• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 18/11/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 26/03/2010
BỘ TƯ PHÁP
Số: 04/2003/TT-BTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 10 năm 2003

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2003

của Chính phủ về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật

____________________________

 

Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 65/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật;

Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật (sau đây gọi tắt là Nghị định số 65/2003/NĐ-CP) như sau:

1. Về việc thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật

1.1. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp nói tại Nghị định số 65/2003/NĐ-CP là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định tại Bộ luật dân sự.

1.2. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp muốn thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật theo quy định của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP thì phải thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật theo quy định của Nghị định này.

1.3. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp tỉnh được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật trong phạm vi địa phương mình.

Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp Trung ương, cấp ngành Trung ương được thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật trong phạm vi cả nước.

2. Về việc đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật

2.1. Trung tâm tư vấn pháp luật do tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là tổ chức chủ quản) cấp tỉnh thành lập thực hiện việc đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Tư pháp), nơi đặt trụ sở của tổ chức chủ quản.

Trung tâm tư vấn pháp luật do tổ chức chủ quản cấp Trung ương, cấp ngành Trung ương thành lập thực hiện việc đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp, nơi đặt trụ sở của Trung tâm.

2.2. Điều lệ của Trung tâm tư vấn pháp luật do tổ chức chủ quản ra quyết định thành lập Trung tâm ban hành, phù hợp với Điều lệ chung và các quy định khác của tổ chức chủ quản đó.

2.3. Điều lệ của Trung tâm tư vấn pháp luật có nội dung chính sau đây:

a) Tên, địa chỉ của Trung tâm tư vấn pháp luật;

b) Lĩnh vực hoạt động;

c) Cơ cấu tổ chức, quản lý;

d) Quyền và nghĩa vụ của tư vấn viên pháp luật, nhân viên của Trung tâm tư vấn pháp luật;

đ) Chế độ phụ cấp hoặc thù lao đối với tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật;

e) Các trường hợp chấm dứt hoạt động;

g) Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ của Trung tâm tư vấn pháp luật.

2.4. Giấy tờ xác nhận về địa điểm làm việc của Trung tâm tư vấn pháp luật theo quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP là bản sao công chứng hợp đồng thuê nhà làm trụ sở của Trung tâm hoặc văn bản của tổ chức chủ quản xác nhận về địa điểm giao dịch và làm việc của Trung tâm.

3. Về phạm vi hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật

3.1. Trung tâm tư vấn pháp luật được thực hiện tư vấn pháp luật trong phạm vi quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP.

3.2. Trung tâm tư vấn pháp luật không được cử tư vấn viên pháp luật thực hiện việc bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, các đương sự khác trước các cơ quan tiến hành tố tụng.

Trong trường hợp tổ chức chủ quản cử tư vấn viên pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện việc bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thành viên của tổ chức mình hoặc các đối tượng khác theo quy định của pháp luật tố tụng, thì tư vấn viên pháp luật đó không được lấy danh nghĩa là tư vấn viên pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật.

4. Về việc đặt chi nhánh của Trung tâm tư vấn pháp luật

4.1. Chi nhánh của Trung tâm tư vấn pháp luật nói tại Khoản 3 Điều 5 của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm, do Trung tâm đặt tại địa phương, nơi đặt trụ sở chính của tổ chức chủ quản. Chi nhánh được thực hiện tư vấn pháp luật trong phạm vi hoạt động được ghi trong Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm.

4.2. Chi nhánh của Trung tâm tư vấn pháp luật phải có ít nhất 1 tư vấn viên pháp luật. Trung tâm tư vấn pháp luật cử một tư vấn viên pháp luật làm Trưởng chi nhánh.

4.3. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày đặt chi nhánh, Trung tâm tư vấn pháp luật phải thông báo bằng văn bản về việc đặt chi nhánh cho Sở Tư pháp, nơi đặt trụ sở của Trung tâm.

5. Về bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật

5.1. Chương trình bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 13 của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP bao gồm các bài giảng về những nội dung sau đây:

a) Giới thiệu các văn bản pháp luật về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật; quyền và nghĩa vụ của tư vấn viên pháp luật: 5 tiết;

b) Kỹ năng tư vấn chung của tư vấn viên pháp luật: 5 tiết;

c) Kỹ năng tư vấn về pháp luật dân sự: 10 tiết;

d) Kỹ năng tư vấn về pháp luật hôn nhân và gia đình: 5 tiết;

đ) Kỹ năng tư vấn về pháp luật lao động và kinh tế : 10 tiết;

e) Kỹ năng tư vấn về pháp luật hình sự : 10 tiết;

g) Kỹ năng tư vấn về pháp luật khiếu nại, tố cáo: 5 tiết.

