định 51/2004/QĐ-TTg; tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, tập trung vào những nhóm hàng, mặt hàng đang có thị trường tiêu thụ và có khả năng tăng thêm; tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định giá, các giải pháp huy động nguồn vốn; đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng cơ bản và giải ngân nguồn vốn ODA.

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cần đề cao công tác dự báo và chủ động, kịp thời trong công tác phòng, chống thiên tai. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão địa phương các cấp phải tăng cường công tác kiểm tra các công trình thuỷ lợi, phương tiện phòng chống lụt, bão; nghiên cứu các phương án, tình huống để sẵn sàng đối phó, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân nhân về công tác phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.