• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 08/05/1990
  • Ngày hết hiệu lực: 01/03/1995
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 138-HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 8 tháng 5 năm 1990

NGHỊ ĐỊNH

Nhiệm vụ và tổ chức bộ máy ngân hàng Nhà nước Việt Nam

 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng 4 tháng 7 năm 1981;

Căn cứ Nghị định số 196/HĐBT ngày 12-11-1989 của Hội đồng Bộ trưởng quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ;

Xét đề nghị của Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng, có chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngoại hối, nhằm mục tiêu cơ bản là góp phần ổn định tiền tệ, bảo vệ giá trị của đồng tiền quốc gia.

Điều 2

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các nhiệm vụ:

1- Soạn thảo các chính sách và văn bản pháp quy về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối trình các cấp có thẩm quyền quyết định; tổ chức và kiểm tra việc thực hiện các văn bản đó.

2- Ban hành các quy định về tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối,

vàng, kim khí quý, đá quý.

3- Tổ chức việc in tiền, đúc tiền, bảo quản tiền dự trữ phát hành; phát hành tiền và quản lý lưu thông tiền tệ theo quy định của Nhà nước.

4- Nhận và trả tiền gửi của kho bạc Nhà nước, các Ngân hàng, tổ chức tín dụng, cơ quan nước ngoài và tổ chức quốc tế. Cho vay đối với các Ngân hàng, tổ chức tín dụng và kho bạc Nhà nước.

5- Tổ chức và chỉ đạo thực hiện việc thanh toán bằng tiền mặt và không bằng tiền mặt giữa các Ngân hàng, tổ chức tín dụng trong nền kinh tế quốc dân.

6- Quản lý ngoại hối và các nghiệp vụ hối đoái; lập cán cân thanh toán quốc tế; bảo quản dự trữ Nhà nước về ngoại hối, vàng, kim khí quý, đá quý; kinh doanh ngoại hối trên thị trường quốc tế.

7- Đại diện Chính phủ Việt Nam tại các tổ chức tiền tệ, tín dụng và ngân hàng quốc tế. Trực tiếp ký kết hoặc theo uỷ nhiệm của Chính phủ ký kết các hiệp định về tiền tệ, tín dụng, thanh toán với nước ngoài và các tổ chức quốc tế.

8- Trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định việc thành lập hoặc giải thể các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển, tổ chức tín dụng, Công ty tài chính quốc doanh; phê duyệt điều lệ, cấp hoặc thu hồi giấy phép hoạt động của các Ngân hàng và các Công ty trên đây; trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định việc cho phép, cấp hoặc thu hồi giấy phép hoạt động của các chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đặt tại Việt Nam hoặc Ngân hàng nước ngoài liên doanh với Ngân hàng Việt Nam; cấp hoặc thu hồi giấy phép hoạt động của các tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh.

9- Quy định mức vốn điều lệ, giới hạn mức vốn hoạt động, cơ cấu cho vay, tỷ lệ dự trữ tối thiểu bắt buộc và các quỹ dự trữ cho hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, Công ty tài chính.

10- Công bố lãi suất các loại tiền gửi và cho vay; hối xuất chính thức giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ, sau khi được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê chuẩn.

11- Được sử dụng quyền của một pháp nhân, được có vốn pháp định để trực tiếp tiến hành các hoạt động về tiền tệ, tín dụng thanh toán, ngoại hối, bảo quản dự trữ Nhà nước về ngoại hối và vàng thực hiện kinh doanh ngoại tệ trên thị trường quốc tế theo nguyên tắc hạch toán kinh tế và có tổng kết tài sản theo luật định.

12- Thanh tra các Ngân hàng, tổ chức tín dụng, Công ty tài chính, các tổ chức kinh tế và cá nhân trong việc chấp hành các văn bản pháp quy về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và trong việc chấp hành các giấy phép được cấp.

13- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoạt động giao dịch với các ngân hàng chuyên doanh, các tổ chức tín dụng trong nước, với Ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tiền tệ quốc tế, không trực tiếp giao dịch tiền tệ, tín dụng với các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế.

14- Tổ chức đào tạo nghiệp vụ, kỹ thuật Ngân hàng.

Điều 3

Cơ cấu tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gồm có:

Văn phòng,

Thanh tra Ngân hàng,

Vụ phát hành và kho quỹ,

Vụ Tiền tệ đối ngoại,

Vụ Quản lý ngoại hối,

Vụ Kế toán và tổng kiểm soát,

Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng,

Vụ Tổ chức, cán bộ và đào tạo,

Cục Quản trị,

Vụ Kinh tế kế hoạch,

Viện Tiền tệ, tín dụng,

Tạp chí Ngân hàng,

Các trường đại học và trung học ngân hàng,

Các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố.

Các xí nghiệp hoặc Công ty chuyên ngành do Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định.

Điều 4

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước, là thành viên Hội đồng Bộ trưởng. Giúp việc Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước có một số Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng bổ nhiệm, trong đó có một Phó tổng giám đốc thứ nhất.

Điều 5

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký, thay thế Nghị định số 53-HĐBT ngày 26-3-1988 về tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các quy định tại các văn bản khác trái với Nghị định này. Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Điều 6

Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Chủ tịch hội đồng bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Mười

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.