• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2004
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 48/2004/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 1 tháng 6 năm 2004

THÔNG TƯ

Hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện bàn giao và xử lý vốn vay đầu tư tài sản

đường giao thông, hệ thống điện, công trình thuỷ lợi, trường học, trạm xá của nông,

lâm trường về địa phương và Tổng công ty Điện lực Việt Nam quản lý

_______________________

Thi hành Quyết định số 255/2003/QĐ-TTg ngày 1/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bàn giao đường giao thông, hệ thống điện, công trình thuỷ lợi, trường học, trạm xá của các nông, lâm trường về địa phương quản lý, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Điểm 1 Điều 4 của Quyết định này như sau:

1. Tài sản bàn giao là:

- Hệ thống đường giao thông bao gồm: đường giao thông phục vụ chung cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nông, lâm trường và dân cư trên địa bàn.

- Công trình thuỷ lợi bao gồm: đập nước, hồ chứa nước, hệ thống kênh mương phục vụ chung cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nông, lâm trường và dân cư trên địa bàn.

- Trường học bao gồm: trường mầm non, lớp mẫu giáo, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông được nhà nước hỗ trợ về kinh phí hoạt động theo chế độ hiện hành (không bao gồm các trường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành).

- Trạm xá là đơn vị y tế được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập và được hỗ trợ kinh phí hoạt động để phục vụ cán bộ, công nhân viên nông, lâm trường và dân cư trên địa bàn.

- Hệ thống điện bao gồm: đường điện trung, hạ thế và trạm biến áp, hệ thống công tơ đến tận hộ dân và các trạm phát điện do nông, lâm trường đầu tư trước đây để phục vụ chung cho sản xuất kinh doanh của nông, lâm trường và phục vụ chung cho dân cư trên địa bàn.

2. Đối tượng giao nhận tài sản:

- Bên giao: là Giám đốc nông, lâm trường, xí nghiệp, công ty hiện đang quản lý các tài sản thuộc diện bàn giao (gọi tắt là Bên giao).

- Bên nhận: là các đơn vị được uỷ quyền nhận bàn giao tài sản (gọi tắt là Bên nhận) gồm:

+ Đối với các ngành: giao thông, thuỷ lợi, trường học, y tế là Giám đốc các đơn vị chuyên ngành được Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố uỷ quyền;

+ Đối với ngành điện lực là Giám đốc các đơn vị điện lực do Tổng công ty Điện lực Việt Nam uỷ quyền.

- Đơn vị chủ trì việc giao nhận tài sản: là Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể uỷ quyền cho Sở Tài chính thay mặt chủ trì việc giao nhận tài sản.

3. Nguyên tắc bàn giao:

Bàn giao nguyên trạng về tài sản và vốn theo số liệu ghi trên sổ sách kế toán của Bên giao tại thời điểm bàn giao.

Bên giao: thực hiện ghi giảm nguyên giá, giảm khấu hao, giảm vốn đối với tài sản bàn giao.

Đối với tài sản đầu tư bằng nguồn vốn :

- Vay (vay ngân hàng, vay Quỹ Hỗ trợ phát triển, vay cán bộ, công nhân viên, vay khác);

- Huy động (huy động của dân, của cán bộ công nhân viên có giao ước trả nợ);

- Sử dụng Quỹ phúc lợi để đầu tư;

Nếu Bên giao có đầy đủ hồ sơ chứng minh số nợ vay, số vốn huy động và sử dụng nguồn Quỹ phúc lợi để đầu tư tài sản; số còn nợ chưa trả thể hiện trên sổ sách kế toán và có Biên bản đối chiếu xác nhận nợ thì được ngân sách Nhà nước xem xét hỗ trợ một phần kinh phí để thanh toán số nợ còn lại.

Bên nhận: Thực hiện tiếp nhận tài sản, hạch toán tăng nguyên giá và vốn theo kết quả bàn giao thuộc nguồn vốn ngân sách và thực hiện quản lý, sử dụng tài sản theo tính chất hoạt động của đơn vị là sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp có thu hoặc đơn vị hành chính sự nghiệp.

4. Hồ sơ bàn giao tài sản bao gồm:

- Quyết định đầu tư, dự toán được duyệt, biên bản nghiệm thu công trình, quyết toán xây dựng cơ bản được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Hồ sơ tài liệu liên quan việc xác định nguyên giá, khấu hao tài sản cố định và giá trị còn lại của tài sản bàn giao.