5.2. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các tổ chức chủ quản tổ chức khoá bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật. Các tổ chức chủ quản chịu trách nhiệm về kinh phí tổ chức của khóa bồi dưỡng.

5.3. Người hoàn thành khóa bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật được Sở Tư pháp cấp Giấy chứng nhận đã qua bồi dưỡng về kỹ năng tư vấn pháp luật. Giấy chứng nhận này có giá trị trong phạm vi toàn quốc.

5.4. Tổ chức chủ quản có trách nhiệm thường xuyên cập nhật thông tin pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng tư vấn cho tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc tổ chức mình.

6. Về thủ tục cấp Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật

Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật được cấp theo đề nghị của Trung tâm tư vấn pháp luật khi Trung tâm đăng ký hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều 6 hoặc khi thay đổi nội dung đăng ký hoạt động theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP.

7. Về công tác kiểm tra của Sở Tư pháp

7.1. Sở Tư pháp thực hiện kiểm tra về tổ chức và hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật, chi nhánh của Trung tâm theo định kỳ hàng năm. Khi tiến hành kiểm tra, Sở Tư pháp phải thông báo cho Trung tâm, chi nhánh của Trung tâm trước 7 ngày về thời gian và nội dung kiểm tra.

7.2. Sở Tư pháp có thể tiến hành kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp hoặc uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đặt trụ sở của Trung tâm tư vấn pháp luật.

8. Về chế độ báo cáo

8.1.Trung tâm tư vấn pháp luật báo cáo Sở Tư pháp về tình hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm và chi nhánh của mình. Báo cáo 6 tháng được gửi trước ngày 30/6 và báo cáo năm được gửi trước ngày 31/12.

8.2. Sở Tư pháp báo cáo Bộ Tư pháp về tình hình tổ chức và hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp luật, chi nhánh của Trung tâm tại địa phương. Báo cáo 6 tháng được gửi trước ngày 15/7 và báo cáo năm được gửi trước ngày 15/1.

9.Về quy định chuyển tiếp

9.1. Các Văn phòng tư vấn pháp luật, Trung tâm tư vấn pháp luật của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đã được thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định số 65/2003/NĐ-CP có hiệu lực được tiếp tục hoạt động, nhưng trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, phải chuyển đổi thành Trung tâm tư vấn pháp luật theo quy định của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP và đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp, nơi đặt trụ sở của Trung tâm.

9.2. Hồ sơ đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật nói tại điểm 9.1 của Thông tư này gồm các giấy tờ sau đây:

a) Điều lệ của Trung tâm tư vấn pháp luật do tổ chức chủ quản ban hành theo quy định tại điểm 2.2 và 2.3 của Thông tư này;

b) Biểu phí do tổ chức chủ quản lập căn cứ vào quy định tại Khoản 3 Điều 10 của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP;

c) Danh sách chuyên viên tư vấn pháp luật có đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP được đề nghị cấp Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật, kèm theo giấy xác nhận của tổ chức chủ quản về thời gian làm việc tại Văn phòng tư vấn pháp luật, Trung tâm tư vấn pháp luật của chuyên viên tư vấn pháp luật đó.

9.3. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm tư vấn pháp luật và cấp Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật cho người có đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 24 của Nghị định số 65/2003/NĐ-CP.

 10. Ban hành kèm theo Thông tư này các mẫu giấy tờ sau đây:

a) Đơn đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật (mẫu số 1);

b) Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật (mẫu số 2);

c) Giấy chứng nhận đã qua khóa bồi dưỡng kỹ năng tư vấn pháp luật (mẫu số 3);

d) Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật (mẫu số 4);

đ) Hợp đồng cộng tác viên (mẫu số 5);

e) Thông báo về việc đặt chi nhánh của Trung tâm tư vấn pháp luật (mẫu số 6);

g) Thông báo thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật (mẫu số 7);

h) Thông báo chấm dứt hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật và chi nhánh (mẫu số 8);

i) Báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật và chi nhánh (mẫu số 9);

k) Báo cáo của Sở Tư pháp về tình hình tổ chức và hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp luật tại địa phương (mẫu số 10).

11. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các Sở Tư pháp, các tổ chức chủ quản và Trung tâm tư vấn pháp luật phản ánh kịp thời để Bộ Tư pháp hướng dẫn, giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Uông Chu Lưu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.