- Khế ước vay, hợp đồng vay, huy động vốn đối với ngân hàng, Quỹ Hỗ trợ phát triển, cán bộ, công nhân viên, các tổ chức kinh tế khác.

Biên bản đối chiếu xác nhận nợ với ngân hàng, Quỹ Hỗ trợ phát triển hoặc bên cho vay; các chứng từ sổ sách phản ảnh số nợ đã trả và số nợ chưa trả đến thời điểm bàn giao.

Trường hợp Bên giao không có đủ hồ sơ theo quy định, Bên giao và Bên nhận vẫn thực hiện bàn giao tài sản; Sở Tài chính cùng hai bên giao, nhận có trách nhiệm xác định, thuyết minh rõ nguyên nhân, kiến nghị biện pháp xử lý đối với số còn nợ vay vốn đầu tư .

5. Xử lý hỗ trợ vốn vay đầu tư:

a.) Mức hỗ trợ: Mức hỗ trợ kinh phí để thanh toán nợ đầu tư tài sản bàn giao không vượt quá giá trị còn lại của tài sản theo sổ sách kế toán tại thời điểm bàn giao sau khi đã sử dụng nguồn vốn khấu hao tài sản cố định, nguồn Quỹ đầu tư phát triển để trả nợ. Mức hỗ trợ không vượt quá số dư nợ vay đầu tư tại thời điểm bàn giao. Việc hỗ trợ vốn vay đầu tư còn nợ chỉ thực hiện cho Bên giao.

b.) Phương thức hỗ trợ:

- Đối với doanh nghiệp do địa phương quản lý, Sở Tài chính địa phương có trách nhiệm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương năm 2005. Trường hợp các địa phương có khó khăn về nguồn xử lý nợ vay đầu tư tại thời điểm bàn giao, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính. Bộ Tài chính căn cứ khả năng ngân sách nhà nước tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ một phần từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.

- Đối với doanh nghiệp do Trung ương quản lý: Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn từ ngân sách trung ương năm 2005 để xử lý hỗ trợ nợ vay đầu tư tài sản cho các nông, lâm trường thuộc Trung ương quản lý.

c.)Thủ tục hỗ trợ:

- Trên cơ sở Biên bản bàn giao tài sản, Bên giao lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí thanh toán nợ vay đầu tư gửi về Sở Tài chính địa phương (đối với doanh nghiệp địa phương quản lý) hoặc Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp do Trung ương quản lý. Hồ sơ gồm:

+ Công văn đề nghị của doanh nghiệp;

+ Biên bản bàn giao tài sản;

+ Báo cáo tài chính năm 2003;

+ Biên bản đối chiếu nợ có xác nhận của ngân hàng, Quỹ Hỗ trợ phát triển hoặc bên cho vay.

6. Trách nhiệm của bên giao, bên nhận và các cơ quan liên quan:

- Bên giao:

+ Chuẩn bị hồ sơ tài liệu để bàn giao theo nội dung nêu tại Điểm 4 của Thông tư này.

+ Có công văn đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc Tổng công ty Điện lực Việt Nam uỷ quyền cho đơn vị chuyên ngành tiếp nhận tài sản và Sở Tài chính trên địa bàn để tổ chức thực hiện bàn giao tài sản.

+ Hoàn trả vốn vay sau khi được Ngân sách hỗ trợ kinh phí.

- Bên nhận:

+ Tiếp nhận tài sản, hồ sơ, tài liệu liên quan tài sản do Bên giao bàn giao.

+ Hạch toán tăng tài sản, quản lý, sử dụng tài sản sau bàn giao theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.

- Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì và hướng dẫn Bên giao, Bên nhận thực hiện giao nhận tài sản theo đúng hướng dẫn của Thông tư này và lập Biên bản bàn giao tài sản (theo Biểu số 1); Kết thúc năm 2004, tổng hợp kết quả thực hiện bàn giao tài sản của các doanh nghiệp trên địa bàn (theo Biểu số 2) báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản uỷ quyền và hướng dẫn, kiểm tra đơn vị được uỷ quyền thuộc địa phương tiếp nhận, quản lý tài sản theo đúng quy định.

- Tổng công ty Điện lực Việt Nam có công văn uỷ quyền Công ty điện lực các tỉnh thực hiện tiếp nhận, quản lý tài sản và phối hợp với Sở tài chính trên địa bàn hướng dẫn, giám sát việc thực hiện bàn giao.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngành điện, các nông, lâm trường có tài sản bàn giao phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Thị Băng Tâm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.